.

Dấu xưa chợ Hà Thân

.

Trong ký ức của đa phần người dân “quận 3” - quận Sơn Trà, Đà Nẵng thì chợ Hà Thân dường như đã trở thành kỷ niệm về quê hương, với hình ảnh ngôi chợ tấp nập, đông vui bên cây đa, bến nước, con đò, là trung tâm trao đổi buôn bán của người dân ở ven hữu ngạn sông Hàn. Tuy vậy, tên gọi “Hà Thân” của chợ vẫn là băn khoăn của không ít người dân và thậm chí của các nhà nghiên cứu bởi câu hỏi “Chợ được thành lập bởi người phụ nữ mang tên Hà Thị Thân hay bởi người đàn ông tên Thân họ Bà”?

Cổng chợ Hà Thân trên đường Triệu Việt Vương ngày nay. Ảnh: M.T
Cổng chợ Hà Thân trên đường Triệu Việt Vương ngày nay. Ảnh: M.T

Làng An Hải, quê hương của Thoại Ngọc Hầu - danh tướng nhà Nguyễn - được gọi là mảnh đất của Bà Thân xứ xưa kia là một làng trù phú, dân cư đông đúc và cũng có chợ Bà Thân nằm gần bến đò Bà Thân, là nơi tụ họp chợ chung cho dân cư 7 xã hữu ngạn sông Hàn. Theo lời kể của một số bô lão trong vùng thì người có công đầu lập ra làng An Hải ngày xưa là một phụ nữ có tên là Hà Thị Thân. Bà là lưu dân từ phía Bắc vào đây lập làng từ thời vua Lê Thánh Tông lập đạo thừa tuyên Quảng Nam (1471). Ra đi theo con đường Nam Tiến, sau khi vượt qua núi Hải Vân, bà Thân cùng chồng và những người cùng quê đã chọn mảnh đất bên bờ sông Hàn làm nơi dừng chân. Làng An Hải có bến đò ngang Bà Thân - về sau được gọi chệch thành bến đò Hà Thân – qua lại sông Hàn. Chợ Hà Thân được thành lập gần bến đò Hà Thân, là chợ cho các xã lân cận và được mang tên người phụ nữ có công lập ra làng. Khi được hỏi về nguồn gốc tên chợ, nhiều người dân tại phường An Hải Tây - trung tâm của làng An Hải xưa kia - và tiểu thương trong chợ ngày nay tin rằng chợ được mang tên người phụ nữ có tên Hà Thị Thân.

Tuy nhiên, vẫn còn một luồng ý kiến khác về nguồn gốc tên chợ cũng được nhiều người ủng hộ. Quan điểm này đã được ông Lê Duy Anh, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tập hợp, đúc kết, kết hợp với phân tích các nguồn tư liệu và được rất nhiều người dân trong vùng tin cẩn. Theo đó, khi làng quê An Hải hình thành vào niên hiệu Hồng Đức thời minh quân Lê Thánh Tông (1470-1497), nhà vua đã trao cho Bà Thân giữ vùng đất phía Đông sông Hàn gồm 4 xứ là Bà Thân thượng xứ, Bà Thân trung xứ, Bà Thân hạ xứ và Bà Thân hậu xứ. Bốn xứ này nằm dọc theo sông nên tục dân gian thời bấy giờ thường gọi là Hà Thân và được truyền tụng cho tới ngày nay. Qua nghiên cứu các nguồn sử liệu bằng chữ Hán, ông Duy Anh cho rằng, chữ Bà ở đây không mang nghĩa là phụ nữ hay đàn bà và được viết khác với tất cả chữ Bà có liên quan đến giới nữ. Theo đó, Bà Thân là đàn ông, tên Thân họ Bà, gốc dân tộc Chăm chứ không phải là đàn bà như thường lẫn lộn.

Bà Trương Thị An cùng những miếng trầu têm hình cánh phượng.
Bà Trương Thị An cùng những miếng trầu têm hình cánh phượng.

