Nếu đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng hoàn toàn mất đi kinh tế vỉa hè, liệu xã hội ấy có được ổn định khi nhiều công dân đô thị vẫn đang trong tình trạng nghèo khó, tình trạng thất nghiệp ngày một gia tăng?
Quán bún vỉa hè giúp gia đình chị Gái có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho 3 phụ nữ khó khăn khác. Ảnh: T.Y |
Mảnh đất cho người nghèo vượt khó
Để chứng minh câu nói này, chị Đặng Thị Kim Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Châu 1, dẫn tôi đi gặp bà Nguyễn Thị Chua (59 tuổi), người có thâm niên 25 năm bán bánh bèo tại vỉa hè đường Yên Bái, Hùng Vương. Chồng là thương binh nghỉ mất sức, nên dù bị đẩy, đuổi thường xuyên, bà Chua vẫn quyết tâm bám lấy gánh hàng ăn phụ chồng nuôi hai con ăn học. Thức dậy từ 3 giờ sáng nấu bánh, gần 6 giờ gánh thúng ra đường, thấy nhà nào còn đóng cửa thì chị tấp vào ngồi bán. Khi nhà mở cửa, chị thu xếp gánh đi tìm nơi khác. Cứ thế, ngày này qua tháng nọ, mỗi ngày chị kiếm gần 100.000 đồng tiền lời, tằn tiện cho mọi chi tiêu.
Từ tháng 11-2013, bà Chua được UBND phường Hải Châu 1 tạo điều kiện ngồi bán tại vỉa hè trước số nhà 27B Yên Bái với yêu cầu phải giữ gìn vệ sinh, mỹ quan đô thị và dành 1,5m cho người đi bộ. Mỗi tháng bà đóng các khoản phí 117.000 đồng. Bà bảo dù bỏ ra một khoản phí nhưng đổi lại là sự yên tâm, không còn thấp thỏm lo âu như trước đây. Nhờ gánh hàng này, gia đình bà không rơi vào cảnh nghèo đói, hai con vào đại học, ra trường có gia đình và công việc làm ổn định.
Cũng có thâm niên buôn bán trên vỉa hè 25 năm là chị Cao Thị Gái, chủ quán bún nằm trên vỉa hè đường Yên Bái giáp Trần Quốc Toản. Năm 1990, chị Gái quyết định nghỉ việc để ra vỉa hè buôn bán. Từ gánh bún nhỏ bán ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (cũ), nay là đường Nguyễn Thái Học, chị Gái dần gầy dựng gánh bún ngày một ổn định hơn về số lượng và chất lượng. Từng nhiều lần bị đẩy, đuổi trước khi chuyển về bán tại góc đường này, chị Gái thấm thía vô cùng cảm giác tủi cực khi ngày nào cũng phải thu vén mỗi khi có bóng dáng đội kiểm tra quy tắc đô thị đi qua. Chị Gái tâm sự, “không buôn bán vỉa hè thì biết làm gì vì việc thuê mặt bằng kinh doanh hàng ăn không phải là chuyện dễ, cần nhiều thủ tục, và chị không có vốn để đầu tư hệ thống bếp núc mà một quán ăn cần phải có”.
Mới đây, chị Gái cũng được UBND phường Hải Châu 1 ký hợp đồng kinh doanh vỉa hè có thu phí mỗi tháng đóng các khoản gần 650.000 đồng. Dù là hàng quán vỉa hè, nhưng nhờ tay nghề giỏi, bảo đảm vệ sinh, hiện mỗi ngày chị bán ra 50 ký bún, thu lãi từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Quán bún vỉa hè không chỉ giúp vợ chồng chị thoát nghèo, nuôi hai con vào đại học mà còn tạo công ăn việc làm cho 3 phụ nữ khác.
Chị Đặng Thị Kim Phương nói hiện phường Hải Châu 1 có gần 400 chị em buôn bán nhỏ lẻ, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cũng như tạo được cuộc sống ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
Kinh tế vỉa hè, bộ mặt đô thị Việt Nam
Hơn 10 năm qua, Đà Nẵng ban hành 5 quyết định về quản lý trật tự vỉa hè. Mới nhất phải kể đến Quyết định (QĐ) số 13/2011/QĐ-UBND ngày 16-5-2011 của UBND thành phố quy định về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng; giao cho UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND xã, phường tăng cường quản lý trật tự vỉa hè trên địa bàn. Thành phố giao cho Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở này tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong việc quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè… Thế nhưng, giao việc quản lý vỉa hè về cho UBND các xã, phường khiến mỗi nơi có một cách làm khác nhau.
