.

Anh em một nhà

.

37 năm trước, lúc mới vào nghề dạy học, thầy Đặng Nhứt được phân công về dạy ở Trường cấp 2 Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Suốt 7 năm ròng ngoài một buổi lên lớp, một buổi thầy và trò cùng phát rẫy trồng sắn, kiếm thêm cái ăn để đeo đuổi con chữ. Về phố, thầy lại dẫn học trò Trường cấp 2 Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) về Hòa Nhơn trồng sắn, trồng bạch đàn… Ân tình với mảnh đất nghèo khó ấy, hằng năm thầy tổ chức các đợt hỗ trợ sách vở, bút mực cho học sinh nhiều xã ở Hòa Vang, bởi như thầy nói là dù ở đâu thì với giáo viên hay học trò đều như anh em một nhà.

Học trò Trường TH Hòa Bắc.                  Ảnh: CÔNG HỚN
Học trò Trường TH Hòa Bắc. Ảnh: CÔNG HỚN

Những chuyến xe “ngược núi”

Năm 2007, Trường tiểu học (TH) Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) do thầy Đặng Nhứt làm hiệu trưởng có chuyến đi đầu tiên về lại Hòa Vang trong vai trò vừa là đồng nghiệp, vừa là mạnh thường quân mang 10.600 cuốn vở về tặng cho học sinh nghèo hai trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Hòa Phong) và Trường THCS Phạm Văn Đồng (xã Hòa Nhơn). Chuyến đi này, thầy chọn một số em học sinh giỏi, lớp trưởng hoặc lớp phó đi cùng, để các em được tận tay trao quà, giao lưu với các bạn. Buổi chào cờ thứ hai kế đó, hàng chục bài viết cảm nhận của học sinh trên chuyến xe “ngược núi” ấy đã được đọc dưới cờ. Tình cảm và sự sẻ chia giữa những em học sinh với nhau, giữa những đứa trẻ ở phố áo quần tinh tươm, đủ đầy vật chất với những đứa trẻ ở quê có thể ăn chưa ngon, mặc chưa đủ đã dấy lên tinh thần cảm thông, biết giúp đỡ bạn bè của các em học sinh. Bài học ấy đầy ắp tính nhân văn và lớn lao hơn bất kỳ những lời rao giảng đạo đức nào khác. Từ đó, trong bất kỳ đợt phát động nào về giúp đỡ bạn nghèo khó cùng trường hay khác trường, học trò Trường TH Trần Văn Ơn đều cố gắng vượt bậc, đi đầu trong phong trào này của toàn quận. Như hiện nay trường có đến 114 học sinh nghèo, đều được nhà trường hỗ trợ sách vở cũng như các khoản đóng góp; chưa kể 30 em sẽ là học trò lớp 1 của trường, gia đình nghèo được tặng áo, cặp sách, vở… trước khi tựu trường.

Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng với dự án hỗ trợ huyện Hòa Vang về công tác giáo dục, trong tháng 7 vừa qua đã đào tạo cho 116 học viên lớp lập website dành cho cán bộ quản lý và giáo viên tin học các trường TH, THCS trong 3 tuần; đào tạo 120 học viên về biên soạn giáo án điện tử dành cho giáo viên các bộ môn toán, lý, hóa, sinh (cấp THCS, mỗi môn hai giáo viên) và giáo viên cấp tiểu học, mầm non (mỗi trường hai giáo viên) trong 4 tuần.

