.

Ngọt ngào bánh kem

.

Một chiếc bánh kem với dòng chữ đề tên nhân vật chính lung linh trong ánh nến là một phần không thể thiếu của mỗi bữa tiệc sinh nhật hiện nay.

Trang trí bánh sinh nhật tại tiệm bánh Hương Nam Bakery.
Trang trí bánh sinh nhật tại tiệm bánh Hương Nam Bakery.

Bánh kem, vì thế luôn gắn với những gì ngọt ngào, hạnh phúc và những người thợ làm bánh cũng cố gắng cho ra đời những chiếc bánh ngon nhất, đẹp mắt nhất cho ngày vui đầy ý nghĩa của bạn.

Cha, con và tiệm bánh gợi nhớ quê hương

Khi tiệm bánh Hương Nam Bỉnh gia mở cửa trở lại vào năm 2002 ở 109 Trần Phú, nhiều người tò mò vì cái tên khác lạ. Nhưng với người lớn tuổi thì cái tên này không lạ khi nó có mặt ở Đà Nẵng từ những năm 60 của thế kỷ trước, chủ tiệm là ông Nguyễn Văn Thê. Ông Nguyễn Hồng Việt, chủ tiệm bánh mới, con trai thứ 6 của ông Nguyễn Văn Thê tiết lộ, ông giữ tên tiệm bánh bởi muốn cảm ơn cha đã sáng lập ra tiệm và truyền nghề cho các con. Ông nối đam mê của cha, của ông nội, nhắc nhớ quê mình từ Bến Tre ra và vững chân tại Đà Nẵng.

Ông nội của ông Nguyễn Hồng Việt vốn là dân làm bánh, và cha ông - Nguyễn Văn Thê tiếp nối nghề của cha. Vợ chồng ông Thê từ Bến Tre lên Sài Gòn, vừa làm bánh vừa hoạt động cách mạng. Ông được xem là nghệ nhân bánh Trung thu, chuyên làm bánh cho khách sạn Đồng Khánh. Trước năm 1960, khi đang hoạt động cách mạng, nuôi giấu chiến sĩ cộng sản thì ông Thê bị lộ, đành lánh ra Đà Nẵng. Ông làm cho tiệm bánh Bảo Sanh nằm gần chợ Hàn. Đến năm 1962 ông lập tiệm Hương Nam Bỉnh gia (nhà bánh quê hương miền Nam) như một cách gợi nhớ quê hương.

9 anh em của anh Việt, một buổi đi học, một buổi phụ giúp cha làm bánh. Sản lượng lúc đó chỉ khoảng 100 chiếc/ngày. Nghề bánh thấm dần vào máu của mấy anh em, nhuần nhuyễn hai bàn tay lúc nào chẳng hay. Sau ngày giải phóng, đời sống khó khăn, Hương Nam Bỉnh gia đóng tiệm, chỉ nhận làm bánh cưới, bánh sinh nhật tại nhà cho khách quen khi có yêu cầu. Các con khôn lớn, mỗi đứa mỗi ngã, ông Nguyễn Văn Thê về lại Sài Gòn, quyết định làm bánh để giữ nghề, đặc biệt là bánh Trung thu cho khách sạn Đồng Khánh, dù năm nay ông đã 87 tuổi.

Khi mở lại tiệm Hương Nam Bỉnh gia, ông Việt chỉ giữ chữ Hương Nam Bakery, “cho hợp thời”. Trước giải phóng ở Đà Nẵng có nhiều tiệm bánh, có bánh kếp, bánh batiso và bánh sinh nhật thì gần như duy nhất có Hương Nam Bỉnh gia làm. Nay ông Việt tiếp nối nghề cha, nhưng chỉ làm bánh ga-tô là chủ yếu, theo dòng bánh Âu, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bánh được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bánh xốp mịn, ngọt bùi xen lẫn mùi vị của cây trái cam, dâu, dứa, nho, sầu riêng, sô-cô-la… và các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen… Ông Việt bảo rằng mình đã thực hiện được tâm huyết của cha, đưa thương hiệu quay trở lại thị trường, bánh ngon hơn, sắc nét hơn nhờ phần nguyên liệu cao cấp nhập khẩu.

Và nghệ nhân Nguyễn Văn Thê có thể tự hào khi cháu nội ông, con gái của ông Việt đã tốt nghiệp đại học ở Singapore, đam mê với bánh ngọt và cô đang đưa một loạt bánh cupcake, phía trên có trang trí, kèm với thức uống là cà-phê, giới thiệu cho khách hàng ở một quán cà-phê trên đường Trần Phú, theo phong cách hiện đại ở Singapore, Hàn Quốc và nhiều nước đang áp dụng.   

