.

Lạm bàn việc tang

.

Việc tang của người mình thời nay vẫn còn lạc hậu, kém văn minh, đừng nói chi đến các vùng nông thôn mà ngay cả ở thành phố.

Ngày càng có nhiều người Đà Nẵng chọn hình thức hỏa táng. Trong ảnh: Kim thân Thượng tọa Thích Giác Viên trước giờ hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Ngày càng có nhiều người Đà Nẵng chọn hình thức hỏa táng. Trong ảnh: Kim thân Thượng tọa Thích Giác Viên trước giờ hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng An Phước Viên. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Vòng hoa luân chuyển và ban nhạc… một người

Hoa trong chuyện hiếu hỉ đã trở thành đề tài “nóng” khi bàn về tiết kiệm trong ma chay, lễ lạt. Trong lễ tang, gần đây xuất hiện nhiều tin buồn kèm theo dòng ghi chú nhỏ: Đến viếng vui lòng không gửi vòng hoa.

Bình quân một vòng hoa tươi cho đám tang hiện nay khoảng 400.000 đồng, ngày Tết cao gấp đôi. Số lượng vòng hoa tỷ lệ thuận với quan hệ của người chết và thân nhân người chết trong xã hội. Một đám tang cỡ “thường thường bậc trung” khoảng 300 vòng hoa sẽ mất tổng phí lên đến 120 triệu đồng, đủ để xây được 4 căn nhà cho người nghèo.

Để tiết kiệm số tiền này (nhiều đám tang là rất lớn), ông Phùng Quýt, Phó ban Nghĩa trang thành phố Đà Nẵng, đã thử nghiệm mô hình “vòng hoa luân chuyển” với khoảng 5 - 7 vòng hoa và một người viết chữ đẹp. Cá nhân, đơn vị đến viếng sẽ được viết tên vào băng-rôn và đính trên vòng hoa trước khi đưa vào trước linh cữu. Sau đó, các băng rôn sẽ được tập hợp lại, đặt ở nơi trang trọng trong nhà rồi chuyển lên nghĩa trang. Tang chủ lập riêng một “thùng công đức” để những ai có ý định mang vòng hoa đi viếng thì đặt tiền vào đấy cho khỏi áy náy.

Ngoài hoa thì nhạc đám tang cũng là điều đáng bàn. Mỗi ngày chi phí cho ban nhạc hiện không dưới 2,5 triệu đồng, đối với người dân nông thôn là một số tiền quá lớn. Cái khó ló cái khôn, người dân thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, đã “phát minh” ra ban-nhạc-chỉ-một-người, đó là người điều khiển dàn âm thanh và đầu máy để phát các bài nhạc cổ ra loa với chi phí mỗi ngày đêm hiện chỉ 400.000 đồng. Khách đến viếng có thể nhờ người này điều chỉnh âm lượng vừa phải để mọi người dễ chuyện trò với nhau, không phải “lớn tiếng” với nhau như khi gặp “nhạc sống”.

Thôn Thạch Nham Tây kế bên thấy mô hình này đáng đồng tiền bát gạo, bèn tổ chức cuộc họp gồm chi bộ, ban nhân dân và đại diện các đoàn thể trong thôn. Tất cả thống nhất nên làm như Thái Lai để vừa tiết kiệm cho người dân, vừa thể hiện nét văn hóa, văn minh trong việc tang. Ông Mạc Như Pháp, Trưởng thôn Thạch Nham Tây, nhấn mạnh thêm: Cái quan trọng nữa là mọi người trong thôn cảm thấy bình đẳng trước cái chết, người nghèo không còn cảm thấy tự ti nữa.

Tuy mô hình “ban nhạc bỏ túi” này chưa được đưa vào các văn bản chính thống như hương ước, nội quy,… nhưng 4 năm qua đã thành lệ làng ở Thái Lai và Thạch Nham Tây.

