.
TRUYỆN NGẮN

Đêm hư hao

.

Con đường quê phủ một lớp cát dày. Trời không mưa, gió cứ rít rắt hơi lạnh. Đâu đó vọng tiếng rống ngái xa của những chú bò khát cỏ đang vung cái đuôi già mỏi mệt quất vào thân.

Xóm bắt đầu một đêm ngủ vùi. Gió rất hiếm. Những vì sao mờ mịt. Trên một khúc quanh ngõ xóm, Xa thử làm người mù, nhưng không dám bước quá dăm bước. Xa rẽ vào con đường mà bà con không thể gánh lúa qua đó, nó quá hẹp. Ý định của Xa sẽ tạt qua thăm cố Đơn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhà cố trùi trũi giữa khu vườn rộng, lởm chởm gốc cây mục và đá. Bốn mùa gió vây. So với giai đoạn Xa còn học cấp I, mấy anh em chỉ có chiếc áo len thô mẹ đan thay nhau mặc tới trường, bây giờ ít sợ lạnh hơn. Nhưng đối với một ngôi nhà mái dột gió lùa lại là vấn đề khác hẳn. Chẳng biết cố Đơn đi đâu? Xa thầm hỏi khi thấy cửa rèm được buộc bằng lạt tre rất chặt.

Hơn tuần nay Xa lên phố không tới nấu ăn cho cố... Xa nhẹ nhàng dùng tay ẩy tấm rèm, bung liền những lạt tre mỏng mảnh ải mục. Xa bước vào túp lều với một cảm giác rờn rợn. Quờ quạng. Xa lần tới giường nhờ vấp phải cái cột tre. Chẳng thấy gì. Chiếc chiếu rách cuộn chăn bên trong ở đầu giường đủ biết cố Đơn đã đi đâu mấy ngày trước.

Có khi nào cố chết rồi? Xa muốn chạy tới một ai để hỏi… Từ lúc bị mù, cố Đơn chỉ thu lu trong nhà, họa hoằn mới ra chợ. Lắm người cứ ngỡ cái mụ ngơ ngáo ấy ăn xin. Không phải. Lúc còn tỏ mắt, mặc cho mình có ít vốn, cố vẫn đi kiếm cái ăn. Số tiền ấy cố gửi ở ủy ban để lo hậu sự… Xa chỉ sợ cố Đơn liều mình nhen lửa, lửa lan cháy giường… Nhớ lần cố ngồi nhỏm nhẻm ăn mà không hay: con chó nhà ai đang chúi mõm vào trong nồi cơm của mình! Con chó thấy người đến, vụt chạy ra ngoài. Lập tức cố Đơn lên tiếng rõ to:

- Ai đó?

Không hiểu nữa, Xa cứ đứng im! Sững sờ. Bủn rủn! Cố Đơn cầm gậy khua khoắng, miệng không ngớt hui xì... Toan quay đi, thấy con chó đã mon men trở lại, Xa cúi nhặt hòn đá ném trúng “bốp” vào hông, nó… “ăng ăng” liên hồi.

“Ai đó?” Xa đi liền. “Ai đó?!” Xa cứ bước. Cúi cổ. Thoăn thoắt trong đêm một bóng.

Vẫn túp lều ọp ẹp. Nghe đâu xã đang tính chuyện làm cho cố Đơn căn nhà chỉ bằng cái chuồng gà ngày trước bố Xa gom gạch nửa và tự xây.

Nói xã nhưng thực chất chỉ một người giúp đỡ cố mà thôi. Hàng xóm bảo, ông V. xây nhà cho cố Đơn là để cầu phước cho con...

