.
Truyện ngắn

Hai mùa nắng khác

.

Đầu mùa hè năm đó, Chi gặp được Tuệ như một sự sắp đặt của duyên số. Cả hai dìu nhau đi trong những ngày hè nhuộm nắng nhưng họ không đi trọn những mùa hè sau này. Cũng trong một ngày đầu hạ sau đó một năm, họ chia tay nhau. Chẳng có lý do gì to tát.

Đơn giản chỉ vì không còn chuyện gì để chia sẻ cho nhau như ngày mới quen. Thành ra, ngôn lời đã cạn và tha thiết cũng chẳng còn. Họ dần đi về hai phía không nhau, không nghi thức chia tay, không nước mắt và những cái ôm tiễn biệt. Mọi chuyện bình thường như người ta bỏ quên một món đồ cũ trên gác xép, không đoái hoài. Mọi chuyện nhanh như một chiếc xe mất thắng đang đổ đèo.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lần cuối cùng Chi gặp Tuệ là đêm hóng gió ở cầu dây văng. Tuệ tặng cô con art-doll (*) bằng gỗ to hơn ngón tay cái một chút mà anh đeo làm móc chìa khóa xe máy. Có nó bên mình, anh thấy bớt sợ khi ở một mình trong bóng tối. Thói thường, Tuệ cảm thấy choáng váng, tim đập mạnh khi ở trong bóng tối. Vậy mà anh ngại đến rạp chiếu phim hay ở một mình trong phòng tối và bao giờ cũng chong một cái đèn mờ khi ngủ. Đèn sáng đến nỗi có thể đọc sách được.

Món quà là kỷ vật anh có được trong một chuyến du ngoại Đức cách đây khá lâu. Trong một khu chợ trời đông nghịt buổi tối, một cô bé tóc vàng đang ngồi thu lu trước một gian hàng bày biện đủ các món hàng lưu niệm cũ. Khuôn mặt lem luốc nhưng đôi mắt rất to và sáng. Tuệ chẳng tìm được món nào ưng ý nhưng anh chú ý con art-doll trông như xuất xứ từ Nga mà cô bé đang đeo trên cổ. Nó được luồn trong một dây đeo cổ mỏng và buộc lại sơ sài. Không hiểu sao Tuệ thích chúng ngay từ lúc nhìn thấy. Nó bằng gỗ, có vẻ khá nhẹ, được đẽo nguyên khối chứ không phải lắp ráp từ nhiều chi tiết. Tông màu trắng u buồn nhưng bóng như được dát lên một lớp men cao cấp. Đặc biệt, nụ cười được vẽ bằng những đường cọ sắc sảo, làm người xem rất thích thú.

Tuệ ngỏ lời mua nó nhưng cô bé cứ lắc đầu mà không nói lý do vì sao. Không chịu ra về tay không, anh hứa sẽ cho nó một số tiền kha khá để mua một bộ váy đẹp hay nấu một bữa ăn ngon cho bố mẹ. Thế rồi con bé mủi lòng, tháo nút thắt, đưa cho Tuệ với tất cả lòng trân trọng và nỗi luyến tiếc. Với anh, con búp bê gỗ làm anh ấm lòng trong những ngày lang bạt ở đất khách. Anh quý nó và coi như vật hộ mệnh bên mình. Mỗi khi nhìn nó, khuôn mặt của em bé hiện lên, mà lòng  nao nao lạ kỳ.

Đến giờ, cô vẫn giữ nó trang trọng trong một chiếc hộp vừa vặn và cất trong ngăn bàn có khóa. Thi thoảng, cô lôi nó ra xem.

Một mùa hè nữa lại bắt đầu bằng những tràng tiếng ve bưng bưng đầu óc. Tiết trời khô làm những giá phơi đầy áo quần trên gác lửng, sân thượng cong queo bất thường. Bầu trời nở rộng hơn, căng hơn, xanh hơn nhưng dễ vỡ sầm xuống trên những mái nhà lô xô của thành phố. Đâu đó quặn lên mùi oi bức của gió từ biên giới lẫn trong mùi cỏ khô ngai ngái. Hôm nay, nghỉ trưa tại trung tâm học liệu của thành phố sau giờ nghiên cứu, Chi chợt nghe tiếng ve ùa lên nức nở; sống động đến từng giây, từng phút. Tự nhiên cô nhớ Tuệ, câu nói của anh hơn một năm trước vọng về: “Ve cái không biết kêu, chỉ có ve đực khản giọng tìm suốt cả mùa hè nhiệt đới”. Không hiểu sao bây giờ cô muốn ai đó ôm mình một cái thật da diết. Bất kỳ ai, miễn là giống cái ôm của Tuệ từ phía sau. Vừa chặt, vừa ấm.

