.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

“Chữa bệnh” cô đơn của người già

“Thanh niên Thạc Gián với người già neo đơn” là hoạt động vừa được các đoàn viên thanh niên phường thực hiện trong năm nay. Công việc của những bạn trẻ này là giúp mang cơm tình thương (của Hội Chữ thập đỏ phường) đến tận nhà các cụ neo đơn hoặc đang bị đau yếu không thể đi lại được.

Bên cạnh đó, mỗi tháng, bằng tiền nuôi heo đất, các bạn trao tặng cho hai cụ bị bệnh nặng 300.000 đồng. Đồng thời, vào mỗi ngày Chủ nhật xanh, các bạn cùng nhau đến nhà các cụ nấu cơm, trò chuyện để các cụ vơi đi cảm giác hiu quạnh.

“Những phần việc bé nhỏ này đã được duy trì đều đặn từ đầu năm đến nay và chắc chắn sẽ không “nổi” theo kiểu phong trào mà trở thành hoạt động thường xuyên của thanh niên”, anh Trịnh Quang Trúc Lâm - Phó Bí thư Đoàn phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) nói, rồi phóng xe vượt qua những con hẻm ngoằn ngoèo mang theo chiếc túi đựng đầy 9 hộp cơm, canh nóng hổi…

Nằm bất động trong căn nhà ngổn ngang giữa các thứ ve chai (nhà có phòng cho người buôn ve chai thuê trọ), vừa nghe tiếng thanh niên mang cơm miễn phí đến, cụ Nguyễn Thị Khương (trú H07/4/K54 Lý Thái Tổ) quay đầu tỏ vẻ vui mừng. Không thể tự vận động thân thể, nhưng cụ Khương còn tỉnh táo để nhớ những người bạn trẻ thi thoảng lại ghé nhà. Hôm nào cũng vậy, bà phải nằm đợi con trai đi làm về mới được ăn cơm. Riêng ngày có cơm miễn phí, hai mẹ con bà sẽ bớt lo tiền chạy bữa.

Tạm biệt bà Khương với lời chúc “Bà ăn ngon nghe!”, Lâm lại chở túi cơm qua vài khúc quanh trong con hẻm nhỏ xíu để đến nhà một cụ già mù mắt. Cụ Nguyễn Thị Hoa (92 tuổi) ngồi trong căn nhà nóng hầm, tối om, dẫu bên ngoài mặt trời đứng bóng chói gay gắt. Nhận cơm xong, cụ thỏ thẻ: “Cho bà mấy đồng nhai trầu”. “Một số cụ trí nhớ giảm sút nên gặp tụi mình hay lẩn thẩn xin tiền mua món này, món nọ, thấy thương lắm”, Lâm quay qua tôi giải thích.

Không lẻ loi như bà Khương, bà Hoa, ngôi nhà cụ Nguyễn Thị Liền (76 tuổi), Nguyễn Thị Hai (80 tuổi) ở trong con hẻm trên đường Phan Thanh dường như lúc nào cũng có chị có em nhưng vẫn lạnh tanh sự hiu quạnh. Không chồng, không con, hai bà sống cùng nhau nương tựa tuổi già. Hằng ngày, bà Liền đi bán cháo kiếm tiền chăm bà Hai đang nằm một chỗ. Lom khom lưng còng với chiếc chân phải đã biến dạng vì qua nhiều lần phẫu thuật, bà Liền từ dưới bếp bước lên nhà nhận cơm mà thút thít: “Mấy đứa cứ cho miết”. Bà Liền kể hai bà cũng có cháu gọi bằng dì, bằng cô nhưng mỗi người đều vất vả lo toan cuộc sống riêng, nên khi được các “cháu” ở Đoàn phường tới thăm thì bà xúc động không kiềm được. Nghe chuyện, bà Hai đang nằm im lìm trước đó cũng cố nhổm dậy và quẹt dòng nước mắt…

Buổi đưa cơm của Lâm kết thúc tại nhà cụ Nguyễn Huỳnh (đường Phạm Văn Nghị), một người từng là tổ trưởng dân phố lâu năm ở địa phương. Đang sum vầy bên ba đứa cháu nhỏ, vợ chồng cụ Huỳnh cười nheo cả mắt: “Tội mấy cháu đội nắng nôi tới nhà ông bà”. Đó cũng là nụ cười duy nhất sau biết bao hình ảnh lầm lũi, lặng lẽ và tủi phận tôi bắt gặp suốt buổi đưa cơm hôm ấy.

9 phần cơm phát xong, một cảm giác như là hụt hẫng bất chợt lấn cấn trong tôi. Bởi ngoài Thạc Gián, thì giờ này ở các địa phương khác trên địa bàn thành phố còn biết bao người già, neo đơn đang cần lắm sự chia sẻ tương tự như thế…

Cô đơn vốn là nỗi sợ lớn nhất của người già. Cô đơn trong nghèo khổ và bệnh tật càng là điều khủng khiếp. Tuy nhiên, để giảm bệnh cô đơn ở người già đôi khi lại giản đơn như một buổi ghé nhà với phần cơm nóng mà đoàn viên thanh niên Thạc Gián đã làm.

THU HOA

;
.
.
.
.
.