Chuyên đề

Tỏa sáng từ những điều bình dị

15:48, 27/02/2015 (GMT+7)

Năm thứ 3 giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” Ðà Nẵng năm 2014 của ngành y tế tiếp tục tôn vinh những nhân viên là nữ hộ sinh, hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên... với những đóng góp thầm lặng đầy trách nhiệm của họ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân.

Chị Võ Thị Điềm (đứng) điều dưỡng trưởng khoa Ngoại chấn thương-chỉnh hình, BV Đà Nẵng đang trao đổi công việc hằng ngày với đồng nghiệp.
Chị Võ Thị Điềm (đứng) điều dưỡng trưởng khoa Ngoại chấn thương-chỉnh hình, BV Đà Nẵng đang trao đổi công việc hằng ngày với đồng nghiệp.

Hình ảnh đẹp của những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là một  vinh dự và trách nhiệm trước những người bệnh; tạo dựng môi trường y đức thân thiện, đúng mực, tất cả vì sức khỏe người dân.

Phải cố gắng hơn

Tròn 29 tuổi, Ngô Thị Bích Trâm là điều dưỡng trẻ nhất trong số những người công tác trong ngành y tế thành phố Đà Nẵng nhận giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” năm 2014. Cô gái bé nhỏ được các chị cùng khoa Y học nhiệt đới, BV Đà Nẵng tả là “ốm nhom từ khi mới vào và duy trì đến giờ”, nhưng tháo vát, nhanh nhẹn không kém ai. Mỗi ca trực của Trâm kéo dài 24 tiếng.

7giờ 30 mỗi ngày bắt đầu công việc, nhưng cô luôn đến sớm để làm cho xong việc, đặc biệt là những thời điểm có dịch.

Tốt nghiệp ngành điều dưỡng năm 2007, đầu năm 2008 Bích Trâm đến học việc không lương ở khoa Nội tiêu hóa của BV Đà Nẵng, một năm rưỡi sau cô được nhận về khoa Hồi sức cấp cứu. Hai năm ở đây là thời gian cho những điều dưỡng như Trâm “thử sức”. Hết giờ làm thuốc cho bệnh nhân (BN) thì quay sang cho BN ăn, uống nước; cứ 3 giờ một lần phải theo dõi mạch-huyết áp; rồi thực hiện y lệnh của bác sĩ làm thuốc buổi tối… BN ăn uống kém, nôn mửa hay đau đầu… lúc nào người nhà BN cũng gọi đến điều dưỡng. Bác sĩ muốn hướng dẫn cho BN ăn uống, kiêng khem hay giữ sức khỏe thế nào trong quá trình điều trị và khi ra viện, đều do điều dưỡng thực hiện y lệnh...

Hai năm nay chuyển về khoa Y học nhiệt đới, khi khoa có thêm phòng hồi sức, nhận bệnh hồi sức lây, BN thở máy, thì công việc của những điều dưỡng như Bích Trâm cũng nặng nề không kém. Đặc biệt là với BN bị hen phế quản, phải thở máy. Mỗi sáng Trâm phải tiến hành hút đờm, cho BN ăn uống, làm vệ sinh răng miệng, lau chùi cho người bệnh. Với BN sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu, Trâm phải huy động người nhà để BN được truyền máu nóng… Phụ trách 14 BN nặng thuộc 3 phòng, công việc khá nặng nhưng Trâm luôn tâm niệm: “Phải cố gắng hơn nữa để phục vụ tốt người bệnh”.

Không có giải thưởng vẫn làm như thế

Cũng đi sớm, về trễ, 5 giờ 30 sáng đã phải có mặt ở BV để lau chùi khu khám bệnh, sẵn sàng đón BN, chị Trần Thị Đớm, 52 tuổi, hộ lý khoa Khám bệnh-cấp cứu, TT Y tế quận Cẩm Lệ bảo: “Xong việc lau chùi, quét dọn thì đưa BN đi xét nghiệm, chụp phim, đút cho người già ăn, rồi dọn đồ nôn mửa, thu gom chất thải y tế. Chị nghĩ phục vụ BN cũng giống như chăm sóc người nhà mình nên phải cố gắng, dù hồi mới chuyển xuống khoa này cũng mất nửa tháng đầu bỡ ngỡ, chưa quen việc. Cái gì nỗ lực rồi cũng thành công”.