Chị Trà Liên và những chiếc bánh sinh nhật thương hiệu Út Mô-tô. Ảnh: H.N
Chị Trà Liên và những chiếc bánh sinh nhật thương hiệu Út Mô-tô. Ảnh: H.N

Đủ mặt anh tài

Có mặt trên thị trường từ năm 1993, thương hiệu Út Mô-tô đã chinh phục được khẩu vị của rất đông khách hàng. Út Mô-tô là tên của ba chồng chị Nguyễn Thị Trà Liên, chủ tiệm. Khi xe mô-tô không còn thịnh hành, nghề ba chồng truyền cho các con trai khó có đất sống, chị Liên quyết định làm bánh. 5 năm đầu chị chủ yếu làm bánh ga-tô loại nhỏ, đi bỏ mối cho các chợ, nhà hàng. Với giá 5 nghìn đồng một chiếc bánh, 5 năm liền chị giữ giá không đổi, chất lượng ngày càng tăng với quan điểm “để giữ uy tín, thêm vào (nguyên liệu) chứ không bớt ra”.

Năm 1995, chiếc bánh sinh nhật đầu tiên của Út Mô-tô ra đời. Bánh có đặc điểm là đặc, không xốp. Hai năm sau đó chị Liên chế ra được loại kem bơ phe - kem tan chứ không đóng cục, nhờ đó tiệm “ăn nên làm ra” suốt hơn 10 năm, cho đến khi nhập khẩu được các loại kem ngon của Ý, Pháp. Bây giờ cả nhà chị Liên xoay vần với bánh ga-tô nhỏ và bánh sinh nhật, có thêm cơ sở 2 ở 51 Triệu Nữ Vương.

Một dòng bánh sinh nhật cao cấp và nổi tiếng không kém ở Đà Nẵng 3 năm gần đây là bánh tiramisu, dòng bánh kem có xuất xứ từ Ý. Phan Việt Huân, chủ tiệm bánh Tiramisu Huan mới 25 tuổi. Huân bảo rằng mình mê làm bánh từ nhỏ. Nhưng để kinh doanh được, chen chân vào được thị trường bánh sinh nhật vốn khá ổn định ở Đà Nẵng thì khó quá, phải tìm cái mới để thử nghiệm. Thế là Huân ra Hà Nội học làm bánh tiramisu. Dòng bánh này có vị truyền thống là ca cao, nay Huân tạo được 5 sản phẩm riêng biệt, nguyên liệu chính là nước cốt dừa và caramen.

Huân cho biết, bánh làm hoàn toàn thủ công, điều chỉnh khâu trộn nguyên liệu theo yêu cầu của khách hàng, vị vừa vừa giữa ngọt và béo, phủ các loại trà xanh, chanh dây. Quan điểm của Huân trong kinh doanh là khách hàng được gì chứ không hẳn là bánh ra sao, vì dòng tiramisu đã có sẵn công thức, điều cơ bản là trộn nguyên liệu làm sao cho ra chiếc bánh ngon, vừa miệng, phù hợp với nhiều người. Bởi thế, 3 năm qua, khách hàng của Huân tăng lên không ngừng và Huân luôn sẵn sàng phục vụ tận nơi trong bán kính 10km không tính phí, vẫn tiếp tục khuyến mãi 2 ngày là thứ năm (10% trên các dòng sản phẩm) và thứ hai (20% cho dòng bánh hộp).

Hiện nay Huân đang tập trung sản xuất dòng bánh đãi họ, cắt miếng hình vuông dùng trong tiệc cưới. Lâu nay tiệm cũng đã vẽ hình Chibi cho khách hàng bằng chocolate, vào ngày 8-3 này Huân thử nghiệm in hình khách hàng luôn trên bánh.

Một thử nghiệm mới, cũng khá hấp dẫn cho dòng bánh sinh nhật hiện nay là bánh rau câu. Chị Phan Thị Phượng, chủ tiệm bánh rau câu Nguyên Vỹ cho biết, ban đầu chị chỉ làm ăn chơi, nhưng rồi được bạn bè khích lệ, vài người gọi điện đặt hàng, thế là gần hai năm nay bánh sinh nhật làm bằng rau câu có mặt ở vài nơi, chủ yếu là cho nhân viên công sở. Nguyên liệu chính của bánh vẫn là nước cốt dừa, nước cốt trái thơm, trang trí thêm trái cây.

Từ những cái bánh rau câu hình tròn đơn giản, chị Phượng làm bánh hình quyển vở cho ngày 20-11, bánh hình bông hoa cho ngày sinh nhật. Chị học cách viết chữ thư pháp để trang trí thêm cho bánh. Sắp tới, chị Phượng dự định làm những chiếc bánh rau câu có bông hoa chìm bên trong, như một tác phẩm nghệ thuật, giúp khách hàng gửi đến những người thân yêu vào dịp sinh nhật, như một món quà ngọt ngào và tinh tế…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.