Những năm sau này, nhiều mạnh thường quân thường nhờ thầy Nhứt cùng tham gia trong những chuyến xe “ngược núi”, về giúp đỡ các em học sinh Hòa Vang. Những chuyến đi nặng nghĩa tình ấy luôn kèm theo lúc thì 1.000, lúc thì 1.300 cuốn vở, cùng bút mực, áo quần… Lúc thì đến một trường tiểu học ở Hòa Nhơn, lúc thì chạy thẳng lên Hòa Khương… Mới đây nhất, do trong kỳ nghỉ hè, thầy và các nhà hảo tâm đến thẳng nhà một số học sinh nghèo của Trường TH Hòa Tiến ở thôn Lệ Sơn, tặng cho các em sách vở, để gánh nặng chuẩn bị đồ dùng cho con trước khi bước vào một năm học mới của những gia đình nghèo vơi bớt…

Về Trường TH Hòa Bắc, xã nghèo và xa nhất của huyện Hòa Vang, cô Hiệu trưởng Trần Thị Huệ giở cuốn sổ vàng của trường, trong đó ghi nhận một số buổi tặng quà của các mạnh thường quân là các đơn vị, doanh nghiệp, số lần ghi “giao lưu và tặng quà” của các trường tiểu học ở nội thành lên đây đếm trên đầu ngón tay. Mới đây nhất, vào ngày 22-12-2012, Trường TH Lê Quý Đôn (quận Hải Châu) đến thăm trường, tặng 200 cuốn vở, bút viết. Sở dĩ Trường TH Lê Quý Đôn “giao lưu” với TH Hòa Bắc là vì năm học trước, một giáo viên của trường chuyển về dạy ở phố, chuyến thăm lại học trò và đồng nghiệp cũ của TH Lê Quý Đôn còn là để kết hợp với việc họ thăm đơn vị Đài quan sát Phòng không A2 đóng tại Hòa Bắc. Chỉ tiếc rằng, như chia sẻ của cô Huệ, việc các trường ở nội thành giao lưu trao đổi kinh nghiệm giảng dạy hay tặng quà cho học trò các trường nghèo ở Hòa Vang chưa được thường xuyên. Cô chỉ mong rằng, phong trào giao lưu, kết nghĩa, những chuyến đi “ngược núi” sẽ được duy trì bền lâu, tạo sự gắn kết thân tình giữa miền núi và thành thị.

Quan tâm hơn đến chuyện chia sẻ giữa nội-ngoại thành

Các trường ở Hòa Vang luôn mong mỏi được đón tiếp bạn bè đồng nghiệp, học trò ở dưới xuôi lên, không chỉ là việc được nhận quà, mà còn là chuyện trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, để những gì còn thiếu, còn yếu của các trường vùng xa được hỗ trợ, được chia sẻ một cách lâu dài.   

Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng trong các buổi tổng kết năm học, đều ghi nhận chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn thành phố không ngừng được nâng lên, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nội thành và ngoại thành. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, cơ sở vật chất, đội ngũ, sự quan tâm của cha mẹ học sinh… chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn còn chênh lệch so với các trường ở trung tâm thành phố.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết sắp tới sẽ yêu cầu các đơn vị, trường học dựa trên tình hình thực tế của mình để đăng ký và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện ít nhất một nội dung về các trường ở nội thành giúp đỡ các trường ở Hòa Vang. Như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây dựng trường, thư viện, phòng bộ môn đạt chuẩn quốc gia; Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; Bồi dưỡng giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giáo dục; Công tác phổ cập giáo dục; bồi dưỡng học sinh giỏi; phụ đạo học sinh yếu kém… Lúc đó vấn đề giúp đỡ của các trường ở nội thành giúp Hòa Vang mới đi vào thực chất.

Sau một năm phát động, đến ngày 13-6-2013, toàn ngành đã vận động được hơn 1 tỷ đồng (trong đó Phòng GD-ĐT quận Hải Châu là 211,2 triệu đồng, Phòng GD-ĐT quận Thanh Khê 164 triệu đồng…) xây dựng 2 phòng học bộ môn tại Trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Hòa Phong) và sẽ đưa vào sử dụng trong đầu năm học 2013-2014.

Trong  các năm 2012, 2013 ưu tiên bố trí ngân sách trong việc xây dựng, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, mua sắm thiết bị dạy học với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng.

Nguồn: Sở GD-ĐT Đà Nẵng

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.