.

Sức sống bài chòi

.

Ngày đầu năm, gặp anh Đỗ Hữu Quế, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Bài chòi Sông Yên (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) tại Hội Hoa xuân ở công viên 29-3, anh cười vui: “Năm nay thắng lợi lớn em ạ, có đến hàng nghìn lượt khách. Không chỉ người lớn tuổi, lớp trẻ cũng biết chơi bài chòi. Vậy là bài chòi vẫn còn đầy sức sống”. Nhớ câu ca “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để con nó khóc mà lòi rốn ra…” mới thấy bài chòi hấp dẫn lắm, nam thanh nữ tú còn mê huống gì người lớn tuổi.

“Chiếu” bài chòi của các bà, các cô ở tổ 124 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.  Ảnh: H.N
“Chiếu” bài chòi của các bà, các cô ở tổ 124 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: H.N

Khu vực bài chòi cũng được xem là nơi thu hút nhiều người xem, người chơi nhất Hội Hoa xuân. Tiếng hô, tiếng hát của người cầm trịch, tiếng cười vui của người thắng bài đôi khi như muốn át tiếng các làn điệu du dương, bay bổng. Đặc biệt là tiếng trống chầu vang lên giục giã. Sức sống của bài chòi là đây, một trò chơi truyền thống của vùng Khu 5, tồn tại hàng trăm năm, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng nhiều năm trở lại đây đã thực sự tìm được đất sống qua các ngày hội làng, mừng xuân, mừng mùa vụ mới…

CLB Bài chòi mang tên Sông Yên của huyện Hòa Vang có 14 thành viên chính thức, ai cũng am hiểu thể lệ cuộc chơi, các làn điệu bài chòi và đặc biệt là có năng khiếu, chất giọng và tâm huyết. Nhiều năm nay, CLB ra đời đã làm được nhiệm vụ bảo tồn một loại hình văn hóa truyền thống, giúp những người yêu thích các làn điệu dân ca, bài chòi có điều kiện phát huy tiềm năng.

Mỗi ván bài chòi có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau chia thành 10 loại thẻ gỗ (3 quân cờ là một thẻ) và người chơi sẽ được chọn mua các loại thẻ đó. Sau khi “nhà cái” phát hết thẻ cho mọi người, ván cờ sẽ được bắt đầu bằng việc rút thăm que tre có ghi tên một quân cờ. Lúc này, anh “hiệu” (người hô hiệu) sẽ dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát dân ca truyền thống mượt mà giai điệu quê hương, nhất là nội dung “Xuân đến Tết về” có liên quan đến tên quân cờ ghi trên chiếc thăm đó, lần lượt cho đến khi ba thẻ tre được rút liên tiếp có tên gọi trùng với các tên quân cờ ghi trên cùng một thẻ gỗ...

Khi tham gia, nếu thấy tên quân cờ của mình được nhắc đến trong câu hát, người chơi sẽ phải hô lên và trình thẻ gỗ để được phát một lá cờ vàng, tương đương với một phần thưởng nhỏ. Nếu người chơi có được chiếc thẻ gỗ ghi tên 3 quân cờ được nêu tên, người đó sẽ đoạt được phần thưởng lớn nhất của cuộc chơi và ván cờ kết thúc.

Anh Đỗ Hữu Quế cho hay, trước khi hô “hiệu”, anh phải tìm hiểu văn hóa, đặc trưng của địa phương nơi sẽ diễn hội bài chòi rồi ứng biến vào trong các câu thai nhằm tạo sự gần gũi và sinh động, thu hút được sự chú ý của bà con hơn. Người hô “hiệu” phải rành các điệu hát, điệu hò quen thuộc, phải lặn lội đi về những vùng quê để hỏi, ghi chép lại những điệu hô bài chòi cổ, rồi dựa vào đấy mà sáng tạo ra những lời hô vừa dân dã, vừa hiện đại để làm cho người chơi hội bài chòi thấy được hình ảnh quê hương thân yêu của mình lồng trong một trò chơi văn hóa đầy ý nghĩa đó.