Những tranh cãi xung quanh nguồn gốc của tên chợ có lẽ vẫn còn kéo dài, tuy nhiên, nó mãi không ảnh hưởng đến tình cảm sâu sắc của người Sơn Trà nói riêng, của người Đà Nẵng nói chung, của những người từng một lần lắng nghe tiếng gọi đò ngày xưa, hay nhìn những ngư dân mỗi sớm mai đem những thúng cá tươi rói, những loại rau quả phong phú từ khắp nơi hay không khí tấp nập, rộn ràng của buổi chợ. Chợ hào phóng cung cấp tất cả cho mọi người, có thể đó chỉ là gói dầu ăn nhỏ được buộc bằng gân lá chuối, từng bọc gạo nhỏ chỉ bằng 2 bàn tay hay dăm quả trứng…

Bà Võ Thị Liêm, người có “thâm niên” bán gia vị 40 năm tại chợ Hà Thân vẫn luôn nhớ những ngày khốn khó, vẫn thèm lắm được quay lại ngày chợ nép bên gốc đa trên đường Nguyễn Công Trứ. Khi đó, một gói mì chính, một can dầu ăn được bà san ra từng túi nhỏ để bán cho các mệnh giá 500 đồng, 200 đồng, hằng ngày bà phải quẩy đòn gánh hơn 2km từ nhà đến chợ rồi lại từ chợ về nhà khi đã vãng những chuyến đò chiều. Nghèo và vất vả nhưng với bà, chợ ngày đấy mới thực sự là chợ khi người mua người bán rộn ràng cả một quãng sông. Trong ngôi chợ mới trên đường Triệu Việt Vương ngày nay, chợ vẫn mang tên cũ nhưng không khí và quang cảnh thì đã khác xưa lắm rồi.

Chợ khang trang nhưng hình như thiếu cái mùi của nước, cái rạo rực của mỗi chuyến ghe, cái rộn ràng của mỗi lần phà cập bến… Đối với mặt hàng gia vị, sự ế ẩm càng thêm nặng nề bởi người mua giờ đây thường ưu tiên mua sắm đồ trong các siêu thị. Bà Liêm nhiều khi phải đứt ruột bỏ đi những chai dầu, những túi bột nêm vẫn còn mới nguyên nhưng đã hết hạn sử dụng, xót xa là vậy nhưng bà vẫn bám trụ với chợ bởi “vẫn còn những khách quen ngày ấy tìm đến hàng và tình cảm với các tiểu thương khác trong chợ”.

Với 53 năm gắn bó với chợ Hà Thân, bà Trương Thị An được xem là người bán hàng “lão làng” nhất tại chợ. Không hiểu rõ lắm về nguồn gốc tên chợ, nhưng theo bà An, dù chợ được đặt theo tên ai đi chăng nữa thì tình cảm bà dành cho chợ vẫn đong đầy bởi nơi đây đã giúp bà nuôi 3 con ăn học thành người, giúp bà có được tình cảm tốt đẹp với hầu hết các bạn hàng và tiểu thương khác. Giờ đây, ở tuổi gần 70, hằng ngày bà vẫn đều đặn chạy xe máy từ xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam để ra với gian hàng trầu cau, với những lá trầu têm hình cánh phượng - mặt hàng gần như đã hết người mua. Bà An thủ thỉ: “Đến chợ để có tiếng chào, có cái hơi những người đã đi cùng mình đến nửa cuộc đời, để không quên một thời “huy hoàng” khi chợ còn là trung tâm trao đổi buôn bán của người dân ở ven hữu ngạn sông Hàn”.

Trước đây, quận Sơn Trà gần như chỉ có 3 trục giao thông chính là đường Ngô Quyền, đường Nguyễn Công Trứ và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Bến đò Hà Thân, một đầu mối giao thương đường thủy gắn liền với chợ luôn tấp nập, nhộn nhịp. Trên bến dưới thuyền, bến đò chở khách đến chợ, chợ là điểm thu hút khách đi đò, chợ nằm trên trục đường chính, thuận tiện cho người dân nên ngày càng sầm uất. Đến năm 2000, chợ được giải tỏa đến đường Triệu Việt Vương nhằm đáp ứng nhu cầu quy hoạch, chỉnh trang thành phố.

Khi được chuyển về vị trí mới, các khu dân cư mới hình thành, đường sá đi lại thuận lợi, cầu qua sông nhiều, người dân sau khi giải tỏa thì tản mác đi các địa phương khác, mỗi phường đều có chợ riêng nên việc buôn bán tại chợ Hà Thân không còn sầm uất như xưa mà dường như đang trở thành một chợ làng bán lẻ, chỉ bán những thực phẩm tươi sống hằng ngày còn những vật dụng như mỹ phẩm, áo quần, giày da… gần như tê liệt. Nhiều tiểu thương trẻ đóng sạp hàng, nghỉ bán. Những người kiên nhẫn còn ngồi lại như thể không rời được cây đa, bến nước, con đò, rời một ký ức dù nghèo nhưng đẹp, rời một danh tiếng lâu đời của chợ, rời một thứ tình cảm khó có thể gọi tên.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.