.
TRUYỆN NGẮN

Lần ấy, tôi yêu

.

Sau Mậu Thân, tôi được điều động từ vùng giáp ranh đi làm đại đội trưởng kiêm chính trị viên đại đội vận tải ở tuyến sau. Trong đời lính chiến có biết bao gian khổ hy sinh nhưng kinh hãi nhất là chịu đựng các đợt mưa rét dầm dề ở hậu cứ của Đông Trường Sơn. Ở đại đội vận tải tụi tôi, cánh lính nữ gọi những đợt mưa dầm là giặc nước.

Có ngày sợi mưa không hề dứt giọt gianh trước cái lán nửa nổi nửa chìm lấy một giây. Ban chỉ huy đại đội có ba người: tôi, chú Hai Mô là đại đội phó phụ trách kế hoạch - kho bãi và cô Thảo, đại đội phó phụ trách hành chính-hậu cần-đoàn thể. Chú Hai Mô đã gần năm mươi tuổi góa vợ từ hồi mới ba mươi, có con trai đầu đang là đại đội trưởng pháo cao xạ ngoài đảo Cồn Cỏ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cô Thảo, hai lăm tuổi, một thiếu nữ đẹp rực rỡ giữa núi rừng chiến địa. Thật kỳ lạ, trong điều kiện kham khổ ở cứ sau Mậu Thân mà da thịt vóc dáng của cô vẫn bừng phát tươi trẻ như thiếu nữ tuổi dậy thì. Hôm mới về, phân công nhiệm vụ chỉ huy xong, tôi hỏi trêu: “Đại đội phó Thảo có bí quyết gì mà giữ được sức vóc và nhan sắc bền đẹp vậy ta?”.

Thảo cười hồn nhiên, nói vô tư: “Dạ! Em Thảo chỉ yêu nhiều thôi anh Thu ơi!”. Tôi  trố mắt ngạc nhiên, còn chú Hai Mô thì lầm bầm: “Giữ cái mồm, ai lại ăn nói cà lăm với đại đội trưởng thế!”. Thảo vẫn cười, nói tiếp:

“Bụng con có sao thì con nói vậy mà chú Hai!”. Khi cô Thảo đi rồi, chú Hai Mô phân trần, chú đe để cô sợ tội bất kính với tôi chứ Thảo là thành trì bất khả khuất phục trước sự tán tỉnh theo đuổi của cánh trai trẻ trong đơn vị.

Chú Hai Mô còn cho biết thêm, Thảo là sinh viên dưới thành phố, bỏ học lên cứ theo cách mạng từ năm chưa đầy hai mươi tuổi. Cô đã từng là lính văn phòng đoàn bộ vận tải nhưng xin xuống đại đội làm bốc vác, cô trưởng thành tuần tự từ tiểu đội trưởng lên phó, trưởng trung đội và mới được đề bạt vào ban chỉ huy đại đội trước khi tôi về được một tháng. Kể xong, chú Hai Mô nhận xét:

“Thành trì không đổ thì thôi, chứ đã đổ thì đổ rầm cái liền!”. Tôi thích câu nói dân dã nhưng ấn tượng của đại đội phó Hai Mô.

Một ngày mưa lớn giáp Tết Kỷ Dậu (1969). Bên ngoài doanh trại của đại đội vận tải mọi vật đều mờ ảo trong màn nước sậm đen vì rét buốt, tôi đội tấm tăng đến dãy lán của lính nữ. Đến đầu hồi thấy mấy chị em cùng đại đội phó Thảo đang ngồi quanh một cái chảo quân dụng được đặt trên ba hòn đá có lửa  nổi ở dưới để rang quần áo, tôi dừng lại, đắn đo xem có nên vào hay không thì nghe những tiếng ta thán kêu trời kêu đất vì mưa.

Một cô thốt lên: “Ông trời lấy nước ở mô  mà làm ra giặc nước lắm vậy, trời ơi…ơi...?”. Thảo nói vui: “Ổng tích trong suốt sáu tháng nắng để mần ra sáu tháng mưa, mi càng kêu, ổng càng dội thêm giặc nước nữa đó”. Thảo trở mớ quần áo được rang trên chảo quân dụng bằng tay.