Vào làm ở BV Hòa Vang năm 2000, hồi đó lương hộ lý của chị Đớm chỉ được 210 nghìn đồng mỗi tháng. Đến mùa gặt, chị về quê ở Hòa Tiến mua lúa ra xay, phần gạo thì bán, còn phần cám để dành nuôi heo. Gần 10 năm đi ở nhờ nhà người quen, chắt bóp mãi mới mua được miếng đất ở Hòa Xuân, rồi cũng dành dụm suốt 4 năm mới làm được cái nhà cho riêng mình. Giờ hai cậu con trai chị học xong đại học, có việc làm ổn định, còn chị thì “không phải vì giải thưởng mà bị áp lực, vì không có giải thưởng mình vẫn làm như thế. Nghề này phải có đạo đức, mỗi người làm tốt thì BV mới thu hút được BN. Với lại mình ăn lương Nhà nước nên phải làm cho xứng đáng”.

Chị Võ Thị Điềm, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại chấn thương-chỉnh hình, BV Đà Nẵng, tự nhận mình là “quản gia” đội ngũ điều dưỡng 18 người của khoa. BN ở khoa này chủ yếu là người bị tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, có người còn bị chấn thương mạch máu thần kinh, đa chấn thương. Toàn là những bệnh cấp bách nên BN và người nhà luôn ở tâm trạng nôn nóng, cần các y, bác sĩ can thiệp nhanh, sớm. Những điều dưỡng luôn gặp các câu hỏi băn khoăn như thông tin về bệnh, sức khỏe hay người bệnh có thể tiếp tục công việc trong tương lai hay không…

Mỗi ngày khoa Ngoại chấn thương-chỉnh hình thu dung từ 100-170 BN, tiến hành 1.800-1.900 ca mổ mỗi năm, cũng có nghĩa là hàng nghìn câu hỏi cần được giải đáp phải được điều dưỡng chuẩn bị sẵn để trả lời. Thêm nữa, không ai chuẩn bị sẵn tiền nong cho một vụ tai nạn. Chính chị Điềm phải biết trong túi người nhà BN có bao nhiêu để có thể liên hệ chuẩn bị dụng cụ mổ là hàng viện trợ, hoặc cần phải xin thêm ở các tổ chức từ thiện. Đến việc ăn uống chị cũng trực tiếp đến xin ở các nồi cháo tình thương. Người bệnh xuất viện không có tiền các chị cũng phải “xoay” cho đủ…

Chị Điềm từng trải qua công việc ở các khu Nội yêu cầu (giờ là khoa Nội tổng quát), phải cầm tay chỉ việc cho cả chục nhân viên mới vào nghề; rồi làm dịch vụ ở BV ban ngày, tổ chức những buổi nói chuyện chuyên môn tại khoa hay dạy các em sinh viên… Chị bảo đặc thù công việc phải “mềm dẻo như nước”, nên ngoài phần chăm sóc, hỗ trợ bác sĩ thực hiện các y lệnh, các chị như chuyên gia tâm lý-trả lại tinh thần cho BN sau khi họ bị tai nạn.  

Gia đình chị Điềm từng được nhận hai bảng vàng “Gia đình hiếu học” do quận Hải Châu và thành phố Đà Nẵng tặng, khi cách đây 15 năm chị đi học lấy bằng cử nhân, chồng đi học thạc sĩ, nuôi hai cô con gái đứa học lớp 5, đứa mẫu giáo. Nay con gái lớn đang học cao học, con gái nhỏ học ở trường chuyên. Giờ chị được BN và đồng nghiệp ghi nhận bằng giải thưởng “Tỏa sáng bouse trắng”. Người “quản gia” có 25 năm trong nghề này bảo rằng giải thưởng sẽ là động lực giúp chị phấn đấu hơn nữa trong chăm sóc người bệnh.

Thực tế, giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” có tác động rất lớn đến người nhận giải thưởng cũng như các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên các bệnh viện, bởi nó tạo động lực về vấn đề tinh thần, giúp người đoạt giải cố gắng hơn nữa trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Ai cũng cố gắng để chỉnh sửa, gọt bớt những gì chưa hoàn thiện, xứng đáng với cụm từ “Lương y như từ mẫu”.

Bác sĩ CKII Lê Hồng Hải, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BV Đà Nẵng

HOÀNG NHUNG

.