.

Nghề và nghiệp, buồn và vui

.

Năm 1970, sau khi thi đỗ tú tài 2 ban toán, tôi làm lễ đốt sách toán vì tôi biết mình dốt toán và học toán khổ quá. Trong khi thiên hạ vui chơi hoặc ngủ khì thì mình phải toát mồ hôi mò mẫm giải cho được bài toán với vòng tròn Euler đi qua 9 điểm.

Tôi hay nói với bạn bè, học ban toán mà không tìm được một tỉ số và một phép nghịch đảo để biến Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc... thành các đường thẳng thì đừng học toán nữa! Tôi định đi Sài Gòn học luật để trở thành luật sư.

Đại diện học sinh khối lớp 12 Trường THPT Hòa Vang ra trường tặng hoa cảm ơn hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: V.T.L
Đại diện học sinh khối lớp 12 Trường THPT Hòa Vang ra trường tặng hoa cảm ơn hiệu trưởng nhà trường. Ảnh: V.T.L

Một chiều đang lang thang ở Hội An chờ ngày lên máy bay đi Sài Gòn, người bạn rủ tôi đi Huế nộp đơn thi vào đại học sư phạm. Tôi không muốn làm nghề dạy học, chỉ muốn làm luật sư nhưng cũng đi Huế nộp đơn để cho biết “sông Hương, núi Ngự”. “Văn dốt, toán dát”, tôi nộp đơn vào ban sử địa. Thi “viết” xong tôi ra về cùng với nỗi thất vọng, không phải vì không làm được bài mà vì Huế không như những gì trong tâm tưởng của tôi trước đó.

Khoảng một tuần sau, người bạn  báo tin “mày đỗ rồi”. Tôi không vui cũng chẳng buồn. Với máu ham lang bạt, tôi lại đi Huế lần nữa để thi “vấn đáp”. Phong cách của thầy đã chinh phục tôi và cuộc đời tôi đã thay đổi từ lần gặp đầu tiên đó. Tôi từ bỏ “tòa án” để leo lên “bục giảng”. Người thầy đầu tiên mà tôi gặp ở Trường Đại học sư phạm và đã làm cho đời tôi chuyển sang một hướng khác chính là thầy Lê Khắc Phò, Chủ nhiệm bộ môn Sử - Địa của Trường Đại học Sư phạm Huế.

Tôi còn nhớ như in lần gặp gỡ đầu tiên. Thầy trong bộ complet màu xám, vóc người nhỏ nhắn, mái tóc dài vừa phải, chải rất kỹ nhưng cũng rất nghệ sĩ, giọng Huế nặng, đôi mắt sáng, dáng ngồi rất “đại học” và rất “sư phạm”. Bước vào phòng thi, thầy chỉ ghế mời tôi ngồi và bắt đầu “tra khảo”:

- Vì sao anh lại thi vào trường sư phạm và chọn môn sử địa?

Tôi thật tình thưa với thầy mọi việc và kết luận:“Em không biết nhưng có khi là cái duyên”. Không biết có phải do việc này mà thầy tiếp tục hỏi các câu khác, nhờ thế tôi đã thi đỗ và đỗ thủ khoa.

Nhờ phong cách của thầy và một phần cảm thấy tự tin do đỗ cao, rồi những bài học về “luân lý chức nghiệp”, về “thiên chức nhà giáo” đã giúp tôi quên hẳn mộng làm luật sư để yên tâm với nghề dạy học. Sau này dù nhiều lần bị chao đảo vì cuộc sống quá khó khăn tôi vẫn trụ vững được trên bục giảng suốt 37 năm.

Một buổi chiều cuối tháng 5-2011 sau khi dạy xong tiết dạy cuối cùng  trong đời ở lớp 12/3 Trường PTTH Trần Phú, tôi xúc động đặt ¼ viên phấn còn lại trên bàn, đọc 4 câu thơ, chia tay học trò, giã từ bục giảng và “giải nghiệp” làm thầy:

Bỏ viên phấn lại ta về,
Nửa đêm còn ngỡ ngủ mê lạc đường.
Đành thôi giọt nắng sân trường,
Ta về giỡn giữa vô thường trăm năm.

