.
TRUYỆN NGẮN

Mẹ, con và cô giáo

.

Nét mặt nghiêm nghị và thoáng buồn, cô giáo Thuận, chủ nhiệm lớp 12H rót ly nước trà đẩy về phía người đàn bà:

- Hôm nay, tôi mời bà đến đây để thông báo cho bà biết, em Tám, con bà đã khiêu khích đánh nhau làm cho bạn mình bị thương, phải chở đi viện rồi. Đây là bản kiểm điểm của con bà. Bà đọc đi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người đàn bà run rẩy, vừa nâng ly nước uống, vừa lập bập nói:

- Thưa cô, tôi không biết đọc... Cô nói vậy là tôi biết rồi. Không ngờ thằng Tám con tôi hư dữ, ở nhà nó vẫn ngoan mà. Con dại, cái mang. Lỗi con tôi gây ra, cho tôi chịu.

- Em Tám đánh nhau, mất điểm thi đua tuần này của lớp, cái này ai chịu?…

Giọng cô giáo đầy bức xúc, cảm thấy ghét đứa học trò làm mất hết bao công sức thi đua của lớp…

Người đàn bà ra khỏi cổng trường, lê bước chân nặng nề trên đường đầy nắng. Trời nóng, sao bà cảm thấy lạnh. Nhìn cô giáo Thuận, bà bỗng nhớ đứa con gái mà mình đã đánh mất hơn hai mươi năm trước.

Hồi đó, sau khi chồng chết vì mắc bệnh ung thư, hai mẹ con bà bỏ quê lên thành phố làm nghề lượm ve chai, mưu sinh qua ngày. Bé Tèo ngày ấy xinh xắn và hồn nhiên, nó chẳng biết cực khổ là gì. Bao nhiêu tiền kiếm được trong ngày bà gói ghém cẩn thận cùng tấm hình của hai mẹ con, bà giao cho bé Tèo, dùng kim găm chặt vào áo. Một buổi sáng, trời nắng gắt, sợ bé Tèo cảm nắng, bà để bé ngồi nghỉ dưới gốc cây bên đường. Bà ráng đi một đoạn xa để lượm ve chai, kiếm thêm tiền để hai mẹ con có một bữa phở bồi dưỡng, bà nghĩ, nhìn con ăn ngon là mừng. Thu được nhiều ve chai, hí hửng về chỗ bé Tèo… thì… trời ơi, con bé đi đâu mất. Bà tìm kiếm mãi đến chiều không thấy… Linh tính mách bảo rằng bà đã để mất bé Tèo đáng yêu của mình…

Quá đau buồn, bà về quê, sống cô quạnh trong ngôi nhà tranh tuềnh toàng. Hằng ngày bà ra đồng ruộng xem ai thuê mướn việc đồng áng để kiếm sống qua ngày. Cuộc sống của bà đều đặn và buồn bã kéo dài được hơn năm năm. Cám cảnh và thương xót người phụ nữ nghèo khổ, ông Bảy Chà, một nông dân đã lớn tuổi chưa vợ, cậy người mai mối xin cưới bà. Cảnh xa con, mất chồng, đành lòng bà ưng thuận. Thế là thằng Tám ra đời ngay năm sau đó, làm vơi đi nỗi buồn đeo đẳng theo bà…

Nhắc đến thằng Tám, bà đã thấy nó đợi mình ở bến xe đầu đường, rơm rơm nước mắt. Nó biết, con trai khóc là hèn, vội vàng an ủi mẹ mình:

- Con biết lỗi, mẹ đừng buồn nữa. Con xấu hổ với mẹ quá.

Bà gượng cười:

- Mày hứa rồi nghen, mày phải hứa để tao khỏi buồn à, cứ hứa kiểu mày là chỉ hứa một nửa thôi, nên tao còn lo một nửa còn lại. Còn gây gổ đánh nhau nữa mà. Tự xấu hổ với chính mình, hơn là xấu hổ với mẹ, nghe con.

Thằng Tám vuốt mặt, nói:

- Con hối hận với lỗi lầm của con. Cô có kỷ luật con không mẹ, con sợ cô… không cho con học… buồn lắm mẹ ạ.

Bà nhìn thẳng vào mắt con, dịu dàng trách:

- Tao còn buồn hơn nữa… có một thằng con mà dạy bảo không nổi. Ba mày suốt ngày ngoài đồng, tối về là rượu chè, chẳng ngó ngàng gì đến mày cả. Cho mày lên thành phố trọ học là hư đốn, không học cái khôn, chỉ học cái dại. Biết hối hận là bắt đầu biết tự sửa đổi mình để mau lớn nghe con.

