Sáng tác
Tết nhà quê
Xa thức dậy lúc tiếng bò rống từng đợt quanh xóm. Mẹ mang đôi gà ra chợ bán từ sớm để mua quần áo cho em đón Tết.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Đánh răng rửa mặt xong, Xa thong thả vào soi mặt rồi tới lán mẫu giáo - nơi trước kia là kho hợp tác, đám thanh niên, con nít làng trên xóm dưới vẫn tụ tập về đánh đáo, đánh tôm cua bầu cá cùng nhiều trò bắt đầu từ hai bảy Tết. Con đường mòn thân thuộc, vắng người, vậy mà đã hai lần Xa gặp Thuấn, cũng lạ. Cứ như hắn núp trong bụi, thấy bóng Xa liền giả bộ vô tình từ đâu về.
Qua thư của Kiết, Xa quá hiểu con người này. Nhưng trong ký ức Xa vẫn giữ nhiều kỷ niệm đẹp. Học cấp hai, trong số lũ bạn thường cuốc bộ đến trường mỗi sớm, có Thuấn. Hồn nhiên chơi đùa. Nhiều hôm Xa vẫn đứng ngoài cổng gọi Thuấn, rồi có lần Xa ngồi sau xe đạp Thuấn chở xuống sân bóng ở xã khác làm khán giả cổ vũ cho lớp mình. Thuấn ham chơi, dốt dần rồi bỏ học…
Cái kho tối om, Xa e dè sợ sệt bước vào. Nghe nói lũ trẻ, nếu một mình sẽ không đứa nào dám vào. Cái bảng nhỏ làm bằng xi-măng lỗ chỗ vết xước, mái trệ, ngói vỡ nằm chỏng trơ, tường nứt, các đường xà mối mọt. Xa thử tưởng đến địa vị mình là cô giáo đứng giảng bài, liệu những viên ngói kia có rơi xuống - đầu vỡ ra.
Mọi người trong xóm đã lên đồng lo cấy cho xong những thửa ruộng còn lại để yên tâm đón xuân. Có năm đến phiên chợ hai bảy rồi Xa còn nhổ mạ, nước lấp xấp, mạ không tách rời mà trỉn lại từng cục. Xa nhổ xong một nắm lại đập vào bàn chân khiến chân đỏ tấy.
Năm anh Tý đón Tết ngoài đảo, mấy mẹ con đứng ngắm bầu trời chờ xem pháo sáng thỉnh thoảng bắn lên. Bố ngồi đầu giường vặn chiết áp rađiô soàn soạt nghe chúc Tết. Rồi cả nhà quây quần bên mâm chè vàng ráp, lặng lẽ ăn. Bố nhỏ nhẹ nhắc: “Thằng Tý đón Tết ở đảo chẳng buồn, mẹ con bây vui lên mới phải”. Nói vậy chứ bố biết năm đầu xa quê, anh chắc nhớ nhà lắm.
Xa thương anh Tý lạ kỳ. Lớn rồi mà anh em cứ như trẻ con. Hồi anh về phép, Xa tót lên lưng anh bắt cõng từ nhà xuống bếp thả bên mẹ. Học cấp ba, cứ chiều anh lại ra chợ sửa xe đạp, hết lớp mười thì nghỉ học buôn dầu. Ngày ấy quê chưa có điện, ngoài những chuyến dầu anh nhập cho dân chài đi biển, số dầu lẻ Xa mang ra chợ bán cũng góp cho gia đình đỡ cảnh thiếu ăn. Sự đùm bọc lẫn nhau khiến lòng người thánh thiện, Xa thương anh nhiều có lẽ cũng từ sự kham khổ mà ra.
Hằng năm, tháng cận Tết bố đào một vài cây đinh lăng lấy củ ngâm rượu. Đầu tiên bố cắt rễ, rửa sạch thả vào nước vo gạo độ ngày rồi xắt mỏng phơi, sao hạ thổ ngâm với rượu ngon mẹ nấu. Thứ rượu vị ngòn ngọt, thông mạch, cứng xương.
Mẹ bận bịu nhất với nồi rượu mỗi ngày. Lời lãi chưa tính nhưng có hèm trộn vào chỗ rau cám, lợn trong chuồng cứ chúi đầu là chùm chụp ăn một lèo, lớn như thổi. Lão Quýt trong xóm thuộc người tinh khôn, luôn đến sớm mua vài chén lúc nồi rượu mới lấy được chai đầu, uống réo lưỡi. Giàn mướp đắng của bố chẳng hôm nào lão không vặt mấy quả vào nhắm.
