.

Nghe tháng Tư về

.

Tháng tư, hoa loa kèn thắp nắng đẹp lên phố biển nhưng tôi nhớ lắm mùi hương của hoa xoan đầu ngõ quê nhà. Mùa hoa xoan tím dịu nhẹ, như gót chân người con gái quê mảnh mai, duyên dáng.

Tháng tư đang về, mùa hoa loa kèn bắt đầu bung trong sắc nắng giao mùa hanh hao nhiều nỗi nhớ. Bạn ở xa nhắn về, mùa hoa loa kèn đã nở, đúng dịp chúng ta già thêm một tuổi trước cuộc đời. Tôi về ngang quê, chợt lắng lòng khi ngửi thấy hương hoa xoan đầu ngõ. Những chùm hoa tím nhạt, thơm lây và rơi kín cả lối về.

Quê đó, không chỉ có mùa hoa loa kèn kiêu sa, mà còn dịu dàng một ký ức tươi nguyên với hoa xoan. Loài hoa của mùa sầu muộn, loài hoa kết nối giữa xuân-hè với niềm kiêu hãnh bung sắc tỏa hương bằng chính sức bật của mình. Thân cây xoan khẳng khiu giữa nắng gió, nhưng đến mùa lại cho đầy lộc non và hoa tím nhạt. Với thế hệ của tôi, có lẽ, hoa xoan là chùm ký ức ngọt ngào và đáng nhớ nhất.  

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ở phố, xa quê, xa những mùa hoa xoan ngọt dịu, đến mùa sinh nhật tháng tư chi chít nỗi nhớ đầy vơi nơi góc quán nhỏ, với tiếng chim xanh điểm tô cho buổi sáng. Với một bó hoa loa kèn mang hương sắc trắng trong, dịu nhẹ và mê đắm tim người.

Người đô thị chơi chim, mang chim đến các góc quán cà-phê và để chim nhảy nhót trong những chiếc lồng với nhiều hình dạng. Ngoài kia, bầu trời xanh và mây trắng. Những chú chim nhìn cuộc đời qua những thanh song của lồng chim. Màu hoa và màu nắng đan xiên trong kẽ tay người vừa buông xuống những sợi tóc mai.

Người đàn bà ngồi một mình bên khung cửa sổ nhỏ có trang trí những vật dụng “cổ” từ thời trước giải phóng. Chắc chủ quán này là người sống hoài cổ mà muốn lưu giữ ký ức của một thời đất nước đầy kham khó. Những chiếc bàn cũ, chiếc ra-đi-ô úa màu, chiếc bi-đông uống nước, mảnh vải dù… Hình như ký ức chen ngang trong cuộc sống bộn bề này khiến người ta đôi khi phải tìm cho mình một niềm riêng. Trên chiếc bàn kê vài chiếc bình cũ có cắm hoa sen là một xếp thư với những con tem rất cổ. Thư có người gửi mà không có người nhận. Dấu bưu điện để lại đã nhòe. Tôi không biết bên trong đó, những dòng chữ chứa

bao nhiêu thương nhớ đã ố màu thời gian chưa hay vẫn đậm đặc tình yêu thương và nỗi nhớ băng qua chiến trường lửa đạn. Tôi hình dung về một chốn bình yên giữa tiếng súng và thanh âm trong trẻo của gió, của nắng trong những giờ nghi binh. Tôi vẫn hình dung về một ngọn đồi thông với đầy lá xanh, với nhựa đỏ, với những bông hoa thông nở trong trẻo cả mùa hè chiến tuyến.

Tôi vẫn về ngang qua mảnh đất từng chia cắt hai miền Nam-Bắc và đã đứng lại rất lâu bên chiếc cầu lịch sử ấy. Tiếng khóc của dòng sông đang nhẹ vơi đi trong mưa gió xứ tảo tần này, ngọn cỏ cũng xanh hơn bởi dưới mặt đất kia, ngoài bom đạn, mà bước chân người lính, là máu của những chàng trai trẻ tuổi đôi mươi như chú ruột tôi-liệt sĩ Nguyễn Văn Thọ. 16 tuổi chú nhập ngũ trong những ngày quê tôi bom đạn tứ bề. Nhà nội, cháy nhiều lần vì trúng bom, nhưng như lời nội kể, cứ thư thư tiếng súng, nội dựng lại nhà, lợp bằng tranh mây. Nội nói, để có chốn đi về cho bộ đội, cho những đứa con trai của nội - nhưng chú tôi đi từ độ ấy đã không về!

Mẹ tôi là cựu thanh niên xung phong đã hiến cả thời thanh xuân cho quê hương với những vết thương chưa bao giờ lành lại. Với những nỗi đau, mất mát chưa thể nào bù đắp hết. Thời mẹ tham gia cách mạng, rồi gặp và yêu cha tôi trên chiến trường. Đám cưới của cha mẹ tôi, bà nội gánh đồ sính lễ - bằng một gánh nặng gạo và muối, băng qua bom đạn chiến tranh để đến được nhà ông bà ngoại. Đi bộ, hai từ gắn với tuổi thơ tôi cho đến năm tôi vào đại học.

Tôi đã hình dung về quê hương qua chi chít những hố bom. Những hố bom soi bóng mặt trời và soi bóng những tháng năm tôi với mái tóc hoe vàng chạy theo lũ bạn ra đồng. Cha tôi luôn cấm tôi la cà cạnh những hố bom đó vì sợ tôi sẩy chân trượt ngã.

Tôi cũng đã không ít lần nhừ đòn của cha với roi mây ông quất lằn lưng vì không nghe lời. Bởi ký ức xanh đó mà bây giờ, mỗi lần ai đó/hoặc cuốn sách nào đó/hoặc bộ phim nào đó viết/quay về chiến tranh, tôi đều cố gắng hồi sinh mảnh ký ức đã từng ngủ yên trong tim đó. Chợt bừng thức trong tôi, bằng tiếng chim chìa vôi sáng nay trong góc quán nhỏ.

Trong tiếng nhạc tỉ tê với những tình khúc vượt thời gian. Và sau hình ảnh người đàn bà ngồi lặng yên bên góc quán. Như thắc thỏm điều gì đó, về một ký ức đã nhòe trong lớp cắt thời gian. Trong nét vẽ của một ngày nối những sợi tóc đang xanh kéo nhau đổi màu ánh bạc.

Tiếng chim trong phố, như ngõ hẹp về quê tôi, tháng tư đang tới với nắng chói chang cùng bản hợp âm của đàn chim chìa vôi tự do ca hát.

Nơi này, nắng đang đan xen những làn sóng non biển biếc.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
 

;
;
.
.
.
.
.