.

Đam mê sau tay lái

.

Nhiều học viên đã và đang học lái xe (LX) ô-tô đều cho rằng khi đã cầm vô-lăng và từng bước nhập môn các bài kỹ năng LX, ai cũng “ghiền” như kiểu ngày còn bé được tập đi xe đạp… Nhưng sau các bài học vỡ lòng để lái  được những chiếc xe 4 bánh trở lên, người học lái chịu đủ mọi áp lực mà chỉ có… người đi học mới biết.

Một buổi học lái tại Trường Cao đẳng nghề số 5. Ảnh: H.L
Một buổi học lái tại Trường Cao đẳng nghề số 5. Ảnh: H.L

Sức hút đằng sau chiếc vô-lăng

Hằng ngày lặn lội chạy xe máy từ Hội An ra Đà Nẵng học LX hạng B2, Hà Trọng Nguyên (học viên học LX tại Trường CĐ Nghề số 5, Quân khu 5) cho rằng “khi đã học và lái được ô-tô thì cái vô-lăng có “sức hút” rất lớn, nó làm cho người học “ghiền” vì những điều mới mẻ mà cảm xúc mang lại khi điều khiển một chiếc xe. Người học thường hay hình dung mình đang ngồi sau tay lái thì sẽ xử lý thế nào với các tình huống trên đường. Những hình dung đó cũng giúp cho mình tiếp thu bài học nhanh hơn. Giống như hồi nhỏ tập xe đạp, khi đã giữ cho xe thăng bằng và đi được một đoạn rồi, nếu nhìn thấy chiếc xe đạp thế nào bạn cũng muốn nhảy lên xe đạp vài vòng”.

Ở hạng B2, người học LX chỉ điều khiển được xe từ 4 đến 9 chỗ ngồi, mức thấp nhất trong hệ thống giấy phép LX ô-tô, nhưng lại là phần học được xem là khó nhất với các học viên, và vất vả nhất đối với người dạy.

Theo anh Huỳnh Văn Đạt, lớp B09/13, Trường CĐ Nghề số 5, thì chuyện học LX ô-tô dễ hay khó tùy theo lứa tuổi, tâm lý của người học, “Có thể dễ với người chăm học, bởi cần nhanh nhẹn, để ý kỹ các thao tác của người dạy như chân côn, ga, tay lái đánh nhanh khi vào khúc cua thì chỉ vài bữa sẽ thuần thục một bài kỹ năng. Thêm nữa là người lớn tuổi thì kỹ hơn, chắc hơn; còn mấy anh thanh niên đôi khi nghĩ mình nhanh nhẹn rồi, hay ỷ lại thì chuyện không nắm vững kỹ năng lái cũng là chuyện thường”.

Năm 2007 có 5.210 người được cấp GPLX hạng B trong tổng số 6.669 GPLX các loại; năm 2011 có đến 12.621 người được cấp GPLX hạng B trong tổng số 14.381 GPLX các loại, cao nhất trong 6 năm trở lại đây. 6 tháng đầu năm có 4.526 GPLX hạng B trong tổng số 5.552 GPLX được cấp.

Nguồn: Sở GTVT Đà Nẵng

Với đàn ông hay phụ nữ thì chuyện học LX cũng là một… kho chuyện. Bởi tính chậm chạp của phụ nữ là yếu điểm khiến cho việc học thực hành lái của họ gặp không ít khó khăn. Một học viên nữ cùng nhóm 6 người/xe cùng lớp của anh Đạt không thể nào thuần thục tập lái ở đường zic zăc, dù lúc mới vào buổi tập chị chạy khá tốt. Những lúc như thế, “đồng đội” cùng xe là người hướng dẫn tuyệt vời hơn thầy giáo, vì họ cũng là người mới học, sẽ kỹ lưỡng trong từng chi tiết khi chỉ dạy hơn.

Thầy Nguyễn Hồng Khanh hướng dẫn thực hành của Trường CĐ Nghề số 5 kể rằng, với nhiều học viên nữ khi gặp những bài thực hành khó, không thể vận hành xe theo yêu cầu bài học, đôi khi họ tỏ ra khó chịu, càu nhàu, thậm chí là… khóc và “dọa” sẽ bỏ học. Mỗi khóa học có đến 30-40% là nữ nên thầy hướng dẫn không còn lạ gì chuyện “dỗ” để phụ nữ học cho hết khóa. Và đến khi thi cấp quốc gia để nhận chứng chỉ thì tỷ lệ phụ nữ đậu nhiều hơn nam giới!

