.

Trầm tích giữa sông Hàn

.

Những ai yêu, gắn bó cuộc đời mình với Đà Nẵng hẳn sẽ không đồng ý với ý kiến cho rằng Đà Nẵng hiện đang rất thiếu những ca khúc hay viết về thành phố. Bởi ở đâu đó giữa cuộc sống Đà thành, những ca khúc ấy vẫn lặng lẽ ngấm vào lòng người.

Hiện rất ít ca khúc Đà Nẵng được biểu diễn trong các chương trình ca múa nhạc lớn lẫn các cuộc thi âm nhạc diễn ra tại thành phố.  (Ảnh do Nhà hát Trưng Vương cung cấp)
Hiện rất ít ca khúc Đà Nẵng được biểu diễn trong các chương trình ca múa nhạc lớn lẫn các cuộc thi âm nhạc diễn ra tại thành phố. (Ảnh do Nhà hát Trưng Vương cung cấp)

Tiếng hát từ Đà Nẵng

Có một thời Đà Nẵng sở hữu những bài hát lay động lòng người, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước chảy dọc dài qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc. Tiếng hát từ Đà Nẵng, Liên khu năm yêu dấu, Quê tôi miền Nam của Phan Huỳnh Điểu, Bến Hàn Giang của Ngọc Trai; Thái Phiên thành phố, Về bến sông Hàn của Võ Đăng Minh; Nhắn về Đà Nẵng yêu thương của Trương Đình Quang; Cô du kích Đà Nẵng của Thanh Anh… Mỗi bài hát mang một tình yêu cháy bỏng dành cho mảnh đất này.

Một lần ngồi trò chuyện với nhạc sĩ Thanh Anh (quê Bình Định) tại nhà riêng tại quận Sơn Trà, ông bảo ca khúc Cô du kích Đà Nẵng viết năm 1968, khi đang là Trưởng đoàn Văn công quân giải phóng Trung Trung Bộ. Lúc ấy, Thanh Anh chưa một lần đặt chân đến Đà Nẵng, chỉ nghe đồng đội kể về sự gan dạ, mưu trí của nữ biệt động thành Đà Nẵng mà nuôi dưỡng cảm xúc về bài hát này. Bài hát sau khi ra đời đã được luyện tập, biểu diễn phục vụ bộ đội khắp chiến trường Quân khu V. Nhờ giai điệu đẹp, tiết tấu nhanh, mang âm hưởng dân ca xứ Quảng, gần gũi với hơi thở đất nước lúc bấy giờ nên Cô du kích Đà Nẵng nhanh chóng được mọi người yêu thích, lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng ca Kim Oanh, vang vọng khắp mọi miền đất nước.

Sống ở Đà Nẵng, nhưng không phải ai cũng biết, từ sau ngày thành phố giải phóng 29-3-1975, rất nhiều người con Quảng Nam, Đà Nẵng mang trong lòng niềm hân hoan được trở về quê nhà đã viết nên những ca khúc dạt dào cảm xúc. Trong đó, có thể kể đến Đà Nẵng ơi! Chúng con đã về của Phan Huỳnh Điểu; Đà Nẵng quê ta giải phóng của Nguyễn Đức Toàn; Đà Nẵng kiên cường, chiến thắng vẻ vang của Thuận Yến, Đà Nẵng rực lửa chiến công của Thái Cơ, Người Đà Nẵng của Phan Ngọc… Có người nói, ca khúc sáng tác trong thời chiến chỉ thích hợp với những năm đất nước còn chiến tranh. Nhưng một số nhạc sĩ như Nguyễn Thụy Kha, người gốc Hải Phòng, đang sinh sống tại Hà Nội lại không nghĩ vậy. Trong quá trình tìm hiểu ca khúc Đà Nẵng ông đã thốt lên rằng: “Nhìn lại loạt ca khúc, tôi thấy đứng lên vững chãi một hồn cốt bài hát về TP. Đà Nẵng, một hồn cốt mà không phải địa phương nào, thành phố nào cũng có được”.

