Con dốc mù u, con dốc mù u. Lâu quá rồi không ai nói với tôi về con dốc ấy. Tôi cũng sắp quên cái tên ấy rồi, dù nó cách nhà tôi có mấy bước chân, lần nào về quê, tôi cũng dắt cậu nhóc con của mình lên đầu dốc hái hoa, bắt bướm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Con dốc mù u, mà chẳng có cây mùa u nào dọc theo dốc. Chỉ có rặng tre già rợp bóng bên ni đường, bên kia là bờ đất cao ngút mắt đứa trẻ tôi bảy tuổi. Men theo rặng tre là tuổi thơ tôi với những trưa hè trốn ngủ đi bẻ vít quay chơi.
Chẳng biết có lứa trẻ thơ nào ở đâu đó trên dải đất nhiều tre này cũng chơi vít tre như chúng tôi ngày đó. Quay sao cho vít không đứt mà càng dẻo càng dai, sẽ thắng. Trò chơi ấy có gì mà vui thế, thắng cũng có được quà gì đâu. Mà giữa phố phường đông đúc, nhiều khi thèm đến run người một bờ tre, để rúc vào, bẻ một cái vít. Và nắn nót quay.
Con dốc ấy, là cao lắm, với đôi chân trẻ con lũn cũn. Ngỡ như vo mình lại, thả từ đầu dốc, sẽ lăn cù tới tận giếng Đàng Truông. Dốc cao thế, nên mỗi khi xuống dốc cứ vừa đi vừa chạy, khi ngược dốc thì… vừa bò vừa thở, muốn đứt hơi.
Ấy thế mà có phải đi không đâu, anh em tôi phải khiêng một thùng nước đầy từ giếng Đàng Truông về. Khi anh Hai tôi đi học xa, tôi lại thế chỗ đứng sau, phía trước cây đòn gánh là con bé Nhỏ. Những mùa hè khô hạn, chị em tôi phải thức thật khuya mới mong múc được nửa gàu nước trong mà đổ thùng khiêng về. Đường tối đen, ánh đèn pin hiu hắt, hai chị em cứ bặm môi leo dốc. Leo đến đầu dốc coi như có thể thở phào.
Đầu dốc mù u là nhà chú Hào máy gạo. Nhà chú Hào ở trên bờ đất cao thật cao, phải leo mười mấy bậc tam cấp mới tới. Chị em tôi hầu như ngày nào cũng leo lên những bậc tam cấp, sục vô buồng trấu, tranh giành từng mẻ trấu với lũ trẻ cùng xóm.
Nhiều khi, chúng tôi cứ hồn nhiên giành nhau khi trấu từ máy gạo cứ phun ra không dứt, mặt đứa nào đứa nấy dính đầy hoa trấu. Trẻ nhà quê mà, ngại chi mấy chuyện xót ngứa cỏn con đó. Trấu xúc được, cho vào bao hay mủng nén chặt, lại còng lưng vác về. Không cẩn thận là ụp luôn cả trấu cả người xuống đất, coi như bữa đó khỏi nấu ăn. Nhiều khi bị té, tôi giậm chân, ấm ức khóc, nhà chú Hào chi mà cao thiệt là cao.
Tôi ngỡ đã xếp gọn những ký ức về con dốc vào ngăn quên của lòng, khi dòng đời đẩy vào tôi bao nhiêu điều lo nghĩ khác. Mà có lẽ tôi cũng sắp quên thật, chỉ là một con dốc thôi mà. Nhưng cứ mỗi độ đông về, giữa những giấc ngủ chập chờn hay những giấc mơ sâu êm đềm trong chăn ấm, tôi lại thấy mình quẩn quanh bên những bao than to, rón rén nhặt những cục than rơi vãi.
Đó là những buổi chiều đông, dốc mù u nhộp nhịp tiếng nói cười. Người lớn lớp đi lớp đến, họ gồng người cân những giỏ than to trên chiếc cân đòn, rồi giở than ra, xếp vào bao chất lên xe bò. Con nít chúng tôi thì chờ những vụn than rơi xuống, lựa những cục không quá nát cho vào bao.
Cũng có khi tôi vớ được cục than to cỡ bắp chân, mừng khôn xiết. Trời mùa đông, chưa chi đã sập tối. Tôi hí hửng chạy về nhà giữa tiếng ếch rộn vang khắp xóm làng, tay giữ khư khư bao báu vật của riêng mình, lòng vui như vừa làm được điều gì to lớn lắm.
Niềm vui trẻ thơ, giản dị là vậy. Chị em tôi mang những bao than vụn ra, cho vào nồi tro, nhen lửa rồi phùng má lên thổi. Vậy là có ngay một nồi than hồng đặt dưới gầm giường, tha hồ mà ấm áp dù mưa đêm tỉ tê hay gió rít qua khe cửa, dù áo con nhà nghèo thì sao đủ ấm, đủ dày.
Con dốc mù u. Con dốc của tuổi thơ tôi hớn hở chạy theo xe bắp bung để chăm chú nhìn chiếc máy thần kỳ hô biến vốc hạt bắp trộn đường thành dây bánh dài thơm, hay những ngày giáp Tết, tôi chàng ràng bên nồi gang của thím Trà để nhặt những hạt nổ trắng như bông. Con dốc mỗi lần đi xe đạp, cả xuôi hay ngược dốc, tôi đều phải trèo xuống dắt bộ. Con dốc tôi đẩy xe bò cho ba chở lúa về nhà.
Vậy mà tôi suýt nữa quên tên nó. Chỉ vì lâu không nghe ai nhắc đến? Hay vì con dốc tôi dắt con trai đi chỉ lá chỉ hoa không còn là con dốc cao với đất mềm cỏ ướt dưới chân mà đã là đường bê-tông thẳng tắp?
May mà, còn những giấc mơ, dịu dàng lay gọi tôi giữa đường đời mê mải. Để tôi lại nghe như tiếng ai thì thầm bên mình đầu con dốc mù u. Rằng những hòn than nhỏ, sưởi ấm cả chặng đường thăm thẳm gập ghềnh…
NGÔ THỊ THỤC TRANG