Thoang thoảng trong căn nhà số 266 Hùng Vương (Đà Nẵng) của ông Lê Hoàng Vinh (sinh năm 1942) là một mùi xưa cũ không lẫn đi đâu được, đó là mùi của sách, mùi của giấy. Cứ nói đến sách là đôi mắt ông lại ánh lên nét tinh anh: Từ nhỏ tôi đã rất thích đọc những cuốn sách về lịch sử, cả lịch sử phương Đông lẫn phương Tây đều hấp dẫn tôi.
Ông Lê Hoàng Vinh: Gặp được một người trẻ có cùng niềm đam mê như mình, tôi rất trân quý nên không hẹp hòi gì mà sẵn sàng chia sẻ…Ảnh: Q.T |
Kho sách của ông với trên dưới 1.000 cuốn được trưng bày trong 4 chiếc tủ kính lớn, chiếm số lượng nhiều nhất là sách văn học, lịch sử. Những tác phẩm văn chương Đông - Tây, kim - cổ được ông sưu tầm hơn nửa thế kỷ qua. Có những bộ sách quý mà hiện nay không còn xuất bản trên thị trường như bộ 5 cuốn “Gia sản Hán-Nôm Việt Nam”, bộ 10 cuốn “Đại Nam thực lục”. Để có được số sách này, ông phải thu thập từ thời học sinh. Ông Vinh rưng rưng nhớ về kỷ niệm khi lần đầu tiên được cầm trên tay cuốn sách viết bằng chữ Hán do cha ông-một giáo sư Nho học để lại. Tiếc rằng, cuốn sách đó đã bị thất lạc do gia đình ông ly tán trong chiến tranh.
Thời trẻ, ông Vinh làm giáo viên dạy tiểu học, ngoài việc dạy tại trường, ông còn đi dạy kèm để kiếm thêm tiền mua sách. Hồi đó tiền cơm tháng hết 300 đồng, ông đi dạy kèm có tháng kiếm được đến 900 đồng, nộp tiền cơm xong, gửi cho mẹ 200, phần còn lại ông dồn hết cho sách. Lời ông kể như gợi nhớ cái thời cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, phải chạy khắp nơi tìm chốn bình yên mà sinh sống vậy mà những người như ông vẫn dành niềm đam mê, sống hết mình với sách. Tìm một cuốn sách hay để đọc đã là điều khó, lưu giữ được một tủ sách quý giá tới tận bây giờ thật không dễ dàng gì.
Với ông Vinh, có những cuốn sách trĩu nặng một câu chuyện đáng nhớ trong hành trình đi tìm tri thức. Như cuốn sách “Những chí sĩ Ngũ Hành Sơn” ông nâng niu trên tay khi trò chuyện với tôi.
Nhiều nhà Nho học thời trước biết Chí sĩ Lê Bá Trinh, một người con ưu tú của đất Quảng Đà (1878-1934) là ông nội bác của ông Vinh nên rất quý mến và dạy ông Vinh chữ Hán, chữ Nôm, dẫn ông đi nhiều nơi giới thiệu những người từng tham gia phong trào cách mạng với Lê Bá Trinh. Trong đó có bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh. Trong thời gian ở Pháp, bà Kinh tìm được một số tài liệu về Lê Bá Trinh nên đã liên hệ với ông Vinh và gửi về. Nhờ những tài liệu này mà ông Vinh cho ra đời cuốn sách “Chí sĩ Lê Bá Trinh”. Nhưng ngặt một nỗi ông Vinh không có hình của ông nội để minh họa cho sách. Sau khi liên hệ khắp nơi, ông Vinh ra Huế gặp được thầy Thích Đôn Hậu - người đã dịch gia phả gia đình mình ngày xưa - để hỏi, may mắn là thầy nhớ tại nhà sách Huế có những cuốn sách liên quan đến phong trào Duy Tân. Thầy giới thiệu ông đến đó. Chủ nhà sách biết chuyện đã trân trọng tặng ông cuốn “Những chí sĩ Ngũ Hành Sơn”. Cầm cuốn sách quý vuốt nhẹ vào phần gáy sách, trầm ngâm nói: Đây là cuốn sách tôi trân trọng nhất trong tủ sách của mình.
