.

Hồn cốt của cây

.

Từ bao đời nay, mỗi người Việt đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống. Cây đa nằm ở đầu làng hay cuối làng như là linh hồn của làng, chứng kiến những biến động lịch sử, những tâm tư, tình cảm của dân làng. Ai đi ra khỏi làng, ai về làng đều được cây đa “chứng giám”. Hồn cốt của cây gắn với làng cũng trở nên linh thiêng, nên có câu “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”.

 Cây mù u trong khuôn viên di tích Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: H.N
Cây mù u trong khuôn viên di tích Nghĩa trủng Hòa Vang. Ảnh: H.N

Theo các cụ cao niên, cây đa càng già cỗi, càng xù xì, rậm rạp thì luôn có vị thần nào đó trú ngụ, bởi thế các gốc đa thường được người dân thắp hương để tỏ lòng tôn kính các vị thần. Như vậy, cây đa là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Chính sự kết hợp này khiến cây đa có sức sống trường tồn trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.

Mù u thương nhớ

Đất Quảng Nam-Đà Nẵng xưa được ghi nhận là có rất nhiều cây mù u, nhưng hiện tại ở Đà Nẵng hiếm hoi lắm mới gặp được cây mù u lưu lại dấu xưa. Trong một bài viết của Henri Cosserat đăng trên Tạp chí Đô Thành Hiếu cổ Huế (Bulletin des amis du Vieux Hue), số tháng Giêng-tháng Ba năm 1920, với nhan đề La route mandarine de Tourane a Hue (Đường thiên lý từ Đà Nẵng đi Huế) cây mù u được nhắc đến: “Con đường thiên lý có lẽ đã hình thành từ thời các vương triều Champa trước thế kỷ 14… Khi thống nhất được đất nước, vua Gia Long đã ra lệnh trồng cây mù u hai bên đường. Tên chữ của loại cây này là Nam Mai mộc.

Ngoài việc che nắng mưa nhờ lá tương đối to, dày giúp khách bộ hành có chỗ núp nắng, mưa. Gỗ cây dùng làm mái chèo và các thanh ngang trong ghe thuyền. Cây mù u còn cho một loại tinh dầu rất quý dùng để chữa trị ghẻ lở ngoài da rất phổ biến nơi người dân”.

Chuyện xưa kể rằng, khi quân Pháp đánh Đà Nẵng năm 1858, Ông Ích Khiêm cùng nghĩa quân, vì nghe đồn rằng người Tây Dương không có đầu gối, ngã thì không tự đứng dậy được nên đã dùng trái mù u, tròn to như đầu ngón chân cái, rải đầy trên đường rồi dụ quân địch vào. Trận đó quân ta thắng to. Tuy nhiên, sự kiện này không được sử sách ghi chép, chỉ có trong ca dao dân gian truyền lại: “Đà Nẵng, Sơn Trà, Miếu Bông, Cẩm Lệ/ Chuyện trăm năm còn kể trận mù u”; “Hội ni ngó bộ không xong/ Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng”.

Cây mù u già hàng trăm năm tuổi ở miếu Bà Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, bên cạnh Nghĩa trủng Hòa Vang, có phải là một trong những cây đã cung cấp trái mù u cho danh tướng Ông Ích Khiêm đánh giặc xưa kia? Ông Huỳnh Văn Trung, Trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử-văn hóa Nghĩa trủng Hòa Vang kể rằng, ngày xưa đường từ Đà Nẵng lên Cẩm Lệ trồng toàn mù u. Quả mù u được bà con đem về lột vỏ, xắt thành lát, phơi khô để thắp sáng. Cây mù u bởi thế gắn với dân làng nơi cây lớn lên, vừa tỏa bóng mát, vừa làm đèn dầu và thuốc chữa bệnh.

Theo các bô lão thì cây mù u ở sân đình làng Phước Trường, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà đã gần 400 năm tuổi, từ khi vị tiền hiền đến đây lập làng, xây đình ở đất này. Trong tấm bản đồ chiến sự đánh Pháp vẽ năm 1858 mới được phát hiện, làng Phước Trường có tên trên bản đồ. Tấm bản đồ này rất ít tên làng được ghi chú. Vậy có thể tin rằng Phước Trường là một làng cổ rất lâu đời. Trong gia phả họ Phan làng Đà Sơn, được các nhà nghiên cứu thống nhất là thực sự ghi chép từ đầu thế kỷ 15, thì đến khoảng thế kỷ 17, một chi nhánh của tộc Phan đã về làng Phước Trường.

