Hầu hết các ca sĩ, nghệ sĩ rất yêu ánh đèn sân khấu. Với họ, được đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả là niềm vui và cả sự tự hào. Tuy nhiên không phải vị khán giả nào cũng ngồi đó với thái độ biết lắng nghe, chia sẻ để truyền cảm hứng cho người nghệ sĩ.
Sự bùng nổ của khán giả trẻ Đà Nẵng khi thưởng thức những tiết mục rock storm tại Sân Chi Lăng tháng 1-2014. Ảnh: D.N.P |
NSƯT Trịnh Mạnh Hùng, Chủ ban nhạc Tre Xanh giàu tâm huyết với lĩnh vực âm nhạc truyền thống, cho rằng thị trường âm nhạc tại Đà Nẵng hiện nay khá trầm lắng. Sân khấu âm nhạc không nhiều nên khi được biểu diễn, bản thân ông cũng như nhiều nghệ sĩ khác rất cần sự hưởng ứng từ phía khán giả. Phục vụ sáo trúc, đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn tứ… nên khán giả Tre Xanh chủ yếu là người lớn tuổi, yêu nghệ thuật. Ông Hùng nói đó là may mắn, bởi khán giả ở lứa tuổi này thường chịu khó lắng nghe và có thái độ cầu thị, điều đó giúp ông khá nhiều trong việc toàn tâm toàn ý biểu diễn phục vụ bà con. Chưa kể, đất diễn của Tre Xanh phần lớn tại nhà hàng, khách sạn, nơi khán giả chỉ gói gọn vài chục người, sân khấu và khán giả không có khoảng cách, tạo sự cộng hưởng, gần gũi dễ truyền cảm xúc. Yêu quý khán giả của mình nên dù thù lao mỗi lần diễn chỉ khoảng 300.000 đến 500.000 đồng nhưng ông không bao giờ từ chối lời mời từ đơn vị tổ chức.
Nói thế để thấy, khán giả và thái độ của họ khi ngồi dưới sân khấu tác động không nhỏ đến tâm lý ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn. Bà Lê Thị Hương Trà, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói rằng, sân khấu tuồng hiện nay phục vụ chủ yếu cho du lịch nhưng cũng khá bấp bênh vì đến nay chỉ có 2 hãng lữ hành đưa khách đến với tuồng (trong khi ở Đà Nẵng có tổng cộng 150 đơn vị lữ hành). Do đó, chỉ gần 3.000 du khách đến xem tuồng trong 3,1 triệu lượt khách đến Đà Nẵng năm 2013. Chưa kể, có những buổi biểu diễn theo lịch trình, vé mời đã phát ra, nhưng đến sát giờ diễn, dưới hàng ghế khán giả chỉ lèo tèo vài ba người. Đứng sau cánh gà, diễn viên chẳng biết nên buồn hay vui, vì chỉ cần đủ 10 khán giả họ sẽ diễn, còn không buổi diễn coi như hủy.
Để tồn tại và nuôi lòng yêu nghề cho lớp diễn viên trẻ, mỗi năm Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức đi biểu diễn phục vụ bà con ở các địa phương khác khoảng 150 buổi. Có lần, đoàn 50 người vào Quảng Nam theo hợp đồng diễn 1 đêm 7 triệu đồng, nhưng khi thấy bà con kéo đến xem đông, đoàn quyết định diễn tiếp đêm thứ 2 miễn phí. Thế mới thấy, tiền là yếu tố quan trọng để nuôi sống nghiệp diễn viên, nhưng không phải là yếu tố quyết định đến lòng yêu nghề và một lòng cống hiến với nghề.
Tương tự, trong năm 2013, Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng phục vụ 75 buổi biểu diễn với khoảng 30 ngàn người xem. Trong đó có những đợt biểu diễn lớn trong chương trình Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2013; kỷ niệm 10 năm Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1; 50 năm Hoằng Hóa Điện Bàn; đón giao thừa Tết Giáp Ngọ… Ngoài ra còn có 89 buổi diễn ở các rạp. Con số này cho thấy, dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến lượng khán giả đến rạp hạn chế nhưng với lòng yêu nghề, những thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng nói riêng và những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tại Đà Nẵng nói chung vẫn luôn tìm cho mình một hướng đi để vui cùng khán giả.
Đà Nẵng rất ít sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả, nhưng khi có chương trình ca múa nhạc diễn ra, đôi khi là miễn phí nhưng lượng khán giả đến rạp vẫn rất hạn chế. Bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan như chương trình chưa mới, chưa thật sự cuốn hút vẫn còn một số nguyên nhân khách quan khác nữa. Nhạc sĩ Trần Hồng có lần nói rằng, thời bao cấp trước đây, khi công nghệ mạng chưa phát triển, một năm đoàn ca múa nhạc thành phố có vài vở mới, thỉnh thoảng mới về địa phương biểu diễn phục vụ bà con. Trong điều kiện thiếu thốn đó, người dân hào hứng đi xem văn nghệ, ca nhạc là lẽ thường tình. Ngày nay đời sống kinh tế khá hơn, khán giả, đặc biệt là giới trẻ có nhiều sự lựa chọn về loại hình giải trí. Vì thế, nếu ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn hay, thu hút thì không lo gì chuyện khán giả không chịu lắng nghe và đến rạp.
HUỲNH LÊ