Một mùa hè không có Tuệ bên mình, Chi đề ra mục tiêu mỗi ngày quên anh đi một ít và cố gắng thực hiện cho bằng được. Chi tiếp tục quãng ngày bình thản của mình với một khoảng trống quen thuộc bầu bạn bên mình. Sáng làm thêm ở một cửa hàng điện thoại đòi hỏi nhiều về ngoại hình. Chiều học thêm Anh văn ở một trung tâm cách nhà hơn chục cây số. Tối lại tham gia lớp học bằng hai ngành ngân hàng. Thi thoảng, tổ chức chương trình giao lưu cho câu lạc bộ từ thiện của thành phố mà cô đang là thành viên ban quản trị, kiêm vị trí PR. Công việc tất bật làm cô chẳng còn thời gian mà đánh chút son mỗi sớm ra đường huống gì là tìm người yêu hoặc mở lòng với một ai đó.

Và Chi lại yêu…

Gã trai ấy bước vào cuộc đời Chi bình thản và tự nhiên lắm. Chính cô cũng thích như thế. Bởi vậy, cô trân trọng mọi điều mà một thế lực khách quan nào đó ban tặng cho mình.

Dự trông có nét gì đó hao hao giống Tuệ. Chính Chi cũng không ngờ được Dự lại khơi gợi trong cô nhiều kỷ niệm về Tuệ đến thế. Họ chẳng bao giờ cười hở răng. Mỗi lần nhoẻn môi cười, các cơ mặt xô lại tạo thành một vết lúm đồng tiền sâu hóm bên phải. Mái tóc rẽ bên cao ngạo mà sang trọng. Đôi chân dài như chân nhện, đôi lúc có cảm giác vướng víu và dư thừa. Họ thích sống một mình trong căn nhà do chính công sức của mình xây và tách khỏi cuộc sống có bố mẹ… Những sự trùng hợp ngẫu nhiên, đến mức phi lý.

Đôi lúc, ở cạnh Dự nhưng cô luôn có cảm giác mình đang nghĩ về Tuệ, trò chuyện với Tuệ. Điều đó dễ hiểu, vì nếp hằn của thói quen, suy nghĩ vẫn còn sót lại đâu đó trong cô lúc ấy.

Dự chở Chi bằng xe đạp ra công viên kéo dài ven giữa biển và quốc lộ. Vào buổi tối, nơi đây tập trung rất nhiều người dạo mát, đánh bóng chuyền, trượt ván, hẹn hò… Nhưng những bức tượng phồn thực đặt rải rác là chủ đề khiến họ quan tâm hơn cả. Những lúc hứng thú hay bắt gặp chủ đề yêu thích, anh nói nhiều và to mà không kiểm soát được. Dự nhìn bất cứ đâu cũng tưởng tượng ra những hình dáng, tư thế có chủ ý của  nghệ nhân. Có khi là một thiếu nữ đang nghiêng mình vuốt tóc, có khi là bầu ngực tròn trĩnh của người phụ nữ, một quả trứng của mẹ Âu Cơ bỏ sót lại… Mỗi tác phẩm đều không giống nhau kể cả màu đá, chất đá. Cái nào cũng rất đẹp, sờ vào lạnh toát cả tay, chỉ muốn giữ tay mãi ở vị trí đó hoặc ôm vào lòng để không cảm thấy mùa hè vơi đi một chút. Trong khi, Chi nhìn hướng nào, gần hay xa cũng chỉ thấy chúng là một khối đá vô tri, cứng nhắc.

Dự trước đây là một kiến trúc sư bằng giỏi. Lăn lộn trong nghề đã nhiều năm, bỗng nhiên anh thấy không còn mặn mà với thị trường đóng băng và kén chọn. Anh quyết định chuyển hướng làm concierge cho một resort ven biển nổi tiếng. Chỉ những resort năm sao trở lên mới có vị trí này. Concierge không hiểu theo nghĩa trong từ điển. Đó là từ chuyên ngành lễ tân khách sạn, mô tả công việc chủ yếu là bán tour, xếp xe cho khách đến và quản lý các hoạt động vui chơi trong và ngoài resort. Địa điểm làm việc không phải ở resort mà là ở khu “for sale” được resort thuê lại, nằm ở khu C của sân bay quốc tế miền Trung. Đặc tính của công việc là thời gian thất thường vì tùy vào lượng khách đáp xuống sân bay. Có những lúc tối mò anh mới về đến nhà.

