.

Sức trẻ tuổi 17

.

Đều đặn 17 năm qua, cứ mỗi độ xuân về, Trung tâm Văn hóa (TTVH) thành phố Đà Nẵng lại tổ chức cuộc thi Tài năng nghệ thuật (TNNT) Đà Nẵng. Sân chơi này đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho họ vươn xa trong nghệ thuật.

Nhóm nhảy Diamond Crew với điệu nhảy Walking(ảnh trái) và màn biểu diễn Beatbox sôi động của thí sinh Nguyễn Đình Anh. Ảnh:V.T.L
Nhóm nhảy Diamond Crew với điệu nhảy Walking(ảnh trái) và màn biểu diễn Beatbox sôi động của thí sinh Nguyễn Đình Anh. Ảnh:V.T.L

Từ trước Tết, sân khấu nhỏ tại TTVH thành phố Đà Nẵng là địa chỉ diễn ra các vòng sơ khảo của hơn 200 thí sinh với 153 tiết mục dự thi. Trong đó, khối quận, huyện tham gia 103 tiết mục ở nhiều thể loại như hát đơn ca, nhóm ca, ban nhóm nhạc, trình diễn áo dài, thời trang trẻ, nhóm nhảy rap, hiphop, thể hình, đôi nhảy đẹp, MC… Trong cuộc thi TNNT năm nay, Ban tổ chức thêm vào phần thi “Tiếng hát mãi xanh”, tạo sân chơi thử nghiệm dành cho thí sinh lớn tuổi. Theo ông Cao Tấn Ngọc, Trưởng phòng Văn hóa quần chúng, TTVH thành phố Đà Nẵng, mỗi năm cuộc thi thu hút khoảng 300 đến 400 thí sinh có độ tuổi từ 16 đến 25. Ngoài chào mừng kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón xuân Giáp Ngọ 2014, cuộc thi hướng đến mục đích phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật trong nhân dân. Đây cũng là điểm hẹn cho các bạn trẻ, người lớn tuổi yêu thích văn nghệ có cơ hội giao lưu, học hỏi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vụ nhân dân thành phố Đà Nẵng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc

Để mang đến những tiết mục có chất lượng, trước đó, Phòng Văn hóa-Thể thao các quận, huyện đã tích cực tổ chức cuộc thi tương tự để sàng lọc thí sinh tranh tài cấp thành phố. Đơn cử, ngay từ khi nhận được công văn về việc tổ chức Cuộc thi TNNT và Tiếng hát mãi xanh với chủ đề “Đà Nẵng vào xuân” thành phố Đà Nẵng xuân Giáp Ngọ 2014 của TTVH thành phố cuối tháng 11-2013, Phòng Văn hóa-Thể thao huyện Hòa Vang đã nhanh chóng phối hợp với Huyện Đoàn Hòa Vang tổ chức Hội thi TNNT lần thứ IV và Tiếng hát mãi xanh huyện Hòa Vang năm 2014. Bên cạnh việc phát triển phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng tại cơ sở, cuộc thi cấp huyện này còn hướng đến mục đích tuyển chọn những hạt nhân tiêu biểu tham gia cuộc thi do TTVH thành phố tổ chức. Nhờ sự tích cực chuẩn bị đó, trong số 19 tiết mục dự thi ở nhiều thể loại, huyện Hòa Vang có 7 tiết mục lọt vào vòng chung kết.

Có mặt tại vòng sơ khảo, dễ dàng nhận thấy nhiều thí sinh chọn nội dung liên quan đến mùa xuân, tình yêu quê hương, đất nước khá phù hợp với thời điểm cả nước đón mừng xuân mới. Lọt vào vòng chung kết với ca khúc Lắng nghe mùa xuân về, thí sinh Ngọc Khánh đến từ đơn vị quận Hải Châu cho biết, anh khá tự tin với sự lựa chọn của mình. Bài hát không chỉ phù hợp với chất giọng mà còn tạo cho anh nhiều cảm xúc khi tham gia biểu diễn trên sân khấu.

