Hơn 30 năm gắn bó với bục giảng và đến khi về hưu, cô vẫn tiếp tục sự nghiệp giáo dục theo cách của riêng mình. Tiết kiệm tiền để mua sách giáo khoa, tặng học bổng, dạy thêm, dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô là Nguyễn Bích Mận, nguyên giáo viên Trường THCS Cao Thắng (quận Sơn Trà), hiện là Ủy viên Ban Thường trực Hội Cựu giáo chức quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư Đa Mặn 11, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.
Nhắc đến cô Mận, bạn bè, đồng nghiệp nói cô là người nhiệt tình, hăng say công tác khuyến học. Còn với những đứa trẻ đang được đến trường dưới sự bảo trợ của cô thì cô Mận như bà tiên mang niềm hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh.
Do bản thân từng chịu dang dở ước mơ con chữ vì hoàn cảnh gia đình, cô Mận luôn trăn trở khi vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh và các em học sinh có thể bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Cũng vì lẽ đó, khi nghỉ hưu, cô Mận lại tiếp tục làm công tác khuyến học. “Khi tham gia vào công tác khuyến học, tôi mới có thể làm nốt những mong ước, những trăn trở mà khi đứng trên bục giảng tôi chưa thực hiện được, đó là gieo cái chữ trên mọi nẻo quê hương mình, chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo hiếu học”, cô Mận nói.
Học tập theo gương Bác Hồ, có thể tiết kiệm được gì thì cô Mận tiết kiệm để lấy kinh phí giúp đỡ học sinh nghèo ở khu vực và trên địa bàn phường. Tận dụng các thùng xốp, thùng nhựa, cô trồng rau mầm để bán và dùng cho gia đình. Từ số tiền tích góp đó, hằng năm cô dành 1 triệu đồng để hỗ trợ 5 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường TH Trần Quang Diệu. Cô và các thành viên của Ban Thường trực Hội Cựu giáo chức quận còn đóng góp bảo trợ học bổng dài hạn với mức hỗ trợ tăng từ 600.000 đồng lên 1 triệu đồng/năm cho con của hội viên có hoàn cảnh khó khăn của Hội. Hằng năm, cô đều trích từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho Hội Khuyến học phường hỗ trợ học bổng cho học sinh con hộ nghèo trên địa bàn.
Không chỉ tiết kiệm để hỗ trợ học bổng, tấm lòng vì học trò nghèo của cô Mận còn thể hiện ở cái tâm nhiệt tình, chỉ cần nghe ở đâu có học trò nghèo, đang gặp khó khăn thì cô lặn lội tìm đến để giúp đỡ. Trường hợp của em Nguyễn Anh Tuấn, học sinh Trường THCS Lê Lợi, là một ví dụ. Do chán nản vì bị ba Tuấn bỏ rơi, không nhìn nhận, mẹ Tuấn hoàn toàn không quan tâm đến Tuấn. Cô Mận tìm đến nhờ lãnh đạo Phòng GD-ĐT giúp đỡ và Tuấn được nhận vào học ở Trường THCS Lê Lợi. Từ sách vở, dụng cụ học tập, đến đồng phục, phương tiện đi lại, cô đều giúp cho Tuấn.
Thấy cô Mận tất bật ngược xuôi với công tác khuyến học, bạn bè thắc mắc sao nghỉ hưu rồi không nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, cô cười và nói “Cho cũng là nhận mà”.
Cô Mận vẫn luôn tâm niệm: “Còn sức còn làm”. Để tạo điều kiện giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, cô nhận dạy thêm, phụ đạo miễn phí tại nhà, mỗi lớp từ 5 - 7 em. “Niềm vui lớn nhất của một nhà giáo là được nhìn thấy các em trưởng thành từng ngày, được thấy các em thành đạt, trở thành người có ích cho xã hội, cho quê hương”, cô Mận chia sẻ.
Cô Mận cũng cho biết, ngoài số tiền đóng góp cho khuyến học, cô và một số người bạn dự kiến đóng góp mỗi người 1 triệu để mua bò giống tặng cho những hộ nghèo trên địa bàn phường. Cô Mận nói: “Giúp cần câu hơn cho con cá, trao phương tiện sinh kế sẽ tạo động lực cho các hộ phấn đấu, tránh tư tưởng lệ thuộc, ỷ lại, từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tạo điều kiện cho con em tới trường”.
CAO NGUYÊN