.

Tiết kiệm giúp nhau vượt khó

Học theo gương Bác về tiết kiệm, giúp nhau vượt khó, phụ nữ thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã hưởng ứng nhiệt tình phong trào tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Trước đây, gia đình chị Lê Thị Xí, ở tổ 1 thuộc diện hộ nghèo của xã Hòa Châu. Là phụ nữ đơn thân, nuôi hai con nhỏ ăn học, do không có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình chị vô cùng khó khăn. Với tinh thần tương thân tương ái, chị em phụ nữ thôn Phong Nam đã đến thăm hỏi, động viên và tìm hiểu nguyện vọng chính đáng của chị. Sau đó, chi hội đề xuất để gia đình chị Xí được hỗ trợ vay vốn làm ăn. Bước đầu, chị vay 7 triệu đồng để sửa chữa chuồng và mua lợn giống. Sau thời gian nuôi, chị Xí thấy hiệu quả và đã tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để mở rộng diện tích chăn nuôi. Ngoài việc đề xuất hỗ trợ vốn vay cho gia đình chị Xí, Chi hội Phụ nữ thôn Phong Nam cũng đã giúp đỡ ngày công lao động, hỗ trợ sách vở để con chị Xí đến trường. Nhờ đó, đến năm 2011, gia đình chị Xí đã thoát nghèo. Hiện nay, đứa con lớn của chị đã tốt nghiệp THPT và được giới thiệu vào Khu công nghiệp Hòa Cầm để làm việc; đứa con nhỏ của chị vào lớp 11. Tâm sự với chúng tôi, chị Xí cho biết: “Nếu không có sự động viên giúp đỡ bằng tinh thần và hỗ trợ vật chất của Chi hội Phụ nữ thôn Phong Nam thì gia đình tôi không biết khi mô mới thoát nghèo; các con của tôi chắc cũng không được học hành tử tế như ngày hôm nay”.

Giống như gia đình chị Xí, gia đình chị Lê Thị Vân (tổ 8) và gia đình chị Ngô Thị Liễu (tổ 10) nếu không có sự giúp đỡ của chi hội thì cái nghèo mãi đeo bám. Chị Ngô Thị Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phong Nam cho biết, trước sự khó khăn của các gia đình phụ nữ, chi hội đã đi vận động và giới thiệu cho các chị vào làm việc tại cơ sở phân loại vải vụn của chị Ngô Thị Hồng (tổ 8) cùng thôn. Nhờ có việc làm ổn định, mức thu nhập từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng, cộng với việc chăn nuôi tại nhà đã giúp các chị ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, cơ sở phân loại vải vụn của chị Hồng đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động là phụ nữ nghèo tại địa phương.

Bên cạnh việc tìm hiểu nguyện vọng, chia sẻ tâm tư, từ đó giới thiệu vay vốn và tìm việc làm cho các hội viên phụ nữ nghèo, Chi hội Phụ nữ thôn Phong Nam còn lồng ghép việc tiết kiệm với các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Qua đó, đã đóng góp hơn 5 triệu đồng xây dựng “Quỹ an sinh phụ nữ” tại địa phương.  Ngoài ra, chi hội gắn việc thực hành tiết kiệm để hỗ trợ phụ nữ thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, bằng hình thức xây dựng 10 tổ góp vốn quay vòng, với 150 hội viên tham gia, mỗi tháng có 10 chị được nhận số tiền 2 triệu đồng/người, nhằm giúp các chị em tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Chị Ngô Thị Ngọc cho biết thêm: “Phong trào này đã và đang góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết trong chị em, giúp chúng tôi triển khai thực hiện tốt các hoạt động của chi hội”.

Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 vừa qua, chi hội đã tiếp tục vận động và xây dựng thêm các mô hình thực hành tiết kiệm, như: “Làm mới sách giáo khoa cũ”, “Nuôi heo vàng”, “Đồng hành cùng phụ nữ nghèo”, “Quỹ chắp cánh ước mơ”… với nhiều hình thức vận động, như: tổ chức văn nghệ, vận động đóng góp từ chị em hội viên, từ các tổ chức và cá nhân. Qua đó, đã tặng 120 suất quà (với tổng số tiền gần 50 triệu đồng) cho phụ nữ nghèo, trẻ em khuyết tật. Đặc biệt, chi hội đã giúp cho chị Trần Thị Cẩm tại địa phương bị bệnh ung thư với số tiền 7 triệu đồng; tặng 12 bộ sách giáo khoa cho 12 học sinh của hộ nghèo. Từ các hoạt động nói trên chi hội đã đóng góp tích cực vào việc giảm nghèo tại địa phương.

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.