.

Nỗ lực của trường khó

.

Tại nhiều trường thuộc các xã miền núi huyện Hòa Vang, điều kiện kinh tế còn khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Làm thế nào để kết quả dạy và học tập ngày một khá lên luôn là nỗi trăn trở của các thầy giáo, cô giáo.

Hệ thống thư viện đạt chuẩn đã giúp học trò vùng ven có thêm cơ hội tiếp cận nguồn sách phong phú. 		                        (Ảnh do Trường THCS Nguyễn Bá Phát cung cấp)
Hệ thống thư viện đạt chuẩn đã giúp học trò vùng ven có thêm cơ hội tiếp cận nguồn sách phong phú. (Ảnh do Trường THCS Nguyễn Bá Phát cung cấp)

Những cái đầu tiên

Đón chúng tôi tại sân Trường THCS Nguyễn Bá Phát (xã Hòa Liên) một ngày giữa tháng 8, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hân nở nụ cười thân thiện. Ông vừa trải qua một mùa hè với nhiều niềm vui, khi lần đầu tiên, trường nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang vì “có thành tích xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi”. Năm học vừa qua, đội học sinh giỏi của nhà trường đã mang về cho đội tuyển 22 giải thưởng cấp thành phố (tăng 4 giải) và 9 giải thưởng cấp huyện (tăng 3 giải) so với năm học trước. Đặc biệt, đây cũng là năm học đầu tiên, học sinh nhà trường đoạt được Huy chương đồng cấp quốc gia môn giải toán qua mạng lớp 9. Thành tích chỉ vậy thôi cũng đủ làm thầy cô giáo trong trường tràn niềm hưng phấn vào năm học mới. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hân nói rằng, với các trường dưới phố, thành tích ấy là “chuyện thường ngày” vì họ có đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện học hành, trình độ dân trí cũng cao hơn. Còn với một xã vùng ven còn khó khăn như Hòa Liên, đó là mơ ước bấy lâu nay.

Trường THCS Nguyễn Bá Phát trước đây là Trường PTCS Hòa Liên, được thành lập từ năm 1978, lúc đầu cơ sở vật chất nhà trường còn đơn sơ với 10 phòng học dùng cho 2 bậc học. Trước thực trạng đó, nhà trường đã tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng và chính quyền, từng bước xây dựng điểm trường ngày một khang trang, rộng rãi. Đến năm 1991, Trường PTCS Hòa Liên được chia tách thành 2 trường là THCS Hòa Liên và TH Hòa Liên. Năm 2007, Trường THCS Hòa Liên đổi tên thành THCS Nguyễn Bá Phát theo Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 24-5-2007 của UBND huyện Hòa Vang.

Sau gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, mãi đến đầu năm 2013, ngôi trường này mới đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh nỗ lực trong hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các thế hệ thầy giáo, cô giáo nhà trường đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách về điều kiện dạy học cũng như tâm lý trường vùng ven. Đến nay đã có 100% giáo viên lên lớp vận dụng phương pháp mới, phát huy tối đa hiệu quả thiết bị đồ dùng dạy học, triển khai tốt các phần mềm soạn giáo án điện tử, nhập điểm, xử lý kết quả trên máy vi tính. Phương pháp giảng dạy cũng được các tổ chuyên môn thay đổi giúp học sinh dễ tiếp thu như thực hiện các chuyên đề “Sự phong phú và đa dạng của từ đồng nghĩa trong tiếng Việt”; Phương pháp phụ đạo học sinh yếu môn tiếng Anh; Tăng cường khả năng thực hành cho học sinh khi học văn học dân gian; Hướng dẫn giải toán tìm x cho học sinh lớp 6; Những phương pháp tạo hứng thú trong tiết thực hành môn Hóa… Nhà trường cũng sử dụng một phần ngân sách để thưởng nóng cho học sinh, giáo viên đạt thành tích tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi. “Số tiền tuy nhỏ nhưng đó là sự quan tâm, khích lệ tinh thần, tạo sự cạnh tranh “ngầm”, theo hướng tích cực của thầy và trò nhà trường trong những năm học gần đây”, ông Hân chia sẻ.