Anh hiệu là người quản trò, làm cho cuộc chơi luôn luôn sôi động và hấp dẫn. Câu hô bằng thơ lục bát, bóng bẩy, ẩn chứa nội dung con bài một cách lắt léo để người nghe phỏng đoán là con bài gì. Mỗi con bài đều có hình vẽ khác nhau rất bình dân để vui chơi, giải trí. Người ta vẽ các hoàng tử, công chúa, thái tử, tướng... hoặc hình đồng tiền, con gà, hai người ôm nhau, hoặc những hình tròn, những nét lăng quăng, hài hước. Mỗi con bài đều có tên và có câu “hô thai” con bài đó để người chơi bài đoán ra.

Ở mỗi hội bài chòi, khi anh Hiệu quần áo chỉnh tề bước ra chắp tay cung kính xin phép hội chơi bắt đầu:

- Dạ dạ... chín chòi lẳng lặng mà nghe/Nay hiệu tôi phát bài đã đủ/Đây tôi xin thủ bài tì/Ai có lá gì phải nghe cho rõ/ Ai có lá đó, gõ mõ ba dùi/ Đừng tới đừng lui để hiệu tôi đem tới…

Anh hiệu vừa hô vừa làm điệu bộ như múa chân tay, vuốt tóc và làm cho các người chơi bài ngồi ở các chòi phải theo dõi, hồi hộp, chờ đợi đến câu chót mới biết đó là con bài gì để gõ mõ.

Anh hiệu hô: Lấy chồng từ thuở mười lăm/Chồng chê em nhỏ không nằm với em/Bây giờ mười tám đẹp xinh/Em ngủ dưới đất chồng rinh lên giường/Một rằng thương, hai rằng thương, ba bốn cũng nói rằng thương/Huớ anh ơi! Thương chi hung rứa? Có bốn cẳng giường gãy 1 còn 3. Đó là lời hát con bài Tứ cẳng

Hay lời của con bài Nhứt trò: Đi đâu mang sách đi hoài/Cử nhân chẳng đậu, tú tài cũng không?

Những người ngồi chơi niềm vui đong đầy với tâm trạng thấp thỏm, hồi hộp. Anh Hữu Quế cho biết, đối với dân sành đánh bài chòi thì chỉ cần nghe câu hò đầu tiên là có thể đoán con bài. Ví dụ: con ba bụng, ở Quảng Nam-Đà Nẵng hô: Chồng nằm chính giữa / Hai vợ hai bên / Lấy chiếu đắp lên / Gọi là ba bụng / Huơ ba bụng!. Người ta đánh bài chòi để thử thời vận hên xui dịp đầu năm, chứ không tính ăn thua đỏ đen, và trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian. Hiện nay có nhiều nghệ nhân phát triển loại hình bài chòi ở nhiều vùng khác nhau ở Đà Nẵng như anh CLB của anh Tấn ở Hòa Minh, chị Nguyệt ở Nam Ô…

Vốn “tài sản” là các bài ca dao, câu vè, câu thơ của CLB Sông Yên giờ đã lên đến hàng trăm, được sưu tầm ở nhiều vùng quê, đặc biệt là vùng Hòa Tiến, Hòa Phong, nơi còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca Khu 5, nơi dòng sông Yên mượt mà chảy qua. Nhiều câu hát bài chòi có ý nghĩa như một “diễn đàn văn nghệ” có tác dụng phê phán những thói hư tật xấu, ca ngợi những nét đẹp, cái hay trong xã hội.

Đi vào nhiều khu dân cư thấy bài chòi không còn thịnh hành như ngày xưa, đến cái nôi bài chòi Đà Nẵng là Hòa Vang thấy bài chòi thưa vắng. Nhưng rất bất ngờ là tại nhiều khu dân cư ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, nhiều ông, bà đầu hai thứ tóc vẫn tổ chức hội bài chòi cho các bạn già, và cũng là cho chính mình. Chỉ có thể gọi là “chiếu” bài chòi, với mươi người tham gia, nhưng nói như bà Ba Hồng, ở tổ 124 phường Nại Hiên Đông là “vui đáo để”…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.