Truyền lại đam mê
Dừng lại ở tủ sách xưa nhất với những cuốn sách đã mòn theo thời gian, có những cuốn được đóng bìa gáy vàng rất đẹp, ông Lê Hoàng Vinh cho biết, đây là những cuốn sách hiếm, sách cổ mà ông phải bỏ nhiều tâm sức mới sưu tầm được. “Tủ sách quý này có khoảng 400 cuốn, được tôi để ở gần nơi làm việc nhất để mỗi khi cần thông tin gì cho bài viết thì lấy ra nghiên cứu”. Từ người đam mê, sưu tầm sách, ông đã trở thành người viết sách, cho ra đời gần chục đầu sách của riêng mình và hơn 10 đầu sách viết chung với các tác giả khác.
Tình yêu sách của ông Vinh đã truyền sang cho các con của ông. Ông có 5 người con, 4 trai, 1 gái. Ngay từ nhỏ, ông hướng các con đến niềm đam mê đọc sách.
Ngoài các con, cả vợ ông Vinh cũng là người biết đến nhiều sách dù bà không có thời gian để đọc. Tất cả những cuốn sách bà biết và nội dung của nó đều được ông Vinh kể lại. Nhắc đến người vợ tảo tần của mình, mắt ông Vinh ánh lên một niềm biết ơn vô hạn, ông bảo: “Trong gia đình, một tay vợ tôi lo gánh nặng kinh tế. Trước, bà ấy đi buôn hàng ở Sài Gòn, việc quán xuyến gia đình và nuôi dạy con cái giao cho tôi. Dù cuộc sống khó khăn vất vả nhưng bà ấy chưa bao giờ bảo tôi bán sách hay bớt thời gian đi tìm sách. Niềm hạnh phúc tôi mang đến cho bà ấy chỉ là khi bắt gặp cuốn sách nào hay thì đọc thật kỹ để kể cho bà ấy nghe. Bà ấy vui lắm”.
Tuy vậy, ông Vinh cũng tỏ vẻ tiếc nuối khi các con ông lớn lên, niềm đam mê đọc sách đã không còn giữ được nguyên vẹn như ngày nào. “Thời niên thiếu, cả 5 đứa con của tôi đều yêu thích việc đọc sách nhưng khi lớn lên, cuộc sống bận rộn, giờ chỉ còn 2 đứa là vẫn giữ được đam mê với sách. Chúng đọc sách hằng ngày. Còn những đứa kia chỉ khi cuộc sống khó khăn, công việc gặp trở ngại, chúng mới tìm về với sách”.
Cả 8 đứa cháu nội của ông Vinh cũng đều thích đọc sách. Ông bảo, niềm vui của tuổi già là thấy con cháu của mình mỗi khi về thăm ông bà đều không quên thăm lại tủ sách. “Tụi nó đã bàn tính với nhau, sau này nếu ông bà mất sẽ chia nhau bảo quản tủ sách của gia đình, không để nó bị mai một và không bán đi bằng bất cứ giá nào. Nghe vậy, tôi hạnh phúc lắm”.
Ông nghĩ, đã đến lúc cần phải làm gì cho “người bạn sách” của mình. Chính “tiếng tăm” yêu sách, sưu tầm được nhiều sách hay, sách quý của ông Vinh lan truyền nhiều nơi nên vào mỗi chiều chủ nhật, các bạn sinh viên Trường Đại học Sư phạm yêu thích việc đọc cũng tìm đến nhà ông để được đọc sách miễn phí. Với lượng kiến thức, hiểu biết vốn có của một người đọc sách lâu năm, ông Vinh thường tư vấn những bộ sách ưng ý cho các bạn sinh viên tham khảo. “Gặp được một người trẻ có cùng niềm đam mê như mình tôi rất trân quý nên không hẹp hòi gì mà sẵn sàng chia sẻ sách cho các bạn, càng nhiều người đọc sách thì xã hội càng văn minh”.
Ngoài tuổi 70, cơn tai biến quái ác 3 năm trước khiến sức khỏe ông Vinh không còn như trước nữa. Những bạn văn cũng hạn chế lui tới để ông có thời gian nghỉ ngơi. Trong căn nhà yên tĩnh, ông Vinh vẫn luôn ấp ủ niềm ao ước cùng được lưu giữ, được chia sẻ thật nhiều sách quý với bạn văn, với những người nặng lòng với sách, để những cuốn sách không chỉ mãi nằm yên trên giá và theo thời gian, dần mai một…
QUỲNH TRANG