.

Khi ngọn lửa đã tàn

.

Lửa tàn, cũng là lúc những giọt nước mắt hối hận tràn đầy, nhưng đã quá muộn màng.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần cầm đến bật lửa hay hộp diêm, thể nào cũng bị người lớn rầy: “Đừng đùa với lửa”. Tôi cứ tưởng, chỉ có trẻ thơ không lường được hiểm họa từ “bà hỏa” mới thích chơi đùa với các dụng cụ tạo lửa. Ngờ đâu, không ít người lớn dù hiểu rõ tầm nguy hại cũng “đùa” với lửa…

1. Có người đàn ông, vì giận người chung sống như vợ chồng với mình đòi chia tay trong lúc cãi vã, đã tưới xăng, châm lửa đốt. Bị hại không chết nhưng mặc cảm co mình lại vì mang nhiều vết bỏng quắt queo trên mặt và ở nhiều vị trí khác trên cơ thể. Người đàn ông hối hận, trong những ngày bị tạm giam, đã tưới nước sôi từ đỉnh đầu xuống và 2 lần chặt ngón tay như một cách tự trừng phạt. Dẫu vậy, đoạn tình cảm ấy đã bị thiêu rụi cùng lửa ghen, chẳng thể nào nối lại.

Lại có người chồng, trong cơn ghen bùng phát, đã lấy xăng đổ lên người mình dọa tự tử. Người vợ, trong cơn hờn dỗi, thách thức: “Ông chết thì tôi theo người khác”. Người chồng như hóa điên, châm lửa đốt cả hai. Người vợ tử vong. Người chồng thoát chết với tỷ lệ thương tật 65%, đối diện với mức án tù chung thân về tội “giết người”. Ngọn lửa không chỉ thiêu rụi một mái ấm mà còn đánh cắp tuổi thơ, tình thương từ cha mẹ của một đứa trẻ 7 tuổi.

2. Dự khán những phiên tòa xét xử bị cáo giải quyết khúc mắc trong chuyện tình cảm bằng lửa giận bao giờ cũng cay đắng. Càng đớn đau và chua xót hơn khi mà bị cáo và bị hại trong vụ án có mối quan hệ huyết thống…

Cả cuộc đời ông L.V.C (SN 1951) sống vì con, vất vả trăm việc cũng không nề hà, chỉ mong con đủ đầy với người ta. Khi tuổi xế chiều, ông cũng bốn bề nghĩ suy cho con. Sợ làm gánh nặng cho con, ông tìm cách sinh nhai bằng đủ thứ việc, từ phụ bán ở quán hủ tiếu đến bảo vệ cho một công ty. Mong ước cuối đời của ông đơn giản chỉ là những phút giây sum vầy gia đình. Nhưng khốn thay, người đàn ông ấy lại là người cha bạc phước khi bị con mình hắt hủi, lạnh nhạt.

Người con dâu nhiều lần than thở mất tiền, nghi ngờ cha chồng lấy cắp dù ông rớt nước mắt biện minh bao phen. Người con dâu yêu cầu cha chồng phải đưa tiền nhà, tiền điện, tiền nước lúc ông còn sống chung. Người con dâu trao cho ông những cái nhìn ghẻ lạnh, khinh khi. Người con dâu đóng sập cửa khi ông đạp xe hàng cây số để mang chiếc bánh bao đến thăm cháu nội. Người con dâu buông vô số lời nói lạnh lùng, khó nghe khi ông nhẹ nhàng năn nỉ.

Uất ức dồn nén bao ngày, ông đi mua xăng và quẹt gas rồi quay lại định đốt nhà để chết cùng vợ chồng con trai (lúc này ông biết cháu nội không có ở nhà). Lửa bùng lên, ông bị thương tật 38%, con trai ông bị tổn hại sức khỏe 12%, con dâu chỉ bị thương nhẹ. Ngọn lửa không mang gia đình ông đến bên thần chết nhưng lại cuốn đi tình thâm đang rạn vỡ, đổ sụp trong trái tim đơn côi của người làm cha.

Với hành vi “giết người” và “hủy hoại tài sản”, ông bị tuyên phạt 9 năm tù giam. Mức án ấy, có lẽ cũng không đớn đau bằng vết thương lòng đang giày xéo trong ông.

3. Cũng hết mực thương con, cũng lựa chọn dùng xăng để cùng con tự tử là trường hợp của người cha N.V.L (SN 1982). Nhưng căn nguyên dẫn dắt L. đến hành động này là hình ảnh về cái nghèo, cái đói lởn vởn trong tâm trí lúc rượu thấm.

Ly dị vợ sau 4 năm chung sống, L. đứt ruột giao con cho vợ nuôi dưỡng bởi con còn nhỏ. Nhưng nhiều lần đến thăm con, thấy vết tích đòn roi trên thân thể ốm yếu của con, L. không chịu nổi, rước con về chăm sóc. Sức khỏe yếu, lại bận bịu con cái, L. thất nghiệp. Cảm thấy cuộc sống bế tắc, trong cơn túng quẫn, L. đổ xăng lên người hai cha con, bật lửa đốt.

Đến khi ngọn lửa bốc cháy, L. sực tỉnh, bồng con chạy ra ngoài. Mặc dù được mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng đứa trẻ đã tử vong sau đó. Bản thân L. sau quá trình điều trị cũng mang thương tật tỷ lệ 60,67% vĩnh viễn. Đứng sau vành móng ngựa, nước mắt L. cứ lăn dài, nghẹn ngào: “Bị cáo sợ mình chết đi rồi, con bơ vơ, lại bị đánh đập, tội nghiệp. Bị cáo chỉ mong con không phải chịu cảnh nghèo khổ, thua thiệt…”.

4. Ngọn lửa bùng cháy bởi cảm xúc không thể kiểm soát của con người nguy hại hơn rất nhiều lần so với ngọn lửa do bất cẩn tạo nên. Ngọn lửa này, bao giờ cũng day dứt nỗi ăn năn. Những nỗi ăn năn không thể chuộc lỗi…

Lửa tàn, cũng là lúc những giọt nước mắt hối hận tràn đầy, nhưng đã quá muộn màng. Bởi vậy, cho dù trong bất kỳ trường hợp nào, cũng đừng nên đùa với lửa. Lửa đã cháy, rất khó để cứu vãn.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.