.

Thân phận lạ lùng của một nhà văn

.

Gấp lại trang sách cuối cùng của tập hồi ký “Còn trong ký ức” (ảnh) vừa mới phát hành cuối tháng 12-2012 của nhà văn lão làng Lê Khôi, tôi không khỏi ngỡ ngàng: Một thân phận lạ lùng!

Với một giọng văn đơn giản, cô đọng, không trau chuốt, chỉ trong hơn 70 trang viết, nhà văn Lê Khôi đã phác họa lại toàn bộ bối cảnh xã hội từ tuổi thơ đi học, tham gia chính quyền cách mạng 1945, đi tù Côn Đảo, trao trả tù chính trị tại miền Bắc, giấc mộng tiến sĩ nông nghiệp… Ông đã mô tả lại cuộc đời chìm nổi của ông trong bối cảnh đó cùng những mơ ước không thực hiện được, để rồi ở tuổi về hưu ông lại hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ không hề mơ ước, đó là nhà văn, một mỹ từ văn học mà nhiều nhà văn đích thực luôn khát khao mơ ước cũng chưa tìm thấy.

Về hưu được vài năm, nhà văn Lê Khôi đã xuất bản tập truyện Cuộc phiêu lưu của chú kiến Fooc-ru (năm ông 66 tuổi), Hồi sinh (năm 70 tuổi), Quê hương (72 tuổi), Kịch bản phim lịch sử về Hồ Quý Ly (77 tuổi), tiểu thuyết lịch sử  Sau đêm trăng hạ tuần là bình minh (82 tuổi), Chuyện tình duyên thời nhà Trần (83 tuổi), Lưỡng bộ thượng thư Trương Công Hy (84 tuổi). Tiểu thuyết lịch sử nào của ông cũng 700, 800 trang và ông còn dự kiến đến cuối năm 2013, khi tròn 85 tuổi sẽ  ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết thời cận đại dài 800 trang!

Có nghĩa cho đến bây giờ, sau 25 năm kể từ lúc về hưu, sự nghiệp viết văn của ông luôn cuồn cuộn chảy với một bút lực sung sức dồi dào. Nhà văn Lê Khôi lao động miệt mài, lặng lẽ bằng một thái độ hết sức nghiêm túc, nhưng cũng hết sức lạc quan. Ông nhìn cuộc đời bằng con mắt bao dung, độ lượng, nhưng không thể không cho thế hệ sau biết những gì thuộc về sự yếu hèn, bất công, sự ấu trĩ trong tư duy, những mưu tính, ganh ghét, đố kỵ…, đối lập lại là những khát vọng vươn lên trong cuộc đời người viên chức Nhà nước như ông.

 Năm 19 tuổi bị bắt đưa ra Côn Đảo theo diện tù chính trị từ một lời khai báo vu vơ. 7 năm trong tù, được chi bộ đảng trong tù kết nạp Đảng, để rồi 3 lần phải làm kiểm điểm, 2 năm đi cải tạo lao động gánh đất trong đợt đấu tố cải cách ruộng đất ở Thanh Hóa vì lý do khai man lý lịch, “…Tại sao anh tự xưng là đảng viên được kết nạp tại Côn Đảo, trong nhà tù của bọn thực dân Pháp làm sao Đảng hoạt động được mà có chi bộ, đảng bộ nào kết nạp anh, họa chăng Quốc dân đảng hay là đảng nào của Ngô Đình Diệm! (Trang 16)”;

 Được minh oan, cử ra Hà Nội học khóa kỹ thuật nông nghiệp, được giữ lại công tác ở Vụ trồng trọt của Bộ Nông nghiệp, được cử đi học đại học, được giữ lại trường làm giảng viên đại học, ấp ủ đề tài tiến sĩ, để rồi trở thành biên chế của một hợp tác xã, chỉ vì một lời báo cáo thiếu trung thực “Tôi đinh ninh lời khuyên (của mình đối với sinh viên) là đúng, không ngờ một vị cán bộ của Bộ Nông Lâm đến dự buổi họp, về báo lại Bộ trưởng rằng tôi đã xuyên tạc chủ trương của Bộ đưa sinh viên về nông thôn (sẽ) khiến kiến thức học tập bị sa sút (trang 32)”;

 Được cử làm trại trưởng trại giống lúa Ty Nông lâm tỉnh Hà Nam, dự kiến cơ cấu Đảng ủy viên Đảng bộ Ty, ông đã mất cơ hội thăng tiến vì đại hội không còn thời gian để xác minh một lá thư vu khống  gửi về của một cán bộ “Lê Khôi không phải là đảng viên được kết nạp tại nhà lao Côn Đảo (trang 42)”.

 12 năm làm Trưởng phòng trồng trọt của Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, có uy tín chuyên môn, được cơ cấu vào các tổ chức Mặt trận, Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, có tính đấu tranh bảo vệ quan điểm chuyên môn trước lãnh đạo Sở… để rồi bị điều chuyển về công tác tại Phòng Nông lâm của một huyện.

Rất nhiều điều bất công, oan trái. Ngay cả những giờ phút cuối cùng trước lúc nghỉ hưu năm 1988, ông cũng bị miễn nhiệm “Một tờ lệnh ghi tên 6 người, trong đó có tôi, được miễn nhiệm chức trưởng, phó phòng của Sở để tập hợp trong một nhóm gọi là Tổ chuyên viên…” (trang 59).

Hồi ký “Còn trong ký ức” rất sống động ở chỗ từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, tác giả toàn nhắc đến những thuật ngữ chuyên môn của ngành nông nghiệp, một ngành mà ông rất yêu quý và đã gắn bó cả cuộc đời mình vào sự phát triển, thể hiện sự tự tin, làm chủ về chuyên môn với một lòng khát khao cống hiến, dù cho tâm huyết đó luôn bị ngáng trở. Ông vui khi còn có những vị lãnh đạo tỉnh hiểu được mình, “Anh bạn tại Văn phòng Ủy ban cho tôi biết: Chủ tịch tỉnh vừa mời giám đốc Sở Nông nghiệp đến Ủy ban, khiển trách: Là giám đốc Sở, đồng chí chỉ chuyên về cơ khí, đang có một kỹ sư trồng trọt lâu năm kinh nghiệm, tại sao không biết giữ lại làm cánh tay phải để chỉ đạo sản xuất? (trang 60)”.

Và ông cũng chỉ cần có sự nhận biết và chia sẻ như thế.

Lời nhận xét đó là phần thưởng quý giá để từ nay ông yên tâm, say sưa dồn tâm trí cho một công việc mới: viết sách. Hai mươi mấy năm làm cộng tác viên báo chí trên mảng đề tài nông nghiệp, những bài viết của ông luôn được mọi người đón đọc một cách trân trọng. Những hội nghị, hội thảo lớn về nông nghiệp nông thôn, lãnh đạo tỉnh luôn nhớ đến ông, mời ông phát biểu với tư cách một chuyên gia nông nghiệp hàng đầu.

Nhà văn Lê Khôi năm nay 86 tuổi, người được trao giải nhì (không có giải nhất) về cuộc thi viết kịch bản phim lịch sử do Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, được nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng về tập truyện Hồi sinh, và nhiều giải thưởng văn học của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ý chí và nghị lực của ông thật đáng khâm phục. Nhiều bạn đọc yêu mến ông hy vọng cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 2013 này sẽ chưa phải là cuốn cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông như ông đã từng thổ lộ.

BÙI CÔNG DỤNG

 

;
.
.
.
.
.