Thằng Tám ngượng ngùng, phân bua với mẹ:

- Thằng Tâm cứ ăn hiếp con hoài à, con ít nói, nó cứ làm tới. Mẹ cho ít tiền ăn sáng… thế mà nó lại xin con để mua thuốc lá hút. Con không cho là nó đánh. Ức quá, con cầm cây đánh lại, nó bị thương, mọi lỗi lầm con chịu. Ức nhất, là nó lại được cô giáo bênh vực, cái gì nó nói ra là đúng, vì nó được cô phân công làm lớp trưởng.

Hai mẹ con lầm lũi bước chậm rãi về nhà. Căn nhà của vợ chồng bà đã được sửa chữa lại, mái lợp tôn, đàng hoàng và chắc chắn hơn, ở phía sau đình làng, vượt qua khỏi con đường mòn, rẽ qua cái chợ là tới nhà. Ông Bảy Chà vẫn ngân nga vài câu vọng cổ bên chén rượu. Chiều nào cũng vậy, sau bữa cày là ông làm “ít li”, chẳng quan tâm đến việc gia đình. Đến mùa vụ, hai vợ chồng thu hoạch mang về nhà phơi, cho vào bao để bán, chi tiêu trong nhà. Công việc đồng áng quanh năm, thế mà nhà vẫn nghèo khổ, vẫn còn chật vật với cái ăn, cái mặc, cái chi tiêu hằng ngày. Bà ngẫm nghĩ thế mà đã gần hai mươi năm rồi từ khi thằng Tám ra đời. Bây giờ bà đã già rồi, lâu lâu bà vẫn nghĩ đến bé Tèo, con gái bà thương nhớ nhất bây giờ ở đâu, không biết nó ra sao rồi.

Lần giở cuốn sổ chủ nhiệm, cô giáo Thuận tìm địa chỉ thằng Tám ở quê. Không biết sao nó nghỉ học đã hơn một tuần lễ đến nay vẫn chưa đi học. Cô lo cho nó, năm nay lớp 12 rồi, không chuyên cần là rớt tốt nghiệp. Từ khi xảy ra vụ việc đánh nhau giữa Tâm và Tám, cô buồn vì chưa quan tâm sâu sát đến lớp, học trò mất đoàn kết, đánh nhau. May mắn thằng Tâm chỉ bị vết bầm nhẹ ở mông, còn thằng Tám giờ này chưa đến lớp. Tiếp chuyện mẹ của Tám, cô liên tưởng đến mẹ mình, người đàn bà lam lũ rất thương con.

Cô đã mất mẹ khi còn bé. Một cặp vợ chồng trẻ tốt bụng xin cô về nuôi, đặt tên là Thuận, Trương Thị Thuận. Thuận được bố mẹ nuôi thương yêu chăm sóc, cưng chiều. Hai ông bà không con, coi Thuận như con, lo cho Thuận học hành. Bé Thuận học rất giỏi, bây giờ đã trở thành một cô giáo. Ngày cô nhận quyết định đi dạy học, cũng là ngày bố mẹ nuôi to tiếng cãi nhau rồi ra tòa ly dị. Bây giờ mỗi người có gia đình riêng. Còn cô phải thuê nhà trọ để ở. Cô thèm tình thương của mẹ…

Nghĩ về mẹ, chợt Thuận nhìn đồng hồ đã hơn ba giờ chiều rồi. Chiều nay giờ sinh hoạt chủ nhiệm, có nhiều việc cần bàn ở lớp, trong đó có chuyện làm báo tường. Gần đến kỳ hạn nộp báo rồi, mà lớp cô chưa có gì… Thằng Tâm vội vàng đổ hết mọi hậm hực:

- Thưa cô, bạn Tám là nhóm trưởng báo chí của lớp, giờ này chưa đến lớp. Cô cử bạn khác làm nhóm trưởng.

Cô bé Bí thư Đoàn lớp giơ tay xin phát biểu:

- Cô yên tâm, em đã bàn với bạn Tám rồi, lớp mình sẽ làm báo tường bằng tre. Bạn Tám còn khoe ở quê bạn có nhiều tre lắm, bạn sẽ vót tre đóng cho lớp một tờ báo.

Rồi cô bé quay xuống lớp, nói như ra lệnh:

- Bây giờ chúng mình nộp bài. Ban biên tập của báo gồm tôi, bạn Tám và cô Thuận, hạn chót nộp bài là tuần sau.

Cả lớp vang lên: Nhất trí! Nhất trí!