Cô chợt nhìn kỹ một cái áo con vải bộ đội còn mới rồi nhìn vào cô gái vừa kêu trời cười, bảo cô: “Liên! Của mi khô cong rồi này, sốt ruột thì lấy diện vô đi!”. Cô gái tên Liên chua chát: “Toàn giống cái cả mà chị Thảo, diện để mần chi?”. Thảo cười: “Rứa thì đừng có kêu việc ông trời làm giặc nước nữa nha!”. Cô Liên cũng cười và cô nhìn thấy một cái áo khác có chữ Bi ở cổ tay.

Cô nhón nó lên, đầu khẽ gật gù, ngoái nhìn một chị gần tuổi bốn mươi người gầy da sạm màu sốt rét, nói: “Cái này khô rồi, ui thơm lắm. Chị Bi diện vô lên chào anh Hai đại đội phó một câu đi. Anh Hai tụi em đang kết toán sổ sách rối cả đầu óc, răng chị Bi bếp trưởng cơm áo gạo tiền lại vô tư ngồi nhàn vậy ta?”. Cô Liên nói và lấy cái áo con đưa cho chị Bi.

Chị Bi đỏ rần mặt, nói lảng: “Nỡm, mi đừng có khéo đổ nhớt cho nheo nha. Mi liệu thần hồn với thằng Thành ở dưới B3 đó”. “Ui, anh Thành là của chị Thảo chớ, đúng không đại đội phó?”. Thảo cười bình thản đáp: “Tui không dễ tính nhưng cứ o mô thải ra, tui nhận liền để làm hàng hóa dự trữ đó...”. Xa xa có mấy người lính đi đến, tôi không thể đóng vai kẻ nghe lén nữa mà đón họ cùng đi vào. Tiếng chào “đại đội trưởng” rộn lên.

Thấy nếu cứ mang mấy cái thân đầy nước mưa mà vô lán thì làm “ngập” mất nên tụi tôi dừng lại bên ngoài giọt gianh. Chị Bi kêu lên: “Mời đại đội trưởng với mấy chú vô hơ lửa cho ấm đi. Đứng chỗ nớ càng bị ướt thêm đó”.

Tụi tôi vào, cố nói to: “Cám ơn chị Bi! Các chị cẩn thận không tụi tôi vào làm trôi mất cái lán đó! Mưa to quá! Ái chà, chị em nghĩ ra cách rang này, quần áo khô nhanh mà không bị ngấm mùi khói”… Liên, người trêu chị Bi lúc trước, nói: “Kinh nghiệm anh Hai đại đội  phó bày để chị Bi đây dạy tụi em đó đại đội trưởng ơi! Có ngon lành không, đại đội trưởng?”. Tôi đáp: “Rất sáng kiến”.

Liên lạc đơn vị đội mưa tìm tôi, báo, có thủ trưởng cấp trên đi kiểm tra đột xuất. Tôi ra hiệu cho Thảo về họp ban chỉ huy rồi chào mọi người ra trước. Về lán, tôi thấy các thủ trưởng đã ở đấy. Đại phó Hai Mô đang lúng túng đón khách.

Tôi nhận ra đoàn trưởng Trần Trung. Ba người đi cùng đều có dáng thủ trưởng. Đoàn trưởng giới thiệu đó là tham mưu trưởng sư đoàn và các trợ lý của ông. Các thủ trưởng cho biết, vừa đi kiểm tra địa đạo X. Đoàn trưởng Trần Trung thân mật nói với tôi: “Chúc mừng đại đội trưởng chủ công đã làm quen với đơn vị vận tải tuyến sau! Vẫn rất phong độ đó!’’.

Tôi cảm động trả lời: “Dạ! Em cám ơn thủ trưởng. Các thủ trưởng bận nhiều việc mà vẫn còn nhớ đến cánh lính tráng vận tải tụi em”. Tham mưu trưởng: “Không nhớ mà tụi tôi tìm đến đúng chỗ các cậu trong lúc mưa gió thế này ư?”.

Đại đội phó Thảo xuất hiện. Có lẽ các vị khách cấp trên cũng ngạc nhiên trước vẻ đẹp rực rỡ của Thảo như hôm tôi vừa về đơn vị. Đoàn trưởng hỏi: “Là cô Thảo không bao giờ biết buồn phải không?”. Thảo đáp: “Là con đây chú!”. Đoàn trưởng gật đầu khen: “Danh bất hư truyền!”.

Mọi người rũ nước mưa xong đều lựa chỗ, ngồi quây quần quanh chỗ đống lửa cháy chú Hai Mô vừa mới đốt lên, cháy đùng đùng. Công việc nhà binh được thực hiện ngay bên bếp lửa. Chúng tôi thay nhau báo cáo tình hình vận chuyển, bảo quản, phân phối hàng hóa, lương thực, vũ khí, nhất là các nhu yếu phẩm phục vụ bộ đội dịp Tết Kỷ Dậu sắp đến.

