.

Để âm nhạc Đà Nẵng vươn xa

.

Gần đây, du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng thường nghe những ca khúc viết về thành phố được giới thiệu qua hệ thống loa phát thanh tại các bãi biển, xe du lịch hay tại sân chơi âm nhạc đường phố. Đó là những cách làm hay giúp du khách gần xa hiểu thêm về mảnh đất, con người Đà Nẵng.

Việc phát các ca khúc trên loa phát thanh tại bãi biển đem lại nhiều sự thú vị cho du khách. Ảnh: VÕ TÙNG
Việc phát các ca khúc trên loa phát thanh tại bãi biển đem lại nhiều sự thú vị cho du khách. Ảnh: VÕ TÙNG

Nhiều kênh quảng bá

Cách đây một năm, cuộc thi “Sáng tác ca khúc hay về thành phố Đà Nẵng” thu hút hơn 100 tác giả chuyên và không chuyên trên toàn quốc tham gia. Từ 174 bài dự thi, Hội Âm nhạc và Đài PT-TH Đà Nẵng thực hiện tuyển tập ca khúc viết về Đà Nẵng gồm 120 bài hát. Từ “nguồn vốn” ca khúc này, các công ty, đơn vị du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến du khách.

Dạo quanh các tuyến đường bằng phương tiện xe điện Phú Phong, du khách có thể vừa ngắm phố phường, vừa được nghe những giai điệu du dương về vùng đất và con người Đà Nẵng. Ông Trần Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phú Phong tỏ ý hài lòng, điều mà khách thích nhất là chuyến đi không tiếng động cơ, không mùi khói xăng, chỉ có tiếng loa trên xe phát những bài hát về Đà Nẵng và đôi lúc có tiếng trầm trồ của khách trước những cảnh tượng huyền ảo, nên thơ đến lịm người của thành phố. Âm nhạc có lẽ là người kể chuyện tuyệt vời nhất.

Ngoài đơn vị này, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cũng thường xuyên chọn phát những bài hát về thành phố, vừa đánh thức tình yêu thành phố của người dân địa phương, vừa thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thành phố của khách du lịch. Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, việc phát các ca khúc trên loa phát thanh tại bãi biển không thể tùy tiện mà đều có tiêu chí lựa chọn và phải qua kiểm duyệt. Đà Nẵng làm du lịch không cứng nhắc, không chỉ là những bài hát ca ngợi địa phương, mà còn phát những bài hát nhạc trẻ, nhạc quốc tế… phục vụ nhu cầu của du khách.

Ngoài những đơn vị khai thác du lịch đẩy mạnh việc quảng bá ca khúc về Đà Nẵng, trong mỗi giờ “kết sóng”, mỗi chương trình trên Đài PT-TH Đà Nẵng đều lồng ghép những bài hát về thành phố. Những giai điệu “Đà Nẵng ơi tình đời, có qua bao lận đận, mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu…” dường như từ lâu đã thấm trong huyết quản của người dân thành phố và trở nên quen thuộc với những du khách yêu Đà Nẵng.

Cần thêm sự hỗ trợ từ nhiều phía

Thời gian qua, dù Hội Âm nhạc thành phố thực hiện một số chương trình ca nhạc đặc biệt như thực hiện giới thiệu các ca khúc viết về “Nông thôn mới”, các chương trình Tác giả - Tác phẩm, Tác phẩm mới, Văn nghệ đời sống… Ngoài ra, Hội còn thường xuyên tổ chức các chương trình ca nhạc gắn với các sự kiện, thời điểm, chủ trương, các cuộc vận động phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của thành phố và đất nước. Dù vậy, sự quảng bá này vẫn còn riêng lẻ, chưa mang tính chuyên nghiệp từ nhiều phía.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch  Hội Âm nhạc Trần Ái Nghĩa cho biết, cái thiếu hiện nay là kinh phí để thực hiện các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh và truyền hình, các Audio, Video CD… và sự cởi mở hơn nữa của chính quyền thành phố trong các đầu tư cài đặt cho karaoke, in ấn.  Cụ thể, ở nhiều tỉnh, thành khác, những bài hát về vùng đất của họ đã được đưa vào karaoke vi tính số, ở Đà Nẵng thì trong karaoke không có bài nào. Hay về việc in ấn: từ năm 1975 đến nay, qua 39 năm, Đà Nẵng chỉ làm được một đĩa VCD với 10 bài hát về thành phố, còn lại, ca sĩ nào hát bài nào thì ra bài đó. Hoặc, trong các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật của các quận huyện và thành phố, chưa có sự bắt buộc các đội tham gia phải sử dụng bao nhiêu ca khúc viết về Đà Nẵng?

Tuy nhiên, điều đáng mừng các nhạc sĩ thành phố vẫn đầy nỗ lực trong sáng tác, nhất là những tác phẩm trọng tâm cho năm 2015 và ca khúc về biển đảo trong thời điểm hiện nay. Sắp đến, Hội sẽ cộng tác với Đài PT-TH Đà Nẵng, Hội Điện ảnh, thực hiện một số chương trình ca múa nhạc đặc sắc.

Không chỉ những người làm âm nhạc chuyên nghiệp ở Hội Âm nhạc luôn muốn thổi vào âm nhạc thành phố những luồng gió mới, các đơn vị du lịch cũng không “đứng ngoài cuộc chơi”. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang nghiên cứu, lồng ghép 10 ca khúc mới (đã đoạt giải trong cuộc thi “Sáng tác ca khúc hay về thành phố”) để phát trong mùa du lịch cao điểm này nhằm làm phong phú thêm cho “món ăn tinh thần” của người dân và khách du lịch. Còn ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng thì đang thai nghén kế hoạch tổ chức một sân chơi âm nhạc hằng tháng dành cho sinh viên với mục đích để nâng cao nhận thức cộng đồng về một đời sống âm nhạc giải trí lành mạnh cho người dân thành phố cũng như quảng bá rộng rãi đến du khách. Chúng ta vẫn có quyền hy vọng, trong tương lai, một chương trình âm nhạc dành cho đối tượng học sinh, sinh viên sẽ trở thành một sản phẩm du lịch của thành phố.

QUỲNH TRANG


 

;
.
.
.
.
.