.

Có một đứa trẻ bên trong người lớn (*)

.

Vén tấm màn đen của nhiều vụ án, người ta đau đáu trước vết thương lòng cào xước bởi những điều tưởng chừng vụn vặt...

Bìa sách “Những đứa trẻ bị mắc kẹt”. Ảnh: N.B
Bìa sách “Những đứa trẻ bị mắc kẹt”. Ảnh: N.B

Khi chạm tay vào bìa sách Những đứa trẻ bị mắc kẹt, tôi sững người trong giây lát bởi đâu đó, có những phút giây, tôi cũng loay hoay trong những vùng tối mà không tìm ra lối thoát. Có lẽ, không riêng tôi, mỗi người trưởng thành đều có hồi ức trẻ thơ mắc kẹt đâu đó trong hành trang ký ức mà nếu không được chữa lành, nguy cơ để lại rất khó đong đếm. Vì lẽ đó, Những đứa trẻ bị mắc kẹt không chỉ dừng lại ở các vụ án mà còn là tiếng kêu cứu của những vệt ký ức tuổi thơ.

Có những vụ án, cho đến khi bắt được thủ phạm, người ta vẫn không thể tin rằng kẻ gây án chính là người tốt bụng, tử tế với mọi người. Cuốn sách gồm 6 phần, tập hợp 5 câu chuyện về những kẻ gây án khó hiểu phần nào lý giải điều phi lý ấy. Lựa chọn lối tự sự - khi là hung thủ, khi là nạn nhân, khi là người có mối quan hệ thân thiết với nạn nhân, tác giả Kanae Minato đã khắc họa rõ nét tâm lý, tính cách nhân vật và cuộc đời của họ.

Tựa đề chương 1 Người thân yêu của tôi có phần giễu cợt khi nội dung câu chuyện lại là niềm ẩn ức của một người luôn cô độc trong gia đình của mình. Cô độc đến nỗi phải phẫn uất gào thét: “Nếu thế thì đừng có gộp tôi vào gia đình này cho xong, đúng là người thừa mà!”. Cô độc xuất phát từ cách giáo dục hai đứa con gái trái ngược nhau hoàn toàn: một đứa nghiêm khắc, một đứa chiều chuộng. Cô độc khi thường xuyên bị mẹ và em gái giễu cợt. Cô độc khi tiếng nói không được tôn trọng. Từng chút tủi hờn tích cóp từ ngày này sang tháng khác rồi có lúc bùng nổ dữ dội…

Nếu chương 1 ám ảnh sự cô độc thì chương 2 Ai là kẻ thù, ai là tri âm lại day dứt niềm đố kỵ. Cả ba người toàn những người có tên lạ lùng, đều ba mươi tuổi. Họ là ba tác giả biên kịch nhận giải thưởng cao nhất tại một cuộc thi. Từ đó, họ giữ liên lạc và trao đổi tác phẩm với nhau. Họ là tri âm nhưng cũng là kẻ thù. Họ luôn bị đè nặng áp lực phải vượt trội so với những người cùng nhận giải năm xưa. Nhưng có người thành công, có kẻ thất bại; có người bình thản, có kẻ ghen ghét… Muốn biết ai xem ai là kẻ thù, ai xem ai là tri âm phải nhẫn nại lật từng trang sách, đọc đến những dòng cuối cùng của chương.
Chương 3 Cô gái đầy tội lỗi lại phác họa một đứa trẻ luôn bị mẹ giám sát nghiêm ngặt và một đứa trẻ bị mẹ ngược đãi. Cả hai đều không có cha và sống trong nỗi sợ hãi.

Gia đình vốn là nơi ấm áp lại trở thành sự kinh hoàng, gieo những hằn học lớn lên trong tâm hồn thơ bé. Để rồi, nỗi đau giãy giụa làm tổn thương không chỉ trẻ mà còn nhiều người khác. Ở chương 4, nạn nhân và hung thủ đều gồng mình mang “vỏ bọc” Người tốt bụng, luôn mỉm cười hiền hòa trước mọi người, mọi chuyện theo sự dạy bảo của cha mẹ. Mong cầu con trẻ có tâm hồn nhân ái là điều tuyệt vời, nhưng có lẽ phương pháp ép buộc và thiếu lắng nghe cảm xúc của con từ các bậc phụ huynh đã khiến việc giải tỏa ẩn ức trở thành bi kịch.

Chương 5 Đứa trẻ bị mắc kẹt và chương 6 Người mẹ tuyệt vời cùng kể một câu chuyện nhưng ở hai góc nhìn: của con gái và của người mẹ đơn thân. Đứa con gái bị mắc kẹt trong giấc mơ của mẹ nhưng không phải là giấc mơ bản thân mong muốn. Người mẹ với tình thương con cháy bỏng, chỉ muốn con có được những điều tốt nhất lại vô tình giam hãm ước muốn của con. Không ai chịu giãi bày với đối phương tâm nguyện của bản thân. Mâu thuẫn lớn dần, đẩy hai người thân duy nhất về hai phía xa lạ…

Không có những đoạn miêu tả gân não, chỉ bằng nghệ thuật tự sự và cú lừa ngoạn mục thường thấy trong văn học trinh thám, Kanae Minato đã giữ người đọc ở lại với từng trang sách. 270 trang sách không chỉ là những vụ án mạng mà còn là ẩn ức tuổi thơ, chứng ám thị, bệnh hoang tưởng, sự cô độc... 270 trang sách còn là câu hỏi chát đắng của người viết về việc nuôi dạy và lắng nghe trẻ như thế nào là đúng, để không còn những-đứa-trẻ-bị-mắc-kẹt. Đọc Những đứa trẻ bị mắc kẹt để soi thấu mình đâu đó và chiêm nghiệm về những điều đã qua, những điều sẽ đến…

Sinh năm 1973 tại Hiroshima (Nhật Bản), Kanae Minato là nhà văn về tiểu thuyết tội phạm, nhà biên kịch phim kinh dị, nổi tiếng là tác giả giỏi khắc họa tâm lý nhân vật. Cô là tác giả của cuốn tiểu thuyết Thú tội, đã được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng với tên gọi Confession vào năm 2010.

NAM BÌNH

(*) Đọc Những đứa trẻ bị mắc kẹt - Kanae Minato, Phan Thanh dịch. NXB Thế giới và I love books phát hành tháng 6-2019.

 

;
;
.
.
.
.
.