.

Công bằng trong hưởng thụ giáo dục

.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên và không thể đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối trong đầu tư cũng như chất lượng giáo dục. Nhưng để tạo được sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục giữa học sinh các trường, các vùng miền, thì ngành giáo dục phải tập trung đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và chất lượng giáo viên…

Trường TH Võ Thị Sáu được công nhận chuẩn quốc gia lần 2 vào năm 2010 nhưng nhiều năm nay không thể tuyển đủ HS lớp đầu cấp.           Ảnh: S.L
Trường TH Võ Thị Sáu được công nhận chuẩn quốc gia lần 2 vào năm 2010 nhưng nhiều năm nay không thể tuyển đủ HS lớp đầu cấp. Ảnh: S.L

Câu chuyện cha mẹ chạy trường cho con bằng hộ khẩu, xin cho con học trái tuyến ở các trường điểm thuộc các quận nội thành luôn là vấn đề nóng trước thềm mỗi năm học mới. Trong khi đó, trình độ của đội ngũ giáo viên (GV) hiện nay hầu hết đều trên chuẩn (tốt nghiệp CĐ hoặc ĐH sư phạm), tận tâm với học trò, có nhiều sáng tạo trong phong trào giảng dạy và làm đồ dùng dạy học. Vậy, vấn đề cốt lõi còn lại là cơ sở vật chất của các trường khác biệt nhau, khiến phụ huynh khi nhìn vào để chọn trường cho con chỉ theo cảm quan tự nhiên mà quên mất yếu tố chất lượng. Và để mọi học sinh đều có quyền bình đẳng về điều kiện và cơ hội học tập trong những ngôi trường khang trang như nhau, chỉ còn cách ngành GD&ĐT huy động mọi nguồn lực đầu tư cho các trường những phòng học bộ môn và thư viện đạt chuẩn, bảo đảm dạy đi đôi với thực hành.

Những ngôi trường luôn... thiếu học sinh

Con đường dẫn vào Trường TH Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà) nhiều năm nay vẫn không có gì thay đổi với lổn nhổn đá dăm. Phía sau và một bên sân trường, cỏ dại mọc um tùm như muốn nuốt lấy phần sân chơi nhỏ bé của các em học sinh (HS). Cô Hiệu trưởng Trương Thị Hồng Anh giới thiệu cho tôi danh sách từng lớp học. Mà cũng không nhiều nhặn gì để nói vì tổng số HS toàn trường chỉ bằng số HS hai lớp ở các trường khác, tức chỉ hơn 80 em.

Năm học này trường điều tra phổ cập có 32 em vào lớp 1, nhưng đến ngày cuối cùng chốt hồ sơ, trường chỉ tuyển được 16 em, trong đó có 9 hồ sơ được nộp vào ngày cuối. Năm học 2012-2013, điều tra có 17 em vào lớp 1 của trường thì chỉ có 11 HS theo học; trước đó một năm, con số điều tra là 42 em thì có 21 em nhập học…Số HS ít, trường lại nằm lọt giữa khu dân cư mà nghề chính của người dân là trồng hoa nên ban giám hiệu nhà trường cũng không thể đặt nặng vấn đề thành tích hay chất lượng HS phải ngang bằng các trường trên cùng địa bàn phường Phước Mỹ. Năm học vừa qua trường có HS đạt các giải như giao lưu HS giỏi cấp thành phố, thi IOE (Anh văn trên mạng), giải toán trên mạng. 17 cán bộ, GV của trường đều tốt nghiệp CĐ hoặc ĐH Sư phạm, trong đó có 3 GV là GV giỏi cấp quận… Số giải thưởng ít ỏi đó cũng trở thành “của hiếm” trong 10 năm thành lập trường. Cô Hồng Anh nói vui là HS học ở trường Nguyễn Văn Thoại này giống như học ở trường quốc tế, một GV phụ trách hơn 10 HS; trong khi các trường khác, một GV phải phụ trách 35-40 HS.

