.

Khúc hát đẫm chất dân ca

.

Chảy theo những câu hát ru là điệu à ơi thương nhớ, chảy theo những bài dân ca xứ Quảng là những điệu xuân nữ, xàng xê hay hò ba lý tang tình… Những điệu dân ca đầy ngọt ngào ấy đã sống một đời với ruộng đồng, cây cỏ và làm nên con người Quảng Nam - Đà Nẵng ân tình. Chính vì vậy việc đưa chất liệu dân ca vào sáng tác âm nhạc như một nhu cầu tinh thần của nhiều nhạc sĩ viết về đất và người thành phố bên sông Hàn.

Những khúc hát mang âm hưởng dân ca luôn được giới biểu diễn và công chúng đón nhận. Ảnh: N.H
Những khúc hát mang âm hưởng dân ca luôn được giới biểu diễn và công chúng đón nhận. Ảnh: N.H

Sử dụng các làn điệu dân ca để chuyển tải nội dung bài hát không chỉ là một thủ pháp mà nhiều khi còn là bản sắc riêng của từng tác giả.

Cô du kích Đà Nẵng, ca khúc nổi tiếng của Thanh Anh, chắt lọc chất liệu dân ca xứ Quảng trong phong cách tự sự kết hợp chất trữ tình pha một chút giản dị, lạc quan nên dễ lan tỏa trong công chúng. Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2011, Hội Âm nhạc Đà Nẵng mở Trại Sáng tác Âm nhạc. Dịp này, “lão tướng” Thanh Anh, với phong độ như thời viết Cô du kích Đà Nẵng thêm sự chiêm nghiệm của tuổi già, đã đưa âm hưởng dân ca xứ Quảng vào khúc hát Về thăm thành phố quê hương phổ thơ Vạn Lộc.

Thương em chín đợi mười chờ được nhạc sĩ Minh Đức viết từ năm 1982, sau khi anh tốt nghiệp khoa sáng tác Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nay là Đại học Nghệ thuật Huế. Hơn ba thập niên qua, bài hát không chỉ được công chúng cả nước biết đến như một trong những “địa phương ca” về đất Quảng, mà còn vươn ra ngoài quê hương, đất nước. Nó sống khỏe, sống vang dội như thế là nhờ tấm lòng của người làm ra nó. Anh khẽ hát: Ai có về quê hương Gò Nổi. Miền đất mới giờ đã xanh dâu. Thương em! Thương em gắng đợi ngày nào, gắng đợi ngày nào. Bao giờ dâu mượt. Bao giờ dâu mượt. Anh bắc cầu, anh bắc cầu đón... em! Rồi chia sẻ với báo giới: “Chỉ cái đoạn kết này thôi, tôi phải mất nửa tháng nằm lại ở Điện Quang, thời cây dâu còn lên ngôi trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Chính vì cái điệu quê Thương em chín đợi mười chờ ngọt ngào tới tận ruột gan ấy mà ca sĩ Hương Lan đã đưa bài hát này cùng với Còn thương rau đắng mọc sau hè, Điệu buồn phương Nam, Ai ra xứ Huế, Tát nước đầu đình… vào danh sách những ca khúc trình diễn trong Ơn đời một khúc dân ca, live show đầu tiên của ca sĩ hải ngoại này được tổ chức trong nước vào đầu tháng 4-2009 nhân kỷ niệm 50 năm gắn bó với con đường ca hát của chị.

Trong sáng tác âm nhạc, việc học tập, sáng tác, mô phỏng hay phát triển từ các làn điệu dân ca, nhất là những bài hát về các địa phương, là một trong những chất liệu làm nên thành công của nhiều nhạc sĩ. Âm nhạc Việt Nam đã từng có Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý) với mô-tip của bài Ru con Nam Bộ, Quảng Nam yêu thương (Phan Huỳnh Điểu) phảng phất giai điệu Lý con ngựa và Lý Tang tít Trung Bộ, Làng quan họ quê tôi (Nguyễn Trọng Tạo) có bóng dáng của Bèo dạt mây trôi, dân ca quan họ Bắc Ninh. Nghe các ca khúc Em ở đầu sông, anh cuối sông (Hoài Vũ - Phan Huỳnh Điểu), Em là hoa Pơlang (Đức Minh), Khúc hát sông quê (Lê Huy Mậu - Nguyễn Trọng Tạo) ta dễ dàng nghe thấy không gian các vùng quê ấy, lần lượt là đồng bằng Nam Bộ, núi rừng Tây Nguyên và những làng quê xứ Nghệ…

Ở mảnh đất Đà Nẵng trẻ trung, sôi động, âm hưởng những bài dân ca miền núi Quảng Nam của các dân tộc Cơtu, Bh’noong đã đi vào ca khúc của Thái Nghĩa chân chất, gợi cảm như đôi vai trần người thiếu nữ Cơtu. Nguyễn Đức với dân ca Bhana của vùng đất đỏ ba-zan; Trần Ái Nghĩa với các điệu lý của vùng sông nước Quảng Nam mênh mông…

Ngoài chất liệu dân ca, cũng có thể dùng một hình thức âm nhạc dân gian của không gian văn hóa chung để làm ngôn ngữ diễn đạt cho một vùng quê bất kỳ, phù hợp với yêu cầu nội dung và phong cách của ca khúc. Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái đơn cử như Ca trù, đã trở thành Di sản văn hóa thế giới, là sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao của thi ca và âm nhạc, không chỉ là tài sản  riêng của 16 tỉnh thành phía Bắc. Với đặc tính riêng của mình, ca trù rất thích hợp với việc chuyển tải những chuyện kể, những truyền thuyết dân gian. Vì thế, khi sáng tác Hồn đá quê tôi, kể về chuyện thần Kim Quy ấp trứng rồng vàng sinh ra năm ngọn Ngũ Hành Sơn, anh đã mượn phảng phất làn điệu ca trù để chuyển tải câu chuyện dân gian này.

Không ít bài hát mang âm hưởng dân ca đã góp phần mang lại tên tuổi cho nhiều nhạc sĩ trên cả nước. Đà Nẵng, ngoài những bài hát nói trên, còn nhiều bài hát phảng phất hơi thở của làn điệu dân ca xứ Quảng và khiến cho công chúng biết đến tác giả như: Những điều ước cho một vùng quê của Trần Ái Nghĩa; Chuyện chàng thi sĩ bên sông Hàn của Mai Danh; Hát Bả trạo chào bình yên của Thái Nghĩa; Đà Nẵng tình người của Đình Thậm (thơ Ngân Vịnh)...

Xét cho cùng, việc yêu mến một bài hát viết về quê mình bằng cái điệu quê chính hiệu không chỉ dừng lại ở hành động mang ý nghĩa địa phương hạn hẹp mà là đi tìm lại chính mình trong suối nguồn dân tộc.  

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.