.

Giáo dục truyền thống yêu nước

.

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) và Đoàn Thanh niên phường Mân Thái (quận Sơn Trà) phối hợp giáo dục truyền thống bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.

CCB và tuổi trẻ Mân Thái trong một Chương trình Về nguồn.
CCB và tuổi trẻ Mân Thái trong một Chương trình Về nguồn.

Từ những điều cảm nhận

Tại Di tích Thành cổ Quảng Trị, các đoàn viên thanh niên phường Mân Thái cùng lặng đi trước những di vật, kỷ vật của một thời chiến tranh khốc liệt. Câu chuyện của Thượng tá Lương Hữu Khanh (Chi hội Mân Lập Đông 4) càng làm các bạn trẻ xúc động. Người CCB từng tham gia trận đánh tại Thành cổ năm xưa kể lại: Cuối tháng 6-1972, dưới làn bom đạn quân thù, đơn vị ông cùng nhiều đơn vị khác kiên cường chiến đấu giữ Thành cổ và vẫn liên tiếp vượt qua sông Thạch Hãn, chi viện cho Thành cổ...

Xem biểu tượng “Ngôi mộ chung” của hàng nghìn chiến sĩ đã hy sinh trong 81 ngày đêm máu lửa ở Quảng Trị (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972), rồi nhìn hàng đoàn người thả hoa tưởng niệm trên dòng sông Thạch Hãn, các bạn trẻ ai cũng rưng rưng lệ. Võ Thị Thanh Tâm (Chi đoàn Mân Lập Tây) xúc động tâm sự: “Từ lâu, em đã nghe hai câu thơ “Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, nhưng hôm nay đến đây, tận mắt nhìn thấy các di vật, kỷ vật và được nghe các nhân chứng lịch sử kể lại cuộc chiến đấu giữ Thành cổ, em mới hiểu sâu sắc hơn về sự hy sinh to lớn của bao thế hệ cha anh và càng thấy rõ trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc hôm nay”.

Hội CCB và Đoàn Thanh niên phường Mân Thái coi trọng phương pháp giáo dục truyền thống thông qua các cuộc hành quân về nguồn, đưa thanh niên đến tham quan các di tích lịch sử, các khu căn cứ cách mạng... để tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ bằng những điều tuổi trẻ tự cảm nhận.

Nói thanh niên nghe - nghe thanh niên nói

Ở phường Mân Thái, Hội CCB và Đoàn Thanh niên còn tổ chức các hoạt động tọa đàm, giao lưu, tuyên truyền nghệ thuật, đưa nội dung tuyên truyền đi vào lòng lớp trẻ một cách tự nhiên. Mới đây, đêm giao lưu “Nói thanh niên nghe - nghe thanh niên nói”, do hai đoàn thể phối hợp tổ chức, diễn ra sôi nổi, hấp dẫn và đạt hiệu quả thiết thực.

Hôm ấy, các CCB đã kể lại chiến thắng Điện Biên Phủ và một số chiến công tiêu biểu trên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng trong thời kỳ chống Mỹ. Chuyện kể của những nhân chứng lịch sử đã gây xúc động sâu sắc cho các tầng lớp thanh niên. Trong nghẹn ngào và cảm phục, nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi: “Cháu không hiểu sức mạnh từ đâu mà các bác kéo được những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt núi cao rừng thẳm lên Điện Biên Phủ, dưới sự bắn phá của máy bay Pháp?”. Đó là câu hỏi của đoàn viên Nguyễn Hữu Phước ở khu phố Tân Thuận.

Đại tá Đỗ Thanh Hùng, nguyên cán bộ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: “Thế hệ chúng tôi gia nhập Vệ quốc đoàn với lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, luôn hừng hực quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, giành lại non sông gấm vóc. Đó là nguồn sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách để làm nên bao kỳ tích kéo pháo ở Điện Biên Phủ và chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Đối với câu hỏi của đoàn viên Lê Thành ở  Chi đoàn Mân Lập Đông 1: “Tuổi trẻ bây giờ cần làm gì và làm như thế nào để có thể kế tục sự nghiệp vẻ vang của cha anh?”, thương binh Nhan Ngọc Duệ trả lời: Trước hết, tuổi trẻ phải ra sức học tập, phấn đấu, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, để có thể vươn lên trong nền kinh tế trí thức. Mặt khác, tuổi trẻ cần phải học hỏi, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, có sự nhìn nhận đúng đắn trước những biến chuyển của thời cuộc. Điều cốt lõi, các bạn trẻ phải có tinh thần cầu tiến, bền bỉ vượt khó làm giàu hợp pháp và tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước...

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM
 

;
.
.
.
.
.