.

Cảm xúc thăng hoa trong nhạc Nguyễn Duy Khoái

.

“Đi về về phía đông, về phương phương mặt trời, cuối một một dòng sông, nơi đầu đầu cửa biển, có một thành phố vững vàng trong bão tố, lung linh lung linh ngàn năm xưa, lung linh lung linh ngàn năm sau, huyền thoại Rùa Vàng linh thiêng (Hồn đá quê tôi)”.

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái. Ảnh: H.N
Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái. Ảnh: H.N

Lần đầu tiên chúng tôi được nghe bài hát này do các anh chị ở Ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn trình bày, đã rất ngạc nhiên vì Đà Nẵng có một bài hát hay, lời ca mượt mà như thế nhưng ít được biết đến. Và khi tiếp xúc với “cha đẻ” của Hồn đá quê tôi-nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái mới hay ông có nhiều ca khúc để đời, để lại dấu ấn riêng trong lòng người yêu nhạc.

Những ngày tháng phiêu bồng ở Huế, Trà My và nhiều vùng đất khác ở Quảng Nam đã cho Nguyễn Duy Khoái một tâm hồn dạt dào xúc cảm. Hàng loạt những ca khúc như Duy Xuyên-về miền yêu thương, Kể chuyện Phước Sơn, Tương tư Huế… hình như “định danh” anh là nhạc sĩ có nhiều bài hát “địa phương ca”. Nhưng phải đến Đêm hội phố Hoài với giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2001 dành cho ca khúc này đã đánh dấu một mốc son trong chặng đường sáng tác của anh.

Và hơn hết, Nguyễn Duy Khoái nhận một giải thưởng rất lớn, đó là sự yêu mến của người dân Hội An cũng như nhiều người yêu mến phố Hội, vì khi nhắc đến vùng đất này, thì giai điệu bài hát cũng ngân lên… “Tìm lại ngày xưa đã mất/ bến sông Hoài tôi về chiều nay/Thấy bông hoa vàng rụng bên sông/ Ngày xưa đã qua qua rồi/Loanh quanh trên những con đường nhỏ/Lang thang qua phố xưa nhà cổ/Đi đâu cũng một màu xanh trong vắt hồn phố xưa/Chiều về Hội An để đêm mơ Hoài Phố/Vẫn ánh đèn đêm xôn xao chợ khuya/Vẫn tiếng rao trăm năm vọng về”.

Năm 1971, khi 18 tuổi, Nguyễn Duy Khoái trình làng ca khúc Trong mưa bom, mặt trời sẽ đến: “Mặt trời sẽ đến xua đêm dài/ Hòa bình sẽ nở trên môi người/Trời rợp cánh chim câu rợn bay/Mặt trời sẽ đến, mặt trời sẽ đến /Rồi một ngày mặt trời hòa bình sẽ đến trên quê hương và trong trái tim ta”. Những tưởng những ca khúc với ca từ hào hùng, giai điệu sôi nổi sẽ theo Nguyễn Duy Khoái trong quá trình sáng tác của anh; nhưng anh đã đổi hướng, chọn những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng cho những đứa con tinh thần của mình, sau những chuyến đi qua nhiều vùng đất và khẳng định tên tuổi của anh hiện nay.

Theo nhạc sĩ, tiêu chí đầu tiên của những người sáng tác là bài hát được phổ biến rộng rãi, nhưng đây mới là điều kiện cần, vì mỗi bài hát muốn “để đời” còn cần đến ca từ, giai điệu. Và có một điều không thể chối bỏ, là nhiều bài hát hiện nay muốn được công chúng chú ý, thì ca sĩ thể hiện mang yếu tố quyết định rất lớn. Trong khi nhiều ca sĩ tài năng của Đà Nẵng lập nghiệp ở xứ khác, một số ca sĩ giỏi hiện nay chỉ có điều kiện hát ở phòng trà, điều kiện giao lưu với ca sĩ các nơi khác cũng hạn chế. Ngoài ra, trung tâm thu âm, hệ thống phát hành, nhạc sĩ phối khí của Đà Nẵng cũng thua kém Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khiến các bài hát được các nhạc sĩ sáng tác trên dải đất miền Trung này ít có điều kiện vươn xa.

Nói như thế nhưng Nguyễn Duy Khoái vẫn là nhạc sĩ có nhiều bài hát được phổ biến rộng rãi. Đơn cử như Tìm trăng phổ thơ Nguyễn Tấn Sỹ: “…Sống một nơi, mà nhớ một nơi, suốt đời buồn mà suốt đời vui với trăng một mình/Buồn vui ối a trong đời người, còn như ánh trăng kia đầy vơi, bàn chân bước vui quanh vòng đời, đừng quên ánh trăng kia lẻ loi”.

Hay trong nhiều đám cưới, quan khách được nghe “Lời đầu tiên, xin chúc hai họ gái trai, tình sui gia mặn mà, càng thiết tha như chung một nhà. Xin chúc cô dâu hiền xinh lại càng xinh, chú rể quý xứng danh trai tài, trăm năm loan phụng hòa duyên, bên nhau xây đẹp mùa xuân. Chúc cho bà con cô bác, đêm nay vui thật là vui, chúc cho anh em bạn bè chung ly rượu mừng có thêm nhiều bạn mới, không say không về…” (Lời chúc hạnh phúc). Bài hát này anh sáng tác tặng con gái ngày con về nhà chồng, không ngờ lại trở thành ca khúc được ngân vang rộn rã, vui tươi và đằm thắm trong rất nhiều đám cưới. Riêng anh, cứ đến dự lễ đám cưới con bạn bè, anh lại cầm  mi-cơ-rô “không say không về”.

Tại ngôi nhà, cũng là nơi anh dạy nhạc và bán nhạc cụ ở số 71 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, hình ảnh và hàng chục giải thưởng của anh treo khắp nơi. Thấy anh “hiện diện” nhiều, tôi hỏi chị Bùi Thị Yến Nhi, người vợ đã lui về phía sau lo toan cho gia đình, để anh rảnh rang sáng tác, là “hình như chị yêu chồng lắm”. Chị cười rất tươi và bảo nhỏ “thế mà chị tưởng yêu như thế vẫn chưa đủ em ạ”.

Nguyễn Duy Khoái mong “năm nay viết cái gì mới mới”. Và với thói quen đọc sách, làm thơ, thích viết, tạo vốn sống cho mình, thì việc anh mong muốn có được giai điệu riêng (nhạc tính), có bản sắc riêng, kết hợp với những cảm xúc thăng hoa, bay bổng và một trái tim yêu thương con người, anh sẽ tiếp tục cho ra đời những ca khúc đi vào lòng người, đóng góp nhiều hơn cho kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái sinh năm 1953, quê ở thành phố Huế. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác trong phong trào sinh viên năm 1971 tại Huế. Sau ngày giải phóng (1975), ông tham gia công tác tại địa phương, sau đó vào học Đại học Âm nhạc Huế, tốt nghiệp ngành Sáng tác (1995) và tiếp tục sáng tác cho tới nay. Những tác phẩm tiêu biểu: Trong mưa bom, mặt trời sẽ đến, Khi trái tim vẫn hồng, Việt Nam - Cuba, Lời ru, Thành phố này, Hồn đá quê tôi, Phố chiều, Đêm hội phố Hoài, Tương tư Huế, Tìm trăng…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.