… Xa ngập mình trong hương trập trội, ngai ngái tình quê. Thu muộn, những bông hoa trập trội nay đã chuyển màu thẫm. Màu đà tức sắp khô héo, tàn lụy. Bông trập trội Xa nhét vào ba lô An ngày đó. Xa muốn tung mình khỏi mặt đất theo An cùng trời… Xa lại nhớ An. Ngày An lên đường làm nghĩa vụ, ra hải đảo hay chắn mình ở địa đầu biên giới, Xa không được biết. Cứ khắc khoải buồn khắc khoải âu lo… Mặn mòi sao niềm đau ngày ấy, ngày mà người lính của xóm đi mãi... Xa nhớ An. Vô cùng! An - một thanh niên từng buôn rau, buôn dầu, bán cà-rem. Có hôm Xa theo An cùng xuống làng biển bán quả su su. Xa chỉ cần ngồi một chỗ, còn An phải đẩy xe kem bán khắp gò cá chang chang nắng. Con đường nào cũng phủ dày cát nóng, đôi dép An mềm nhũn. Rồi An đi bộ đội... Một năm, hai năm. Hoàn thành nghĩa vụ. Rồi… mất tích! Bặt tăm cho tới hôm nay, nghĩa là ngót nghét chục năm không một lời nhắn. Người xã khác làm ăn xa về đồn: An bị xã hội đen giết mất thây rồi. Lũ trẻ truyền nhau: chú An chết không sủi tăm!
Thâm tâm gia đình An cũng thừa nhận. Nhưng không thấy xác con, ông V. chẳng dám thắp nén nhang gọi hồn; bà V. cũng không dám khóc...

Bầu trời tung ra luồng gió lành lạnh. Xa siết hai cổ áo lại, đặt bàn tay phía dưới cổ như trấn tĩnh sau một cảnh tượng rùng rợn. Lá cây xao động. Có đôi mắt nào từ trong những lùm cây quanh túp lều cố Đơn đang lấm lét nhìn Xa, soi mói tận đáy lòng Xa... Ánh trăng cuối thu sắc lạnh xuyên vào từ lỗ thủng mái tranh... Duy chỉ còn nơi đặt giường vẫn tối om.

Xa tới gần quờ tay để ngồi xuống kiếm chút thanh thản. Bất chợt, Xa sờ phải một tấm ván dày nhẵn thín. “Ối!...” - thân Xa run lên sợ hãi. Thật kinh khủng! Quan tài được đặt theo chiều ngang đầu chiếc giường - thứ tài sản duy nhất có giá trị của cố Đơn. Thứ mà chẳng ai muốn đánh cắp... Tấm rèm cửa tự động sập xuống. Xa giật thót.

Rơm đã phủ trên đường về nhà.

- Bác! - An cất tiếng chào.

- A, chào người ở xa mới về.

- Dạ, hai bác đi gặt...

- Ờ, về mà phụ giúp gia đình cho vui xóm vui làng.

Đứa trẻ nít còn nhìn theo An.

“Anh An đen hơn mẹ nhỉ?”

- Ừ.

- Xóm mình có đến hai anh An mẹ nhỉ?

- Đi nào!

Tiếng máy tuốt phình phịch, tiếng chó sủa lam nham, tiếng bò rống... An đứng trước nhà mà như lạc vào xứ lạ.

- An. Sao đứng như trời trồng vậy?

- Mẹ! - An nhận ra giọng nói của mẹ đã yếu đi - Con cứ tưởng nhà mình gặt xong rồi chứ.

- Xong chi được con. Có mà ba đầu sáu tay. May con Xa nó tới giúp đó. Nó với nhà mình, thiệt...

An gần như đánh lảng:

- Năm nay lúa chín muộn mẹ nhỉ?

- Ơn trời đó con! Mưa gió thế mà lúa vẫn không thiệt hại mấy, cái giống này cứng thật.

- Là giống gì mẹ?

- Khang Dân chứ còn giống gì con. Loài này chịu hạn tốt, cây bậm...

An hơi thẹn. Lời mẹ có ý trách móc. Trước đây An vẫn ra ruộng tập cày, để biết chứ thực tế không giúp mấy cho gia đình. Cha dặn phải cầm lỏng tay cày, nếu nhấn mạnh lưỡi cày sẽ ăn sâu xuống đất, vừa hao sức trâu vừa tốn công người, khi bừa lại khó.

