Là cán bộ phụ trách việc giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn quận Thanh Khê, chị Trần Thị Như Nguyệt đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sớm có điều kiện hòa nhập cuộc sống.
Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là vô cùng quan trọng, chị Nguyệt đã chủ động tham mưu triển khai khảo sát toàn bộ trẻ em trên địa bàn quận để có cơ sở phân loại, lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ, sau đó xây dựng kế hoạch cụ thể để kết nối, hỗ trợ tùy theo điều kiện, đặc điểm của từng em. Từ đó, kịp thời cung cấp danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khi vận động, kết nối với các nhà tài trợ và tham mưu thành lập mạng lưới cộng tác viên cơ sở với 182 người để làm cầu nối, kịp thời cập nhật thông tin của trẻ tại địa bàn dân cư.
Chị Trần Thị Như Nguyệt chia sẻ: “Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là việc làm của toàn xã hội, phải dựa vào việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, vì vậy ở đâu có điều kiện giúp đỡ cho trẻ em, bản thân tôi đều tranh thủ tiếp cận, đặt vấn đề và tham mưu lãnh đạo thực hiện đầy đủ các quy trình tiếp nhận tài trợ”. Kết quả, trong năm qua đã hỗ trợ cho 19.653 lượt trẻ em với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng vào những dịp Tết, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu, năm học mới, Tháng hành động vì trẻ em… bằng nhiều hình thức thiết thực như: tặng quà, trao học bổng, tặng xe đạp, hỗ trợ khó khăn đột xuất, mổ tim bẩm sinh… Cùng với các phường, lập danh sách cấp hơn 4.000 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Bên cạnh sự chăm sóc, hỗ trợ về vật chất, vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng được chị Nguyệt thường xuyên tham mưu các cấp lãnh đạo để triển khai thực hiện. Trong năm qua, chị Nguyệt đã đăng ký đề tài “Nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em tại quận Thanh Khê trong giai đoạn hiện nay qua việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền”. Bám sát đề tài, chị đã tổ chức được nhiều cuộc tư vấn tại cộng đồng và trường học cho phụ huynh cũng như học sinh; đồng thời tham mưu tổ chức 2 cuộc thi lớn là: Hội thi “Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” cho gần 400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tham gia; cuộc thi tìm hiểu “Pháp luật và kiến thức bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em” với sự tham gia của 10.237 trẻ em từ 9 đến 15 tuổi trên địa bàn quận Thanh Khê. “Đây là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, gia đình đối với con em mình; của thầy, cô giáo và bản thân các em về Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em và pháp luật về xử lý những vi phạm trẻ em”, chị Nguyệt tâm sự.
Là cán bộ phụ trách việc giúp đỡ hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn quận, đồng thời tham gia dự án “Mô hình phục hồi chức năng toàn diện và hỗ trợ kinh tế xã hội nhằm cải thiện cuộc sống của người khuyết tật”, trong thời gian qua, chị Nguyệt đã giới thiệu, kết nối các trường hợp người khuyết tật cần sự trợ giúp. Qua đó, chị đã vận động được từ nhà tài trợ hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ cho gần 200 người khuyết tật được hưởng lợi như: xây mới và sửa chữa công trình vệ sinh, sửa chữa nhà, bắc nước sạch; hỗ trợ phương tiện sinh kế như máy vắt sổ, tủ bán nước giải khát, tủ tạp hóa, xe nước mía, dụng cụ xay và bán sữa đậu nành… Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình người khuyết tật từ đặc biệt nghèo, hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, điển hình như hộ ông Nguyễn Đình Vũ Phong, hộ bà Vũ Thị Tuyết Nhung…
Mặc dù những việc làm của chị góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn quận nhưng chị Nguyệt lại cho rằng: “Những việc làm của tôi là bởi tất cả mọi người ai cũng mong muốn 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc để mỗi ngôi nhà, góc phố sẽ hạn chế đến mức thấp nhất và không còn những trẻ em bị ngược đãi, bạo hành, xâm hại”.
Đoàn Lương