Nhiều gia đình hiện nay có nhiều thành viên cùng đi học LX. Phan Xuân Phương, Phan Minh Tuấn là hai anh em ruột cùng tham gia khóa học hạng B2 ở trường Trung cấp Nghề GTCC Đà Nẵng. Vợ anh Tuấn cùng theo học đợt này. “Khi cùng học thì chúng tôi có điều kiện trao đổi với nhau về kỹ năng lái trong từng bài học, những tình huống có thể gặp phải trên đường và cách xử lý thế nào”, anh Phương cho biết. Anh nói thêm, học LX là “như học lại cuộc đời, cẩn thận hơn, rèn luyện kỹ năng lái cũng như các kỹ năng trong cuộc sống. Dù đã qua 40 tuổi, nhiều bài học cuộc đời không thể sửa chữa thì nay, mình sẽ học lại từng kỹ năng để nếu gặp phải tình huống như thế trong cuộc đời cũng dễ xử lý hơn”. Có lẽ thế, mà thầy Đặng Thành Vinh, giáo viên dạy thực hành của Trường Trung cấp Nghề GTCC vẫn nhớ như in là trong 20 năm theo nghề của mình, thầy có một học viên nam tham gia lớp khi đã hơn 70 tuổi, một học viên nữ 57 tuổi. So với lứa tuổi thấp nhất để học LX hạng B2 là 18 tuổi, thì việc học LX – như học lại cuộc đời, không hề quy định độ tuổi.

Ai bảo học LX không… khổ

Nhiều người sau khi qua kỳ thi quốc gia, được cấp bằng lái xe hạng B2 đã thốt lên rằng, thời gian 4 tháng tham gia khóa học là những tháng ngày khổ sở, căng thẳng, kiểu như… bị đày đọa ở trần ai! Đó là chuyện một cô gái tôi biết do mắt bị cận thị, ngoài giờ làm cô mới có thời gian đi học nên các buổi học thực hành toàn diễn ra buổi tối. Vì nhìn đường không rõ nên khi thực hành lái, cô toàn cho xe leo lên lề. Hậu quả là cô thường xuyên bị thầy giáo quát. Bực quá, cô bỏ luôn khóa học. Rồi chuyện một người chị gái khi đi học lái cách đây 7 năm, nhóm có 5 người thì đã có hai phụ nữ đã ngoài tuổi 40, vậy mà cũng suốt ngày bị thầy dạy thực hành “quát”. Sau nhiều buổi như vậy, hai chị hợp tác “quát” lại… thầy giáo! Thế là từ đó hòa bình diễn ra êm đẹp trong chiếc xe có 5 học trò cho đến ngày thi tốt nghiệp.

Nhiều học viên và cả thầy giáo bảo rằng khi ông thầy quát là khi họ thực sự quan tâm đến người học, muốn người học nắm vững kỹ năng, LX thuần thục. Nhưng ức chế tâm lý đằng sau tiếng quát ấy là có người dừng học giữa chừng, có người xin chuyển sang nhóm (xe) khác. Thầy Đặng Thành Vinh cho rằng vì những buổi thực hành lái diễn ra giữa trời nắng nóng, trời mưa, không khí ngột ngạt của tiếng máy xe khiến người thầy giáo dễ to tiếng với trò. Vấn đề này đã được hầu hết các trung tâm dạy LX quán triệt, để những buổi học bớt đi không khí căng thẳng, tạo tâm lý thoải mái cho học viên cũng như thầy giáo.

Chưa hết, nhiều học viên nam cho biết chuyện tiêu cực khi đi học LX là sau buổi học thầy, trò thường rủ nhau vào quán nhậu; rồi chuyện bỏ bì “bồi dưỡng” thầy… Nhiều người hiện nay chọn giải pháp học theo yêu cầu, tùy thuộc vào thời gian của người học, chi phí vào khoảng chừng 9-10 triệu đồng/khóa; thay vì đăng ký học chính quy vào khoảng 6 triệu đồng cho hạng B2 những “chi phí ngoài lề” làm dội tiền học lên gần gấp đôi…

Giấy phép lái xe hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô-tô chở người đến 9 chỗ ngồi; ô-tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển ô-tô chở người đến 9 chỗ ngồi; ô-tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg… (trích Điều 59 của Luật Giao thông đường bộ)

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.