An bước ra sau nhà. Cây chanh leo ông hàng xóm cho từ đầu năm, nay tán phủ troàm giếng; giếng lại sâu nên trời nắng gắt nước vẫn lạnh toát.

An vục nước dội ba gàu liền.

Chị gái An chẻ lạt từ nãy ngoài vườn An không hay.

- Ơ... ơ... chị!

- Chị nghe tiếng em trước sân rồi. Cứ tắm rồi ăn cơm. Nhà mình vậy cũng coi như gặt xong. Công người ta giúp nhiều lắm đó nghe. Em coi mà trả...

- Chị ơi... Là bạn thân của Xa lẽ ra chị phải hiểu chứ. Chị mà không xuất giá thì dâu nào dám về nhà này.

- Chị khác, xấu người xấu nết chẳng ma nào nó theo. Còn cái Xa không chừng... ma nó cũng ưa.

Chị An tới giếng rửa tay. Hai chị em vào đã thấy cơm dọn.

- Năm nay rào khô rốc phải không cha?

Cha An chưa kịp trả lời, mẹ đã:

- Trời cho đó con. Mùa này tha hồ toóc rơm mà lợp nhà này chuồng nọ. Chứ năm ngoái, có bao nhiêu đều bị nước rào cuốn sạch.

Chị gái An thỏ thẻ:

- Mẹ thì cứ hay lo. Bây giờ làng họ lợp ngói cả.

Mẹ chỉ mặt An:

- Mày ấy, không chần chừ được nữa đâu. Chị mày thương mẹ đồng ruộng che mày che mặt nên mới chưa chịu lấy chồng. Đêm qua cái Xa đến đó. Mày lạ thật, trời cho nó cái nết na… tội nghiệp. Trưa mô túi mô cũng tới nấu ăn cho cố Đơn cả. Cố bảo nếu không sờ được mặt thằng nào trong xóm này là chồng con Xa thì chết không nhắm mắt.

Cơm xong. Chị An rửa bát. Mẹ bỏ xuống gian bếp sàng gạo.

An bước tới ngồi bên, tay vốc nắm gạo rồi từ từ cho lọt qua từng kẽ ngón.

- Mẹ ạ, Xa đã có người rồi...

Giọng mẹ An lẫn trong tiếng sàng gạo:

- Con Xa nó có người rồi, trong xóm này ai không biết. Nhưng trong xóm này ai cũng biết thằng An đã...

Ánh trăng cuối thu lấp ló sau lùm cây lắm tiếng chim bìm bịp của làng.

An rảo bước sang nhà Xa. Cửa đóng, không ánh điện. Mẹ Xa đã ngủ. Nhưng Xa ở đâu? An dạo quanh xóm vẫn không thấy. Ra đường cái. Cánh đồng phẵng một màu vàng nhợt, gió thi thoảng lùa vào dịu mát. An ra đồng. An biết Xa không có trên đồng, và đồng chẳng có bóng người. Trăng thu. Lành lạnh. Âm âm. An bước những bước chậm dần, nhưng vẫn miên man, vô định giữa đêm, giữa những lối mòn trên cánh đồng và giữa niềm mỏi mong được gặp...

Ngày còn ở nhà, An tới Xa luôn. Mặt An sáng sủa, tóc bật ngược ra sau rất trí thức. An chỉ có nhược điểm là bàn chân quá khổ. Dạo thịnh hành đôi dép cao su Bác Hồ, An phóng cái xe máy cúp cánh lên thị trấn tìm chẳng có đôi nào vừa. Cuối cùng An đặt, tiền tăng gấp hai... An từng đi bò kéo, chở gỗ từ bến về các xã lân cận. Thời gian rảnh An giúp khối việc cho dân trong xóm.

Xa chẳng thuận lòng với cung cách làm ăn của xã nhưng dẫu sao ông V. vẫn đáng kính lắm. Chỉ tính chuyện ông xây nhà cho cố Đơn cũng tốt rồi. Mừng cho cố. Nếu không với căn nhà mục nát, mùa mưa tới chẳng biết cố ngụ ở đâu. Còn việc ông V. muốn kiếm chút phúc đức cho đứa con trai của ông...