Cảnh phản cảm tại khu vực tế đồ trung trên đường rẽ vào Nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: V.T.L
Cảnh phản cảm tại khu vực tế đồ trung trên đường rẽ vào Nghĩa trang Hòa Sơn. Ảnh: V.T.L

Từ địa táng đến hỏa táng

Các nghĩa trang miền núi như Hòa Sơn, Hòa Ninh phần do địa hình nhiều gò đồi, ao hồ, phần dành cho đường sá, cây xanh nên thực tế đất dành cho an táng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30% - 40% tổng diện tích.

Nghĩa trang Hòa Sơn tổng diện tích quy hoạch 230ha, đã an táng được 108.000 mộ, gồm 102.000 mộ cải táng từ các dự án trên địa bàn Đà Nẵng và 6.000 mộ từ trần (còn gọi là mộ tươi). Theo số liệu báo cáo, các quận hiện còn 37.000 mộ nằm trong đất quy hoạch dự án mà chưa di dời (kể cả Khu Công nghệ cao nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang). Ông Quýt cho hay, năm 2014, phải mở rộng Nghĩa trang Hòa Sơn thêm 38ha để phục vụ cho số mộ ở các dự án này. Tuy nhiên, 38ha nhưng thực tế đất an táng chỉ được 13-15ha tương đương với 3.000 mộ. Nghĩa là diện tích mở rộng này không đủ cho số mộ cải táng di dời từ các dự án chứ chưa nói đến mộ từ trần phát sinh trong năm nay. Nếu không mở rộng thêm thì cuối năm 2015 sẽ không còn đất cho an táng người chết.

Năm nào thành phố cũng cho mở rộng nghĩa trang để phục vụ nhu cầu địa táng của người dân với kinh phí không nhỏ. Nên chăng, cần phải thu lệ phí cấp đất an táng để “tái sản xuất”, trang trải các khoản san ủi mặt bằng, trồng cây xanh, sửa chữa đường sá, hệ thống thoát nước (địa hình đồi núi mà không chú trọng đến công tác này sẽ gây xói lở mộ phần)…

Hiện đất an táng ở Đà Nẵng chưa “nóng” như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhưng trong tương lai gần, “cháy” đất an táng là điều khó tránh khỏi và người dân sẽ nghiêng về xu hướng chọn hỏa táng thay địa táng.

Trong 5 năm qua, từ khi Trung tâm hỏa táng An Phước Viên ở Nghĩa trang Hòa Sơn đi vào hoạt động, đã có 2.243 trường hợp được thực hiện hỏa táng tại đây, gồm 1.834 cải táng và 338 từ trần (trong đó có 28 người nước ngoài). Thống kê cho thấy số người từ trần được hỏa táng tăng từ 41 trong năm 2010 lên 141 trong năm 2014. Riêng 2 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã hỏa táng 35 người từ trần.

Anh Lương Trọng Khánh, Trưởng Trung tâm hỏa táng An Phước Viên, cho hay Trung tâm có một nhà lưu tro cốt, ngày nào cũng có nhân viên thắp hương để thân nhân những người hỏa táng có thể yên tâm về mặt tâm linh.

Hủ tục và môi trường

Mỗi năm, chỉ tính riêng Nghĩa trang Hòa Sơn, mất gần 300 triệu đồng cho việc thu dọn vệ sinh, thu gom rác thải các loại, trong đó, nhiều nhất và phản cảm nhất là vàng mã. Ông Quýt cho làm bảng ghi cụ thể Đổ rác đúng nơi quy định là góp phần xây dựng thành phố “Xanh sạch đẹp” ở ngay đầu dốc rẽ từ đường ĐT 602 vào nghĩa trang, nơi diễn ra lễ tế đồ trung (tế giữa đường) của các đám tang. Thế nhưng, chẳng ai thèm để mắt tới, cứ vô tư rải vàng mã, ném các loại bao bì bánh trái, nước giải khát...