Kết quả thi đua của lớp trông chờ vào báo tường. Thế mà Tám nghỉ học đã gần mười ngày. Sốt ruột, cô đi tìm Tám. Sau gần một giờ đáp xe đò, một vùng quê nghèo dần xuất hiện. Con đường về nhà Tám, có vẻ thân quen, gió mát thổi vào, hòa quyện tiếng reo của hai hàng tre ven đường làng đầy hương vị quê hương. Một vùng quê bình yên. Con ngõ vào nhà Tám, sao lại gần gũi với cô…

Con ngõ mùa lúa chín tỏa nồng nàn hương hoa ở góc vườn. Nhà của Tám hiện ra, cửa mở toang, cô hồi hộp rón rén bước vào. Nhà không có người. Quanh nhà ngổn ngang những bó lúa vừa mới gặt xong chưa kịp phơi. Từng làn gió mát thổi nhẹ qua các cành cây tạo một cảm giác dễ chịu. Góc nhà, cạnh lối ra vào, một khung bằng tre xanh mới được đóng gọn ghẽ dựng sát vách. Cô tự nhủ, chắc đây là tờ báo tường bằng tre... Một niềm vui chợt dâng lên, cô dành cho Tám. Đảo mắt quanh nhà, cô dần nhận ra thời thơ ấu của mình, ở hiên nhà đầu kia là mái tranh mà hai mẹ con cô thường ra đây hóng gió mát mùa hè, mẹ thường kể cho cô nghe những câu chuyện cổ tích thú vị, đưa cô bay cùng gió, cùng mây, cái óc tưởng tượng thời thơ ấu ngày xưa còn đó qua các câu chuyện của mẹ.

Cô buộc miệng gọi: “Tám ơi! Tám ơi…”. Không một tiếng vọng trả lời. Liều mình cô bước nhẹ vào nhà. Bàn thờ cha cô trước mặt, một cảm xúc dâng trào trong cô. Di ảnh cha cô đã úa vàng, cũ kỹ. Cô gục xuống trước bàn thờ cha: “Cha ơi, bé Tèo của cha ngày xưa đây. Không ngờ con tìm thấy lại cha…”. Cô thắp lên bàn thờ cha một nén hương, thổn thức khóc. Nhìn sang bức tường giữa nhà, một tấm ảnh chụp mẹ và cô ngày còn bé, giống hệt bức ảnh mẹ đã trao cho cô ngày trước. Chợt cô thốt lên: “Mẹ, mẹ… mẹ của con là mẹ của Tám à?…”. Cô thổn thức gỡ bức ảnh xuống ôm vào lòng như muốn ôm trọn tình thương của mẹ mà cô đã để mất qua năm tháng dài. Nước mắt cô đã lăn dài trên đôi má ửng đỏ…

Hạnh phúc đã đến, nở thành nụ cười trong trái tim cô.

Hơn một tuần nay, Tám phải nghỉ học giúp bố mẹ. Nó tự nghĩ phải cố gắng học để bố mẹ khỏi cực, giúp nông dân quê nó đỡ nghèo. Cô Thuận thường giảng trên lớp những bài học giống cây trồng rất hay, nào là tạo giống mới bằng quy trình chuyển gien, nhờ thành tựu công nghệ gien mà ngày nay con người đã có những giống mới năng suất cao, dễ thích nghi… Nghe cô giảng bài mà nó ao ước sau này được học công nghệ sinh học, hoặc ít nhất là kỹ sư nông nghiệp để tìm ra những giống mới làm thay đổi cuộc sống và tương lai của nông dân, nông dân được làm chủ đồng ruộng. Nó mơ ước ngày nào đó, con người sẽ tạo ra hạt lúa to bằng hạt dưa, năng suất cây lúa ngày càng cao thì nạn đói trên thế giới bị đẩy lùi.

Ánh nắng chiều nhạt dần, những đứa trẻ chăn trâu cười vang nhảy xuống mương tát cá, mỗi đứa một xâu cá rô tung tăng hò reo. Trên đồng ruộng các nông dân hối hả bó chặt từng bó lúa tạo nên một bức tranh của miền quê đẹp vô cùng. Bố mẹ Tám ở lại thu dọn đồng ruộng, Tám vác một bó lúa thật to về nhà trước. Nó ưỡn ngực hít hơi thở của đồng ruộng, lắng nghe gió thổi mát lạnh buổi chiều.

Đến đầu ngõ, Tám cảm thấy luống cuống, trống ngực hồi hộp, linh cảm một điều gì đó thật lớn lao sắp đến với mình. Mẹ đã từng bảo Tám: Tự xấu hổ với chính mình, hơn là xấu hổ với người khác. Nó rất muốn sớm quay lại trường để xin lỗi cô, các bạn trong lớp, và Tâm. Bước chân vào nhà, nó sững người khi thấy cô giáo Thuận ngồi lặng người bên tấm ảnh của mẹ. Chưa hết ngạc nhiên thì cô giáo đã quay ra ôm chầm lấy nó, ràn rụa nước mắt:

- Em Tám của chị đây mà…

TRẦN ĐẠI KHÁNH NGỌC

;
.
.
.
.
.