.

Đi chợ thời nay

.

1. Đi chợ truyền thống khác với đi mua sắm - ngôn ngữ thời thượng gọi là shopping. Tất nhiên người đi chợ truyền thống cũng có thể mua sắm đủ thứ ở chợ nhưng đi chợ truyền thống chủ yếu gắn với nhu cầu ăn uống thường nhật. Vì thế người ta đi chợ truyền thống - kiểu như chợ Vông Đồng, chợ Cây Me… - phần lớn là để mua mớ rau mớ cá mắm muối tương cà - nói chung là mua thực phẩm phục vụ cho việc nấu nướng hằng ngày, đồng thời đi chợ truyền thống cũng là để ăn uống - thường là ăn quà hay còn gọi ăn nửa buổi - ngay… trong chợ.

Cảnh tấp nập mua bán tại chợ Hàn.Ảnh: QUỐC TÍN
Cảnh tấp nập mua bán tại chợ Hàn.Ảnh: QUỐC TÍN

Cho nên thời nào cũng vậy, đã lập chợ là đòi hỏi phải có không gian thoáng đãng với mặt bằng rộng đủ chỗ cho người mua kẻ bán đông đúc tấp nập, cho các hàng quán và đường đi lối lại sầm uất... Người đi chợ truyền thống đa phần là phụ nữ, nhưng cũng có khi đàn ông đi chợ - tất nhiên đây chỉ là sự đỡ đần tạm thời khi bà-nội-trợ ốm đau hoặc có việc phải vắng nhà. Không hiểu sao hình ảnh người đàn ông đàng hoàng xách giỏ đi chợ trong thế giới nghệ thuật thi ca lại chỉ xuất hiện ở môi trường thơ Đà Nẵng, với bài Đàn ông đi chợ rất dễ thương của nhà thơ Trần Khắc Tám và bài lục bát hồn hậu Anh đi chợ của nhà thơ Ngân Vịnh.

2. Nhưng không phải ai cũng có thời gian đi chợ một cách nhẩn nha như vậy, nhất là trong nhịp sống hối hả thời nay. Vì thế thời nào cũng đều có hàng rong, chợ chồm hổm và hàng quán vỉa hè hết sức cơ động nhằm đáp ứng cung cách đi-chợ-mà-không-vào-chợ của một bộ phận cư dân. Hình ảnh khá quen thuộc ở các chợ ven đường là người mua vẫn ngồi trên xe để gấp gáp mua bán mặc cả… bởi dường như mọi thứ đang chờ đợi họ ở bếp nhà. Trong quản lý đô thị, nhà cầm quyền thường có xu hướng xem hàng rong, chợ chồm hổm và hàng quán vỉa hè như là trở lực của văn minh đô thị. Thật ra trong mắt du khách thập phương và cư dân bản địa, trong không ít trường hợp, chính hàng rong, chợ chồm hổm và hàng quán vỉa hè lại góp phần làm nên cái hồn của đô thị. Còn xét trên khía cạnh sinh kế thì mọi hàng rong, chợ chồm hổm và hàng quán vỉa hè đều gắn liền với những dân nghèo thành thị, giúp họ kiếm sống lương thiện hằng ngày (*). Vấn đề là làm sao để không quá nhếch nhác ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhất là làm sao bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm do chất lượng nguồn hàng cung ứng cho hàng rong, chợ chồm hổm và hàng quán vỉa hè hầu như chưa được kiểm định.

