.

Đi bụi ngày Tết

.

Một

Đáng lẽ năm nay, Long qua bên ba ăn Tết nhưng dì Cầm mới sinh em bé. Nhà có người giúp việc và căn hộ bên ấy vốn đã chật lại như chật hơn. Ba giải thích với Long như vậy, hôm, hai ba con cùng đi shop sắm đồ mới rồi đi ăn kem. Trên đường về, giữa lúc đang vui tự nhiên ba gằn giọng: “Con thông cảm. Dù, theo đúng qui định của má con …”. Ba nhấn mạnh hai chữ qui định, ra vẻ dằn xóc khiến Long tức, vùng vằng:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Sao ba cứ ghét má hoài? Đã xa thì thôi chứ!
- Nhưng con quên là ba má xa vì cái gì à?
- Con không cần biết…
- Đàn bà gì đâu mà cứng rắn, khô
khan như…
- Con không muốn ba nói má con
như vậy?
- Bộ má mày bày hả? Bữa nay sống với người qui định riết cái gì cũng qui định
dữ nghe.
- Không phải. Nhưng con thấy ba…
- Ba sao?
- Ba… Ba… bèo quá!

Không kịp thấy phản ứng của ba cũng không cần ba đưa tới tận cửa, giao Long cho má như mọi khi. Long chạy vội lên mấy bậc cầu thang và lao nhanh về phòng. Má, coi bộ thắc mắc nhưng không nói gì. Chỉ cười và một chặp sau mới tới bên Long, xoa đầu: “Sao? Đồ Tết ba mua đẹp không?”

Cuối tháng Chạp thấy mấy căn hộ gần bên sắm soạn, bắt thèm. Phải như nhà ngoại đừng xa quá! Long thích nhất ăn Tết ở quê nhưng muốn về, má phải kết hợp đi phép năm chứ có mấy ngày nghỉ chưa đủ ngồi tàu, nữa là. Tết, nhà ngoại rập rộn chứ có đâu lặng ngắt như nhà Long. Chỉ có hai má con đi siêu thị chưa tới tiếng đồng hồ là đủ hết. Nhưng, dẫu gì cũng còn má còn con chứ Tết, Long phải về bên ba, thấy tội cho má lắm kìa! Nhớ có năm, mới chiều mùng hai mà ruột gan thấp thỏm, Long lén về. Thấy má nằm coi ti-vi, buồn thiu mà xuống bếp thấy toàn đồ hộp với lại mì gói. Má cười gượng gạo: “Thôi để Tết tới, theo đúng qui định, con ở nhà, má con mình sắm sửa ăn uống đã đời há!”. Qui định. Qui định…Sao mà Long ghét căm? Tết cũng vậy mà hè cũng vậy, những cuối tuần cũng vậy. Cứ luân phiên má trước, ba sau. Đã năm cái Tết có má thì không có ba, có ba thì không có má. Qui định gì kỳ???

Tết năm nay, Long oai lắm đó! Vì đã lên tới chức anh Hai. Phải tới chín tuổi, Long mới có em và đã làm anh, Tết phải lì xì cho em mới là đúng chứ! Bữa đầy tháng em, ba tới đón Long về chơi. Cái này không nằm trong qui định nhưng má đồng ý ngay. Vậy mà ba dám nói má cứng rắn, khô khan… Vừa thấy Long, dì Cầm đã reo lên: “Anh Hai về rồi kìa! Vô với em đi!”. Bữa ăn đó, Long đòi uống nước ngọt nhiều, bị ba la. Long mếu máo tính khóc, dì Cầm chọc: “Làm anh Hai rồi nghe! Coi chừng em bé nó cười cho đó!”. Dì Cầm rất tội và rất thương Long. Cả em nữa? Nó cứ nhìn Long cười và ai cũng nói nó giống hệt Long. Long thích nắm cái bàn tay của em. Trời ơi! Có chút xíu à! Thấy thương quá đi. Phải chi mà Long được ở chung nhà với em bé, Long nựng mới đã à nghe!

Hai

Má không buồn cũng chẳng vui, khi biết năm nay Long không qua bên ba ăn Tết. Chỉ nói gọn lỏn: “Có mới nới cũ.” Cuối tháng Chạp, buồn khan, và nhớ đến những cái Tết ở đây, khi nhà có đủ ba người. Ba bắc thang quét màng nhện, lau dọn lại nhà cửa. Má lo làm kiệu, làm bánh… Nhà trên sạch trơn, góc bếp thơm sực mùi đồ ăn. Hấp dẫn quá chừng.

