.

Hoa Tết vào vụ

.

Chỉ vài ngày nữa thôi, phố phường sẽ được nhuốm muôn màu rực rỡ của các loài hoa. Đấy là thành quả của chuỗi ngày người trồng hoa thức cùng hoa, cực nhọc cùng hoa, đợi một ngày dâng trọn sắc xuân.

Gia đình anh Lý Phúc Văn phải thuê thêm hai người nhặt búp hoa cúc giúp hoa nở đẹp đúng Tết.Ảnh: H.N
Gia đình anh Lý Phúc Văn phải thuê thêm hai người nhặt búp hoa cúc giúp hoa nở đẹp đúng Tết.Ảnh: H.N

Thức cùng hoa

Sau khi đất vườn nhà bị thu hồi để phục vụ cho các dự án, anh Nguyễn Quang Phụng, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu “xí phần” được miếng đất ở khu vực đất công của thành phố ở đường 30-4 để trồng hoa. Sau khi thuê xe san ủi mặt bằng, rồi chuyển cả đống xà bần cao như núi anh mới có cái mặt bằng cho 2.000 chậu cúc.

Hầu hết người trồng hoa ở Hòa Cường phải thuê vài lô đất trống chưa xây dựng hoặc khu vực đất công như anh Phụng để trồng hoa, vừa để mưu sinh vừa thỏa nỗi nhớ nghề. Với anh Trí, người thuê đất trồng hoa gần chỗ anh Phụng, thì một ngày làm việc bắt đầu từ lúc trời còn tờ mờ cho đến nửa đêm mới quay vòng xong với hơn 1.000 chậu hoa cúc vào thời điểm nước rút này.

Dù anh thuê đến 5 người làm, nhưng việc thăm hoa vẫn phải do anh đảm nhận. “Trồng cúc, sợ nhất là sâu rầy. Chỉ cần một cây mắc sâu, nếu không sớm phát hiện, thì lập tức sẽ lan nhanh sang những cây hoa khác. Không tiêu diệt sớm mầm mống sâu bệnh, thì coi như trắng tay. Vì vậy mà từng kẽ lá cũng phải được xem xét rất kỹ”.

Thế nhưng, giai đoạn cực nhất và cũng căng thẳng nhất của người trồng hoa hiện nay là công việc nhặt búp. “Mấy việc khác mình còn tranh thủ làm được chớ vào đợt nhặt búp thì buộc phải thuê người, cả ngày đêm bám trên ruộng hoa luôn. Mà không phải muốn thuê ai cũng được đâu, phải có kinh nghiệm, biết chọn búp nào để lại, búp nào phải ngắt bỏ để dồn dưỡng chất cho hoa thật đẹp”, ông Nguyễn Quang Hạnh, một người trồng hoa kể.

Hiện nay tiền thuê nhân công lên đến 200.000 - 250.000/ngày, chủ vườn còn phải lo cơm nước. Đó là chưa kể tiền vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, giống má, chậu… Năm nay, rầy lửa và nấm cóc liên tục “tấn công” các vườn trồng hoa, khiến nông dân gần như ngày đêm có mặt trên ruộng để phát hiện sâu bệnh.

Anh Nguyễn Quang, thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên, cho biết nấm cóc xuất hiện trên hoa cúc 4 năm nay, chưa có thuốc đặc trị và anh phải học cách chữa bệnh này trên mạng Internet. Nếu đúng đợt hoa trổ mà sâu bệnh bùng phát, có khi còn phải vay nóng tiền để phun cấp tốc. Anh Trí bảo, “Con hỏi tiền đóng học có khi còn hẹn khất lần được, chớ hoa nó trở cái là mình phải xử lý ngay, chớ không thì bỏ cả vườn cúc, chắc đến Tết chỉ có nước khóc ròng”.

Thức cùng hoa vậy mà có lúc người nông dân đành chịu thua trước thời tiết. Đợt tiết tiểu hàn cách đây vài tuần, 98% giống ly Sacbon bị hư hại, kể cả trồng trong nhà lưới. HTX Hoa cây cảnh Vân Dương, xã Hòa Liên xuống giống 5.000 củ hoa ly, trong đó có 2.000 củ ly Sacbon bị cháy hết trong 1 đêm, số ly vàng ù thì vẫn phát triển bình thường.

Làm giàu nhờ hoa Tết

Ông Nguyễn Trung, chủ nhiệm HTX Hoa, cây cảnh Vân Dương ước tính năm nay ông bán ra 800 chậu hoa cúc, 200 chậu ly, 400 chậu hoa vạn thọ, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 80 triệu đồng. “Trồng hoa cho lợi nhuận gấp cả chục lần trồng lúa. Nếu tính trung bình mỗi hộ có 500 chậu cúc, trồng 1 vụ 5 tháng, bán sỉ với giá 50 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ sẽ lãi khoảng 30 triệu đồng”, ông Trung nhẩm tính. Hoa và cây cảnh là cây thoát nghèo ở Hòa Liên.

