.

Phố không mùa

.

“Anh thèm rúc vào tóc mình như lá thèm vạt cỏ mềm để đậu xuống. Thật đấy mà…”. 

 Lần đầu tiên nghe anh thổ lộ mong muốn thầm kín ấy một cách rất sến sẩm, cô cười phá lên. Cái gì mà “lá” với “cỏ” cơ chứ. Anh có mà là “lá quả tạ” ấy. Người gì mà đi đến đâu rung chuyển đến đó. Mặt chưa thấy đâu tiếng đã rổn rảng như loa phường hỏng tăng âm. Râu tóc thì chẳng chịu dọn dẹp gì cả trông bờm xờm cứ như tarzan mới tái hòa nhập cộng đồng. Mỗi lần anh cắt tóc cạo râu chắc phải thuê máy xén cỏ chuyên dụng! Trần đời làm gì có cái lá nào gai góc xù xì và “hoành tráng” như anh cơ chứ. Nếu có thì chắc hẳn là thuộc về thế giới của khủng long thời tiền sử để cho tương xứng về mức độ “hoành tráng”! Chưa kể cái tật đốt thuốc nghi ngút cứ như thể sắp cháy nhà đến nơi. Vạt cỏ nào mà chứa được cái “lá quả tạ” và khét mù là anh cơ chứ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

“Tóc mình thơm lắm mình ạ. Mình gội gì mà thơm thế. Mình cho anh xin tí thơm của mình đi”.

Mặc kệ cô cười. Anh chẳng buồn tự ái trước những trêu chọc, châm chích của cô. Ngược lại anh thấy sung sướng, hân hoan vì được vùi mặt vào mái tóc mềm mượt của cô, được nghe tiếng cô nhẹ như gió, được đắm mình trong ánh mắt thông minh tinh nghịch của cô, được chạm vào cô bằng da bằng thịt chứ không phải những cơn mơ hoang hoải cất lên từ một xó rừng nào đó. Những cơn mơ mà khi choàng tỉnh nửa chừng anh chỉ còn nghe thấy bên mình tiếng côn trùng ảo não và mùi sương giăng ngai ngái, ứa lạnh. Ảo ảnh về cô vỡ vụn trong tích tắc, để lại cho anh nỗi trống trải không gì bù đắp nổi. Trời ơi chỉ còn chút nữa thôi môi anh đã chạm được vào môi cô thơm ngọt như kẹo. Những giấc thức nửa chừng không tài nào ru giấc ngủ quay lại. Anh nằm trở mình trên nền chiếu khét mù mồ hôi, mường tượng ra gương mặt cô trong veo, thánh thiện. Thỉnh thoảng anh lại giật mình bởi những tiếng ú ớ của gã bạn giường kế bên. Xen giữa những tiếng nghiến răng, tiếng khò khè, nói mớ là những cái tên phụ nữ cất lên thảng thốt giữa mùi đàn ông nồng nã, khát khao.

“Mình ơi sao mình thơm thế. Mình có trốn đi đâu anh cũng theo mùi hương này mà tìm được mình!”.
Anh không thể nào có thể diễn tả hết cảm giác bình yên, hạnh phúc mỗi khi được trở về bên cô. Không còn nắng sém mặt giữa ngổn ngang xi-măng, sắt thép. Không lo công trình chậm tiến độ phải thắp đèn thi công quần quật cả đêm. Không lo lũ từ thượng nguồn đổ xuống bất chợt. Không những đêm ngồi trông trăng, đập muỗi rát cả tay và nhớ phố đến quặn lòng. Cả một bầy đàn ông lộc gộc, nay đây mai đó. Buồn cũng rượu mà vui cũng rượu. Đám có vợ có con đề huề thì sốt ruột lo con thi chuyển cấp, lo tang ma giỗ chạp trong quê không về được, lo vợ bị hàng xóm bắt nạt vì nhà thiếu bóng đàn ông. Đám đực rựa phòng không thì lo ế vợ, suốt ngày nấu cháo điện thoại, chat facebook hay lang thang vào xóm à ơi tán gái cho qua ngày.

