.

Gạo nở tháng ba

.

Luân đúng nghĩa là cái thằng chỉ biết nấp dưới bóng cây hoa gạo. Trong khi đám bạn học chung cấp 3 đã bay đi tận đẩu tận đâu, đứa Sài Gòn, kẻ Đà Nẵng, có người sang tận trời Âu thì Luân lại quanh quẩn “đốt” bốn năm sinh viên ở một trường đại học không tiếng tăm của tỉnh. Nhận bằng tốt nghiệp xong, Luân dọn trọ gói đồ về nhà làm bún. Thành ra Luân đi miết không xa được cái xã Yên Sa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhàn hay điện về, giục Luân ra thành phố kiếm việc vừa làm vừa học thêm lên. Nhàn trách Luân không có chí tiến thủ. Nhàn bực Luân suy nghĩ có một khúc, chẳng lớn được, chẳng dám ra đời mà va vấp bon chen với người ta. Mấy lần Nhàn đòi chia tay, khóc lên dỗi xuống, rồi Nhàn thôi. Cô cho Luân thời gian một năm, Nhàn không thể mở miệng xin gia đình cho cưới một thằng làm bún được. Mặc dù Nhàn cũng biết, với cả tạ bún một ngày, có khi mỗi tháng Luân kiếm được mấy triệu tiền công cho riêng mình. Nhưng tính kỹ đó vẫn là tiền của ba má Luân.

Không nói thẳng ra chứ chẳng qua là Nhàn sợ, về nhà Luân làm dâu rồi lại dính đời mình với cái lò than nồi nước nớ. Thay vì dầu thơm quyến rũ thì cả người lại phảng phất thứ mùi chua lè của bột luộc, thay vì son môi phấn má thì chỉ có tro khói xám mặt cay xè mắt.

Luân hiểu, dù anh không ham hố cao xa, không mong danh vọng, không cầu tiếng tăm, thì Luân cũng tính thực hiện mơ ước của mình. Luân sẽ trở thành lập trình viên xuất sắc, ban đầu sẽ chịu làm nhân viên công ty phần mềm, sau đó tự tạo nhóm làm dự án. Nhưng thời gian ni thì chưa được. Ba Luân quá bận việc ở xã, mọi thứ đổ dồn lên má, trong khi bà lại đang trong thời kỳ chữa bệnh. Đợi ba thong thả, má khỏe lại, kiểu chi Luân cũng sẽ ra thành phố với Nhàn thôi. Luân tính miết với cái lò bún của ba, tưởng xí là xong mà quần quần mất hơn năm rưỡi.

Một tối, má tắt điện ngồi thin thít trong buồng ngó ra. Đáng lý, Luân đi chơi về giờ ni là sẽ bị má chửi té tát. Sự im lặng bất thường luôn là dấu hiệu của một điều tồi tệ đang diễn ra. Tiếng má từ trong bóng tối: “Ba mi bị bắt tại trận với con nhỏ nớ”. Con nhỏ thư ký ở cơ quan xã, mới ba mươi lăm tuổi, vì kén quá mà chưa chồng con, mang tiếng ế nhưng lắm thằng bu đen đỏ nhờ dẻo miệng, giỏi đòng đưa.
Luân khựng người, hai vai và đầu nặng trịch tưởng như trần nhà vừa sập xuống. Luân không đỡ nổi, anh bỏ ra ghế đá nơi treo mấy chậu lan rừng của ba. Lạnh toát, chắc là do sương rớt xuống đọng trên ghế.

Hồi nớ ba chỉ là anh nông dân có trong tay mỗi cái nghề làm bún gia truyền, một mảnh ruộng nhỏ xí, và nụ cười khù khờ. Má thì như bông hoa gạo đỏ giữa Yên Sa, đẹp từ dáng người, sáng bởi tính cách. Má theo ba về đây làm dâu, trai làng má chạy theo tiếc hùi hụi. Nghe đồn, có kẻ còn xách dao qua chặt vô thân cây gạo mấy nhát, trách hoa kia rực thắm làm chi mà lại vô tình. Là hoa dụ dỗ người. Hoa nở như trời sao bên ni cầu Gió Bay, người bên tê cầu có mê cũng chỉ đứng ngắm đằng xa.