Có tiếng chày thậm thịch, thậm thịch… vọng đến. Đoàn trưởng Trần Trung hỏi Thảo: “Này! Cái chi mà nghe giống như tiếng chày giã cối đó, bây?”. Thảo vội thưa: “Dạ, báo cáo các thủ trưởng, trời mưa, chị em tranh thủ làm món bánh cuốn, liên hoan đón các thủ trưởng ghé thăm đại đội vận tải đó ạ”. Đoàn trưởng: “Sang rứa ta?”. Chú Hai Mô thật thà: “Dạ, báo cáo, báo cáo các thủ trưởng, có bao gạo bể tải bị ướt, chị em sáng kiến làm bánh cuốn thay cơm chiều”.

Mọi người gật gù đồng cảm tiếp tục công việc. Đại đội phó Hai Mô thêm củi vào đống lửa. Bỗng đoàn trưởng nhìn tôi rồi nói với tham mưu trưởng sư đoàn, giọng có vẻ căng thẳng: “Anh à! Tui chưa biết chủ trương lớn cụ thể ra răng. Nhưng sư đoàn rút của tui một đại đội trưởng xốc vác kiểu ni thì nói thiệt, nói rất thiệt, nghe mà tui choáng quá”.

Tham mưu trưởng: “Tình hình phát triển rất nhanh sau khi ta khai thông đường Trường Sơn Đông. Tôi nghĩ, không riêng gì cậu Thu mà cả anh nữa cũng có thể nhận một vị trí công tác ở nơi trực tiếp chiến đấu đấy. Nên mừng và chuẩn bị tinh thần đi anh Trần Trung ạ”. Đoàn trưởng Trần Trung nhìn sang tôi, hỏi như bản tính dân dã nóng nảy của ông: “Thu này! Nếu mi đi, đứa mô thay mi coi được cái đại đội quan trọng này?”.

Tôi đáp luôn: “Báo cáo  thủ trưởng có chú Hai Mô và cô Thảo đây ạ! Dạ! Đồng chí Đỗ Văn Mô, đại đội phó vào chiến trường từ sáu ba (1963), có rất nhiều kinh nghiệm xây dựng đơn vị vận tải; đồng chí Phạm Lan Thảo, đại đội phó trưởng thành từ chiến sĩ, nhanh nhẹn tháo vát, năng nỗ công tác đoàn thể đến mức không bao giờ biết buồn. Đồng chí Hai Mô còn có phẩm chất…”.

Chú Hai Mô liền chen lời từ chối: “Đại đội trưởng! Anh nên để cấp trên tìm người khác. Tôi già rồi! Chữ nghĩa tôi chỉ đủ cộng trừ nhân chia… khó gánh vác được việc lớn. Theo tôi, anh xin các thủ trưởng giao việc C ta cho con Thảo nó coi”...

Đang khi ấy thì chị Bi có hai lính trẻ giúp che nón, ô vải làm bằng tăng vào lán. Chị Bi bê lên một cái nắp xoong quân dụng lớn, trên chất đầy bánh cuốn nóng. Chị hơi mất bình tĩnh nói: “Dạ, tụi em biết các thủ trưởng đang họp… Dạ, nhưng chị em làm bánh cuốn… thứ ni có ăn nóng… mới ngon… Dạ! Tụi em mời các thủ trưởng giải lao… liên hoan ạ”. Thảo, chú Hai Mô đến giúp chị Bi đỡ khay bánh. Đoàn trưởng Trần Trung bắt tay chị Bi: “Cám ơn nữ đồng chí nha! Sáng kiến quá. Trông ngon thiệt!”.

Công việc và “liên hoan” bánh cuốn xong, các thủ trưởng đội mưa trở về đoàn bộ rồi vài ngày sau có quyết định gửi xuống, ra Tết ngày bốn tháng Giêng tôi trở về chỉ huy đại đội trinh sát chủ công của sư đoàn, chú Hai Mô cũng về sư đoàn làm trưởng binh trạm tiền phương.