Mỗi bận đứng trong ngôi nhà cố Đơn, Xa nhớ An nhiều. An nhập ngũ được hơn năm thì cố Đơn bị mù. Xa thương cố Đơn bao nhiêu lại nhớ An chừng ấy. Cố Đơn đâu biết, nhờ An... mà ông V. bỏ tiền xây ngôi nhà cho cố. Xa thầm cảm ơn An. Hay Xa thầm cảm ơn linh hồn... Từng mẩu tin vụn vặt thường dẫn Xa bước giữa lằn ranh hư - thực. Cái ngày An nhận tin ông V. lâm bệnh hiểm nghèo… An bám mình trên chiếc xe hàng… cuộc rượt đuổi… cú bay mình xuống vực... Giả dụ có như thế thật, giả dụ An đã chết thật... Mà tại sao… Xa? Xa. Cùng những người khác không có quyền hi vọng...

Xóm làng đã tắt điện ngủ gần hết. Chó cuộn mình trong những ổ rơm, có tiếng động cũng nhác nhớn sủa, chỉ “gâu gâu” vài tiếng chiếu lệ, rồi cũng ngủ. Xa lọ mọ ngược bước trong đêm tối. Như thường lệ, Xa bước trên con đường tạt qua nhà cố Đơn. Vẫn quang cảnh hoang dại, lập lòe tranh tối tranh sáng. Cái nhà của cố Đơn thực quá nhỏ. Chẳng biết ai xui khiến mà Xa lại muốn tới thăm ngôi nhà của gia đình An.

Căn nhà cũ rộng rinh rang của ông V. hoang hóa từ lâu. Ông có một ngôi nhà khác nhỏ hơn gần cửa hàng hợp tác xã. Căn nhà này chỉ để cho hai đứa con gái ông kéo bạn bè về học nhóm. Xa từng nấu ăn, sưởi bếp trong đó. Nay thì căn nhà này, phải chăng ông V. muốn làm nơi thờ cúng... Xa nhớ gần giếng nước có một cây đào, năm nào cũng nở hoa đúng hẹn.

Xa đứng trước sân nhà tự bao giờ không hay, cứ như ma đưa vậy. Bóng đen trùm lên cây đào to lớn. Ở đấy, bóng dáng An thường trèo lên hái đào phân phát cho lũ trẻ xóm còn rõ mồn một. Xa tuy đã lớn nhưng cũng là một trong số đó. Có lần, An chà trái đào to vào vạt áo cho hết lông măng đưa Xa. Xa cắn, vị ngọt ngào lẫn chan chát tràn lên môi mấp máy... Mùa xuân năm đó, An chọn nhành đào đẹp nhất mang tới nhà Xa. Mấy ngày sau thì người quanh xóm ùa nhau tới xin. Cây đào chỉ còn gốc trơ trọi.

Xa lại thử mường tượng khuôn mặt An lần nữa. Khuôn mặt sáng quắc chưa bám bụi trần ấy na ná tranh vẽ, nằm đâu đó nhưng nhức trong não Xa... Xa kéo cánh cửa gỗ, nghe ọt ẹt, bước vào. Nếu Xa là người mù thì chỉ có ma mới tin. Chưa bao giờ Xa biết tới cái bàn thờ trong căn nhà này song chỉ một chốc Xa đã lần ra nó. Đơn giản là tấm ván nhỏ vuông vắn được treo ở góc nhà. Miệng Xa tự dưng bị kéo dệch sang một bên. Xa sờ soạng tìm nhang. Lặng một chốc. Một chốc. Như hoài niệm. Như tưởng niệm. Có tiếng mọt đâu đó. Tiếng mọt rưng rức. Bật khóc. Xa chạy trốn cơn đau... chạm phải An bằng xương bằng thịt đang vô hồn đứng đó, chờ ai tan loãng vào mình.

NHỤY NGUYÊN

;
.
.
.
.
.