Công trình ở đâu thì người đi tới đó. Cơm đường cháo chợ. Ốm xơ ốm xác mà không có lấy một bàn tay phụ nữ chăm sóc vỗ về. Cái nghiệp nó thế rồi, anh không than thân trách phận. Có công việc nào là dễ dàng đâu. Hơn nữa anh cũng yêu những cung đường thơm mùi nhựa mới, từng đoàn xe hớn hở chạy băng băng, chấm dứt cảnh xe cộ ì ạch chạy vòng quanh mà vẫn gặp ổ trâu ổ gà xóc lồi mắt. Anh có thể mê mải hằng giờ ngắm bản thiết kế một cây cầu mới hay đi bộ không biết mỏi trên con đường vừa trải nhựa. Nhưng anh luôn thèm cảm giác trở về bên cô. Khi ấy anh thấy mình như tiếp thêm năng lượng. Anh tắm mình trong mùi hương con gái thật khác biệt từ cô. Mỗi ngày sẽ đi qua thật chậm, thật êm đềm. Rồi trong thảng thốt tiếng chuông đồng hồ ngân vang, anh lại thấp thỏm tính ngày ra đi…

Cô thấy mãn nguyện với không gian nhỏ hẹp ấm cúng trên tầng 5 của khu tập thể cũ chi chít dây điện và biển quảng cáo khoan cắt bê-tông. Căn phòng cô ở chỉ hơn 30m2 nhưng lúc nào cũng cắm sẵn một bình hoa hồng thơm. Hoa hồng đợi anh trở về, hơi thở của anh sẽ làm lay động tấm rèm cửa và nụ cười rám nắng của anh cho cô biết ánh sáng của bình minh. Họ sẽ ngồi bên nhau cùng thưởng thức một bình trà hoa cúc và sưởi nắng ngoài ban công để bắt đầu cho một ngày mới. Một cuốn sách cùng chụm đầu vào đọc trong buổi chiều quên gió mùa về. Một bản nhạc không lời chạy bằng băng cối trên đầu đĩa than dù hơi rè nhưng gọi nhiều đắm say vào mỗi tối.

Anh biết vì thương anh nên những ngày anh trở về, cô sẵn sàng nghỉ việc để dành cả ngày bên anh. Mặc kệ phố ngoài kia mùa đang trôi. Căn phòng của cô không có mùa. Đó là nơi bão dừng lại trước cửa. Giá lạnh mùa đông cũng không thể chạm tới. Nắng nỏ bức bối mùa hè cũng phải nói chào tạm biệt. Cô làm vạt cỏ mềm cho anh đậu xuống. Bình yên…

Anh có cảm giác trong căn phòng nhỏ của cô, thời gian không trôi để tay đan vào tay không bao giờ biết mỏi, tóc đan vào tóc cho đầy một miền yêu. Phố ngoài kia vẫn ồn ã, không hề biết một ốc đảo đã mọc lên giữa chốn xô bồ, khước từ lời mời gọi của các cửa hàng cửa hiệu lấp lánh, dập dìu trai thanh gái lịch xúng xính áo quần. Ốc đảo chỉ có anh và cô. Không cần bận tâm rạp chiếu phim gì mới. Không bận tâm áo quần mùa sale off. Không bận tâm đến những tiếng còi xe; tiếng rao bán mì; tiếng thu mua đồng nát sắt vụn; tiếng loa chào mời ép dẻo ép plastic bằng khen, bằng lái xe vóng vót từ dưới ngõ vọng lên. Không điện thoại, không mạng internet, không check in facebook mỗi ngày. Mặc cho tiếng chuông cửa phát hàng khuyến mãi hay tờ rơi quảng cáo có thể vang lên bất kỳ lúc nào. Họ sẽ cùng vờ như không nghe thấy gì. Chuông cửa pinh poong chán chê rồi cũng nản. Trả lại không gian yên ả cho hai người yêu nhau. Họ nào còn cần gì hơn thế.

“Mình ơi sao mình thơm thế…”.

Anh là lá đậu vào tóc cô mê mải, không nỡ lìa xa.

Anh thường chờ cho cô chìm vào giấc ngủ, vì khi cô ngủ sâu nhất thì những ngón tay cô sẽ bắt đầu cựa quậy khe khẽ trên ngực anh như những mầm lá trở mình. Phát hiện này khiến anh thích thú. Vậy là anh sẽ có thêm những bí mật để mỗi khi nhớ về cô anh có thể đem ra “gặm nhấm”. Cô chính là báu vật của anh. Chỉ có cô mới xoa dịu những mất mát tổn thương trong anh. Chỉ có cô mới thuần hóa được con người xù xì gai góc là anh. Nhất định anh sẽ nói điều này với cô vào một lúc thích hợp. Anh không sợ cô cười khi tiết lộ ra bí mật thầm kín ấy mà chỉ sợ hiện thực này bỗng tan biến mất như chưa từng tồn tại. Nên anh vẫn còn cất giấu nó cho riêng mình.

