.

Không để cái nghèo đeo bám

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Diệt, khu vực Nại Hưng 3 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), trong căn nhà cấp 4 nhưng rất gọn gàng. Trên những bức tường, treo kín giấy khen do các cấp, các ngành tặng cho anh. Anh tự hào cho biết, đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn của cuộc sống để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1987 anh Bùi Văn Diệt trở về địa phương rồi lập gia đình với hai bàn tay trắng. Anh nhớ lại, lúc đó bố mẹ anh rất nghèo, cuộc sống của anh cơ cực. Là bộ đội xuất ngũ, anh được chính quyền địa phương ưu tiên cấp cho một lô đất, nhưng lại không có tiền để làm nhà; anh đành dựng tạm những tấm tôn cũ để che nắng, tránh mưa. Có chỗ chui ra, chui vào, anh bắt đầu bám biển mưu sinh, nhưng càng đi biển, gia đình anh càng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, khó khăn vẫn hoàn khó khăn.

Không để cái nghèo đeo bám, anh tìm đến mưu sinh ở cảng cá Thọ Quang, vừa lao động kiếm tiền để sống, vừa học tập, tìm cho mình hướng làm ăn mới. Sau 7 năm làm thuê nơi cảng cá, đắng cay, cực khổ cũng nhiều nhưng bù lại, chính nơi đây đã cho anh lối thoát.

Với những kinh nghiệm và số vốn có được sau 7 năm làm thuê tại cảng cá, đồng thời được Hội Cựu chiến binh (CCB) phường cho vay hỗ trợ 7 triệu đồng, anh Diệt xin đăng ký mặt bằng tại cảng cá Thọ Quang để thu mua và cung cấp tôm cho thị trường Đà Nẵng. Với phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ và những tháng ngày được rèn luyện ở môi trường quân ngũ, anh Diệt đã không ngại khó, ngại khổ, không đầu hàng trước cái nghèo… Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, công việc kinh doanh của anh đi vào ổn định và phát triển rất thuận lợi.

Sau nhiều năm kinh doanh, gia đình anh Bùi Văn Diệt không chỉ thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu. Vợ chồng anh còn tiếp nhận và giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 công nhân là con của hội viên Hội CCB, Hội Nông dân nghèo với mức thu nhập ổn định từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Anh còn hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho hội viên Hội CCB nghèo trong khu vực sửa chữa ngư lưới cụ để làm ăn và giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, vào những ngày lễ, Tết, anh còn mua quà để cùng bà con ở khu dân cư đến thắp hương các gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng tại nơi mình sinh sống. Theo anh, đây là việc làm nhỏ nhưng đã góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” cho thế hệ trẻ.

Khi kinh tế gia đình ổn định, anh Diệt tích cực tham gia vào các hoạt động tại địa phương. Trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội CCB Nại Hưng 3A (Hội CCB phường Nại Hiên Đông), anh đã phối hợp với chi hội Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận triển khai thực hiện tốt các phong trào, như: giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị… đem lại sự bình yên và hạnh phúc cho bà con trong khu vực.

Nói về anh Diệt, ông Nguyễn Trung Tranh, Chủ tịch Hội CCB phường Nại Hiên Đông cho biết: “Anh Bùi Văn Diệt là một CCB tiêu biểu ở địa phương, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Với phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, nhiều năm qua, anh đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, chung tay giúp đỡ các hộ nghèo; xây dựng tốt các phong trào tại địa phương. Những việc làm đó đã góp phần giúp địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.