.

Nhớ rẫy tranh làng

.

Một người bạn facebook vừa chia sẻ lại tấm hình chụp ngôi nhà tranh vách đất, cạnh đó là cây rơm đã qua mùa băng giá, màu đã bạc cùng gió mưa. Hình ảnh thật giản dị, hiền hậu mà gợi niềm xúc động sâu xa. Nỗi nhớ dắt dìu tôi về nẻo quê, nơi cái rẫy tranh làng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trừ mấy ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương tuổi đã hơn thế kỷ, làng tôi toàn nhà tranh vách đất. Tranh dùng để lợp nhà, làm phên. Nếu thừa lắm mới dùng tranh nhen lửa và đuốc đi soi cá. Bởi vậy, rẫy tranh là một phần không thể thiếu của gương mặt làng quê. Mà tôi nhớ, ngày xưa, những ngọn đồi sừng sững phía đông bắc, hoặc phía đông làng tôi đều chủ yếu là tranh. Rẫy tranh mênh mông vậy nhưng cũng có ranh giới của từng nhà. Ranh giới ấy có khi chỉ là ước lượng từ một gốc cây, hay từ bờ đá, bậc đá nhỏ.

Rẫy tranh làng tôi có cái tên mới nghe đều rợn người: rẫy tranh Vườn Mồ. Nhưng thực ra tôi chẳng thấy ngôi mồ nào cả. Tôi cũng chưa từng nghe ai kể chuyện gặp ma ở đây. Có lẽ tên gọi này từ rất xa xưa, không ai lý giải được. Rẫy tranh này bọc nguyên cả ngọn đồi, rất đẹp. Tranh có sức sống rất bền bỉ, khó có loài cỏ nào chen vào sống được với chúng. Mùa đông, đồi tranh nở hoa trắng bạt ngàn, bông tranh mềm mại và ngắn hơn bông lau. Mỗi năm, vào khoảng tháng năm âm lịch, người dân quê tôi đổi công nhau lên rẫy cắt tranh. Tranh phải cắt vào ngày nắng giòn. Loại hái dùng cắt tranh khác hái gặt lúa ở chỗ, phía sống lưng của hái là mấy cái răng bằng tre để “chải” tranh.

Tranh đến độ già nhất, sẽ được cắt sát gốc, xếp theo từng hàng gọn ghẽ, để sau này dễ cuốn lại thành từng bó. Giai đoạn cuốn tranh là vất vả nhất. Vì phải cuốn giữa trưa nắng, lúc tranh khô giòn nhất. Có thể cũng là để tránh những cơn mưa dông đầu hạ bất chợt làm ướt tẹp nhẹp, làm giảm sức bền của vật liệu mong manh này. Những ai từng cắt tranh, cuốn tranh mới thấm thía nỗi vất vả muôn phần của người dân quê. Mồ hôi túa ra như tắm giữa cái nắng oi nồng của trưa hè gay gắt.

Thu hoạch tranh, sợ nhất là mưa, nên dù rất mệt, ai ai cũng cố gắng để những bó tranh được gánh về chất vào một bên giàn củi mới yên tâm. Để có trên cả trăm tấm tranh lợp nhà, công đoạn quan trọng là chặt tre chẻ hom ngâm dưới bùn mấy tháng để tránh sâu mọt, rồi đánh (bện) tranh. Mỗi cặp hom dài ngắn tùy theo vị trí được lợp trên mái nhà. Không phải ai cũng biết đánh tranh. Làng tôi có những người nổi tiếng đánh tranh nhanh, đều, đẹp như cậu Bảy Phục, cậu Lễ… Nhìn những bàn tay thoăn thoắt đánh tranh, chải tranh, thích phải biết. Nhà lợp tranh, hai năm thay mái một lần để tránh dột ướt. Nhà tranh vách đất, vẻ đẹp của làng quê một thời, giờ chỉ còn trong ký ức…

Vào độ xuân này, rẫy tranh làng tôi xanh ngút mắt. Gió lao xao hay lá tranh chơi trò đuổi bắt, uốn lượn như sóng biển. Đám thợ săn lấy hên đầu năm quảy lưới, dắt chó đi ngang đây, sợ nhất là gặp con tê tê. Vì dân gian gọi con tê tê là con trút. Gặp trút xem như cả năm xui xẻo, của cải sẽ bị “trút” hết. Mà hồi xưa, tê tê rất thích làm hang nơi các bờ rẫy tranh, nhiều lắm. Bây giờ thì rẫy tranh không còn, mấy cây gạo cây gòn cổ thụ cũng vắng bóng, những chú tê tê cũng đã làm cuộc viễn du nơi đâu…

Đứa trẻ tôi ngày nào giờ đã thấy thời gian lấp lánh trên mái đầu. Rẫy tranh làng ngày nào giờ toàn những cây keo. Ôi,“tuổi thơ qua mau quá, tôi ngỡ như ngày nào…”! Không. Dư hương ký ức vẫn đong đầy. Vẹn nguyên màu nhớ.

Nguyễn Thị Diệu Hiền


 

;
;
.
.
.
.
.