.

Rao... lặt vặt

.

Rao vặt sẽ là một con dao hai lưỡi nếu các cá nhân, doanh nghiệp không biết sử dụng nó một cách hợp lý.

Biển quảng cáo phản cảm này đã được gỡ bỏ và thay bằng tên mới “Cô Hàng Xóm”.
Biển quảng cáo phản cảm này đã được gỡ bỏ và thay bằng tên mới “Cô Hàng Xóm”.

Bực mình và phiền phức

Cô H.N, giáo viên một trường THPT ở Đà Nẵng, đang cùng học sinh cuốn hút theo mạch bài giảng của giờ Văn học thì điện thoại di động trong túi xách để trên bàn bỗng đổ chuông. Cô nhíu mày. Khi sáng cô quên đặt điện thoại ở chế độ im lặng. Lỡ rồi, cô nghe luôn. “Chào cô, em xin gặp cô khoảng vài phút thôi, em là (xưng tên, chức danh) hôm trước có đến trường tổ chức buổi chăm sóc sức khỏe đó”.

Không đợi trả lời, giọng nữ bên kia nói tiếp: “Cô ơi, bên em mới về mấy loại kem dưỡng da chất lượng lắm. Mời cô ghé lại chỗ em cô nhá. Địa chỉ của em là….”. Nghe đến đây, cô giáo không dằn lòng được nữa: Xin lỗi, tôi đang bận…

Tuần trước đó, đại diện một hãng mỹ phẩm đến làm việc với ban giám hiệu để xin tổ chức một buổi chăm sóc sắc đẹp miễn phí cho giáo viên, nhân viên nữ trong trường. Các cô, các chị được tư vấn các phương thức “trẻ mãi tuổi thanh xuân”, được tặng một số mỹ phẩm tượng trưng, ai nấy đều cảm thấy hài lòng. Có điều, mấy ngày sau là điện thoại các cô cứ nheo nhéo suốt, tư vấn mua kem dưỡng da này, son môi kia… Nhiều cô đang trong giờ lên lớp cũng bị “tra tấn” như thế. Riết một hồi, các cô bảo nhau: Hãy cảnh giác với các loại khuyến mãi không tốn tiền kiểu đó.

Tối nọ, vừa mới chợp mắt được một lát thì điện thoại di động báo có tin nhắn tới, vang vọng giữa đêm khuya. Một tin nhắn của nhà mạng: “Trân trọng thông báo thuê bao (số điện thoại của người viết). Thẻ cào gần đây nhất của bạn đã được ghi lại tại hệ thống của Mobifone và chúng tôi quyết định dành một phần thưởng cho bạn: cơ hội tham gia MIỄN PHÍ tranh giải hôm nay 50.000.000 đồng! Hãy trả lời tin nhắn với nội dung OK gửi 111 MIỄN cước phí!”. Cái tin nhắn lúc 23 giờ 17 này, dù có “trân trọng thông báo” rất lịch sự nhưng lại quá vớ vẩn với sự nhấn mạnh miễn phí đã khiến tôi bực cả mình. Sao người ta lại nhè đúng gần nửa đêm mà “tra tấn” mình như thế.

Gần đây, có nhiều cuộc gọi, tin nhắn “không mời mà đến” như thế. Bên cạnh tin nhắn rác của các nhà mạng quảng cáo các loại nhạc chuông, nhạc chờ, tham gia trò chơi trúng tiền tỷ… có cả tin nhắn của những “cò” bất động sản, những tay lừa đảo qua điện thoại di động, những cửa hàng kinh doanh...

Trước khi cầu vượt ngã ba Huế khánh thành, nhiều “cò” đất đã tung tin nhắn rác lên điện thoại di động. Tin nhắn từ số thuê bao +841243567… gửi cho người viết: “Sở hữu đất ngay cầu vượt ngã 3 Huế - TP. Đà Nẵng, tặng vàng SJC cho tất cả các sản phẩm đất nền dự án (tên dự án, giá đất, số điện thoại liên hệ)”.

Một đồng nghiệp công tác tại văn phòng đại diện một tờ báo Trung ương đóng ở Đà Nẵng đưa ra cái tin nhắn có nội dung: “Có hàng thời trang đa phong cách mới về giảm giá tới 30%, đến shop (tên, địa chỉ cửa hàng) để chọn lựa những mẫu thời trang bạn yêu thích”. Anh bảo, như thế còn “tha” được, chứ như thế này thì không bực mình mới lạ: “Bạn (số điện thoại người nhận) đã được một người bạn tặng 2 bài hát Anh nhớ em, Em nhớ anh cùng lời nhắn ghi âm: Tình chỉ là… Gọi 19004593”. Anh giải thích, đây là tin nhắn thuộc dạng lừa đảo, nếu gọi lại số đó sẽ bị mất tiền.