Bao giờ cũng thế, sự có mặt của những người trẻ tại bất kỳ cuộc thi nào cũng mang lại sự sôi động, hào hứng cho khán giả. Năm nay, ngoài một số phần thi quen thuộc như ca hát, nhảy múa, trình diễn thời trang còn có 5 thí sinh tranh tài ở phần thi beatbox. Beatbox là loại hình “nhạc gõ”, mô phỏng âm thanh của tiếng trống, các nhịp phách, các loại dây đàn, nhạc khí khác bằng miệng, môi, lưỡi, giọng và nhiều khẩu âm khác để tạo ra. Beatbox không còn xa lạ với hai đầu đất nước nhưng với bạn trẻ ở Đà Nẵng thì đây mới là nét đầu tiên, những bước khởi động làm nên bức tranh chung của mùa xuân nghệ thuật. Theo đánh giá của Ban giám khảo, loại hình này mới, hấp dẫn nhưng rất khó tìm ra tài năng bởi ít có chuẩn mực để đánh giá, phần lớn nội dung trình diễn phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của thí sinh.

Dù không lọt vào vòng chung kết, phần thi beatbox của thí sinh Huỳnh Ngọc Thịnh, học sinh lớp 12/11, Trường THPT Thanh Khê tại vòng sơ khảo đã tạo được không khí mới mẻ, đa dạng trong cuộc thi năm nay. Bắt đầu làm quen với beatbox từ năm lớp 10, Ngọc Thịnh miệt mài tập cách lấy hơi, luyện âm, tham gia biểu diễn tại một số tụ điểm ca nhạc, quán bar tại Đà Nẵng và Tam Kỳ (Quảng Nam). Thịnh cho biết, cuộc thi tạo cơ hội cho Thịnh lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn để giao lưu và học hỏi. Vì thế sự đánh giá của Ban giám khảo sẽ giúp Thịnh có thêm động lực để luyện tập, tiếp tục cố gắng trong thời gian tới.

Bà Thanh Hồng, Phó Giám đốc TTVH thành phố cho biết, phần lớn thí sinh tham gia cuộc thi TNNT có tuổi đời rất trẻ, trưởng thành từ phong trào văn nghệ nhà trường, khu dân cư nên Ban tổ chức đặc biệt đánh giá cao năng khiếu, triển vọng trong tương lai của thí sinh. Tuy nhiên khó khăn nhất trong việc tổ chức Cuộc thi TNNT hiện nay là kinh phí eo hẹp, được lấy từ ngân sách sự nghiệp bố trí cho lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng của trung tâm. Bên cạnh đó việc vận động các tổ chức xã hội tham gia xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực hoạt động văn hóa cũng khó khăn hơn so với các lĩnh vực thể thao và du lịch. Vì vậy, công tác tổ chức cuộc thi còn gặp một số hạn chế nhất định, nhất là việc bố trí kinh phí cho các giải thưởng Huy chương vàng, Huy chương bạc vẫn ở mức khiêm tốn nên chưa hấp dẫn thí sinh.   

Từ cuộc thi mang tính chất phục vụ hội chợ xuân tổ chức đầu tiên năm 1997 với mục đích chính là thu hút người dân đến với hội chợ, Cuộc thi TNNT thành phố Đà Nẵng đã từng bước trưởng thành, trở thành sân chơi độc lập, tiết mục dự thi đạt chất lượng về nghe nhìn, thể hiện “sức trẻ” tuổi 17. Đặc biệt, từ cuộc thi này đã phát hiện nhiều giọng ca có triển vọng, sau này trở thành những ca sĩ có tên tuổi như Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Thanh Hà, Thanh Yên, Quang Hào, Nam Cường, Hồng Biển, cũng là cách giới thiệu giọng ca Đà Nẵng trên các sân khấu lớn trong cả nước.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.