.

Lời thì thầm của ánh trăng

.

Chị gò lưng đạp xe trong gió chiều se sẽ. Đứa con gái lớn ngồi phía sau. Nó không khóc, cũng không nói gì. Lặng im, nhẫn nhịn như lâu nay nó vẫn thế. Chị đang chở nó về nơi gọi là nguồn cội. Lòng chị rối bời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúa hai bên đường đương thì con gái căng nõn, mỡ màng. Chị từng một thời như những cây lúa này. Khi ấy, biết bao gã trai trong vùng ước ao cái để mắt của chị. Có cả những gã trai bảnh bao, con nhà gia thế từ thị xã phóng những chiếc xe kềnh càng lên cái xóm chân núi nhà chị. Cuối cùng chả đi đến đâu. Không gã trai nào rước được chị đi. Chị lấy chồng xóm, ở xó núi này, như bà chị, như mẹ chị, như bao đàn bà, con gái xóm Muỗi.

Con bé chớm tuổi mười hai. Mái tóc đen dày, suôn mượt, chẳng còn nhận ra cái đầu rối bù bết bát, nắng cháy năm trước. Lớn lên chắc nó sẽ đẹp, như chị ngày nào. Nhưng rồi đời nó có phải chôn vùi tuổi xuân, chôn vùi cả cuộc đời nơi xó núi như chị không? Chuyến đi này rồi nó sẽ ra sao? Thân đàn bà, con gái xứ này chỉ như thân con muỗi, mà có khi chả bằng con muỗi.

Hôm qua, chị bị chồng đánh ba lần. Người đâu mà vũ phu. Chán đời, cứ nốc rượu vào là đánh vợ. Vợ chứ có phải cái bị bông, cái cục nợ đâu? Lấy nhau ngót hai chục năm, chồng chị đã quá nhiều thay đổi. Chàng trai hiền lành, vâm váp như khúc gỗ lim trên núi Thánh năm nào giờ là gã trung niên bủng beo, tính nết thay đổi hẳn. Nhiều lúc, trong làn nước mắt, chị tự hỏi mình có lầm lẫn không khi lấy anh ta? Chị không biết nữa. Trái tim chị không thể tự trả lời được. Chị nhìn lên đỉnh núi Thánh, trên ấy có ngôi đền rất lớn, chị cầu xin Đức Thánh cho chị câu trả lời, mà chưa bao giờ Đức Thánh đáp lại lời chị. Ngày trước, ngày rằm, mồng một là mẹ chị sắm đủ lễ lạt, quỳ hàng giờ trong ngôi đền ấy. Bà kêu xin Đức Thánh làm thế nào để bố chị không đánh bà nữa, làm cho thằng em trai của chị không lêu lổng với đám trẻ hư trong vùng. Biết bao lần mẹ chị mếu máo, mắt nhòa lệ trước Đức Thánh mà ngài có thấu cho. Đến khi rượu giết bố chị, thằng em chết vì ma túy thì mẹ chị không bao giờ đặt chân lên núi Thánh nữa. Đêm đêm, bà ngồi dưới trăng, miệng lầm rầm những điều gì đấy. Chị nhớ có lần bà bảo với chị: “Nếu đêm nào con rơi nước mắt, hãy nhìn trăng. Nước mắt sẽ được lau khô, lòng con sẽ dịu lại”. Hình như bà đã được thanh thản để đi về cõi khác sau một đêm thức trắng trông trăng. Nhìn gương mặt mẹ lúc ấy, chị nghĩ thế.

