.
TRUYỆN NGẮN

Dắt tay lên bờ

.

Chị Thìn xấp xỉ bốn mươi. Chị có thâm niên hơn mười năm làm cộng tác viên ngành Dân số. Nói chị đẹp thì cũng quá, mà nói chị xấu thì nghe hẹp bụng. Chị được mái tóc dài và cách nói chuyện lúc nào cũng nghe suông cứ như chị đã học thuộc lòng những lời nói đó từ khi nào.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vậy mà, nhiều khi nghĩ lại Thìn thấy mình thật vô duyên. Vợ chồng người ta ăn ở với nhau đang yên vui thì chị lại chen vào. Rồi chị còn nhắc người này nên đi đặt vòng, người kia hãy triệt sản. Đúng là hết chỗ nói. Có mấy người đàn ông nói lén sau lưng Thìn, lúc nào chị cũng kêu người ta “dừng” bởi vì chị chưa có chồng. Thử cho chị có chồng một lần coi thì chị có còn mạnh miệng nói “dừng” hay không thì biết.

Đúng là khó thiệt. Không có miệt đất nào như miệt Choi Choi này. Đã tỉnh lẻ lại còn vùng sâu. Đã vùng sâu lại còn lầy lội. Lâu nay chị không nhớ đã xách dép bao nhiêu lần đi qua cầu khỉ, bấy nhiêu lần xắn quần nhảy qua mương. Dấu chân của chị, nói không phải khoe, hầu như đã in khắp cái miệt này. Vậy đó, trong mắt của chị Thìn thì đàn ông ở đây hay có thói quen… đem đồ ăn cơm ở nhà qua hàng xóm nhậu.

Thế nhưng, có một người khiến cho Thìn phải chú ý. Hôm ấy chị đi công việc về, giữa đường bắt gặp người đàn ông đánh vật với chiếc máy xới bị sụp phải vũng lầy thật khó kéo lên.

- Ơ kìa! Sao anh không nhờ người nào đó tới giúp một tay?

- Nhờ vả gì chị ơi! Ông chủ mà biết tui làm không cẩn thận là ổng đuổi việc sớm.

- Đuổi việc? Ông chủ nào mà ác vậy trời?

- Chị còn hỏi nữa, nếu không phải là ông Tư Ú thì còn ai vô đây.

- Tôi biết rồi, thấy anh hơi lạ, chắc là từ nơi khác tới?

- Phải, phận làm thuê mà, tui đang thí mạng cùi cho ông chủ của tui.

Câu nói đó chẳng hiểu sao lại khiến chị Thìn thấy mủi lòng, nhất là khi nghe hai từ “thí mạng”. Sống giữa thời này có mấy ai lại dám chấp nhận cuộc sống của mình như vậy? Chắc có uẩn khúc gì đây! Chị chậm rãi dò hỏi thêm, người đàn ông ấy chẳng giấu chị điều gì. Ông có cái tên Ba Khỏe mà chẳng bao giờ thấy mình được khỏe. Hình như đó cũng là do nghiệp phận đeo mang. Làm với Tư Ú thì người như ông có thể làm bất cứ việc gì, từ vác lúa bao ở nhà máy cho đến đi máy xới, máy xuốt… Ông từng có vợ con. Nhưng giờ thì họ ở xa lắm, không biết ở đâu nữa mà lần.

Câu chuyện bỏ dở, nụ cười khép nửa, cuộc đời sấp ngửa cứ đi theo cái dáng lầm lũi của những bóng đời sắp trì miết lên nhau, khều nhau tiếng yêu thương sắp rời rụng. Mà không biết chừng có thể chỉ là giấc mơ thảng trôi…

Chị Thìn nhiều khi soi lại bóng mình mà chợt giật mình. Thời gian cứ tuột trôi, chẳng vị tha ai hết. Sau một đêm khó ngủ thì sáng dậy đã thấy khóe mắt mình hằn sâu dấu chân chim rồi. Sau một đêm người đàn ông tên Ba Khỏe đã mua được mảnh đất cất cái nhà nhỏ. Sau một đêm miệt đất Choi Choi mọc lên cái Chợ Mới. Sau một đêm người quê bỗng hóa thành kẻ nửa chợ nửa quê. Bao dự án mọc lên ngổn ngang trên đất này.

Khu tái định cư được xây cất bên dòng kênh. Mới đầu thấy có chút hay hay nhưng nhìn kỹ lại thấy có vẻ buồn vì bao quanh là ruộng lúa. Chị Thìn và ông Ba Khỏe là hai trong số những người dời đến ở đó. Không biết cảm nhận của mọi người ra sao chứ riêng ông Ba Khỏe thì rất vui. Bởi phần đền bù giải tỏa nền đất nhà ông đã có lời so với thời điểm hiện tại, vì trước đây ông mua giá rẻ. Tiền mua đất cũng do chắt mót có từ hồi trước khi về cái miệt đất này, thuận dịp ông mua đất và có ý định cư lâu dài luôn. Không chỉ vậy, ông giờ đã thoát cảnh làm công cho ông Tư Ú. Ba Khỏe làm vệ sinh ở khu chợ Mới – như ông nói – thà vậy mà thấy rảnh rang hơn xưa nhiều, không nhọc đầu óc.