Năm học này tiếp tục là một năm Trường TH Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) tuyển không đủ HS. Cô Phan Thị Thu Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này trường được giao chỉ tiêu tuyển 6 lớp 1 nhưng trường chỉ tuyển được 5 lớp với 164 HS, trong khi con số điều tra phổ cập lên đến 205 HS. Hai năm học trước đó trường cũng chỉ tuyển được 3 đến 4 lớp 1. Cô Thu Lan cho rằng diện tích của trường gần 10.000m2, sân trường rợp bóng cây xanh; trường dư 3 phòng học, trường tổ chức tốt công tác bán trú cho HS và đảm bảo các em được học 2 buổi/ngày; năm nào cũng có HS đạt các giải thưởng cấp quận và thành phố; 100% GV tốt nghiệp ĐH Sư phạm, các thầy cô rất tâm huyết với nghề, đặc biệt với HS khuyết tật (trường có 19 HS khuyết tật, nhiều nhất quận Hải Châu), trường không có HS lực học yếu và được công nhận đạt chuẩn quốc gia lần 2 vào năm 2010… thế nhưng chuyện tuyển sinh đầu cấp bao giờ cũng là vấn đề “đau đầu”. Mỗi năm các cô giáo tham gia điều tra phổ cập đều giới thiệu về trường với phụ huynh nhưng kênh quảng bá này không đạt hiệu quả.

Một cán bộ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho rằng, dân số của phường tăng đột biến trong mấy năm gần đây, khi chủ trương của thành phố tập trung xây các khu chung cư, giãn dân ở các phường khác về… nếu tính thẳng thắn thì số HS vào học các trường trong phường phải tăng rất mạnh. Nhưng thực tế là các trường TH, THCS vẫn chỉ đón con em của người dân đã sống lâu đời ở đây, còn con cán bộ viên chức về ở trong các khu chung cư thì tuyệt nhiên không chọn trường của phường để học.

Vấn đề này trả lời câu hỏi vì sao nhiều trường ở quận Hải Châu nhận rất đông HS, đa số các trường tăng từ 1-3 lớp so với năm học trước. Thầy giáo một trường TH trên địa bàn phường Hải Châu 2, quận Hải Châu cho biết, HS của trường nhiều em ở Sơn Trà, Cẩm Lệ, Hòa Khánh, thậm chí ở Ngũ Hành Sơn cũng xin về học tại trường, do bố mẹ đi làm tiện đường đưa đón con cái.

Đầu tư cơ sở vật chất mới tạo sự công bằng

10 năm sau ngày chia tách từ Trường TH Ngô Mây, trường TH Nguyễn Văn Thoại vẫn không có gì thay đổi. Cô Hồng Anh chờ đợi một ngày nào đó trường được sát nhập vào Trường TH Lương Thế Vinh, chỉ cách đó vài trăm mét, giao trường lại cho quận để đầu tư làm một trường THCS trọng điểm của Sơn Trà như một dự án được trù tính cách đây vài năm…

Còn cô Thu Lan thì mong từ năm học tới, sẽ không còn trường hợp HS trái tuyến, lúc đó 3 phòng học còn dư của Trường TH Võ Thị Sáu được lấp đầy và  126 bộ bàn ghế mới cho 7 phòng học của kế hoạch đầu tư năm trước sẽ được cấp trong năm nay…

Trong khi nhiều trường ở Hải Châu, Sơn Trà mong được tuyển sinh thêm, thì Trường TH Âu Cơ (quận Liên Chiểu, nằm sát xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) nhiều năm trước “khát” HS, thì năm nay Phòng GD giao chỉ tiêu 3 lớp 1, trường phải xin thêm 1 lớp vì tăng thêm hơn 20 HS, do các trường khác quá tải nên số HS đúng tuyến dồn về. Đến Trường TH Âu Cơ bây giờ, không còn cảnh sân trường bùn lầy nước đọng vì hơn 1 nửa sân toàn cát rộng gần 900m2 đã được bê-tông trước Tết vừa qua; cây bóng mát, cây cảnh rợp sân trường. Ngoài ra, phòng GD quận Liên Chiểu còn xây mới cho trường 2 nhà vệ sinh cho HS, lợp tôn mới 5 phòng học, sơn mới 2 dãy phòng học… Thậm chí lối đi từ phòng học ra khu nhà vệ sinh, mới đây UBND quận còn đầu tư để làm mái che, tránh cho HS khỏi ướt khi mùa mưa đến. Cơ sở vật chất (CSVC) được đầu tư khiến bộ mặt của trường Âu Cơ như “lột xác”. Và đây chính là điều phụ huynh yên tâm khi đưa con về học tại trường, đúng tuyến tuyển sinh.