Thế là từ ấy, sau những cuộc cãi vã hay vừa mới ăn cái bạt tai của chồng hồi chiều, nhớ lời mẹ dặn, đêm xuống chị ngồi một mình trong góc vườn nhìn lên vầng trăng khi đầy khi khuyết. Chị hỏi trăng. Trăng im lặng. Nhưng chị cảm nhận được ánh trăng làm mọi vết thương trong chị lành lại. Những giọt nước mắt tủi hờn trên gương mặt đã lấm tấm tàn nhang của chị cũng được lau khô. Lòng chị chợt dịu lại, êm đềm tựa mặt hồ dưới chân núi. Chị đi vào trong nhà ngắm đàn con như lũ chó nhỏ rúc vào nhau ngủ vùi. Giường bên, chồng chị nằm dang tay dang chân, gương mặt hiền lành, thơ thới lồng trong bóng trăng. Chị thấy mình được sống lại những ngày ấu thơ êm đẹp. Chị ghé sát mặt chồng. Mùi rượu còn hăng nồng, nhưng chị đã quen bao năm nay rồi, không thấy ghê như dạo anh ta mới tập uống rượu nữa. Chị đặt tay thật khẽ lên ngực chồng, chị gặp lại nhịp tim của người đàn ông ngày mới cưới vợ. Thế là chị ngả lưng bên cạnh chồng, thiếp ngủ. Rất nhiều đêm chị đi lạc vào giấc mơ và trở lại buổi tối xưa cũ ấy. Đấy là buổi tối đầu tiên của hai người, chị và chồng chị bây giờ, hẹn hò sau mấy lần ánh mắt xoắn lấy nhau trên đường xóm. Nhưng những giấc mơ ấy rời bỏ chị lâu rồi. Và từ rất lâu chị không còn dám nhìn vào mặt chồng, kể cả khi anh ta đã ngủ.

Gió về tối mỗi lúc càng thêm mát. Lưng áo chị vẫn đẫm mồ hôi. “Nghỉ một tí, rồi con thay mẹ đạp xe!”. Từ lúc ngồi lên xe để chị chở đi, giờ con bé mới lên tiếng. Chị hơi giật mình bởi cái giọng bình thản của nó. Mà nó bao giờ chả thế, lúc vui, lúc buồn đều bình thản, ngay cả lúc bị đánh. Đôi khi sự nhẫn nhịn, bình thản của nó làm chị vừa thương, vừa bực. Như lúc này đây, giá nó khóc lóc, van xin có lẽ chị sẽ thấy thoải mái hơn và chị sẽ quyết định khác đi chăng.

Trong ánh chiều nhập nhoạng, con bé vẫn tỉ mẩn nhặt từng chiếc cỏ may găm vào ống quần chị. Công việc này nó đã làm từ rất lâu rồi, mỗi khi chị đi cắt cỏ hay đi làm đồng về. Chị muốn ôm con vào lòng, nhưng sợ rồi sẽ không buông được nó ra, không thực hiện được cái ý định khi vơ hết đống quần áo, bảo nó ôm lấy rồi ngồi lên xe.

Đây là lần thứ hai con bé bị chở ngược con dốc này. Tí nữa thôi, qua con dốc, đến ngôi nhà tơ hơ ven đường là chị với nó sẽ dứt tình mẹ con. Sẽ thực là như thế ư? Chị nghẹn lại khi ý nghĩ cộm lên trong lòng. Lần này nó có lần theo đường cũ để trở về với chị? Chắc là không. Chị biết con bé đã lớn hơn cái tuổi mười hai. Chị thấy chồng chị và cả chị nữa sao mà ác quá.

Hơn mười năm trước nó đã đến với gia đình chị. Khi ấy, trong ngôi nhà chị từ lâu tiếng cười đã tắt, chỉ còn hai cái bóng héo thắt ban ngày và những tiếng thở dài ban đêm. Gần mười năm chồng vợ, không biết bao là tiền chữa chạy mà họ vẫn chưa có được mụn con. Tối ấy, đi tìm chồng, chị đã vào ngôi nhà tơ hơ bên kia con dốc. Chủ ngôi nhà là một người đàn bà trẻ, chị đã nghe nói từ lâu. Trong nhà ba bốn đứa trẻ ngủ lăn lóc như bi trên hai chiếc giường gỗ keo. Rồi chả biết duyên nợ với nhau thế nào chị bế được con bé dăm tháng tuổi đang nhoẻn cười trong cơn mơ ra khỏi ngôi nhà. Chị bế con bé về nhà mẹ đẻ đặt nó vào tay mẹ chị, rồi lại đạp xe như bay từ nhà chị đến ngôi nhà ấy. Chỉ vàng duy nhất mẹ chị cho ngày cưới mà chị cố giữ gìn, giờ là lúc chị cần dùng đến. Chị dúi vào tay người đàn bà rồi cả xe với người lao vào mờ ảo sương trăng.