Ba cưng má lắm, dành tiền cho má đi học làm giáo viên mầm non. Má sanh chị hai, rồi đẻ Luân, ba đều thuê người chăm sóc đàng hoàng. Ngoài công việc ở xã, ba thức tối khuya canh nồi than hơ lửa, pha bình nước cơm loãng, mua từng lon sữa Ông Thọ khi má tắc sữa. Đến mùa cấy, mùa gặt, ba xót má ra đồng cực mà ráng dậy sớm nấu cơm, kho cá, quậy nước chanh cho má đem theo. Trừ những bữa nhậu nhẹt ra, ông luôn giành làm bún, để má có thời gian cắt dán mấy đồ chơi cho tụi con nít trong lớp mẫu giáo.

Xã tuyên dương nhà Luân là một gia đình kiểu mẫu. Nhưng trong mắt mấy bà quần xắn tới háng lội ruộng, móng tay dính bùn ở thôn thì ba má Luân rất nực cười. Họ ganh ra mặt, nói xấu thẳng lời chớ chẳng thèm cạnh khóe cho tốn công má suy đoán.

Ta nói chớ, đầu hai thứ tóc, sắp lục tuần rồi còn học đòi đám thanh niên choi choi, bày đặt gọi vợ là “bé iu”. Một tiếng “bé”, hai tiếng “anh”, nghe buồn nôn!

Thói đời là rứa, đứng trước hạnh phúc của người khác, được mấy kẻ thật tâm vui cùng. Nhưng khi người ta đau khổ, họ thường dễ cảm thông vờ an ủi hơn.

Từ trước tới chừ, gia đình Luân luôn mang cái mác hạnh phúc.

Đằng sau cánh cửa mà ai cũng ngỡ là bình yên êm ấm nớ, là bao nhiêu mệt mỏi, có giả dối hay thiệt lòng, chỉ một mình má biết. Cho tới bữa ni, khi mọi thứ vỡ lở, cả Luân cũng bất ngờ.

Luân chưa từng nghĩ tình cảm có thể chết tức tưởi như rứa. Kiểu một sớm, ba nhìn thấy má quá chướng mắt, ra vô càm ràm, lên xuống chua lè toàn bột với bún, bụng thì sề mặt thì nhăn. Lâu ni vì một lý do lãng nhách mô đó, ba không phát hiện ra, tự dưng người đàn bà kia xuất hiện, đã giúp ba “khai sáng”. Có lẽ tình yêu là thứ cảm xúc rất nhanh nguội lạnh, người ta cưới nhau về mấy chục năm trời rồi, còn đâu mới mẻ để mà nhiệt thành như ngày đầu. Chắc vợ chồng đều sống với nhau bằng cái nghĩa. Để khi ta đã không còn tha thiết chi nữa với đoạn tình cảm nớ, với con người nớ, thì việc phản bội hay lựa chọn ra đi là điều tất yếu.

Mấy bà ra ruộng nhỏ to với nhau. Tưởng là nói sau lưng, ai dè gió đưa lời mắc lên cành hoa gạo, lá rụng xuống ngay tai Luân. Nhà dột từ nóc, cái dòng ngoại tình dễ di truyền lắm, mấy đứa con gái cứ ngó ba thằng Luân mà né. Coi mặt hiền lành rứa thôi, toàn giả đò cả, chẳng ai biết mô mà lần. Đó, xem đi, bày đặt cưng vợ thương con. Chừ thì hiểu rồi ha, bận công bận chuyện ở xã chỉ là cái cớ để trai gái mèo mả với nhau thôi.

Câu chuyện rùm beng khắp cái Yên Sa bé xí, lan qua tận bên nhà Nhàn ở xã Yên Hồng bên kia cầu Gió bay. Luân sợ ba má Nhàn cấm cản hai đứa. Đã có cớ Luân không nghề nghiệp ổn định, chừ lại thêm cái “dớp” của gia đình. Luân nuốt miếng cơm mà nghẹn ngang ngực. Chắc do gạo má nấu thiếu nước nên không nở.

Ba bị cách chức, ai thèm tin loại người đạo đức giả nớ nữa. Nông dân toàn người chân chất, nói răng làm rứa, có mô cái kiểu tệ bạc với vợ, trai trên gái dưới. Phải kỷ luật cho nhục mặt ra mà chừa.
Luân kêu má li dị, nhưng bà không chịu. Thôi con, dù răng ổng cũng mất trắng rồi, mấy mươi năm trời ăn ở với nhau chớ phải ngày một ngày hai. Trong nhà vẫn im ắng như tối hôm trước, tới nỗi giàn lan sợ tạo ra tiếng động mà chẳng dám nở hoa. Cả một đời má chưa bao giờ lớn tiếng, dù khi trước hạnh phúc hay bây chừ đớn đau. Có lẽ Luân sống còn quá ít, nên không thể nào hiểu được sự thứ tha của má là tại cam chịu hay do nghĩa tình.