Xa ngồi bóc vỏ hành và tỉ mẩn tỉa những lát củ cải, cà rốt. Tết nhất lắm người ớn thịt, dưa món thường được ưa nhiều trong mâm cơm. Khách hỏi ai làm món này mà ngon lại đẹp nữa. Vô tình nghe được, bố gọi mấy Xa cũng chẳng lên. Ngồi thim thỉm ở cửa bếp, Xa lại nhớ anh! Tết năm ngoái từ Cần Thơ, anh bắt xe vào Sài Gòn thăm, mua cho Xa biết bao thứ, thích nhất là chiếc áo bà ba màu sẫm. Anh ngắm Xa rất lâu. Quen rồi, tết vắng anh, Xa thấy thiếu cái gì khó thể bù lấp.
- Xa ơi...
Tiếng cái Kết đon đả từ ngõ nghe thân tình da diết. Nhanh quá. Mới đó, thời gian đã xếp lại những buổi hai đứa tung tăng trên đường, ngồi với nhau trước con sông làng. Bỗng dưng Xa tự hỏi: mình có ước đứa trẻ như trên tay Kết? Lấy chồng rồi ra sao. Nhìn Kết thì biết, trước về thăm cha mẹ cũng ngài ngại, huống chi tay bồng con dại. Gái một con như Kết trông đến là ngon. Vừa tới nơi, ngồi xuống, Kết kéo áo ngực lên, vú trái bật ra trĩu xuống như quả bưởi mùa đầu.
Xa không nhìn Kết mà nhìn đứa trẻ kháu khỉnh trên tay bạn đang bú như thiên thần. Kết hơn Xa có tuổi đã yên bề gia thế. Nhiều đứa trong xóm thông cảm với Kết trước người mẹ chồng khó tính, nhưng trời lại thương lúc cục vàng nối dõi chào đời. Chồng Kết làm việc hì hụi suốt ngày. Thế mà tâm sự với Xa, Kết dằn: “Tệ lắm… cứ đừ ra như gỗ mục”. Thấy Xa ngơ ngáo, Kết lên giọng: “Đồ âm lịch. Mày để ông xóm trưởng phật ý là chết đói cả làng đó hiểu không!”. Rồi Kết dúi đứa con vào người Xa: “Giữ nó giùm, sáng nay tao bắt lão lên phố sắm đồ”.
- Không được, tao còn bận...
- Giữ đi cho quen. Mai mốt cái kho hợp tác là của mày. Làm cô giáo làng sướng nhé.
Xa cau mày nhìn theo dáng đi tưng tửng của Kết, nhưng không quên lắc lư ẵm đứa trẻ trong tay và cất tiếng à ơi...
Về lại quê sau những năm làm công ở miền Nam, Xa thấy xóm thôn không thay đổi nhiều. Điều bất ngờ nhất có lẽ… ông xóm trưởng. Tin này ngẫu nhiên đến với Xa vào một sáng bố nhờ mời hàng xóm tới nhà uống nước ngon. Xa hỏi:
- Ông xóm trưởng Phiên hở bố. Là do xóm bầu hay xã chỉ định ạ?
- Xóm trưởng là dân làng bầu ra chứ ai được phép đặt lên. Chuyện này kể cũng khá vui. Thằng Phiên đi bộ đội được ba năm, bố hy vọng có chút kinh nghiệm điều hành công việc. Nói thế chứ làm xóm trưởng không dễ đâu con, làm rồi bố biết.
Bố Xa thôi làm xóm trưởng, ông Điền lên thay rồi đến ông Hùng. Ông Hùng làm chẳng đâu vào đâu, không được xóm làng tín nhiệm. Chuyện khởi nguồn từ sự thiếu rạch ròi về tài chính. Cuộc họp vừa qua gay cấn. Cuối cùng việc bầu xóm trưởng gói lại trong hai người: Phiên và ông Bình. Sau hồi thảo luận ai cũng có chung nhận xét: Ông Bình nhiều con, lại hay rượu. Lắm người biểu nhau bỏ phiếu cho thằng Phiên, trừ cái ông lắm con hay rượu ấy ra. Biết mình trúng, Phiên khóc. Ông Phó Chủ tịch bảo: “Đây là cơ hội của cậu. Năm sau xã sẽ cử đi học kế toán”. Còn rỉ tai, từ lúc cha cậu mất xã đã lưu ý.