Đồng quan điểm trên, nhạc sĩ Thanh Anh nhắc lại, ca khúc Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp của nhạc sĩ Cầm Phong (thơ Lưu Trùng Dương) qua giọng hát Mạnh Hà từng được phát liên tục trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam sau ngày Tổng Tấn công Mậu Thân 1968 đã ngấm vào lòng bao thế hệ thanh niên thời chiến, trong đó có ông. Giai điệu hào hùng, bi tráng của Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp từng được người yêu nhạc thời đó sánh ngang với Người Hà Nội, Huế tình yêu của tôi hay Thành phố hoa phượng đỏ. Thời nào cũng vậy, làm sao chúng ta có thể không rưng rưng xúc động lẫn tự hào khi nghe lại giai điệu lẫn ca từ này: “Đi ta đi giữa đất trời giải phóng/Tà áo trắng tung bay như mùa xuân tỏa nắng/Ánh mắt em thơ in cánh sao vàng bay/Tiếng hát câu ca phơi phới trong lòng ta/Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng ơi” trong ca khúc Sông Hàn vang tiếng hát của Huy Du (thơ Bùi Minh Quốc). Đó là những giai điệu mà mỗi khi nhắc lại, những lão thành cách mạng ở Đà Nẵng như ông không khỏi bùi ngùi, xao xuyến nhớ về những năm tháng đã xa.

Nhiều thập niên trôi qua, người yêu nhạc Đà Nẵng dường như không còn nhớ nhiều đến giai điệu ngọt ngào trong Xin mời người đến thăm Đà Nẵng của Hoàng Vân hay miên man cảm xúc cùng “Đà Nẵng thành khúc tình ca. Đà Nẵng thành ngọn lửa cháy. Lửa cháy trong tim tôi. Xanh thắm mãi lòng tôi” trong Đà Nẵng trong tôi của Thuận Yến. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói đó là những bài hát hay và giàu cảm xúc, đủ sức lay động lòng người ở mọi thời điểm, là trầm tích âm nhạc êm đềm chảy giữa dòng sông Hàn. Vậy tại sao nó vẫn không “sống” được trong lòng người yêu nhạc Đà Nẵng?!

Khát vọng “Đà Nẵng ca”

Có một điều không thể phủ nhận, nhiều năm qua Đà Nẵng rất nỗ lực trong việc đi tìm một ca khúc hay. Nỗ lực đó thể hiện qua việc thành phố đã mời rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Hồng Đăng, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Trọng Đài, Nguyễn Văn Tý, Trần Tiến, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Cường về Đà Nẵng sáng tác. Ngoài ra, bằng tình yêu đối với quê hương, nhiều thế hệ nhạc sĩ đã, đang sinh sống tại Đà Nẵng như Trần Hồng, Trương Đình Quang, Thanh Anh, Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Đình Thậm, Trần Thái Nghĩa, Nguyễn Duy Khoái, Phương Tài, Quang Trung, Thái Phú… cũng đã sáng tác hơn 1.000 ca khúc có chất lượng.

“Làm thế nào để có ca khúc hay” cũng là nội dung của rất nhiều hội thảo tổ chức gần đây giữa các nhà quản lý văn hóa, nhạc sĩ sáng tác do thành phố tổ chức. Có nhiều lý do, giải pháp được đưa ra phân tích, mổ xẻ. Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Nguyễn Đình Thậm, người có hơn 30 ca khúc viết về Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng không thiếu ca khúc hay, thể hiện trên nhiều chất liệu âm nhạc khác nhau như dân ca, trữ tình mà chỉ thiếu những ca khúc được phổ biến rộng rãi trên cả nước. Đó là do công tác quảng bá của chúng ta chưa thật sự tốt. Nhiều nhạc sĩ vì điều kiện kinh tế khó khăn, lại không được hỗ trợ kinh phí nên tác phẩm thì có mà tiền thuê ca sĩ, làm đĩa thì không nên ngậm ngùi cất vào ngăn kéo. Hoặc đôi khi sự khắt khe trong đánh giá của người nghe cũng khiến nhiều ca khúc hay bị trôi đi theo thời gian.