Nhưng chị Thìn thấy lạ một điều. Lúc dọn nhà, không hiểu sao người nào cũng nhanh chân chọn ở hai khoảng đầu, còn chừa đúng hai căn giữa cho ông Ba Khỏe và chị. Ông Ba Khỏe nói, lo gì, ở khoảng giữa dãy nhà thì càng có cảm giác ấm cúng. Mặc dù tối phải nghe tiếng mẹ chửi con vì mê chơi quên giờ cơm; phải hứng nghe con nít cãi nhau giành rà đài xem vô tuyến; phải chịu tiếng lè nhè của mấy tay say rượu, có khi nghe cả tiếng giằng mâm xán chén… những điều đó kể ra nó cũng như những nét đặc trưng của người quê vậy, nếu không, người ta chẳng bao giờ biết mình đang có một gia đình.

Ít ngày sau đó cả dãy nhà bỗng dưng có chuyện để xì xầm. Người ta nói chị Thìn không biết ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà bênh vực cho ông Ba Khỏe ra mặt. Chị đi gõ cửa từng nhà. Vẫn là chuyện chị khuyên người ta “dừng”, nhưng không phải dừng sinh con, mà là dừng những việc làm, như chị nói, là rất thiếu văn hóa. Cái tội của chị Hai bán rau xanh bên chợ là ngày nào cũng xả rác bừa bãi buộc ông Ba Khỏe phải quét hốt. Cái tội của chị Tư là rất hay phơi quần áo cạnh đường đi, nó bay vào xe rác của ông Ba Khỏe đã mấy lần, đã vậy nó còn bay trùm đầu những người làm ruộng gần đó, lại mất vẻ mỹ quan nữa chứ. Cũng tại gió mà! Còn cái tội của chị Năm bán hột vịt lộn là mỗi lần con khóc chị cứ réo tên “ông Khỏe đổ rác tới” để mà hù dọa. Thấy vậy, những người bên cạnh cũng bắt chước theo. Hễ “ông Khỏe đổ rác” đi tới đâu là tụi con nít mặt xanh đít nhái tới đó, không dám tới gần.

Rồi một ngày, ông Ba Khỏe kéo chiếc xe chở rác về. Người ta thấy ở phía sau có ba đứa nhóc hè nhau đẩy. Về đến giữa sân, ông liền kéo ra từng đứa giới thiệu:

- Đây là thằng Sung!

- Đây là con Sướng!

- Còn đây là thằng Quá! Cả ba đứa đều là con của Ba Khỏe này!

Nói xong ông cười hề hề. Mọi người thấy lạ xúm lại xem. Có người thắc mắc sao con của ông mà không có nét nào giống ông hết trơn vậy? Những người khác lại chen vô chỉ trỏ, xì xào:

- Sao tụi nó ốm nhom ốm nhách vậy?

- Tui thấy tụi nó quá bầy hầy.

- Đen thui xấu hoắc.

- Ủa, vậy mẹ mấy đứa nhóc đâu cà?

- …

Khi đó chị Thìn đứng lặng một góc. Chị như đang tìm thấy ở cả ba đứa có nét gì đó rất riêng. Đó là cái dáng đi liêu xiêu, nhưng chúng rất nhanh nhẹn. Chị chẳng lấy làm lạ khi chúng ùa xuống kênh lặn hụp như những con rái cá.

Cả ba đứa mang rổ đi xúc hến ngay trong chiều hôm đó. Ông Ba Khỏe biểu phải xúc được nửa thau lớn thì ba đứa mới được lên bờ. Chị Thìn nghe được, xáp lại gần:

- Anh cam lòng để mấy đứa nhỏ sống vậy sao?

- Chị quan tâm đến con tui thì tui cảm ơn. Nhưng không cho tụi nó mần tiếp lấy gì sống hả?

- Nhưng tuổi của tụi nó đang là tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi.

- Tui cũng biết vậy, nhưng thực tế tui không đủ khả năng.

- Anh lo gì, chuyện đó để tôi giúp.

Ông Ba Khỏe không tin được, chị Thìn lại giúp ông một cách rất nhiệt tình. Không biết chị đi “vận động quyên góp” ở đâu, từ lúc nào mà đến ngày khai trường cả 3 đứa Sung, Sướng, Quá đều có cặp xách, sách, vở và ít áo quần thẳng thớm để đến lớp. Ngay cả cái khoản học phí của ba đứa cũng được chị Thìn lo xuôi chèo mát mái.