Ông Võ Trường Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, cho biết từ tháng 10-2013, trên cơ sở quy định tại QĐ 13, phường đã tổ chức rà soát hộ buôn bán vỉa hè; kẻ vạch, sắp xếp bố trí cho 87 hộ được đăng ký kinh doanh vỉa hè, tiếp tục buôn bán nhằm bảo đảm an sinh xã hội; xử lý 8 hộ không chấp hành những quy định về trật tự vỉa hè, mỹ quan đô thị. Ngoài ra còn linh động sắp xếp cho 68 hộ được kinh doanh vỉa hè có thu phí, 42 hộ khó khăn được sắp xếp không thu phí (các hộ này buôn bán trên các tuyến đường nằm ngoài QĐ 13). Theo ông Võ Trường Anh, “kinh tế vỉa hè là yếu tố bảo đảm cuộc sống cho hộ nghèo, là cần câu để họ nuôi dạy con cái thành người. Vì thế, phường không chỉ nghĩ đến việc đẩy, đuổi mà linh động sắp xếp thế nào cho hợp lý, vừa bảo đảm chủ trương về trật tự vỉa hè, vừa bảo đảm an sinh xã hội”. Qua vài tháng tạo điều kiện cho các hộ dân buôn bán, kết hợp siết chặt quản lý, kiểm tra thường xuyên, ông Anh đúc kết “cái gì có sự đồng thuận của người dân dựa trên sự quản lý của nhà nước sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Bộ mặt vỉa hè phường Hải Châu 1 hiện đã có sự thay đổi đáng kể, người dân yên tâm buôn bán, chuyện chiếm dụng lòng lề đường giảm đáng kể”.
Nếu UBND phường Hải Châu 1 tạo điều kiện tối đa cho các hộ kinh doanh vỉa hè có “đất sống”, vừa đem lại nguồn thu ngân sách cho địa phương thì ngược lại, các phường trên địa bàn quận Thanh Khê có cách làm “rắn” hơn, bám sát quy định đưa ra tại QĐ 13. Ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà, cho biết trên địa bàn phường hiện không có tuyến đường nào cấp vỉa hè cho việc buôn bán, kinh doanh vì hầu hết vỉa hè đều rộng dưới 3m. Theo QĐ 13, vỉa hè dưới 3m không cho phép sử dụng ngoài mục đích giao thông, trừ trường hợp tập kết tạm thời vật liệu và phế thải xây dựng nhưng che chắn cẩn thận, bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, giữ lối cho người đi bộ tối thiểu là 1,50 mét.
Dù làm đúng theo QĐ 13, nhưng đại diện Hội LHPN các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông chia sẻ, trên địa bàn phường hiện có khá nhiều hội viên là hộ nghèo, gia đình khó khăn, dựa vào hàng quán vỉa hè để mưu sinh, kiếm sống. Vì thế cách làm “rắn” từ phía cơ quan quản lý cũng gây không ít khó khăn trong công tác thoát nghèo, khắc phục tình trạng bỏ học của học sinh. Để tạo sự hài hòa giữa các cấp quản lý, chị Lê Thị Bích Hồng, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Hà, cho biết chỉ trao phương tiện sinh kế cho hộ có mặt bằng, còn lại sẽ giới thiệu việc làm, nhưng không phải chị em nào cũng có đủ sức khỏe, trình độ để làm những công việc do Hội giới thiệu.
Thực tế, buôn bán vỉa hè là thói quen sinh hoạt của phần lớn cư dân đô thị Việt Nam cũng như nhiều nước phát triển khác trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Ý… Nhưng ở họ, người buôn bán ở vỉa hè được chính quyền công nhận, tạo điều kiện chứ không đẩy, đuổi. Ông Huỳnh Thanh Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu, cho rằng kinh tế vỉa hè không chỉ là quan hệ mưu sinh mà còn là quan hệ xã hội, là văn hóa vì phục vụ con người. Buôn bán vỉa hè giống như chợ nhỏ vì tổng hợp nhiều mặt hàng. “Chợ vỉa hè giúp cư dân thành phố tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người nghèo, tạo điều kiện cho người dân vùng ven đô vào ra buôn bán các mặt hàng nông sản. Cái chính hiện nay là làm sao vẫn giữ được kinh tế vỉa hè, vừa bảo đảm bộ mặt mỹ quan đô thị”, ông Trà nói.
Người nghèo ra vỉa hè buôn gánh bán bưng chỉ mong tìm kiếm thu nhập đắp đổi qua ngày. Chuyện lập lại trật tự vỉa hè là điều nên làm, nhưng làm thế nào để hợp tình, hợp lý, giúp người nghèo có cơ hội thoát nghèo mà không đánh mất mỹ quan đô thị, mới là hướng đi lâu dài và bền vững.
TIỂU YẾN