.

Tình yêu đầu tiên, buổi học cuối cùng

.

Trường xưa lớp cũ chỉ còn là ký ức, nhớ lại buổi chia tay khi rời trường phổ thông ai mà không bồi hồi, thương cảm, nhất là kỷ niệm về những mối tình học trò trắng trong, mơ mộng.

 Nhà thơ Nguyễn Văn Soong: Cái nắm tay còn ấm…

Ngày đó, nếu học trò có tình cảm với nhau thì không gọi là tình yêu như bây giờ. Chỉ là mến nhau hoặc “nặng đô” hơn chút gọi là thương nhau. Tôi và cô bạn cùng lớp ở trường cấp 3 Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, để ý nhau, nói như Nguyễn Du là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Mà không e sao được, thầy cô, bạn bè, làng xóm người ta nhìn vô, ai dám!

Thương nhau bắt chết mà chẳng... làm gì được nhau! Chỉ trông đến giờ múa hát tập thể để được đứng gần nắm tay nhau, nghe giọng hát của nhau, vậy mà tim đã đập loạn nhịp rồi. Trong nhà có củ khoai, củ sắn, miếng mít... là cuốn trong tờ giấy giấu trong cặp, đến lớp dấm dúi trao nhau, len lén thôi chứ bạn bè thấy là xấu hổ chết được.

Nhà tôi có cái bể, phải đổ 36 đôi nước mới đầy. Mỗi lần tôi ra giếng đình gánh nước là thế nào cô ấy cũng ra đấy. Chúng tôi ngầm tính thời gian gánh nước về nhà và ra lại giếng sao cho trùng nhau để được nhìn nhau, không nói gì nhưng là nói rất nhiều qua những cái cười nhoẻn miệng.

Cuối năm lớp 10 (lúc đó cấp 3 theo hệ 10 năm), tôi đi thanh niên xung phong lên Tây Bắc xây dựng kinh tế cùng với 8 thanh niên trong xã. Liên hoan chia tay, cô tặng tôi hai chiếc khăn mu-soa (người Bắc không kiêng cữ) và một chiếc lược. Khăn thêu hai chữ S và H, viết tắt tên tôi và tên cô ấy. Hôm đó, lần đầu tiên trong đời tôi nắm được tay người con gái tôi thương, ngất ngây, trìu mến, ngập tràn hạnh phúc, khác xa với cảm xúc khi nắm tay múa hát tập thể.

Bạn bè ai cũng bảo đó là một mối tình đẹp. Nhưng với tôi, nó có cái kết không có hậu. Tôi tất bật với công việc, cô ấy chờ tôi mãi, cuối cùng đi lấy chồng, cũng là một bạn học.

Sau 50 năm, tôi từ Đà Nẵng về thăm quê, cảnh cũ người xưa gợi lên bao xúc cảm và tôi viết bài thơ “Đêm quê”: Trà Châu mảnh đất quê mình. Bờ tre, giếng nước, sân đình, tuổi thơ. Nhớ em cắt cỏ bên bờ. Còn anh đánh giậm thả lờ dưới sông…

Chiếc khăn mu-soa không còn nữa, nhưng cái nắm tay xưa vẫn còn nồng ấm trong tôi cùng với những kỷ niệm tình yêu học trò tinh khôi, trong trắng…

Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Nữ: Nhìn hoa phượng là muốn chảy nước mắt

Chúng tôi vào Trường Trung học Ngoại Ô (nay là THPT Thái Phiên) năm 1973. Hồi đó cấp 2 và cấp 3 chung trường nên bạn bè cùng học suốt 7 năm trời làm chi cũng nẩy nở tình cảm, có điều, nếu có yêu thương ai cũng chẳng dám nói ra, tâm sự giấu kín trong lòng, mãi đến những buổi họp lớp hơn 30 năm sau, sau khi ai có phận nấy, mới dám thổ lộ.

Bạn tôi có người từng đứng bên đường chờ bạn gái học cùng lớp đi chợ về, chờ mãi đến lần thứ hai mà nàng vẫn biệt tăm, nản quá định thôi. Nhưng lại nghĩ, ông bà mình hay nói “quá tam ba bận”, thôi ráng thêm lần nữa thử coi vận may có mỉm cười với mình không. Và vận may mỉm cười thiệt, anh chàng tặng cho người mình thầm yêu trộm nhớ hai tấm hình… Bác Hồ và Bác Tôn. Bữa họp lớp, cô nàng còn khều lại chuyện xưa: Tui vẫn còn giữ 2 tấm hình ông tặng tui ngày trước. Ông thấy tui có “chung thủy” đầy mình không?...