Năm nào cũng vậy, gần tới Tết là mấy sòng bầu cua bắt đầu hoạt động ở chung cư mẹ con Long ở. Thấy cũng có bị dẹp đâu ba bữa lại “lắc ra cái bầu lại lắc ra con nai.” Má nói đó là cờ bạc và với chuyện này, má không những qui định mà còn nghiêm cấm. Khuya ba mươi, ba gọi điện nói sáng hôm sau sẽ lại đón để đưa về chúc Tết bà nội. Long năn nỉ:  

- Ba chở con qua em nữa nghe.
- Chi vậy?
- Con muốn lì xì cho em mà.
- Em nhỏ xíu. Biết tiền bạc gì! Bày đặt.

Câu nạt của ba khiến Long buồn qua giao thừa, qua năm mới luôn. Đã vậy, mới sớm mùng một, bạn má đã vô nhà xông đất rồi đưa nhau đi chùa. Nghe nói má sắp làm đám cưới với cái ông đây. Vậy là Long sẽ có dượng ghẻ. Chuyện này làm Long bực, đã vậy chờ tới 10 giờ, cũng không thấy ba tới. Ghét, Long mon men lại một sòng bài coi sao! Cũng rất muốn chơi thử nhưng nghĩ sợ má, nên đành thoái lui, không dè cái áo của Long bị ai đó níu lại. Thì ra là thằng Hùng, nhà sát cạnh. Long ngạc nhiên:

- Ủa, sao mày cũng có ở đây?
- Bộ không thấy sao hỏi, trời?
Long nhìn Hùng chơi và không giấu được vẻ thèm muốn:
- Mà sao mày chơi tài dữ vậy? Ăn nữa kìa!
- Cũng có hồi ăn, hồi thua. Mày đặt đi.
- Thôi! Tao đứng coi một chút rồi về, chứ má tao không cho.
- Tết mà. Chơi một chút cho vui. Không phải lúc nào cũng có ráp sòng cho mình đặt đâu.
- Tao sợ má tao lắm.
- Nhưng… má mày làm sao biết được?

Giọng thằng Hùng kéo dài ra, như là giễu cợt, khiến cho Long thấy “quê quê” sao đâu. Trước hết là quê má rồi tiếp tới là quê ba. Phải như ba cứ giữ cái qui định đó! Cho Tết này cho những ngày này Long được ở gần ba gần em. Long mím chặt môi:

- Ờ! Thì chơi… Nhưng mà…
- Không biết chơi chứ gì? Dễ ẹt. Thì mày thích con gì đặt con đó!

Long lấy hai ngàn đặt vô con nai, ai dè, không ra, nên Long lại móc túi lấy tiền đặt tiếp. Lần này đặt năm ngàn và vẫn là con nai. Vẫn trật. May, là bạn của má mới lì xì cho Long năm chục ngàn, hồi sớm. Đặt được đúng sáu lần thì má xuất hiện ở sau lưng. Chưa bao giờ, Long thấy má tức giận đến như vậy. Mắt tóe lửa, tay má như gọng kềm bấu chặt lấy Long, lôi xềnh xệch từ sòng bài về nhà, sau khi đã bộp Long mấy cái bạt tai đích đáng. Long không ngờ má dữ tới vậy và… bèo tới vậy. Má làm Long quá mắc cỡ với mọi người và Long ghét má.

Long câm lặng và vùng vẫy hết sức vẫn không thoát ra khỏi má, đã vậy sao mà lâu tới nhà. Long chỉ muốn chui xuống đất mà trốn, vậy mà, có bao nhiêu người nhìn thấy cảnh mẹ con Long như vầy, mới dễ sợ chứ! Tới gần cửa, thừa lúc má sơ ý, Long giựt mạnh tay nên bứt ra được. Không để lỡ cơ hội, Long chạy như bay xuống cầu thang và lao nhanh ra đường. Suốt ba ngày sau đó với chỉ hai mươi ba ngàn còn lại trong túi, Long lang thang cùng khắp thành phố, chứ không dám về nhà, cả nhà ba lẫn nhà má. Tối mùng một, Long lẻn vô rạp coi phim rồi buồn ngủ quá, quẹo đầu, làm một hơi tới tờ mờ sớm ngày hôm sau. Hôm sau, Long thơ thẩn miết, ngang qua nhiều ngôi nhà thấy gia đình người ta sum họp mà tủi thân quá chừng. Long thấy thương má, nhớ má và tội cho má quá! Má tội nhưng…bèo. Chắc má trông Long lắm đây và khóc sưng mắt vì kiếm không ra. Thể nào má cũng gọi điện cho ba, nói Long bỏ đi bụi và thế nào ba cũng đi khắp nơi để kiếm. Ba cũng tội! Nhưng sao ba hay giễu những cái qui định của má, bởi đó ba cũng… bèo.

