Đến thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) dưới nắng tháng 8 chói chang, chúng tôi thấy nhiều người dân hào hứng tháo dỡ vật kiến trúc để hiến đất cho công trình mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ quốc lộ 1A chạy qua thôn đến giáp đường ĐT605.
Ông Ngô Văn Biên nét mặt rạng rỡ, đứng bên tường rào mới xây sau khi đã tháo dỡ vật kiến trúc và chặt hạ cây trồng để hiến hơn 60m2 đất. Theo ông Biên, mỗi người đóng góp một ít thì mới có con đường rộng rãi, đi lại thuận lợi hơn và làng xóm cũng sẽ phát triển hơn.
Từ năm 2007, các tuyến đường ở Hòa Châu đã hoàn thành bê-tông hóa và thâm nhập nhựa. Theo chuẩn nông thôn mới, các tuyến đường được mở rộng để có chiều ngang từ 5 mét trở lên, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, kể cả những người con Hòa Châu đang làm ăn, sinh sống ở xa. Điển hình, ông Nguyễn Văn Thanh (ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh) khi nghe tin con đường giữa làng mình được mở rộng đã gửi ủng hộ 30 triệu đồng. Còn ở thôn Quang Châu, bình quân mỗi hộ dân đóng góp 500.000 đồng để làm công trình điện chiếu sáng công cộng.
Xã Hòa Châu có 8 thôn, trong đó thôn Bàu Cầu và thôn Cẩm Nam thuộc diện quy hoạch mới 100%, có xe của Công ty Môi trường Đô thị đến thu gom rác 2 ngày/lần. Còn ở 6 thôn khác, theo chủ trương của lãnh đạo xã, tiến hành xây dựng các điểm thu gom rác với nguồn kinh phí vận động. Cụ thể, thôn Quang Châu xây dựng 2 điểm thu gom rác đều từ nguồn ủng hộ văn nghệ do xã Đoàn và chi đoàn thanh niên thôn tổ chức. Sau đó, nhân dân trong thôn họp chọn hai người làm nhân viên môi trường và thống nhất đóng góp tiền trả thù lao hằng tháng cho hai nhân viên này. Hai chị thay nhau đẩy thùng rác đi khắp thôn cho người dân bỏ rác và kéo về tập trung tại điểm thu gom rác để xe của Công ty Môi trường Đô thị đến chở đi.
Công trình chợ Hòa Châu được xây dựng tại thôn Bàu Cầu có tổng số 80 sạp, ki-ốt, đang thi công phần hoàn thiện. Kinh phí xây dựng chợ hơn 6 tỷ đồng, trong đó thành phố đầu tư một nửa, còn một nửa thực hiện theo phương châm xã hội hóa bằng cách vận động những người đăng ký buôn bán tại chợ đóng góp. Chủ trương này được nhân dân đồng tình hưởng ứng và hiện đã có hơn 100 hộ đăng ký tham gia. Theo kế hoạch, chợ Hòa Châu sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong đầu quý 4 năm 2013.
Cả 8 thôn ở Hòa Châu đã có nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, kiên cố, với kinh phí xây dựng mỗi nhà hơn 500 triệu đồng từ nguồn vốn của huyện và thành phố. Riêng tiền mua sắm các thiết bị như bàn ghế, bục gỗ, âm thanh, khẩu hiệu (từ 100-150 triệu đồng/nhà) đều do nhân dân ở từng thôn đóng góp.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Có dân mới có phong trào/ Mới san được núi, mới đào được sông”, mọi chủ trương của Đảng ủy, UBND xã Hòa Châu đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân và phục vụ đời sống nhân dân. Còn người dân nơi đây ngày ngày lao động hăng say, hối hả, như đang giục giã nhau khẩn trương tiến về đích nông thôn mới. Ông Phùng Kiệm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, cho biết cuối năm 2012, Hòa Châu đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng thống nhất phương châm: Vừa duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành, vừa tập trung phấn đấu thực hiện 2 tiêu chí cuối cùng: chợ nông thôn và môi trường. “Cán bộ và nhân dân toàn xã đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay”, ông Phùng Kiệm nói.
LÊ VĂN THƠM