Xa cũng còn nhớ buổi chiều ấy. Hai mẹ con đang lúi húi gặt thì một thanh niên bước tới.
“Bác ơi, để con thử bó lúa xem sao. Lâu rồi, khéo giờ bó không chặt cũng nên”.
Mẹ Xa uốn lưng đỡ mỏi.
“Ờ, con giúp cái Xa. Bác bó không chặt lắm. Bó như bác gánh gióng thì được, gánh bằng đòn xóc sổ ra liền”.
“Giờ ai gánh lúa bằng đòn xóc nữa mẹ”.
“Nhà ta còn nhiều ruộng chưa gặt nữa không ạ?”.
“Còn chỗ này và đám trên cồn nữa, mai gặt nốt. Này, năm nay nhờ trời đó con, chứ chờ nước Cù Lân về có khi mạ chết ráo. Chắc con còn nhớ cái năm dẫn được nước vào ruộng là luộc chín mạ luôn. Tiếc cháy ruột”.
“Dạ, trong xóm ai cũng phải ra chợ mua mạ, đắt như tôm tươi. Nhà con phải bỏ hoang hai đám, khoảng một sào bác ạ. Mẹ con than hoài. May trời cho được mùa”.
Phiên quý ruộng đồng từ thủa cầm dây chạy băng băng lấy đà cho diều tung cánh. Quý những trưa bơi trộm thuyền của ông chài xóm dưới. Tuổi thơ đầy nắng gió đang sống lại. Cánh đồng cũng màu mỡ hơn xưa. Hạt gạo thêm ngon nhờ sự gửi gắm của đất. Ruộng đồng quanh năm ngậm giọt mồ hôi người nông dân rỏ xuống, đất thành linh hồn của tạo vật.
Cũng lạ. Những vùng thấm máu người chiến sĩ, đất hút rất nhanh. Có lẽ đất hiểu dòng máu ấy đau thương nhường nào nên mới mau chóng giấu vào lòng vỗ về thân xác người ngã xuống... Chiến tranh, khắp các thôn làng, đâu đâu cũng có người lặng lẽ nằm lại với đất không tên tuổi. Phiên từng cùng đồng đội tìm mộ liệt sĩ. Rất nhiều đồng chí hóa thân vào đất. Đất ấy nhẹ như mây giữa lòng tay lại nặng nghìn cân móc vào trí nhớ.
Dạo bố còn là xóm trưởng, có một việc Xa làm thường xuyên là om chè tiếp khách. Rất nhiều người chẳng có việc gì cũng ghé vào, bất luận giờ giấc thời tiết, có chủ hay không; họ uống bát nước, xong lặng lẽ về. Bởi thế lắm người bước tới cửa đã hỏi: Có nước ngon không Xa? Nay Phiên làm xóm trưởng, Xa chợt thoáng nghĩ “ai sẽ om nước tiếp dân hằng ngày?”, rồi tự thẹn thùng lấy... Gia đình Phiên ở trong một căn nhà xưa đều bằng gỗ, rộng rãi thoáng mát, trước mặt có cái giếng rất trong, nước ngọt lừ. Để om chè, lấy nước đó ngon nhất, cả làng đều tới gánh. Tết nhất người tới múc nước từ hai nhăm.
Cả sáng, bố Xa đào ba củ khoai vạc sát bờ rào ngăn cách với hàng xóm, rửa sạch giã cùng đậu, trộn với hành và thịt làm nhân bánh. Xóm trưởng thăm đồng về ghé qua nhà, tiện thể giúp gói bánh chưng. Phiên học được cách gói bánh khéo léo ở cha. Hồi còn sống cứ Tết đến cha Phiên mất mấy ngày gói bánh hộ. Chẳng cần khuôn mà bánh ông gói cứ vuông vưng vức. Khâu cuối, ông giả lá tre lấy nước thấp vào lớp lá trong cùng; khi chín bóc ra, bánh xanh ngắt nom ngon mắt lạ.
