Sáng tác
Bong bóng tìm nhau
Xe dừng trước cửa, tiếng máy của chiếc Cub cà tàng nổ giòn, chợt tắt, tan vào khoảng không im lặng. Như nghe được cả tiếng lá rơi; nơi này vắng…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thằng nhỏ chạy xe khoảng mười sáu tuổi, bước vào nhà. Bà già tên là Phụ Phàng, ngồi bó mớ cọng dừa đập ruồi, ngước nhìn từ lúc nghe tiếng xe. Thằng nhỏ nói rất rõ: “Ông già Tình chết rồi, chết hồi sáng hôm kia”. Nói vừa dứt lời, nó nói thêm ngay, nhưng lần này lời nó nhỏ nhẹ, có chút nghẹn ngào: “Chết trong khi đám bạn già vẫn ngơ ngác đợi hoài không thấy ông ra cà-phê nói chuyện trên trời dưới đất”.
Bà già nghe hơi nghẹn, vì cái tai bốn mươi năm nay đã không quen với việc chấp nhận những lời như vậy; nhưng giờ thì lời cũng đã chạy vào tới tim rồi. Tim lại đập mạnh, không vì bệnh lâu năm hay tái phát, mà vì tin báo của thằng nhỏ ráo hoảnh, ráo đến mức nước mắt mà lăn xuống là nghe “xèo”, bốc hơi thành khói. Nói vừa dứt câu, thằng nhỏ phóng lên xe nổ máy chạy đi. Nó vẫn thường đem quà của ông già Tình tới nhà, và đi theo cách ấy.
Không tin, không tin. Nhất định không tin. Nhưng thằng nhỏ nói rành mạch tên tuổi vậy, làm sao sai được. Chết. Chớ giỡn sao, thằng nhỏ làm gì dám đem cái chết ra đùa. Với lại, bà tin thằng nhỏ; nó tốt, thiệt thà, chắc không gạt bà. Xe đi rồi, lời cũng tan bay, chỉ còn đọng lại trong hình dung bà Phàng hình ảnh ông già nằm ngay đơ trên bộ ván ngựa, trên bụng có nải chuối xanh.
Thằng nhỏ kể với người đàn bà mướn nó đi báo tin, rằng: “Cháu giấu xe trong bụi, đứng bên đống rơm nhìn rất kỹ. Bà Phụ Phàng ngó quanh rồi nhìn chằm chằm vào vết xe trước sân đất. Hơi lâu, bả mới đứng dậy vào nhà. Cả buổi đó đi vào rồi lại đi ra, mang theo cái bị cũ. Bà ra tới cổng, có đứa nhỏ chạy theo níu áo. Bà nửa muốn đi, nửa không. Cuối cùng dừng lại, rồi vào nhà cất đồ, ngồi dỗ cháu. Tội”.
Thằng nhỏ thấy đi nhắn mướn cái tin hơi kỳ cục, giống như trù rủa. Nhưng nó đã chán cảnh làm liên lạc lắm rồi. Hai người kia, muốn gì thì gặp nhau nói cho rồi, có đâu bắt nó đi tới đi lui chuyển lời, mà còn phải chuyển nguyên văn nữa chớ, nhớ cực gần chết. Lần này nói ông Tình chết, thế nào bà già cũng đi đến nhà ông, lúc đó gặp nhau, mặc sức mà tâm sự… Trong khi đó, người đàn bà mướn nó chỉ cười cười. Giỡn thôi mà. Chồng bà vẫn hay lén lút nhét vô ba lô thằng nhỏ mỗi lần nó tới nhà: “Gửi cho bà bạn tao hộp sữa chống loãng xương và cái áo ấm. Cho mầy cuốn sách và năm chục ngàn kẹp ở trang 17”, bà biết chớ.