Tuy nhiên cây mù u trong sân đình nhưng đang đứng trước nguy cơ sẽ bị chết vì bị một cây đa ôm rễ vòng quanh. Theo các tài liệu khoa học thì đây là cây đa bóp cổ (tên khoa học là  Ficus sumatrana). Tận dụng lợi thế bám vào thân cây chủ, chúng đan xen nhau như một mạng lưới với hàng trăm chiếc rễ. Trên tầng cao, chúng tạo ra một tầng tán xòe rộng để chiếm lấy những vị trí nhiều ánh sáng nhất để quang hợp và che mất bóng cây chủ… Do kính sợ nên dân làng không dám đụng đến cây đa này và nhìn cây mù u bị bó chặt, nhưng không biết làm sao cứu. Chú Phạm Văn Ký, thành viên ban quản lý đình làng cho biết, các cụ trong làng cho rằng cây mù u nghĩ mình giữ đình không nổi, đứng một mình gặp bão lớn là gãy nên nhờ cây đa nương tựa tạo bóng mát cho đình (!). Dù hiểu theo cách gì thì cây mù u có thể chết trong thời gian không lâu nữa, dân làng Phước Trường đang chọn những cây mù u con khỏe mạnh để trồng riêng, phát triển thêm mù u cho làng.

Giữ cây trăm tuổi cho làng

Những cây cổ thụ thường gắn với mỗi ngôi làng. Bao lớp người về với đất, cây vẫn sừng sững cả trăm năm, đến mức đến làng nào, người cao tuổi nhất làng cũng đều bảo: hỏi cha, hỏi ông thì 2 thế hệ trước đã thấy cây lớn thế rồi. Cây thân thích với dân làng nên người dân tâm niệm rằng, cây nẩy cành xanh lộc thì dân được yên ổn, ăn nên làm ra.

Ngôi nhà của ông Phạm Đình Bê, ở đường Nguyễn Công Trứ, phường An Hải Tây, Sơn Trà, nơi xuống bến phà ngày xưa được cất ngay dưới cây đa cổ nhất của khu vực bến sông. Gian nhà phía trước không thể nâng cao được vì mắc tán đa, nhưng nó che chở cho ngôi nhà bé nhỏ này vượt qua mấy trận bão lớn. Không ai biết cây đa này bao nhiêu tuổi, chỉ thấy nó to cỡ vòng tay của 3 người. Gia đình ông Bê sống ở đây đã được 4 đời. 4 đời người nương tựa dưới gốc đa, thân cây như bức bình phong trước nhà, để ông thắp hương vào ngày rằm, mồng một. Năm 2008, khi thành phố nâng cấp đường Nguyễn Công Trứ, vì mắc cây đa, con đường được xây cong một chút sang hướng nhà thờ An Hải, tránh cho cây không bị giải tỏa. Lúc đó ông Bê và bà con làng An Thị thở phào nhẹ nhõm bởi cây đa không biết đã mấy trăm năm tuổi vẫn vẹn nguyên.

Tôi được ông Huỳnh Văn Trung, Trưởng ban quản lý khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang dẫn đi xem một cây cổ thụ (chưa rõ cây gì), thân rất chắc, lá hai màu như cây vú sữa trồng trước miếu Ông (khu dân cư Bình Hòa, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Miếu này trước đây là lăng Ông, xây vào đời vua Tự Đức thứ 22 năm 1869, sau năm 1975 lăng bị đập bỏ. Tiền hiền của làng Bình Hòa không có tên, đã truyền qua được 10 đời. Ông Trung bảo rằng may mắn là cây cổ thụ trước cửa lăng vẫn được giữ nguyên. Không như một số cây đa tuổi cũng vài trăm năm trên địa bàn phường Khuê Trung đã bị cày xới bật gốc trong quá trình chỉnh trang đô thị. Đó là cây đa ở sau Nghĩa tự xóm Thuận An (làng An Hòa), bị nhổ bỏ trước năm 2007. Hay như cây đa gần đình làng Hóa Quê bị chặt bỏ khi đường Trần Thủ Độ được xây dựng.

Ông Huỳnh Văn Trung bảo rằng, cây cỏ đụng vô còn chảy nhựa, lá chảy mủ, ông thần tựa cây đa, thần làng ai nấy thờ, vậy mà cách đối xử với những cây lâu năm của nhiều người làm cho người dân bản xứ thấy chạnh lòng…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.