Khuya mùng hai, thấy Long cứ đứng ngồi vạ vật ở gian hàng mô-tô bay dưới biển, mấy người làm tại đó nghi Long là dân trộm cắp nên đề phòng. Sau thấy Long hiền, bèn kêu lại hỏi nhưng Long bậm gan không chịu trả lời. Họ đành thua, lấy bánh tét cho ăn và cho Long vô sạp ngủ. Đêm thứ hai này không cách gì Long chợp mắt được dù chỗ nằm rất thoáng mát. Mệt quá, cũng có vài ba lần Long thiếp đi và trong những lúc ngủ chập chờn ấy, Long luôn mơ thấy em bé của dì Cầm. Không, em bé của cả Long nữa chứ vì Long là anh Hai của nó mà. Trời ơi, em bé sao mà dễ ghét! Cái gì trong người nó cũng dễ ghét hết: má lúm đồng tiền, trán dồ, tóc loe ngoe có mấy sợi… Hai bàn tay bé xíu của em huơ huơ trong không khí, Long nhìn hoài vẫn cứ ưa và thương ơi là thương.

Chiều ngày mùng ba, nhớ mọi người trong nhà và nhất là nhớ em không sao chịu nổi, Long mò về nhà ba. Dì Cầm ôm Long khóc và ngay lập tức gọi điện báo cho ba má. Dì nắm tay Long dắt lại phía cái nôi đặt em và nói: “Bé ơi! Anh Hai của bé về rồi nè. Bé mừng lắm phải không?”. Sau đó, dì rót cho Long một ly sữa tươi và bắt Long uống từng hớp, từng hớp một chậm từ. Dì Cầm nói, đang rất đói mà ăn uống nhanh và nhiều, không tốt. Long cười bẻn lẻn:

- Sao dì biết con…?
- Trời ơi! Em nó mới sinh còn biết bụng anh Hai trống không kìa!

 Dì Cầm nói cả hai nhà chẳng thiết gì Tết nhất. Má như phát điên lên vì ân hận, nghe ở đâu mách biểu là lao tới. Nhớ tới chỗ nào là lập tức đi tìm, bất kể… Má thương nhớ và xót xa cho Long đến bỏ ăn bỏ ngủ, quay quắt. Còn ba cũng đâu có khác gì. Ba kiếm Long khắp nơi và về tới nhà là nằm xuội lơ. Đã bỏ thuốc vậy mà hai đêm qua hút liên miên. Người ba hốc hác hẳn đi vì ăn ngủ thất thường lại cứ đi suốt ngoài đường. Bữa nay, hai người chở nhau về nhà nội, rồi ghé mấy cô mấy chú, coi sao… Nghe dì báo Long đã về, hai người mừng quá. Long nghe kể, ngồi im và khóc. Rất lâu sau mới hỏi được:

- Vậy là ba hết giễu má chuyện qui định rồi hả dì?
- Chắc hết. Còn con? Hư quá! Làm anh Hai mà vậy đâu có được. Em nó bắt chước rồi sao!
- Dạ!…
- Nhưng mà em nó cũng thông cảm cho con rồi. Nó xí xóa cho anh Hai rồi. Đó! Nó cười. Nó huơ tay đó. Nó nói thầm đó. Nó biểu: “Anh Hai ơi! Anh Hai lỡ lần này thôi nghe. Lần sau đừng có như vậy
nữa nghe!”.

- Nhưng còn ba má…
- Thì ba má cũng xí xóa chứ sao không? Thôi! Lo tắm dùm đi. Chứ hôi rình vậy sao ẳm em được.
- Chứ dì nói sao mà không hôi? Cứ một bộ vầy mặc hoài.

- Ừ! Tắm rồi dì dọn đồ cho ăn. Trưa nay, dì với bà vú cũng sửa mâm cúng rước, bưng xuống, rồi để nguyên vậy. Có ai đụng đũa nổi đâu.

Trong lúc tắm, Long nghe dì Cầm nói chuyện với em: “Đó. Em bé có thấy anh Hai “ngộ” không? Rắn mắc quá chừng chừng, phải không? Tết, được nghỉ học. Người ta  về quê, đi du lịch… Còn anh Hai của bé đi bụi, cho mọi người trong nhà rớt tim chơi vậy đó…”. Dì Cầm người Nam, có tiếng “ngộ” hay lắm kìa! Không những nói chuyện với em bé, dì Cầm còn cười nữa. Tiếng cười không có “ngộ” nhưng mà rất vui.

NGUYỄN THỊ MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.