Bữa Nhàn ghé chơi, Luân bắt gặp má len lén giấu giọt nước mắt.

Đời hai đứa còn dài lắm, đừng vì chuyện của cô chú mà quyết định sai lầm. Luân nó là người như răng, con hiểu rõ nhứt mà. Sau ni tụi con sẽ hiểu, vợ chồng đôi lúc sẽ có chuyện chén bát xô nhau. Quan trọng là người biết sai mà sửa.

Nhàn nhìn Luân thở dài. Ba là ba, con là con, cô tin Luân. Tin như con bé năm tuổi từ xã Yên Hồng chạy qua cầu Gió Bay ngắm hoa gạo, trượt chân té chảy máu, được anh Luân cõng về tận nhà. Tin như một năm nay Nhàn đợi Luân ra thành phố kiếm việc làm. Tin như khi nghe chuyện, Nhàn không hề sợ Luân nổi nóng đập đồ chửi ba hay đi kiếm bà kia tính sổ.

Luân vẫn bực má, ăn xong cái Tết, anh quyết ra thành phố kiếm việc. Ba im lặng để Luân đi, chắc vừa lòng ông lắm. Thằng con trai của ông sẽ nhìn bạn bè mà học hỏi, không ăn bám gia đình, không phụ thuộc vô lò bún của ông nữa. Nó có đi chơi qua đêm tới sáng thì cũng chẳng có ai gọi điện la mắng gọi về. Luân sẽ làm cho ba thấy, Luân khác ông. Luân cũng phải chứng minh cho ba má Nhàn biết, Luân là đứa xứng đáng.

Tháng ba rồi, hoa gạo sẽ nở rực như đuốc lửa giữa trời. Luân mơ, một ngày anh đi qua cầu Gió Bay rước dâu. Tà áo dài thắm đỏ của Nhàn bay phấn khởi, nụ cười của cô cũng tươi như cánh hoa trên cành.

Nhàn ở lại với má Luân ít ngày. Hồi nhỏ Nhàn qua nhà Luân ăn cơm ké nhiều tới nỗi người ta tưởng Nhàn là con rơi của má. Chắc rứa mà chừ Nhàn không thể kệ má Luân như anh được. Nhà ngoại Luân cách nhà Nhàn chỉ mấy bước chân, mỗi lần má Luân qua bên tê cầu thì đều mang theo cho Nhàn ít bông hoa gạo để cô cài tóc. Ba Nhàn lại quý má Luân lắm. Nếu chẳng phải má Luân theo ba anh về bên ni, thì có khi bà đã thành má của Nhàn rồi cũng nên. Đời là rứa, tin sai người, thay đổi cả số phận. Mặc dù ba Nhàn không để bụng ghim thù, nhưng ông vốn dĩ chưa khi mô ưa ba Luân.
Một bữa Nhàn nói với má Luân trước khi rời Yên Sa.

- Con biết anh Luân sẽ tốt hơn ba ảnh nhiều. Nhưng ba má con thì không tin.

Tình yêu trên đời vốn dĩ chẳng hề mong manh. Là lòng người nhanh nguội lạnh, lại cứ đổ thừa cho duyên mỏng. Mấy ai ôm hoài một giấc mơ xưa cũ để chờ mãi kẻ không thể mang nắng ấm cho đời mình. Nhàn đã cố đợi Luân trưởng thành, nhưng ba má cô và thời gian thì không thể đợi. Biết trách ai bây chừ.

Má gọi Luân khi anh vừa được nhận chính thức vô làm trong một công ty ở Đà Nẵng. Má vừa nằm viện cả tháng, một tay ba chăm sóc chẳng càm ràm. Sau cơn chếnh choáng, ba lại thương má như trước, hay do ông cảm thấy cần chuộc lỗi, Luân chẳng rõ.

Tháng ba, nghe má nói cây hoa gạo đã nở đỏ bên ni cầu Gió Bay. Nhưng bên tê cầu, Nhàn chẳng chịu sang sông nữa.

Ny An

 

;
;
.
.
.
.
.