Cũng nằm trong “top” có thành tích học tập khiêm tốn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) đang từng bước thay đổi chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng Trần Phước Hoàn cho biết, dù trường hiện có tỷ lệ lên lớp trên 90% nhưng chất lượng còn thấp do tỷ lệ học sinh trung bình chiếm đa số, đặc biệt là con em người dân tộc. Đơn cử, năm học 2012-2013, toàn trường chỉ có 25 em đạt loại giỏi, 73 em loại khá còn lại là trung bình và yếu, kém. Cũng theo ông Trần Phước Hoàn, năm học vừa qua cũng là năm đầu tiên Trường THCS Nguyễn Tri Phương có một lớp (6/2) không có học sinh yếu, kém. Đây là niềm vui của thầy và trò nhà trường trong nhiều năm qua.

Vượt qua chính mình

Không phải ngẫu nhiên một số trường tại các xã miền núi như Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc nằm trong “top” trường có thành tích học tập khiêm tốn của huyện Hòa Vang. Có đặt chân đến các trường trong nội thành Đà Nẵng, mới thấy sự khác nhau rõ rệt giữa chất lượng đầu vào của học sinh lẫn cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học. Mặc dù, mỗi năm học mới, tại các trường miền núi, thiết bị và đồ dùng dạy học đều được Sở Giáo dục & Đào tạo cấp một phần, trường bỏ ngân sách đầu tư mua sắm một phần, song chất lượng và số lượng vẫn chưa bảo đảm. Để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động dạy học diễn ra thường xuyên, giáo viên các trường vùng ven phải tận dụng cả những thiết bị dạy học đã cũ, thường xuyên hỏng hóc. Một giáo viên dạy môn Hóa tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương cho rằng, giáo viên dù giỏi đến mấy cũng không thể truyền tải hết nội dung kiến thức nếu chỉ giảng chay, thiếu đi những tiết thực hành, và học sinh cũng không thể có cái nhìn tổng quát mục đích, ý nghĩa bài học nếu quá trình học tập không được thực hành bên cạnh các tiết học lý thuyết.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thầy trò một số trường vùng ven đã nỗ lực “vượt lên chính mình” bằng nhiều biện pháp riêng, phù hợp với thực tế giảng dạy ở từng địa phương. Đơn cử, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, từ năm 2009, để “rèn” học sinh đi vào nền nếp, nhà trường đã thành lập Ban quản sinh, có nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở các em học tập, vui chơi đúng giờ giấc. Đặc biệt, đối với học sinh người Cơ-tu sống trong khu nội trú, ngoài giờ học chính khóa thì các chiều thứ ba, năm, bảy trong tuần, các thầy, cô giáo bộ môn sẽ qua khu nội trú kèm cặp một số em yếu kém. Nhờ đó, nhiều em chưa hiểu bài giảng ở lớp đã mạnh dạn nhờ thầy cô giảng giải thêm cho mình. Để động viên con em người dân tộc sống ở khu bán trú, kết thúc các kỳ thi, em nào có thành tích cao trong học tập sẽ nhận được phần thưởng từ Ban giám hiệu nhà trường.

Ông Lê Văn Phước, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hòa Vang đánh giá, trong 3 năm gần đây, chất lượng giáo dục cấp THCS trên địa bàn có xu hướng tăng, đặc biệt một số trường có “xuất phát điểm” thấp. Nhiều giáo viên dạy chưa đủ giờ ở lớp chính khóa sẵn sàng mở lớp ngày cuối tuần để phụ đạo thêm cho học sinh yếu, kém. Nhờ những nỗ lực này, nhiều trường vùng ven đã dần thoát khỏi áp lực về chất lượng đào tạo, đạt chuẩn cơ sở vật chất. Tất cả hướng tới mục đích chung là nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.