Có một bận, qua gặp chị Thìn, ông Ba Khỏe thủ thỉ:

- Tui thấy ba đứa học tốn kém quá. Hay là chỉ cho đứa lớn học thôi, về nhà nó dạy lại hai đứa nhỏ!

- Trời đất! Anh nói gì kỳ vậy? Anh cứ hỏi thử xem đứa nào không thích học mà chỉ thích mò hến? Khổ lắm! Vả lại cái xứ mình hến còn mãi sao để cho tụi nhóc nó mò. Mà mỗi ngày anh có theo dõi chuyện học hành của mấy đứa nó không?

Ông Ba Khỏe quay mặt đi: “Không. Tui dốt đặc mà!”.

Nghe vậy, chị Thìn chỉ còn biết thở dài. Đã đến nước này nếu chị không kèm cặp ba đứa nhỏ học thì chờ ai vô đây? Vậy là, tối tối cả ba đứa ôm tập sách qua nhà chị Thìn. Chúng cùng gọi chị là “cô gia sư”. Và có khi, học bài xong rồi nhỏ Sướng chẳng thèm về nhà mà ở lại bên này, ngủ với chị.

Có đêm, nhỏ Sướng ngủ mớ, miệng nó cứ luôn gọi “mẹ, mẹ ơi…”. Nó quơ tay chạm phải người chị liền rúc vào lòng chị, rồi nằm im thở đều. Nghĩ thấy cũng hay, chị với ba đứa nhỏ dù không phải ruột thịt nhưng gần gũi nhiều ngày cũng thấy mến tay mến chân lắm chứ. Thực tế chị chẳng thể biết mẹ của chúng là ai. Mà dù có là ai đi nữa cũng thật khó chấp nhận việc người mẹ bỏ rơi những đứa con như vậy. Chị thấy tội cho bọn nhóc, và tội cho cả ông Ba Khỏe nữa. Mấy ngày gần đây chị Thìn cứ luôn ngẫm ngợi, chỉ cần người ta ừ một tiếng thì chị sẵn sàng làm người chăm sóc gia đình cho cảnh gà trống nuôi con kia.

Có được mái nhà rồi… đã rước con cái về ở rồi… ông Ba Khỏe như chẳng còn mong mỏi gì thêm. Chỉ có điều, người vợ của ông vẫn chưa chịu lên bờ. Bà cứ ở miết dưới ghe đi buôn mắm muối.

Người ta nói, có an cư mới lạc nghiệp. Nhưng với bà ấy thì thấy thật khó để thay đổi thói quen. Ngày trước bà chào đời ở trên ghe, và khi bà lấy chồng, lễ cưới cũng được tổ chức ở trên ghe. Những người bạn thương hồ gom lại thả neo, cắm sào bên cạnh ngã ba sông. Họ hớn hở nâng ly chúc mừng cho đôi trẻ. Khi ấy cô dâu không trang điểm. Chú rể nắm tay cô dâu bước qua chiếc ghe mới được xem như “nhà chồng”. Đó là ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời bà, mà đến tận bây giờ bà vẫn không sao hiểu được ngày đó bà lại vui vẻ chấp nhận.

Rồi chiều nay, bà lại được ông Ba Khỏe nắm tay bước lên bờ, nói đúng hơn là bước vào mái nhà ở khu tái định cư. Ra đón bà chỉ có ba đứa con, mà không, có thêm chị Thìn nữa. Lần này chị Thìn lại thấy nghẹn lòng, bởi, người mẹ của ba đứa trẻ hoàn toàn khác với những gì chị đã mường tượng lâu nay. Dáng vẻ của bà nhỏ, gầy, da sạm nắng với những bước liêu xiêu. Vậy mà, trước giờ bà chèo chống một mình nuôi ba đứa con khi ông Ba Khỏe quyết rời ghe lên bờ tìm đường khác sinh sống.

Đúng là lá rụng về cội, chị Thìn nghĩ, gia đình ông Ba Khỏe giờ đã rộn rã tiếng cười đùa. Ông như đã an phận với công việc dọn vệ sinh, còn bà thì có vẻ rất hài lòng khi được ngồi buôn bán ở một cái sạp cố định bên khu chợ Mới… Ý định muốn được làm người chăm sóc gia đình của chị đã đến lúc nên “dừng”, với ông Ba Khỏe chị thấy mình chỉ nên làm người hàng xóm tốt bụng, mặc cho nhỏ Sướng có khi chợt thốt lên xoáy vào bóng tối muỗi ran:

- Cha mẹ thiệt là kỳ, tối nào cũng không ai chịu dạy con làm toán đố!

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.