Công việc chỉ huy quân chính đại đội do cô Thảo gánh vác cùng với hai cấp phó mới được đề bạt từ các trung đội trưởng tiêu biểu.
Ngày tất niên trời bỗng tạnh mưa và nắng rực ánh vàng về chiều. Không khí đón Tết vừa hân hoan, vừa bịn rịn vì ai cũng biết chỉ ít ngày nữa là kẻ ở người đi. Tuy vậy niềm vui đón xuân vẫn rộn rã cho đến quá giao thừa vài tiếng đồng hồ.

Vẫn giữ thói quen đi kiểm tra đốc gác vào ca cuối nên lúc gần sáng tôi đã trở dậy đi một vòng quanh doanh trại, kho bãi của đại đội. Ra đến cửa rừng, tôi nhận ra cô Thảo đang ngồi một mình trên mố đá thấp nhìn về hướng thành phố. Tôi đến chào và chúc Tết cô. Nhìn thấy hai mắt Thảo ngấn nước, tôi đoán cô ra đây để ngóng tưởng về nơi có những người thân yêu trong thời khắc thiêng liêng đầu năm mới.

Đoán vậy rồi mà tôi vẫn hỏi một câu đến ngớ ngẩn: “Thế ra, cô Thảo cũng có lúc rất buồn, đúng không?”. Thảo trầm tư đáp: “Buồn chớ đại đội trưởng! Nhứt là những dịp thế này! Dưới thành chắc ba má em cũng đang dành nhiều thương nhớ tới em đó!”. Tôi nói lời chia sẻ và xin lỗi Thảo. Cô lấy lại vẻ tươi tắn chúc Tết tôi rồi bỗng đặt câu hỏi: “Đại  đội trưởng này, theo anh, cái đặc điểm nhứt của C ta là chi, anh ơi?”. Tôi nêu ra một số đặc trưng của một đại đội vận tải có địa bàn phục vụ chiến đấu khá rộng, xa dân và thường bị biệt kích địch mai phục…

Thảo chăm chú nghe nhưng rồi cô nói như người sắp khóc: “Đại đội trưởng ạ, C ta, nữ nhiều nam ít, mấy anh là của hiếm đó, là khát vọng của lính nữ tụi em đó. Tuy vậy thích thì thích nhưng tụi em không bao giờ dám có ý nghĩ sở hữu cho riêng mình mô, anh.

Đại đội trưởng để ý coi, lúc đùa vui, ai cũng mạnh miệng nhưng nghiêm túc lại thì không ai dám tính chuyện riêng tư dù chỉ nửa ánh mắt. Đại đội trưởng có thấy chị Bi thương chú Hai Mô đến cỡ mô không? Chú nớ coi ra cũng nặng tình nghĩa với chị Bi lắm đó! Nhưng rồi đành cầm lòng nín nhịn bằng hết vì cái chung!”.

Thảo dừng cùng với động thái ghìm nén tiếng thở dài. Tôi rất hối hận vì gần một năm chủ trì trông coi đơn vị, tôi chỉ biết hết lòng vì cái chung như Thảo nói, tôi không nhận ra các góc khuất rất nhân bản mà Thảo đã cảm nhận và tinh tế phân giải.

Bỗng Thảo lại sôi nổi: “Phải thay đổi thôi đại  đội trưởng ạ!”. Tôi ngơ ngác chưa biết đáp thế nào thì cô tiếp: “Chiến tranh chưa biết khi mô dứt, tuổi trẻ thì cứ qua đi từng ngày cùng với bao công việc gian khổ, hy sinh mất mát. Phải tính sao để có yêu đương, có đôi lứa, có hy vọng để có nhân lực mà đánh giặc lâu dài chớ, anh Thu.

Đại đội trưởng này, trong bữa cơm tân niên trưa nay, anh tuyên bố cho chú Hai Mô với chị Bi đi nha! Anh hứa quyết liệt với em Thảo, đi anh!”. Như người sực tỉnh, tôi gật gật đầu: “Đồng ý! Đồng ý!”. Thảo níu hai bàn tay  vào tay tôi, bốn bàn tay chúng tôi trong nhau nóng ấm lạ kỳ.

Chúng tôi nhìn vào mắt nhau. Đôi mắt Thảo bừng cháy thứ ánh sáng kỳ lạ, đẹp và quyến rũ như màu sắc cầu vồng. Tôi cồn cào muốn đặt một nụ hôn vào đó nhưng không biết cách bắt đầu như thế nào. Song, tôi hiểu mình đã biết yêu…

Bình minh ngày đẹp trời đầu năm đã rực hồng ở hướng đông.

LÊ NGỌC MINH

;
.
.
.
.
.