Thầy Nguyễn Hữu Thiện, Hiệu trưởng Trường TH Âu Cơ cho biết, năm 2012, khi về nhận chức hiệu trưởng ở đây, thầy ngỡ ngàng vì CSVC quá nghèo nàn, không biết bắt đầu từ đâu. Sau 1 năm được đầu tư xây dựng, cộng với đội ngũ GV 17/18 người tốt nghiệp ĐH, yêu nghề, quan tâm đến HS; tỉ lệ HS khá giỏi năm vừa qua đạt 83,7%... đã khiến phụ huynh có cái nhìn khác về trường.

Thầy Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng GD quận Liên Chiểu nêu quan điểm rằng, chỉ có đầu tư CSVC đồng đều giữa các trường, mọi HS trong toàn quận mới được hưởng lợi từ giáo dục. Từ đó ngành không đầu tư dứt điểm cho một trường điểm nào để báo cáo thành tích, cũng không đầu tư theo kiểu cuốn chiếu. Như năm nay với riêng bậc TH, Liên Chiểu đã đầu tư gần 700 triệu đồng để sơn toàn bộ hệ thống cửa sắt các phòng học, đóng la-phông 10 phòng học tầng 3…cho Trường TH Nguyễn Đức Cảnh. Đầu tư sơn sửa, tu bổ CSVC cho Trường TH Duy Tân. Tổng số vốn đầu tư cho 2 trường này và Trường TH Âu Cơ gần 3 tỉ đồng. Điều đáng nói là cả 3 trường TH trên đều thuộc dạng khó tuyển HS đầu cấp các năm trước, nhưng năm nay trường nào cũng xin thêm chỉ tiêu lớp 1. Ngành cũng đang trình Sở GD&ĐT để sắp tới xây dựng 12 phòng học ở Trường TH Phan Phu Tiên, 12 phòng Trường TH Trưng Nữ Vương và 8 phòng học Trường TH Nguyễn Văn Trỗi…

Ngành Giáo dục Liên Chiểu đã lên kế hoạch đầu tư để đến năm học 2015 - 2016, sẽ công nhận 100% trường THCS trên địa bàn quận đạt chuẩn quốc gia. Cho đến thời điểm này, Liên Chiểu vẫn chưa có trường THCS nào được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia. Dù đội ngũ GV, chất lượng dạy - học gần như đáp ứng được yêu cầu của trường chuẩn, thế nhưng, phòng chức năng của các trường THCS ở Liên Chiểu còn thiếu hoặc chưa đồng bộ: hoặc thiếu nhà thi đấu, hoặc phòng học bộ môn hay thư viện chưa đạt chuẩn… Năm nay ngành mới đầu tư 5 tỉ đồng cho Trường THCS Lương Thế Vinh sơn sửa phòng học, trồng cây xanh và sắm mới CSVC. Từ năm học trước ngành đã đầu tư phòng học bộ môn cho 2 Trường THCS Lương Thế Vinh và Lê Anh Xuân theo hướng hiện đại, đồng bộ hóa. Hiệu quả rõ rệt của sự trang bị này là ngoài việc rèn luyện được kỹ năng thực hành, HS còn chủ động trong việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức. Dạy - học ở phòng bộ môn cũng là phương án tối ưu nhất để khai thác hết hiệu quả của thiết bị dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Công bằng trong hưởng thụ giáo dục được ngành GD Đà Nẵng đặt ra với bậc học mầm non, chọn mốc 2014 hoàn thành phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến lúc đó, Đà Nẵng cũng tập trung đầu tư mở rộng CSVC, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và chất lượng GV để bảo đảm tất cả trẻ 5 tuổi theo học ở các nhóm lớp tư thục không đủ điều kiện dạy-học phải được học ở các trường công lập, chuẩn bị tốt các kỹ năng tiền học đường cho trẻ.

SONG LINH

;
.
.
.
.
.