Cuối cùng thì ngày lễ hội thả bong bóng ở Vĩnh Yên cũng đến cận kề, ngày mốt đã vào chánh hội. Bà già Phụ Phàng mấy mươi năm nay chưa hề nghĩ đến việc mình sẽ đi cái lễ hội đó để nhắn lời cho ông Tình. Bà còn phải lo cho đám cháu xong cái đã. Nhưng lo gần hết đời người rồi mà có thấy xong đâu. Đến lúc mọi thứ đã gần xong, cũng là khi trái tim bắt đầu khó dạy. Nhớ hồi trẻ, kêu nó bình tĩnh là nó sẽ bình tĩnh ngay. Nhưng giờ đây, nó ỷ thế thấy bà già yếu nên nó lộng hành. Nó hăm he bà, nó mà buồn buồn là nó nghĩ chơi cái rụp. Khi đó đèn đang sáng rực cũng tắt ngay, tối hù trước mắt. Bà già nghĩ bụng, đến trái tim sống chung với mình gần suốt cuộc đời mà giờ cũng quay lưng, phụ bạc thì đời mình tệ quá rồi. Còn ông Tình thì cường tráng; nghe đồn, mỗi sáng còn chạy xe đạp cả chục cây số, mạnh vậy sao chết trước bà được. Bà già Phụ Phàng sẽ là người chết trước! Thế nào ông cũng lên Vĩnh Yên nhắn cho bà vài câu giải thích chuyện cũ, sẽ căn dặn nhớ đợi ông. Hay chỉ nhắn dấu ba chấm thôi, nhiêu đó cũng đủ rồi. Dù sao, việc đó cũng sẽ lâu lâu lắm lắm mới tới (nghĩ vậy cho nhẹ lòng thêm chút chút).
Nhưng bây giờ ông trời lại chơi giỡn, ổng là trời, giỡn sao chẳng được, ai cản nổi. Ổng giỡn bằng cách cho ông già Tình đi trước, đi không nói trước một lời nào. Đi kiểu vậy làm bà chới với, thấy cửa bên kia gần kế bên, như bỏ chân qua là đụng. Phải chi ông ra tín hiệu dù là yếu ớt, để bà biết mà tính. Nhưng liệu tính trước thì có thay đổi được gì không? Chẳng phải bốn mươi năm trước có người đã tính mọi thứ kỹ lắm rồi sao. Nhưng cũng tréo ngoe. Từ đó hai chữ tính trước trở nên buồn ghê gớm.
Bà già ngóng tìm thằng nhỏ để hỏi cho kỹ. Nhưng mấy bữa nay nó đâu mất biệt, lòng bà thêm rối bời. Ra bến xe, hỏi thằng lơ xe tuyến đi ngang Ngã Năm Phố Mới có thấy cái đám ma nào không? Và câu trả lời là có, có một cái đám ma lớn, ngay đầu hẻm. Nghe dưới đám ma cầu nguyện cho người chết bảy mươi tuổi tròn… Bà không muốn hỏi thêm, vì hỏi thêm có thể tim sẽ quậy. Bà ngắt ngang câu chuyện lẹ lẹ về nhà, “Giờ này thằng nhỏ chắc đang khóc ở chỗ đám ma”…
Nghĩ, rồi đón xe đò lên Vĩnh Yên ngay trong ngày, chỉ kịp nhắn về nhà nói ngoại đi núi ít hôm. Phải trật vuột mấy đoạn xe mới tới được nơi. Nơi ấy là ngôi làng duy nhất nằm trên ngọn núi, cái gọi là đường mòn không giống đường mòn, phải kiên nhẫn lắm mới đi tới nơi được.
Mấy cái lều dựng tạm cho mướn giá cắt cổ, vậy mà vẫn có người ở. Loay hoay nghe được nhiều chuyện đời: “Hồi trước tui có đứa con, nó bịnh chết. Trước khi chết nó còn nói, nữa chết con sẽ theo độ cho má mạnh giỏi. Nên lần này tui lên để nhắn cho nó, có quỡn thì về trị bịnh cho tui, sao dạo này tui hay quên quá!”.
Bà Phàng nghĩ bụng: “Trời ơi! Có nhiều chuyện trên đời mình muốn quên mà quên không được, còn bà này quên được thì lại không muốn”.