Con người đang “ngập chìm” trong thời đại bùng nổ thông tin, khổ nỗi là không ít thông tin cứ rùng rùng ập tới, bất kể giờ giấc, nội dung và cảm giác của người nhận. Ngay cả các quán ăn, tiệm kem, quán cà-phê… cũng vô tư “bắn” tin nhắn rác đến các thuê bao di động thì quả là quá phiền toái.

Tin nhắn rác của một “cò” đất ở Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình điện thoại di động). Ảnh: V.T.L
Tin nhắn rác của một “cò” đất ở Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình điện thoại di động). Ảnh: V.T.L

Khi quảng cáo thành… “quẳng cáo”

Trước Tết Ất Mùi vừa rồi, tôi được lãnh đạo xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, giới thiệu đến một quán đặc sản trên địa bàn xã. Năm mới 2015 cầm tinh con dê nên chủ quán đặt tên quán là “Dê Cụ Quán” để tự quảng cáo quán mình. Khách mời hôm đó có nguyên lãnh đạo Đài Phát thanh – Truyền hình Kon Tum (KRT), anh này bất bình: Ai lại đặt tên quán phản cảm như thế? Vô lẽ những người đến quán đều là những “dê cụ” hết à?

Lãnh đạo xã Hòa Tiến cho biết đã buộc chủ quán phải tháo dỡ tất cả các biển, băng-rôn quảng cáo treo ngoài đường; biển hiệu trong quán thì chủ quán lúc đó hứa sẽ sửa lại. “Dê Cụ Quán” vừa phản cảm về nội dung, vừa sai về cách dùng chữ, “Dê Cụ” là từ thuần Việt, không thể ghép tùy tiện thành một cái tên Việt không ra Việt, Hán không ra Hán như thế. Tiếp thu ý kiến, chủ quán đã đổi tên quán thành “Cô Hàng Xóm”, vừa gần gũi, vừa hứa hẹn dành nhiều cảm tình cho thực khách.

Trong kinh doanh, ai cũng muốn quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến với cộng đồng, song trong thực tế đã có nhiều cách ứng xử đi ngược lại điều mà doanh nhân mong muốn. Nhiều lễ hội, sự kiện đã bị các nhà tài trợ lạm dụng quảng cáo quá mức, họ đặt dù, biển quảng cáo mang màu sắc, lô-gô của hãng mình gần như kín hết các nơi.

Anh em phóng viên các báo, đài nhiều khi muốn ghi hình, nhất là hình ảnh “đắt” nhất, cũng không biết “cựa quậy” ra sao khi bị “thập diện mai phục” bởi những dù, biển quảng cáo của nhà tài trợ. Không ít nhà tài trợ (nhất là nhà tài trợ Kim cương) ra yêu sách phải đưa lô-gô của hãng mình thật to trên phông, nhiều khi lấn át cả nội dung chính của sự kiện.

Với âm thanh, hình ảnh sống động, truyền hình hiện là phương tiện tác động đến người tiêu dùng đa dạng và toàn diện nhất. Hình thức quảng cáo này có giá không hề rẻ; có khi bằng hình thức bảo trợ các show, hay kèm theo lô-gô quảng cáo trên nền sàn hoặc treo trên phông sân khấu chính. Phổ biến là hình thức quảng cáo chen vào các phim truyện, các show truyền hình...

Dư luận đã bất bình trước một số quảng cáo trên truyền hình “lệch chuẩn” phong tục, tập quán dân tộc, hoặc không đúng chỗ như giờ ăn lại đi quảng cáo các loại giấy, băng, thiết bị vệ sinh... Điều này khiến cho người xem từ chỗ tỏ thái độ không hài lòng dẫn đến có ác cảm đối với sản phẩm được quảng cáo.

Theo Từ điển tiếng Việt, rao vặt là “bài quảng cáo phổ biến được phân loại trên báo chí và trực tuyến mang tính chất cộng đồng và bình dân hơn so với các hình thức quảng cáo khác”. Rao vặt sẽ là một con dao hai lưỡi nếu các cá nhân, doanh nghiệp không biết sử dụng nó một cách hợp lý. Không ít người đã biến quảng cáo rao vặt thành quẳng cáo hoặc rao… lặt vặt, nghĩa là rao bán những cái nhỏ nhặt tầm thường, vô hình trung khiến cho cộng đồng quay lưng lại với sản phẩm, thương hiệu của mình.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật khi quảng cáo trên mạng, để người dân cảnh giác, tránh các tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung vi phạm pháp luật...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.