 Cũng lạ, trên những cung đường lang bạt nắng gió, anh luôn thèm về phố, giữa chăn ấm nệm êm để ngủ bù những ngày trở giấc giật mình giữa mênh mang đồi núi, vậy mà khi bên cô anh chỉ muốn thức thật lâu. Anh tiếc thời gian sẽ tiêu mất vào những giấc ngủ dài. Mà phố chẳng thể giữ anh được lâu. Còn những công trình ở phía trước. Phố là bến đỗ vội vã trên hành trình của anh. Cô là vạt cỏ mềm cho anh bình yên. Anh tha thiết những giây phút này. Như thể được tái sinh. Rồi lại hối hả ra đi. Không dám hẹn trước ngày về…

Tám năm. Cô có cần chờ đợi lâu đến như thế không?

Cô nhận được câu hỏi ấy nhiều đến mức khi ai đó nhìn cô, môi vừa bắt đầu cử động thì cô đã chuẩn bị sẵn câu trả lời.

“Em ổn mà. Em không sao”.

Nhưng tại sao cô vẫn nhẫn nại chờ đợi ngay cả khi không có bất kỳ lời hứa hẹn nào để lại? Cô vờ như không nhận thấy những nếp nhăn bắt đầu hằn trên khóe mắt? Cô vờ như không hay biết thịt da mình ngày một hao khuyết, mong manh? Cô khước từ cả những cơ hội tốt hơn để làm việc vì như vậy sẽ phải chuyển đến nơi khác. Và anh sẽ mất dấu cô nếu quay trở về. Họ sẽ lạc mất nhau mãi mãi.
Nhưng khi nào anh quay về? Tám năm trôi qua không một lá thư nhắn nhủ, không một cuộc điện thoại hò hẹn. Mọi nỗ lực liên lạc với anh đều thất bại vì tình trạng “ngoài vùng phủ sóng”. Núi cao rừng sâu, con người tìm nhau sao gian truân quá. Số phận anh đã gắn với việc phá đá mở đường. Những con đường sẽ còn dài mãi và chúng dẫn anh ngày càng đi xa khỏi cô hơn. Nếu có cuộc trở về, thì cũng chỉ là một hành trình vội vã lội ngược ký ức nhòe mờ. Vậy thì sao cô vẫn chờ một cách ương bướng và gan lì? Tám năm bặt tin, đó chẳng lẽ chưa đủ trả lời cho niềm hy vọng viển vông của cô? Phố đâu còn là nơi anh muốn trở về?

Cô vẫn giữ căn phòng giống y nguyên như lần cuối cùng họ gặp nhau. Chiếc ghế gỗ sơn xanh kê chéo ngoài ban công. Kế ngay đó, chiếc bàn chỉ nhỏ bằng hai bàn tay đóng ghé vào tường lúc nào cũng đặt sẵn bộ ấm trà sạch bóng, nhưng đã lâu mùi trà cúc không còn dậy hương. Cô bỗng nhiên không chịu nổi mùi thơm nhức nhối của nó. Mùi thơm khiến nỗi nhớ trong cô sưng tấy. Ngày ngày cô vẫn ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế gỗ sơn xanh, hai tay ôm bình trà rỗng và ngắm giỏ hoa mười giờ nhẫn nại chờ nắng suốt mùa đông. Những ngày trời u ám, lất phất mưa cô thường trốn trong phòng để đọc sách. Ở góc phòng vẫn hiện diện bộ đầu đĩa than mà anh mua tặng cô ngày nào.

Nhưng khác với tám năm trước, giờ đây bộ đầu đĩa nằm im lìm phủ vải hoa, nhẫn nại chống chọi với cuộc xâm lấn của hoen rỉ đang diễn ra từng ngày từng giờ. Không âm thanh nào còn phát ra từ chiếc đĩa cũ kỹ ấy được nữa. Chiếc gạt tàn đặt cạnh cửa sổ cô mua để chiều sở thích hút thuốc của anh giờ không còn dấu vết của mùi thuốc lá. Vậy mà có lúc, chắc là do hoa mắt, cô thấy từ miệng chiếc gạt tàn, một làn khói mơ hồ cất lên. Chiếc rèm cửa kề ngay đó bỗng phập phồng như người đang thở. Tim cô nghẹn thắt lại, hai mắt cố căng lên để nhìn mà chỉ nhòa nhịt một màu nước nhạt nhòa.