Lễ hội bắt đầu vào giữa đêm, nhưng mới hừng sáng, mấy người đi lễ đã rục rịch viết lời nhắn. Có bà già nói với đứa cháu đi theo: “Coi tao viết vầy đúng hông, để thôi ổng đọc không ra”. Người kia nắn nót cho đúng chữ hồi trẻ: “Để thôi bả nói tui thay đổi rồi”. Bà Phàng nghĩ, nếu viết, chắc bà viết hơn trăm trang giấy. Bà sẽ hỏi: “Sao ông nói ông đi làm ba năm là về, mà ông đi luôn không tung tích. Làm tui đợi ông. Sao ông có vợ, có con mà không nói với tui một tiếng. Vậy còn gởi quà lắt nhắt chi, để tui không quên ông được”. Định viết nhiều, nhưng viết ra được nhiêu đó, bà bỗng xé bỏ. Viết nhiều sẽ làm ông già thêm bối rối. Bà suy nghĩ hồi lâu rồi đặt viết, viết vỏn vẹn có một câu: “Chết sao không nhắn tui hay? Đợi nha! Xưa hứa rồi đó”.
Đêm đẫm sương, mấy bà trùm khăn kín mít, bước ra tới sân lễ, cố chịu lạnh, tháo khăn ra: “Không thôi ổng nhìn không ra”. Đời người, chịu lạnh có bao nhiêu mà sợ. Lửa đốt lên thay đèn; bong bóng mang theo những lời nhắn gửi, bay lên trời. Những cái mang một tờ giấy nhỏ, nhẹ hều, bay vút mất. Những cái mang theo cả quyển vở bay không nổi, là đà vướng vào cành cây. Bà Phàng chỉ gửi theo bong bóng một tờ giấy nhỏ. Bong bóng của bà bay lên không lâu đã biến mất. Đêm đen nuốt bóng hay mắt bà già nhìn không ra. Hay có cơn khói phả vào mắt nên cay, nên nước ở mắt (chứ chưa chắc là nước mắt đâu!) ứ ra làm mờ.
Người lên Vĩnh Yên, phần nhiều chỉ muốn gửi những gánh nặng của tim để bong bóng mang đi, để lòng thong dong trở về nhẹ nhõm. Nghĩ, lời bay khuất mặt kể như là đã xong. Kể như người kia đã nhận được và không có cớ oán trách mình vô tâm, vô tình bỏ mặc. Người ta lặn lội từ xa đến thả bong bóng vào đêm để rồi vội vàng quay về cho kịp sáng. Nhưng không ai trong lễ hội biết, cả hội chỉ có một cái bong bóng bay đi xa. Những cái còn lại đã vỡ tan trong đêm, vì không chở nổi những lời oán trách, tỉ tê nhức nhối.
Ở bên kia núi hơn trăm cây số, ông già Tình đang ngồi uống trà. Ở chỗ đó hồi trước khi quen thằng nhỏ, ông đã nhiều lần định đi tìm người cũ. Nhưng cơm áo gạo tiền; hết vợ đến con, hết con đến cháu cứ trói buộc ông mãi. Thấy cuộc tìm về làm đau cho nhiều người, mà ai ông cũng thương yêu. Lâu lâu, chịu không thấu thì nhờ một thằng nhỏ mang chút quà cho người xưa, nghĩ là bù đắp chút nào hay chút ấy.
Gần đây, không hiểu sao mà đêm nào nằm mơ ông cũng bà Phàng. Thằng nhỏ rủ, “Đi Vĩnh Yên chơi đi. Lần này lễ hội vui lắm, sống mà không biết Vĩnh Yên thì cũng hơi thiếu sót. Đi đi… Đi đi mà”. Ông già thấy thằng nhỏ nói cũng có lý. Ông linh cảm chỗ đó sẽ vui, lòng rộn ràng khó tả. Dự định chuyến đi đã đâu vào đó hết rồi thì ông đột nhiên lên máu. Đành chịu, nằm nhà dưỡng bệnh, ông bảo thằng nhỏ, thôi để lần sau... Nó nghe xong, mặt buồn hiu, thở dài.