Cách đây 10 năm, ông Trung thôi làm việc ở công an xã, về bươn chải đủ thứ nghề. Đất ruộng bị thu hồi, ông đi học lớp trồng hoa đầu tiên của xã, về đổ đất lấp ao được 1,1 nghìn m2 đất vườn, trồng hoa từ đó. Rồi vườn cũng bị thu hồi, ông lên thôn Tân Ninh lập HTX. Huyện Hòa Vang ủi luôn một ngọn đồi được 1,9ha cho 21 xã viên trồng hoa.

Sắp tới xã Hòa Liên sẽ quy hoạch khoảng 9,2ha tại thôn Quan Nam 4 cho người trồng hoa có chỗ ổn định. Giờ cả xã có 117 hộ trồng hoa, chủ yếu họ trồng trong vườn nhà, hoặc mượn đất của bà con, với số lượng ít. Năm nay có thêm 20 hộ gia nhập làng trồng hoa này. Ông Trung bảo, giọng phấn khởi “nhờ hoa mà nhiều người có việc làm, người ăn không ngồi rồi không còn, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi, chủ yếu là lớp trẻ”.

Hầu hết hoa ở Vân Dương đã được tiểu thương đặt mua, với giá 200 nghìn đồng/cặp cúc loại nhỏ, 600 nghìn đồng/cặp cúc loại lớn, cúc đại đóa từ 220-300 nghìn đồng/cặp.

Trong khi đó bà con trồng hoa ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu đang “nghe ngóng” giá thị trường, và đến khoảng rằm tháng Chạp mới “chốt” giá. Ông Lý Dạng, tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa Dương Sơn, cho biết 14 hộ trồng hoa ở đây chia nhau 3ha. Sắp tới xã sẽ mở rộng thêm 1ha cho vùng trồng hoa này. Mấy năm trước bà con trồng khoảng 14-15 nghìn chậu cúc. Năm nay con số này tăng lên 18,5 nghìn chậu. 6 năm nay bà con trồng thêm hoa Tết, còn bình thường trồng hoa cúc cúng rằm. Trung bình mỗi hộ thu khoảng 50-60 triệu tiền lãi bán hoa Tết.

Năm nay anh Lý Phúc Văn, một nông dân trồng hoa đầu tư thêm 500 chậu cúc, tăng con số lên 1.300 chậu trên 5 sào đất. Sau 5 tháng trồng hoa Tết, sẽ cuốc đất trồng hoa cúng, mỗi tháng cho thu nhập 4-5 triệu đồng, lãi gấp nhiều lần làm ruộng.  

Không trồng hoa Tết, nhưng với vườn lan mokara 4.000 gốc, anh Nguyễn Xuân Hùng ở thôn Dương Sơn khiến giới trồng hoa ngã mũ thán phục. Sau 2,5 năm trồng, 1 năm gần đây khoảng 2.000 cây cho hoa. Chỉ tính sơ mỗi cây cho 2 bông/tháng, mỗi bông giá 15 nghìn đồng tại vườn, anh Hùng thu trên 600 triệu đồng.

Trước đây anh Hùng từng trồng 2.000 gốc mai, nhưng anh thấy khó làm giàu vì chỉ bán được dịp Tết. Thế là anh chuyển sang trồng lan hồ điệp, được 1 năm, nhưng thấy về lâu dài giống lan này “không ăn thua”, thế là anh vào Củ Chi học cách trồng lan mokara.

Bây giờ ngoài 4.000 gốc trồng trong vườn nhà, anh Hùng đầu tư 2,1 tỷ đồng làm nhà lưới trên diện tích 1,1 nghìn m2 trên đất của tổ trồng hoa. 15 nghìn cây lan sắp xuống giống. Hứa hẹn cỡ 1-2 năm nữa vườn lan mokara này cung cấp đều cho thị trường Đà Nẵng, bởi hiện nay mỗi tháng anh Hùng phải nhập khoảng 1.000 cành hoa từ TP. Hồ Chí Minh cho 8 shop hoa là bạn hàng của anh từ trước đến nay.

Anh Hùng mong muốn được cung cấp giống, hướng dẫn cách trồng cho những ai có nhu cầu trồng giống lan này. Và hơn hết, anh mong Đà Nẵng sẽ có nhiều vườn lan mokara, có đủ hoa cung cấp cho Đà Nẵng cũng như một số tỉnh lân cận.

H.N

;
.
.
.
.
.