.
TRUYỆN NGẮN

Dì Tâm

.

Sáng nay khi tôi đang làm việc ở công ty thì mẹ gọi điện đến:

-Trưa nay con về nhà mẹ ăn cơm nhé! Nhà mình hôm nay có khách quý đấy.

Bước vào nhà, tôi thấy mẹ đang ngồi trò chuyện với một ni cô. Tôi rất ngạc nhiên vì từ xưa đến nay khách khứa, họ hàng, bạn bè của gia đình tôi không có ai là người tu hành cả. Thấy tôi bước vào, ni cô đứng dậy, đầu hơi cúi, một tay chắp trước ngực:

- Mô Phật…!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi chưa biết nên đáp lại ra sao thì mẹ cũng đứng dậy. Mẹ đỡ tay nhà sư nhìn tôi:

- Dì Tâm đó con!

Tôi sững sờ. Trời ơi, người phụ nữ thân thiết của gia đình tôi, ký ức máu thịt với tuổi thơ của chị em tôi là đây sao? Tôi cũng cúi đầu đáp lễ “chào dì”. Mẹ lại tiếp lời:

- Cái Hiền đấy. Dì thấy khác không? Bây giờ là nhân viên nhà nước rồi đấy.

“Dì” nhìn tôi dịu dàng rồi quay sang phía mẹ:

- Có phúc, có phần lắm!

Mẹ đỡ dì ngồi xuống ghế, tôi cũng ngồi xuống chiếc ghế đối diện, muốn ngắm kỹ lại gương mặt dì. Tôi thất vọng vì những nét  thân yêu trong ký ức tôi không còn nữa. Tôi chỉ còn đọc được ở gương mặt ấy một nét buồn xa xăm và ánh nhìn chậm chạp mệt mỏi. Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, giọng dì chùng xuống:

- Bể đời trầm luân, mỗi người một phận, biết làm sao!

Tôi xót xa. Tôi muốn nói với dì một câu gì đó thể hiện sự yêu quý và vui sướng nhưng cổ họng tôi bỗng nghẹn lại. Nước mắt muốn trào ra. Tôi vội xin phép đi xuống bếp nhường lại không khí yêu thương cho mẹ và dì. Ký ức về dì ùa trong tôi.

Đấy là những năm tháng đất nước còn chiến tranh, mẹ và dì về cùng nhận công tác vào một ngày. Hai người được phân ở chung một phòng trong khu tập thể. Dì kém mẹ vài tuổi. Tính dì trầm lặng, hiền hậu, nhường nhịn nhưng chỉ trách ông trời không ban cho dì chút nhan sắc mà những người con gái bình thường phải có. Thế rồi dì quen với một người là sĩ quan quân đội có một vài lần đến cơ quan dì công tác. Và dì thương thầm nhớ trộm người đó. Nhưng khi biết người sĩ quan đó đến đây vì mẹ, dì chỉ khóc thầm. Khi mẹ biết chuyện, mẹ cũng tìm cách lánh mặt tạo cơ hội cho dì. Nhưng tình yêu thì không bao giờ tuân theo sự nhường nhịn. Dì hiểu vị trí của mình và rút lui trong  nước mắt. Một năm sau, mẹ và bố cưới nhau. Dì chuyển sang ở phòng bên cạnh. Cưới xong, bố vào chiến trường, dì vẫn là người gần gũi mẹ hơn cả. Mẹ sinh ra tôi vào một ngày đất nước chuẩn bị thống nhất, chỉ có một mình dì bên cạnh mẹ trong đêm mẹ vượt cạn vì cả hai gia đình nội ngoại của tôi đều ở xa. Với mẹ, đó là những ngày tháng không thể nào quên.

Hồi đó, tất cả đều ăn cơm tập thể. Khi có tôi, mẹ mới được nấu riêng. Đi làm về, dì thường ăn cơm sớm bế tôi cho mẹ cơm nước giặt giũ. Những lúc tôi quấy khóc, dì lại phải đi chợ cho mẹ. Tôi đi nhà trẻ, dì đón tôi nhiều hơn mẹ, vì mẹ hay xuống cơ sở. Tôi bập bẹ biết nói, mẹ đã dạy tôi gọi “dì”. Tôi quấy dì hơn mẹ. Mẹ giục dì đi lấy chồng, dì buồn buồn:

- Con trai thời chiến hiếm như vàng. Còn ai lành lặn trở về thì chọn những cô gái xinh đẹp chứ để ý gì đến em.