3. Các siêu thị ra đời những năm gần đây có điều kiện để khắc phục nhược điểm đó của hàng rong, chợ chồm hổm và hàng quán vỉa hè. Mọi thông tin cần thiết của từng mặt hàng đều được công khai để người đi chợ biết, từ các chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản… cho đến hạn sử dụng tối đa và cả giá bán nữa. Cũng là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng không có nhiều thời gian đi chợ, nhưng khác với hàng rong, chợ chồm hổm và hàng quán vỉa hè chỉ có thể giải quyết nhu cầu tiết kiệm thời gian từng bữa, siêu thị đủ khả năng giải quyết nhu cầu này hằng tuần hoặc lâu hơn nữa. Thiếu thời gian đi chợ nhẩn nha kiểu truyền thống, người đi siêu thị chỉ cần mua một lần để dùng cả tuần hay thậm chí cả chục ngày. Tuy nhiên những ưu thế vừa nêu của siêu thị vẫn chưa đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng, bởi không phải nhà nào cũng có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm dài ngày, đặc biệt dẫu hấp dẫn đến mấy thì con đường đến với siêu thị vẫn chưa thể vượt qua rào cản thói quen ẩm thực - thích ăn cái gì tươi sống và cùng với thói quen ấy là cung cách đi-chợ-mà-không-vào-chợ của số đông người tiêu dùng. Điều này giải thích tại sao đi siêu thị giống đi shopping/mua sắm hơn là đi chợ.

4. Siêu thị quy mô lớn đến mấy cũng chỉ bán lẻ là chính - kể cả Metro thực chất vẫn là bán lẻ thôi. Trong khi đó có một số chợ quy mô dẫu không lớn bằng nhưng chuyên bán sỉ - đó chính là các chợ đầu mối. Chợ đầu mối do tính chất đầu mối nên thường hoạt động về đêm, chẳng hạn như chợ hoa Quảng Bá - chợ cung cấp hoa tươi lâu đời nhất cho thủ đô và các vùng phụ cận vẫn được xem là biểu tượng của Hà Nội - Thành phố không ngủ, hay như chợ đầu mối Hòa Cường lâu nay đã trở thành nơi phân phối các mặt hàng nông sản phục vụ cho Đà Nẵng và cả một số tỉnh láng giềng… Có chợ đầu mối chỉ chuyên thu mua và phân phối mỗi một mặt hàng như chợ đầu mối trái cây Tam Bình quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí chỉ một loại trái cây duy nhất như chợ đầu mối chuối Suối Cát huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa… Các nhà quản lý đô thị nên xem các chợ đầu mối là… đầu mối để “gác cổng” hàng giả, hàng kém chất lượng thậm chí độc hại xâm nhập vào địa bàn. Không ít chợ đầu mối tràn ngập hoa quả Trung Quốc giả danh hàng Việt, chẳng hạn cam Trung Quốc giả danh cam Vinh… Nếu quản lý thị trường tác nghiệp có hiệu quả ngay tại các chợ đầu mối thì có khả năng ngăn chặn được việc này.

5. Thời buổi @ bàn chuyện đi chợ không thể không nhắc đến hình thức đi chợ trên mạng hay còn gọi là thương mại điện tử. Tất nhiên thương mại điện tử chỉ phù hợp với đi shopping/mua sắm hơn là đi chợ. Đây là một hình thức chợ-ảo, rất thuận tiện cho những người tiêu dùng bận bịu không có thời gian mua sắm trong chợ-thực, muốn đi-chợ-mà-không-cần-tới-chợ, mà được giao hàng tận tay và tận nhà. Tuy nhiên đặc điểm của chợ-ảo là khoảng cách trong các giao dịch giữa người mua với người bán và đặc điểm này cũng chính là nhược điểm của thương mại điện tử. Do khoảng cách này nên đã xảy ra một số hình thức gian lận thương mại điện tử như quảng cáo gian dối, cố tình gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. Còn nhớ hiện tượng quảng cáo và bán vòng Titan Quan Âm xuất hiện ở nước ta năm 2009: Sau khi xem quảng cáo được phát liên tục trên các đài truyền hình, rất nhiều người tiêu dùng đặt mua vòng Titan Quan Âm trên chợ-ảo với giá gần một triệu đồng, kèm theo lòng tin vào khả năng sẽ chữa khỏi bách bệnh, phòng được mọi rủi ro khi đeo vòng; trong khi giá gốc của chiếc vòng này chỉ có bốn ngàn đồng, được nhập khẩu từ Trung Quốc và làm chủ yếu từ nguyên liệu sắt.

BÙI VĂN TIẾNG


(*) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Đầu năm bàn chuyện ẩm thực Đà Nẵng, báo Đà Nẵng ngày 10-2-2014.

;
.
.
.
.
.