Cô vẫn dành một ngăn tủ quần áo cho anh. Cô vẫn đi lựa những chiếc áo hợp với anh để mua về, treo ngăn ngắn trong tủ. Anh chỉ cần mở tủ ra là quần áo đã sẵn sàng chờ người mặc. Mỗi khi nghe thời tiết báo gió mùa đông bắc về, cô lại lục tìm chiếc khăn quàng cổ khoác lên cổ áo cho anh. Như vậy anh sẽ không lo bị lạnh. Có lúc nhớ anh, cô lồng chiếc áo của cô vào trong chiếc áo khoác của anh.
Vậy mà đã tám năm.

Cô không dám tin đã tám năm trôi qua.

“Anh thèm rúc vào tóc mình như lá thèm vạt cỏ mềm để đậu xuống. Thật đấy mà…”.

Cô vùi mặt vào gối. Có cách nào để quên đi một người mà mình đã yêu thương? Nhưng làm sao phải quên? Cạnh cô, chiếc gối của anh nằm im lìm. Một vệt lõm mờ hằn trên gối, như thể anh vừa mới ngồi dậy đi ra ngoài rồi sẽ quay trở về bên cô nhanh thôi. Tám năm trôi qua khiến cho mùi mồ hôi của anh lưu trên gối giờ đã chuyển sang một thứ mùi cũ kỹ của sự quên lãng, nhưng cô vẫn đặt nó ở đó - bên cạnh cô.

“Hình như nó cưới vợ lần hai rồi. Ôi, đàn ông, tin làm gì em ơi…”.

“Tao nghe nói gã từng có một đời vợ và một đứa con gái. Trai cầu đường nay đây mai đó, đi đâu lập “phòng nhì” ở đấy, vợ nào nó chịu nổi. Hai vợ chồng chia tay nhau rồi, đưa con thì gửi về ông bà ngoại nuôi. Mày đừng mơ màng hão huyền mà khổ cả đời đấy em ơi”.

“Tao nhìn thấy một thằng cha giống hắn lắm. Nhưng trông xơ xác. Da tái môi thâm cứ như con nghiện ấy…”.

Lạ kỳ, cứ mỗi khi có thông tin dù biết là thất thiệt, đồn đoán về anh thì đêm đó cô lại mơ. Cô mơ đám cưới anh và cô diễn ra. Không champagne chúc tụng. Không dằng dặc những đoàn xe đưa dâu. Đám cưới chỉ có hai người giữa thật nhiều lá. Những chiếc lá là một con mắt, lấp lánh ánh cười.
Cô mơ anh bị sốt rét giữa rừng. Không có chăn để đắp, chỉ có lá phủ kín người. Anh chạm bàn tay nóng giẫy vào người cô, thầm thì: “Anh thèm rúc vào tóc mình như lá thèm vạt cỏ mềm để đậu xuống. Thật đấy mà…”.

Có lần cô mơ thấy anh soạn sửa ba-lô cho một chuyến lên đường. Anh không nói gì với cô. Chỉ đôi mắt nhìn cô buồn vô hạn. Đừng im lặng như vậy chứ, anh hãy nói gì đi! Cô hối hả phủ lên anh những nụ hôn.
Thôi thì anh hãy cứ đi với những cung đường của mình, chỉ cần nhớ trở về đây, dù một năm chỉ được đôi chuyến viếng thăm ngắn ngủi cũng đủ khiến cô mãn nguyện. Vì cô biết anh còn cần đến cô. Và dù có chuyện gì xảy ra cô vẫn sẽ là bờ cỏ bình yên chờ chiếc lá là anh trở về.

Tám năm, bao nhiêu lần bão về, bao nhiêu lần nắng đổ, bao nhiêu mùa lá trút, bao nhiêu lần cô căng lại rèm cửa. Bao nhiêu bè bạn dập dìu trao nhẫn cưới. Bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra. Mùa của những đời người nối nhau hối hả. Nhưng với cô, phố không mùa. Căn phòng của cô cũng không có mùa. Chỉ có sự chờ đợi không bao giờ vơi cạn…

Đêm qua, trong giấc mơ, cô đã nghe thấy một điều bí mật được thốt ra.
“Mình là báu vật của anh. Mình đừng bỏ anh nhé”.

Mọi con đường rồi đều sẽ quay trở lại. Trái đất vốn hình tròn.
Cô chưa bao giờ nghi ngờ điều đó.

PHONG ĐIỆP
 

;
;
.
.
.
.
.