Hai năm sau chị sinh liền hai đứa. Năm thứ tư, đứa thứ ba, lại là gái. Nhưng đàn ông thì luôn tham lam. Có thể chị sẽ không được dừng lại nếu chưa nặn được mụn con trai. Chị sinh đến lần thứ năm vẫn là gái. Tám miệng ăn, có lúc trong nhà chả còn gì, chị phải lên núi tìm rau dại, củ rừng cho cả nhà qua bữa. Một buổi chiều chị trở về nhà, không thấy con bé lớn, hỏi con thứ hai nó bảo bố chở chị đi rồi, đi lên cái dốc kia kìa. Chị lồng lộn lên định bổ đi tìm con thì chồng chị về, quăng rầm cái xe ra góc sân. Một lúc sau, con bé vừa chạy vào sân vừa khóc, trên tay vẫn ôm khư khư bọc quần áo. Chị biết chồng chị đã mang con bé đi đâu. Cả đêm ấy, mấy mẹ con nằm ôm nhau, mặc kệ chồng chị lè nhè chửi.
Chồng chị cắt vườn bán, lấy tiền đi xuất khẩu lao động. Chị không thể cản. Mà chị cũng không muốn cản. Nhưng rồi chồng chị đi được nửa năm thì quay về. Mất hết cả chì lẫn chài. Thân tàn ma dại. Nhiều lần uống rượu anh ta định xách dao đi tìm kẻ lừa mình và những người đàn ông khác trong vùng. Nhưng bắc thang lên giời mà tìm. Những lời khuyên can của chị như thêm dầu vào lửa. Anh ta càng như phát điên.

Hai chiếc bánh xe như nặng ngàn cân. Những vòng xe khổ đau hay giải thoát cho cả chị và con bé? Chị không trả lời được. Chị chỉ cố đạp thật nhanh dưới ánh trăng đỏ cạch.

Chị dừng xe cách ngôi nhà một đoạn, bảo con bé ngồi đợi, rồi một mình tiến về phía ánh điện lờ nhờ. Cửa chính đã khóa trái phía trong. Chị ra phía cửa sổ. Qua khe hở hẹp, chị sựng người và quay gót lao đi như người đi lạc cố chạy thoát khỏi ngôi nhà ma ám.

Con bé vẫn lặng thinh ngồi sau xe chị. Chị biết, như chị, con bé đang nghĩ lung lắm. Xe chị đã trôi qua con dốc. Chị ngỡ ngàng trước con đường mà lúc chập tối chị vừa đi qua, nó đang trải ra mềm mại như một dải lụa dưới ánh trăng êm dịu. Ánh trăng đang hát, đang thì thầm như lời bà chị, mẹ chị những đêm thơ ấu xửa xưa. Chị thấy lòng mình như một cái giếng ăm ắp, mát lành. Những thân lúa như cũng thấu lòng chị, rì rào, tỏa thứ hương thanh khiết, vô ưu. Và gió tinh nghịch lùa vào da thịt chị. Tóc chị bị gió gỡ tung. Con bé ấp mặt vào hít hà những sợi tóc mây. Bỗng chị đưa tay lại phía sau, cù vào sườn con bé. Cả hai mẹ con cùng cười lanh lảnh. Tiếng cười như những viên pha lê va vào nhau, trôi mãi, trôi mãi trong lời thì thầm của ánh trăng huyền diệu.

NGUYỄN PHÚ

;
;
.
.
.
.
.