Là cán bộ cơ sở cách mạng trước năm 1975, sau ngày giải phóng đất nước, ông Nguyễn Văn Hiển về công tác tại xã Hòa Minh (nay là phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Năm 1997, ông làm Phó trưởng Phòng Kinh tế quận. Từ năm 2002 đến nay, ngoài chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu, ông Hiển còn là Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận (NCT), Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam quận… Ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những năm trước, do chưa có chế độ chính sách cho cán bộ chuyên trách các hội nên ông Hiển phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Từ cuối năm 2012 đến nay, ông chỉ đảm trách công việc Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, phụ trách khối tham gia xây dựng chính quyền, vận động nhân dân thực hiện các nghĩa vụ hằng năm. Trong đó, ông dành rất nhiều thời gian cho việc vận động nhân dân tham gia công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư, an sinh xã hội.
Khi tham gia giám sát và phản biện xã hội về giải tỏa đền bù, tái định cư, theo ông Hiển, phải căn cứ vào những trường hợp cụ thể ở địa phương để giải quyết hợp tình, hợp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Như hộ của ông Tô Văn Bình (khu dân cư Trung Nghĩa, phường Hòa Minh) cơi nới, xây dựng thêm mấy mét vuông đất nhưng không có giấy phép xây dựng, bị người dân sống gần đó phản ứng. Sau nhiều lần giải quyết, đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung, cơ quan chức năng đã ra văn bản cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Bình. Ông Hiển đã đến tận nơi giám sát, tìm hiểu tình hình thực tế và thấy chưa đến mức cưỡng chế, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận kiến nghị với UBND quận không cưỡng chế mà hòa giải giữa các hộ dân.
Ông Hiển cho rằng, cưỡng chế chỉ là giải pháp sau cùng; phải biết mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân trong giải tỏa đền bù, tái định cư, đồng thời đấu tranh với những tiêu cực của người không chấp hành. Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời phản biện với cơ quan chức năng giải quyết bức xúc của dân cũng là một cách gần dân. Ngoài ra, ông Hiển còn thường xuyên tham gia ngăn cản những vụ xô xát gây thương tích, gây rối trật tự công cộng ở địa bàn dân cư đường Ngô Chân Lưu, Tô Hiệu, Tôn Đức Thắng…
Ông Hiển luôn phát huy những mặt tích cực, chỉ ra những hạn chế trong công tác Đảng, công tác chính quyền. Bởi lẽ, ông cho rằng, người đảng viên phải biết tự phê bình và phê bình trước thì mới góp ý được cho người khác. Việc phê bình và tự phê bình rất quan trọng, phải chính xác, không lợi dụng phê bình và tự phê bình để làm mất đoàn kết, uy tín của người khác. Ở địa phương, ông luôn đi đầu trong các phong trào; gia đình ông thường xuyên đạt gia đình văn hóa, gương ông bà mẫu mực.
Ngoài thời gian công tác, ông Hiển còn tăng gia sản xuất, đánh bắt cá gần bờ. Xưởng sản xuất nước đá của gia đình ông tuy không lớn nhưng cũng giải quyết việc làm cho một số lao động tại địa phương.
THU HÀ