Đà Nẵng không thiếu những nhạc sĩ tài năng, tâm huyết, yêu nghề, yêu quê hương, luôn có trách nhiệm với từng nốt nhạc của mình. Bằng chứng là qua các cuộc thi sáng tác trên cả nước, nhạc sĩ Đà Nẵng luôn đạt nhiều giải cao, được tỉnh, thành khác mời về viết. Thế nhưng tác phẩm của họ ở Đà Nẵng lại ít được nhìn nhận, đánh giá cao, điều này ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý người sáng tác. Ca sĩ Đà Nẵng thiếu sân chơi, thường hát trong các phòng trà, bar, quán cà-phê ca nhạc nên một số khi bắt đầu nổi tiếng đều chọn Hà Nội, Sài Gòn để phát triển sự nghiệp vì ở Đà Nẵng sẽ không có điều kiện phát triển tài năng. Trong môi trường hoạt động nghệ thuật hạn chế đó, ít ca khúc về địa phương được ưu ái cất lên. Những bài ca hay, mới của Đà Nẵng cũng vì thế bị hạn chế đường bay của mình. “Hiện nhiều tỉnh, thành khác đã đưa nhiều bài “địa phương ca” vào karaoke để phổ biến trong cả nước thì Đà Nẵng vẫn chưa làm được điều đó. Âm nhạc nghe nhiều mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó chứ nghe thoáng qua rất khó đánh giá chính xác”, nhạc sĩ Phương Tài trăn trở.

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, được nhiều nhạc sĩ gửi tặng ca khúc của mình viết về Đà Nẵng, tôi nhận thấy ý kiến thành phố không thiếu ca khúc hay là chính xác. Điều còn lại là vì sao các ca khúc ấy ít được cất lên trong các chương trình ca múa nhạc lớn lẫn các cuộc thi hát diễn ra tại Đà Nẵng. Đó dường như không phải do lỗi ở tác phẩm, mà lỗi ở việc con người còn thờ ơ với thành quả trong âm nhạc, chưa chịu lắng lòng để nghe, để cảm những giai điệu cũ, ấm áp đã có từ xưa.

    Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái: Qua các cuộc vận động, cuộc thi sáng tác, chúng ta đã có nhiều ca khúc Đà Nẵng được thu âm nhưng trên các phương tiện công cộng như hệ thống loa dọc sông Hàn, các trung tâm văn hóa, nhà hát chưa bao giờ phát những ca khúc này. Ở Đà Nẵng, phòng thu phối âm phối khí chỉ có Minh Trà, Minh Kỳ Studio, phòng thu anh em nhà Cao Minh Đức, Rainbow còn hầu hết ở những phòng thu khác các ca sĩ chỉ hát thu âm trên nền nhạc đệm có sẵn. Đà Nẵng cũng không có các hãng chuyên sản xuất băng đĩa nhạc như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đây thực sự là một thiệt thòi lớn cho các nhạc sĩ, ca sĩ cùng tác phẩm của họ.

    Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm: Theo thống kê, hiện có trên 1.500 bài hát về Đà Nẵng sáng tác từ ngày giải phóng đến nay, nhưng Đà Nẵng chỉ mới phát hành một DVD tập hợp 10 bài hát. Ca khúc viết về Đà Nẵng được vinh danh tại các cuộc thi sáng tác sau đó bị bỏ vào ngăn kéo là chuyện thường thấy. Đơn cử như năm 2009, có 6 ca khúc Thành phố tôi Đà Nẵng, Đà Nẵng bay lên ước mơ, Nao nức thành phố bên sông Hàn, Đà Nẵng không quên, Khúc hát tháng ba, Hồn Đá quê tôi vượt qua 350 bài tác giả cả nước gửi dự thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng đạt giải “Đồng hạng có tặng thưởng”. Nhưng sau cuộc thi, chưa lần nào các ca khúc đó được cất lên trên sân khấu hay sóng phát thanh, truyền hình. Điều này cho thấy công tác quảng bá hiện nay còn rất thiếu và rất yếu.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.