Bên cạnh một già một trẻ đang gói bánh là ấm chè xanh đậm đặc. Xa rửa chè từ sớm, gác lên cho ráo. Khi nào bố cần mới vò vào ấm, dội nước sôi ủ vào trong trấu, phủ mấy cái bì lên trên. Cứ tới chừng trưa, không nhà này thì nhà khác luôn có ấm chè om mời bà con, chuyện trò, ăn trầu, hút thuốc lào. Cái lệ có từ lâu, tình cảm xóm giềng càng thêm bền chặt. Phiên cũng rất ghiền chè xanh.
Phiên chơi thân với anh trai của Xa. Có không ít đêm hai người cùng ôn thi khuya, Phiên ngủ lại nhà. Dạo ấy Xa còn nhỏ thó.
Tiếng gọi vọng từ trên nhà, rất mơ hồ. Không đáp lời, Xa bước lên. Bố nhìn Xa bế đứa trẻ trên tay, cái tả tuột ra sắp rơi xuống đất, phì cười. Xa không để tâm. Có một cảm giác rất lạ khi Xa bắt gặp ánh nhìn của Phiên.
- Này Xa, tối ngoài đình cúng Tất niên, ra đó mà coi. Chúng mày không biết chứ ngày xưa đình là nơi hội hè của cả làng, hát hò thường đêm.
Lễ tổ chức trang trọng. Xúng xính trong bộ áo tím, đen, đỏ, các cụ đang lưu giữ thuần phong nếp cũ. Sân đình to rộng thừa sức dân làng vui hội, những trò chơi chủ yếu như ném còn, đi cầu kiều, đánh đáo... Đầy ắp trẻ làng; các bà, các mự ngồi với nhau trên các dãy ghế. Xa nhìn vào trong thấy Phiên đứng bên ông Chủ tịch xã. Không muốn Phiên thấy mình, Xa quay chỗ khác.
Thật lạ, thằng Thuấn cũng có mặt. Xa rất ngại mỗi lần bước quanh xóm lại gặp hắn. Đánh nhau, uống rượu ta bà... xếp hắn vào phường hư hỏng không sai. Nhưng hắn còn một tấm biển rõ to trước ngực: con nuôi, con hoang...
Chuyện của Kết với Thuấn, Xa rõ nhất. Cũng chỉ Xa biết chuyện đó và mãi là một vết thương thầm kín. Đêm ấy vào khuya, Kết đứng ngoài cổng gọi... Xa run bắn người chì chiết “mày dại dột quá trời”, nhưng rồi Kết khóc nhiều quá nên thôi. Tức Thuấn lộn ruột gan! Chồng Kết hiền lành cắn răng chịu nhận.
Chẳng hiểu sao thằng Thuấn, với Xa như có khúc mắc từ thuở nào kiếp nào. Thuấn đặc biệt chú ý đến Xa, cũng là một nỗi lo không rõ nghĩa thi thoảng dờn dợn trong đời một người con gái vừa trở về quê.
Xa loanh quanh trên các con đường xóm rất lâu. Đặt lưng xuống giường, mông lung suy nghĩ. Xa từng mơ thấy một đám cưới với Phiên. Cái rạp như hình hộp chữ nhật đẹp mắt. Cổng kết bằng lá tàu dừa uốn lượn. Tầm tối tới khuya và trong buổi thành hôn đều chơi nhạc sống. Tay đánh trống nom dân ngầu đời rất bốc.
Bọn con trai cứ theo tiếng chát bùm nhảy nhót, say sưa run rẩy. Phục vụ nhạc ban ngày mở suốt băng cát-sét bài hát thắm đượm tình quê: Trên đồng lúa vàng một bầy sơn ca; trên đồng lúa vàng chỉ mình đôi ta. Người ta khen cô dâu chú rể xứng đôi. Người ta chúc trăm năm hạnh phúc. Nhưng sau đêm tân hôn, Xa bày ảnh cưới ra thì thấy cô dâu lại đứng bên chú rể là Thuấn. Giật mình! Cái giật mình khiến Xa choàng dậy hốt hoảng trong đêm... Bên nồi bánh chưng sôi sục, em trai ngủ trong lòng mẹ. Nó đã cố đợi để vớt cái bánh nhỏ xíu ông xóm trưởng gói cho. Xa nhẹ nhàng vén màn; dậy rồi còn ngó lại xem người nằm bên mình là Phiên hay Thuấn, mà thực tế nào đã có ai.
NHỤY NGUYÊN