Những lúc không có thức ăn của đồng nghiệp mua giúp, Chi đem cơm tối đến tận sân bay cho anh nếu lúc đó rơi vào giờ rảnh của cả hai. Chiếc ghế đá giữa khuôn viên sân bay rộng là chỗ hẹn quen thuộc. Nơi đó, khoảng bảy giờ tối cộng trừ mười phút, những chiếc đèn cao áp ánh sáng trắng rọi sáng như ban ngày. Giờ này, cô nghĩ anh đói lắm. Anh vội vàng mở cà-mên ba tầng chứa đầy cơm và thức ăn. Chúi đầu vào ăn đầy say mê và chợt nhớ ra điều gì đấy.

“Em ăn chung cho vui”.

“Anh ăn đi, em ăn rồi”.

Dù sự thật cô chưa có hột cơm nào trong bụng và cảm thấy đói, nhưng được nhìn anh ăn là đã vui lắm rồi. Cô lặng yên ngồi bên, nhìn anh như nhìn một đứa trẻ và cười nhẹ. Cảm giác làm được gì đó cho người mình yêu luôn khiến cô cảm thấy hạnh phúc tràn đầy.

Cô vẫn ngồi bên cạnh cho anh ăn. Hai chiếc cầu vượt dẫn lối lên tầng hai lượn cong ngọt xớt. Tiếng máy bay hạ cánh ù ù phía sau lưng. Những đợt khách đùm đèo va-li, túi xách kéo đi trên hành lang rộng thênh. Cảm giác như ai cũng rất vội vàng. Khi Dự ăn xong, đó cũng là lúc cô chào tạm biệt anh và quay lưng ra về.

Tháng ngày hạnh phúc vẫn tiếp tục trôi qua, khắc vào dòng chảy tuổi thanh xuân những ký ức buồn vui xen lẫn.

Một ngày tháng sáu, Chi tặng Dự con búp bê gỗ của Tuệ năm xưa với hy vọng anh sẽ thích nó nhiều như người chủ cũ. Cô nghĩ Dự hợp với nó, lúc nào cũng mở miệng cười, lúc nào cũng cứng rắn như chất gỗ mộc ấy. Dù rơi rớt biết bao lần nhưng không bao giờ vỡ và tổn thương. Những vết hằn vẫn còn khắp mình mẩy nó, lồi lõm nhưng đẹp lạ lùng. Và hẳn, con búp bê sẽ không xa lạ với người chủ mới có nhiều điểm quen thuộc như thế. Chi luôn mong con búp bê sẽ khiến anh vui và nhắc anh những kỷ niệm đẹp nếu một mai không còn bên nhau nữa và khi ấy cô sẽ không còn gặp bóng dáng đã cũ trong chính con art-doll bất động đó. Chia tay nó, không phải là không xót trong lòng.

Dự bất ngờ lắm khi nhận được món quà vì ít khi thấy cô tình cảm và chu đáo như thế. Anh không ý kiến gì về món quà đã cũ, chỉ nghĩ đó là một vật hết sức quý giá Chi dành tặng mình.

Ngày không còn kỷ vật Tuệ bên mình, trong Chi dậy lên cảm giác sợ những cuộc gặp gỡ, gặp để rồi chia tay, gặp để rồi trốn mất. Để rồi người ta lại gặp lại và bị ám ảnh bởi trong mới mẻ vẫn còn những điều thân thuộc, trong thân thuộc đã lẫn nhiều mất mát. Cô sợ một ngày Dự sẽ biến mất, sợ mình sẽ phải mất anh, như cái cách đã từng cố gắng sau khi chia tay Tuệ. Cô vẫn gặp Dự bình thường, trò chuyện với anh bình thường, yêu anh bình thường, chỉ con búp bê cười với một đôi mắt buồn miên man.

NGUYỄN QUỐC VIỆT


(*) art-doll: búp bê nghệ thuật.
 

;
.
.
.
.
.