Khi tôi ba tuổi, đất nước hòa bình. Bố lành lặn trở về và được làm việc cùng cơ quan với mẹ. Cuộc sống yên ả trôi và các em của tôi lần lượt ra đời. Khi có thêm em, tôi sang ngủ hẳn với dì. Hằng ngày dì đưa tôi đi mẫu giáo. Nhiều buổi tối, dì một tay bế cu Lâm, một tay dắt tôi đi chơi. Dì dành luôn cả việc xúc bột cho cu Lâm. Có con nhỏ nhưng xem ra mẹ tôi vẫn nhẹ nhàng. Đến khi có thêm cu Lực ra đời thì bố mẹ tôi rất khó khăn. Mẹ thiếu sữa mà nó thì lại rất tham ăn. Nó khát sữa khóc không ngừng, thời buổi bao cấp, tem phiếu chưa đến ngày mua. Dì Tâm lại tất bật mang gói đường màu vàng mới mua pha cho nó. Nó uống chòm chọp ngon lành. Nhờ gói đường của dì mà nó ngủ yên…

Mẹ khốn khổ vì hai thằng vừa tham ăn vừa nghịch phá. Thương hai đứa đói, mỗi lần đi ăn cơm về dì đều mang một bát cơm đầy chan nước mắm hoặc muối vừng chia cho hai đứa.

Rồi mẹ lên trưởng phòng, đi tối ngày. Hai thằng càng ngày càng nghịch như quỷ sứ. Thằng anh bảy tuổi lôi thằng em bốn tuổi lục lọi khắp mọi xó xỉnh của cơ quan. Bố cũng bận đi học tiếp nên chẳng ai quản thúc lúc chúng nó ở trường về. Chỉ có dì Tâm phải đương đầu với chúng. Có những trưa nắng, chúng chui qua bờ rào đi bẻ trộm ngô. Dì lại lụi cụi rào lại bờ rào. Có trưa chúng đi câu trộm cá. Dì lại phải ra bờ ao ngồi canh hai đứa trông chừng chúng.

Mẹ bắt đầu đi vắng qua đêm vì bận họp xa. Và dì Tâm lại làm thay công việc chăm sóc chị em tôi của mẹ. Vắng mẹ, chị em tôi càng gắn bó với dì. Không những chị em tôi mà bố cũng quý dì. Cho chúng tôi đi ngủ xong, bố và dì thường hay nói chuyện rất khuya. Những câu chuyện lúc ấy chúng tôi không hiểu nổi.

Một lầm tôi thấy mẹ và dì nói chuyện. Dì có vẻ dè dặt, ngập ngừng:

- Em muốn được làm mẹ!

Ánh mắt mẹ tán thành. Giọng Dì chợt chùng xuống và nhỏ dần:

- Em muốn con em cũng xinh như các con của chị. Chúng là chị em một nhà.

Nói xong dì òa khóc và bỏ chạy. Còn mẹ tôi ngồi bất động. Sau cuộc nói chuyện với dì, mẹ lặng lẽ hơn, đăm chiêu hơn. Còn dì thì gần như tránh mặt mẹ, không công khai chăm sóc và vui vẻ với chúng tôi như trước. Trông dì khắc khổ và buồn nhiều. Mẹ gọi ba chị em tôi lại dặn không được quấy rầy dì. Tôi là con gái phải tập các công việc gia đình để đỡ đần dì và mẹ.

Một đêm, có lẽ đã khuya lắm rồi, tôi thấy bố mẹ vẫn thức. Tiếng mẹ sụt sùi:

- Giá có thể chia cho Tâm nửa gia tài, nửa sự thành đạt, em cũng không tiếc. Nhưng chia một nửa tình
yêu thì…

Giọng bố cũng yếu ớt:

- Anh cũng rất thương Tâm. Nhưng lớn hơn, anh còn có em và các con, anh không đánh đổi. Anh không biết làm thế nào nữa…

Đầu óc non nớt của tôi cũng chợt hiểu: dù mọi người rất yêu thương nhau cũng không dễ gì chia hạnh phúc cho nhau. Tôi càng thương dì Tâm. Giá dì cứ đẩy mẹ vào tình cảnh đã rồi lại tốt cho dì. Đầu cuối và đàng hoàng quá lại thành gượng gạo, dở dang. Hạnh phúc sao ngặt nghèo và chật hẹp thế kia.

