.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Tâm huyết của một thầy giáo

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm học 2011-2012, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cụ thể hóa bằng các hoạt động dạy học của nhà trường, trong đó công tác phụ đạo học sinh yếu được nhà trường đặc biệt chú trọng. Với sự nhiệt tình, tâm huyết của mình, thầy Hồ Quang đã giúp đỡ các học sinh yếu của lớp phụ đạo môn Ngữ văn lớp 9 do mình phụ trách đạt những kết quả cao về số lượng lẫn chất lượng.

Nói về lớp phụ đạo của mình, thầy Quang cho biết: “Tôi nghĩ, để học sinh tham gia tốt việc học phụ đạo thì trước hết phải giúp các em vượt qua những khó khăn, trở ngại từ bản thân và gia đình, nhất là sự mặc cảm khi có tên trong danh sách học sinh đi học phụ đạo. Bởi lẽ nếu học bồi dưỡng học sinh giỏi là niềm tự hào của các em thì việc có tên đi học phụ đạo với các em lại là một gánh nặng”.

Hiểu được điều đó, khi nhận danh sách học sinh phụ đạo từ bộ phận chuyên môn của trường, việc đầu tiên là thầy Quang đi xin địa chỉ, số điện thoại của phụ huynh học sinh từ giáo viên chủ nhiệm và giáo vụ nhà trường. Nhờ đó, ngay trong buổi học đầu tiên, thầy đã trực tiếp gọi điện thoại cho phụ huynh những học sinh vắng mặt để trao đổi và đề nghị phụ huynh nhắc nhở con em mình đi học đúng giờ để giáo viên có thể giúp các em ôn bài. Đặc biệt, đối với những học sinh vẫn tiếp tục vắng mặt, thầy Quang gặp gỡ và trao đổi với các em ở trường hoặc đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt lý do vì sao các em chưa tham gia lớp học và sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện để các em được đến lớp.

Chia sẻ về phương pháp dạy học, thầy Quang cho biết: “Với lớp học đặc biệt này thì khái niệm “dạy - dỗ” cần được thể hiện rõ nét. Vì thế, ở lớp học, tôi đã tận tình chỉ bảo từng em, sửa cho các em những lỗi dù là nhỏ nhất, dần giúp các em lấy lại những kiến thức cơ bản để có những hứng thú hơn trong giờ học. Điều quan trọng hơn là tôi luôn tạo ra sự thân thiện, gần gũi để các em xem mình là một người thầy, vừa là gia sư, vừa là phụ huynh. Từ đó, các em có thể trình bày những tâm tư nguyện vọng mà các em gặp phải trong quá trình học tập bộ môn để kịp thời tháo gỡ”.

Mặt khác, trong quá trình giảng dạy, thầy Quang luôn chú ý đặt câu hỏi vừa sức với học sinh; động viên, khuyến khích các em kịp thời và gửi danh sách những học sinh tham gia tích cực, có nhiều tiến bộ cho giáo viên chủ nhiệm để tuyên dương trước lớp trong giờ sinh hoạt và nhờ giáo viên bộ môn khích lệ trong giờ trả bài khi các em được điểm cao. Ngoài ra, thông qua những học sinh tham gia tích cực lớp học, thầy động viên những em khác tiếp tục đến lớp. Đây là một biện pháp mang lại hiệu quả cao vì khi chính các em nói về những lợi ích, những niềm vui tham gia lớp học với bạn bè sẽ khách quan và thuyết phục hơn.

Với những nỗ lực của người thầy, các học sinh dần dần tiến bộ và đạt những kết quả khả quan. Trong 2 năm học qua, lớp phụ đạo học sinh yếu của thầy từ chỗ có 4-5 học sinh tham gia đã tăng lên 30 em. Thậm chí, có những học sinh không có tên trong danh sách học phụ đạo của trường từ đầu năm học cũng đăng ký theo học và số lượng học sinh phụ đạo của lớp thầy Quang phụ trách luôn dẫn đầu trong các khối lớp của trường. Cuối năm học 2011-2012, 100% học sinh ở lớp phụ đạo của thầy được xét công nhận tốt nghiệp THCS. Đặc biệt có một số em đã đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến và đỗ vào các trường công lập có đầu vào khá cao của thành phố.

Tuy đạt được những kết quả khả quan trên nhưng thầy Quang khiêm tốn cho rằng: “Những biện pháp mà tôi đã thực hiện không có gì mới mẻ và chưa thực sự sáng tạo. Kết quả đạt được là nhờ vào sự tâm huyết của bản thân với công việc. Bởi theo tôi, mọi biện pháp đều trở nên vô nghĩa, không hiệu quả nếu người thầy không thực hiện nó bằng cái tâm của mình”.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.