Rải vàng mã hiện là một trong những hiện tượng phản cảm nhất trong lễ tang đối với nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được hội đồng các gia tộc đưa vào nội dung sinh hoạt của 4 lễ hội đình làng trên địa bàn. Đến nay, có đến 96% các đám tang ở Hòa Minh không để quá 48 giờ, không rải vàng mã trên đường từ nhà đến nghĩa trang, không tổ chức rình rang, tốn kém. Thế nhưng, theo cụ Nguyễn Nghĩa, Trưởng Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, hiện có nhiều đám tang từ nội thành Đà Nẵng đã rải vàng mã trên đường đi, đến ngã ba trước tượng Phật chùa Quang Minh dừng lại “vô tư” đốt áo giấy, tung gạo muối, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân Hòa Minh.

Về gốc rễ của lệ rải vàng mã, ông Quýt cho rằng, nó bắt nguồn từ điều kiện môi trường sống của ông bà ngày trước. Lúc đó rất nhiều người chết vì dịch bệnh, quan tài chỉ ghép sơ sài mấy tấm ván mỏng. Khi đưa tang, người ta phải phát quang mở một lối đi mới và rải giấy đánh dấu cho mọi người biết để tránh giẫm lên đó mà nhiễm khuẩn.

Cũng vì môi trường sống, ông Quýt cho biết thêm, ngày trước khi linh cữu người chết còn quàn tại nhà, người ta chong phía dưới quan tài một cây đèn là một đĩa dầu phụng có tim bằng bông gòn xe nhỏ (dân gian gọi là đĩa dầu hao) để canh không cho thú rừng đến quấy phá thi thể. Khi di quan, lại cho đập một vật gì đó (bùng binh, om đất…) để gây tiếng động, gọi là làm phép “xuất hồn sư” cho hồn người chết ra khỏi nhà, không quay về nữa. Thực ra, ý của người xưa gây tiếng động và làm vung vãi các mảnh vỡ như thế cốt để người nhà chú ý mà dọn dẹp sạch sẽ chỗ quàn linh cữu để tránh nhiễm khuẩn.

Ngày nay y học hiện đại, nếu có người chết vì dịch bệnh thì cơ quan dịch tễ sẽ xử lý kỹ càng, quan tài lại kín như bưng nên không phải lo chuyện phát tán mầm bệnh như ông bà ngày trước. Vậy thì, hà cớ gì lại khư khư giữ lệ rải vàng mã, đập vật dụng dễ vỡ, chong đĩa dầu hao?! Chính đĩa dầu hao khiến đã khuếch tán vi khuẩn ra không khí (nhất là khi quan tài làm không kỹ) và là nguy cơ gây cháy rèm bao phủ chung quanh quan tài.

Văn hóa, văn minh trong việc tang thật lắm chuyện để bàn. Vấn đề là ý thức của toàn xã hội, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức phải đi đầu để đại bộ phận người dân không phải “xầm xì” trước những đám tang, gọi như ngôn ngữ hiện đại là “quá khủng”!

Người sống khiến cho người chết không được bình đẳng

Việc tang ở Đà Nẵng hiện nổi lên 3 việc. Thứ nhất, rải vàng mã rất nhiều trên đường di quan, ngay cả trung tâm thành phố, đến độ Sở Tài nguyên và Môi trường phải “kêu trời” khi thống kê chỉ cần 6 đám tang thì vàng mã, muối (không tính các thứ khác) đã là 2 tạ!

Thứ hai, nhạc tang mở loa công suất lớn, đám tang nhiều ngày, làm ảnh hưởng đến mọi người chung quanh.

Thứ ba, xây mồ mả, trưng bày những con vật có hình tượng không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt (như lân, nghê, sư tử... du nhập từ Trung Quốc), có tính chất phô trương, gây lãng phí.

Qua đám tang thấy rõ chênh lệch giàu có, nghèo hèn. Trước cái chết mọi người đều bình đẳng nhưng người sống đã làm cho người chết không được như vậy.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.