Mối quan hệ của ba người lớn trước mặt chúng tôi vẫn thế. Chỉ có điều cả ba người đều hay đi vắng hơn. Ba tháng sau, bố mẹ tôi có quyết định chuyển nơi công tác mới. Đây là cơ quan trung tâm của ngành. Chia tay với dì Tâm, cả nhà tôi đều buồn. Hai đứa bé ôm lấy dì Tâm khóc to nhất. Bố mẹ tôi mỗi người quay đi một nơi. Tôi đứng chôn chân một chỗ không dám lại gần dì. Tôi rất sợ làm thêm điều gì cũng đều có lỗi…

Vậy mà hôm nay, dì tìm đến nhà tôi cũng thật bất ngờ. Dì đến, nhân tiện chuyến xe của hội Phật giáo đi làm từ thiện ngoài này. Sau 20 năm, chúng tôi đã trưởng thành. Hai đứa em tôi đã tốt nghiệp đại học, làm việc ở những tập đoàn lớn. Tôi đã là nhân viên nhà nước. Bố mẹ tôi cũng đã nghỉ hưu trong một ngôi nhà xinh xắn ở ngoại ô thành phố. Mỗi người một suy nghĩ riêng đã quên dần dĩ vãng.

Dì cũng chầm chậm kể lại chuyện của dì. Khi gia đình tôi đi, dì thấy trống vắng quá lớn. Dì xin thôi việc về quê. Anh chị em ai cũng có gia đình riêng, cuộc sống riêng càng làm cho dì thêm cô độc. Dì đã chọn cách gởi phần đời còn lại của mình nơi cửa Phật. Đó là một ngôi chùa lâu đời, tĩnh mịch và vắng vẻ, cũng là nơi tá túc của những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn, là nơi đi về của những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Ban ngày chúng đi kiếm sống, ban đêm chúng quây quần bên dì. Có lũ trẻ dì cảm thấy vui và bận rộn hơn nhiều…

Bỗng dì đứng lên:

- Đã đến lúc phải từ biệt. Gặp được thế này, kẻ tu hành thấy an tâm rồi, cảm ơn thịnh tình của gia chủ.

Mẹ hốt hoảng kéo tay dì ngồi xuống. Dì vẫn đứng chấp tay:

- Kẻ tu hành phải về vì còn lũ trẻ. Sắp đến tết rồi, chúng phải có quà tết mà.

Tôi nài nỉ:

- Con đang chuẩn bị cơm chay đãi dì. Dì hãy ở lại đi. Bố con đi chơi cũng sắp về. Dì không muốn gặp lại bố con ư?

Dì nói như mếu:

- Lòng dì đã yên, con đừng nhắc lại chuyện cũ. Lúc nào dì cũng nghĩ về các con. Con hãy tin rằng nơi cửa Phật, dì luôn cầu nguyện những điều tốt đẹp sẽ luôn đồng hành với các thiên thần của dì.

Rồi dì khóc, mẹ khóc, tôi khóc. Những giọt nước mắt như sinh ra cho đàn bà. Biết không thể níu được, mẹ đành đứng lên biếu dì ít quà cho bọn trẻ. Tôi định lấy xe đưa dì ra bến nhưng dì ngăn lại. Không còn cách nào khác, mẹ con tôi cùng tiễn dì một quãng đường dài. Dì bước vượt lên, quay lại, đặt tay lên ngực, khẽ cúi đầu:

- Mô phật! Xin từ biệt.

Dường như dì Tâm sinh ra là để nhường nhịn, để chịu thiệt thòi, để đem hạnh phúc đến cho người khác từ khi còn trẻ đến lúc về già. Nhờ có dì mà những khổ đau thời chiến vơi đi, những ngặt nghèo thời đó nhẹ đi! Những chúng sinh thật sự nhờ dì mà có một chốn nương thân, một cái tết. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho dì được bình yên trong quãng đời còn lại.

THU HIỀN

;
.
.
.
.
.