Suốt 37 năm trên bục giảng, có buồn có vui. Buồn ít, vui nhiều, đầy ắp kỷ niệm.

Một lần vào khoảng cuối năm 1986,  cùng đi với vợ ở chợ Cồn (dạo cho vui chứ làm gì có tiền để mua sắm). Một người thanh niên chăm chú nhìn tôi. Tôi cười và giơ tay chào vì nhận ra đó là một học trò cũ của mình ở trường T.P. Người “học trò” nắm tay tôi và hỏi:

- Cậu ở đâu mà mình thấy quen ghê?

Tôi bình tĩnh bảo:

- Mình thấy cậu cũng quen lắm. Hình như mình gặp nhau ở trường T.P thì phải?

Người thanh niên mừng rỡ:

- Nhớ rồi. Cậu học cùng lớp với mình ở trường T.P

Tôi hơi hụt hẫng nhưng cũng vui vẻ nhắc thêm, may ra người học trò có thể nhớ lại:

- Đúng rồi cậu học với mình ở lớp C4 thầy H... làm chủ nhiệm, thầy L.T dạy địa lý.

Câu chuyện được tiếp tục. Người thanh niên bảo:

- Cậu có nhớ hồi đó mình học rất giỏi, môn nào cũng được thầy cô khen cả.

Tôi bảo:

- Vâng mình nhớ rất rõ. Trí nhớ cậu tốt thật.

Sau đó “hai người bạn học” vui vẻ chia tay và hẹn sẽ gặp lại trọng dịp hội trường.

Chứng kiến toàn bộ cuộc “gặp gỡ kỳ lạ”, vợ tôi không giấu được sự bực mình. Suốt đường về cô không nói một lời. Để đánh tan không khí căng thẳng, khi đến gần chùa Tỉnh Hội (chùa Pháp Lâm) trên đường Ông Ích Khiêm, nhìn thấy chỗ bán kem, tôi đề nghị: Ăn kem nhé!

Lúc này cô mới lên tiếng trong sự bất mãn: “Dạy kiểu gì mà học trò lại cứ tưởng là bạn. Lại còn đòi ăn kem giữa đường nữa!”. Tôi mua hai que kem rồi bảo: “Hôm nay em là người hạnh phúc nhất vì có một ông chồng trẻ đến độ học trò cứ tưởng là bạn học. Cứ vừa đi vừa ăn, không ngại gì cả”. Hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng, vừa đi vừa mút kem, quên phố phường, quên cả câu chuyện vừa xảy ra.

Lần khác đang bon bon trên đường Nguyễn Tri Phương. Bỗng có hai người công an giơ gậy thổi “rét, rét”. Dừng xe kiểm tra giấy tờ, cái gì cũng hợp lệ chỉ có bảo hiểm là đã quá hạn 3 tháng. Một người lạnh lùng chỉ tôi vào bàn nộp phạt và bắt mua ngay tại chỗ phiếu bảo hiểm. Đang lục túi kiếm tiền nộp phạt thì thấy người công an thứ hai bỏ đi đến bên bàn bán bảo hiểm, nói câu gì đó. Sau một hồi quay lại nhìn tôi và bảo:

- Thôi thầy không nộp phạt nữa.

Vừa nói anh vừa đưa một phiếu bảo hiểm mang tên tôi. Tôi ngạc nhiên đứng nhìn định đưa lại tiền mua phiếu. Người công an bảo:

- Thầy đừng quan tâm. Em mua tặng thầy, lâu rồi không được gặp thầy. Thầy đi nhé, em phải làm nhiệm vụ.

Nói xong anh quay ra cầm gậy thổi kiểm tra tiếp. Quá bất ngờ, tôi giơ tay chào, định bụng sẽ tìm gặp vào lúc khác và dắt xe xuống đường. Anh công an nói với theo: Thầy đi cẩn thận!

Vội và cảm động quá tôi quên hỏi tên người học trò. Sau này không có dịp gặp lại, cứ ân hận mãi.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.