Sáng nay trời đẹp, ông không chạy xe, mà đi bộ. Đi bộ sẽ nghĩ ra được nhiều chuyện trên đời. Đang đi, đang nghĩ thì tự dưng ở đâu rơi ngay vai ông tờ giấy nhỏ. Ông thấy chữ viết này quen quen nên giữ lấy. Trong bàn cà-phê sáng, có người bạn đi lễ hội về, đưa cho ông coi tấm hình chụp đêm chánh hội, có mặt một bà già ở miền xuôi trong đó. Kể, “Bà này ngầu nghen. Hội tan, người ta còn gặp bà ngồi một mình thả bong bóng. Thả hết cái này đến cái khác, thả hoài, thả hoài. Nhưng sáng ra, người ta không thấy bà đâu nữa. Đồ đạc vẫn còn nguyên trong lều. Chắc ngồi thả bong bóng sáng đêm trong tuyệt vọng, sương gió đã quật ngã tuổi già liêu xiêu của bả. Hay là đi đâu đó té núi chết? Hay vô rừng bị cọp beo vồ, cũng hông chừng?”. Ông Tình lắng nghe rồi cười: “Sao lại có con mẹ nào khùng tình đến vậy?”. Ông thấy rõ hình người mà, sao ông không nhận ra?
Nửa đêm không có gió mà ông mơ thấy bão, bão dữ dội tràn về miền xuôi. Ngôi nhà lá mỏng te bị gió giật mất. Tiền trong vách lá bay tứ tung, không ai lượm. Người ta ôm mạng chạy trốn bão táo tác. Có bà già không lo chạy trốn, mà chạy theo bão, bà thả vào bão những chữ bàng bạc. Mặt vô sắc, vô cảm; chẳng buồn, chẳng vui. Ông thấy bão đang tới, tới gần thật gần, lúc ông chạy trốn bão thì giật mình thức giấc.
Ông thở hổn hển (chạy trốn bão mà, không thở hổn hển sao được). Điều đầu tiên ông Tình nhớ không phải là cơn bão, mà là tờ giấy. Đúng rồi, là tờ giấy. Tờ giấy bà già thả trong bão giống hệt như tờ giấy hồi sáng ông lượm được.
Ông rón rén bước xuống giường, cố đi sao cho bạn đồng sàng không thức giấc. Ra bàn trà, ông mở tờ giấy ra xem. Nhìn hồi lâu, ông chợt thấy năm nào trước mặt. Tờ giấy đề rất rõ, chữ như nói được lên người. Nói luôn cả gương mặt teo tóp, nhăn nheo, dáng còng như dấu hỏi. Có gì đó chợt hiện trong đầu ông, “Dân gian truyền rằng, trên núi Thiêng ở Vĩnh Yên, có sân Thiên Tin, nơi người sống có thể thả bong bóng mang theo lời muốn nói đến được với người đã chết”…
Ông già mặc kệ đêm, mặc kệ sáng mai còn phải lo chăm gốc mai mới trồng trước cửa, mặc kệ đám bạn già kêu réo bàn chuyện trả nợ kiếp sau, mặc kệ những mối làm ăn hái ra tiền cho con cho vợ, ông dắt xe ra đường, chui vào đêm lạnh.
Xe chạy đâm vào đêm, bóng đèn đường cố gắng mấy cũng không níu bóng ông già lại được. Bà vợ không nhìn thấy cảnh đó, nhưng bà biết ông đã đi từ khuya. Bà lê bước ra ban công nhìn xuống, lòng chảy dài, ngậm ngùi, sương treo trên mắt. Phải chi bốn mươi năm trước bà đừng trót yêu, đừng tự tử. Và ông, ông đừng đi ngang khúc sông vắng, đừng cứu người đang trôi trong dòng nước, đừng nhận là cha đứa bé, đừng yêu thương, đùm bọc người dưng đến ngày hôm nay. Đừng này đừng khác.
Nhưng làm sao có thể bắt ông “Đừng…!” được.
LÊ QUANG TRẠNG