Một chàng khác yêu cô bạn cùng lớp, mối tình đơn phương chôn vùi mãi trong tim, mãi tới khi…già rồi mới đủ dũng khí để nói ra. Hôm đó anh ta nghe điện thoại có người nhắc đi họp lớp, một giọng nữ nửa quen nửa lạ, bèn hỏi: Xin lỗi, ai vậy hè? Đầu dây bên kia cười phá lên: Ui trời! Ông nói ông yêu tui tha thiết, mà cái giọng tui ông cũng không nhận ra thì thiết tha cái chỗ mô?!...

Lớp tôi có cô bạn rất xinh gái, mái tóc đẹp như minh tinh màn bạc (bây giờ gọi là diễn viên điện ảnh), được nửa tá chàng trai trong lớp yêu thầm mà chẳng hay biết. Đến khi họp lớp, nghe các chàng tranh nhau thổ lộ mối tình thinh lặng ngày xưa, cô nàng bỗng dưng thấy mình ngày đó sao mà “có giá” dữ!

Vậy đó, tình yêu học trò ngày đó trong sáng, đẹp đẽ và thường là rất ngây thơ. Tuổi học trò trong tôi giờ đã xa lắc xa lơ, mỗi khi hè về nhìn hoa phượng là muốn chảy nước mắt. Những kỷ niệm của buổi học cuối cùng bao giờ cũng được chúng tôi “hâm nóng” trong những lần họp lớp với những cách chọc phá không khác gì hơn 30 năm trước…

Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh: Không nguôi nỗi niềm xưa cũ…

Cuối năm học, ngồi trong phòng ngẩng đầu nhìn qua cửa kính, một cành phượng đỏ rực rỡ ẩn hiện sau những tán lá xanh. Đẹp đến nao lòng.

Một mùa chia tay sắp đến. Ngày ấy, trong buổi học cuối cùng, tôi cũng chợt nhìn qua cửa lớp và thấy cả một góc trời Trung học Hòa Vang đỏ rực mùa phượng nở.

Hôm ấy, tôi đã nhận được một cuốn sổ nhỏ, quà tặng của một bạn trai khác lớp, bên trong có những cánh hoa phượng được ép thành cánh bướm xinh xắn với dòng chữ: “Tặng T cánh phượng đầu mùa”. Chỉ vậy thôi mà má tôi đã ửng đỏ, lòng tôi xao xuyến bâng khuâng suốt cả buổi học. Khi ra về bạn ấy đi theo tôi ra nhà gửi xe. Bạn ấy nói gì tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ bạn ấy xin phép cầm tay tôi, tôi bối rối quá trả lời: “Tay tôi đang bận cầm chìa khóa xe” rồi vội vã đạp xe ra cổng, trống ngực đập rộn rã, tôi đã chạy thật nhanh về nhà không dám ngoái đầu nhìn lại.

Vậy là đã hơn 30 năm trôi qua, tôi may mắn được quay về trường cũ làm cô giáo, được hằng ngày ngắm nhìn từng góc nhỏ thân thương. Mỗi mùa chia tay lại thấy xao xuyến bồi hồi, thấy thương lũ học trò thơ dại và càng thương lắm một thời thơ dại của tôi, của bạn ấy…Bạn đang ở rất xa quê hương, thỉnh thoảng gặp nhau qua điện thoại, hay nhắc lại những kỷ niệm đẹp của một thời xa vắng và không nguôi nỗi niềm xưa cũ…

Tôi đã qua nửa bên kia của cuộc đời. Những kỷ niệm của buổi học cuối cùng, của những tháng năm học trò là những ký ức đẹp đẽ mà tôi không thể nào quên được.

Trong cuộc đời  tất tả ngược xuôi, những ký ức đó như những ngọn gió trong lành xua đi những bụi bặm đời thường giúp cho ta thanh lọc tâm hồn, và bình yên với một khoảng trời xanh thẳm yêu thương…

VĂN THÀNH LÊ (ghi)

;
.
.
.
.
.